Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Trái Đất sắp hết chỗ cho con người ở?


Others

Dân số quá tải, biến đổi khí hậu, làn sóng di cư… quan hệ của chúng ta với mặt đất chưa bao giờ phức tạp đến thế. Liệu Trái Đất có phải nguồn tài nguyên ngày càng quý giá và không được đánh giá đúng mức không?
Từ trên cao, người ta cảm thấy như cả thành phố đang trôi dạt trên Ấn Độ Dương. Một cánh rừng đầy những tòa tháp vươn cao giữa màu nước biển xanh ngọc, trong khi đó chỉ một nhúm cây chen chúc qua bức màn bê tông.
Với những người sống ở Malé, thủ đô đông đúc của Maldives, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây nhà lên theo chiều cao.
Vây quanh nơi này là biển khơi, người dân không có thêm đất để mở rộng, trong khi đó dân số thành phố đã tăng thêm 52% từ năm 2006. Cuộc điều tra dân số gần nhất vào năm 2014 cho thấy 158.000 người đang nhồi nhét sống ở thành phố chỉ rộng 5,7km2 này, và các quan chức nói dân số vẫn tiếp tục tăng thêm.
“Khi nghĩ về Maldives, người ta thường nghĩ về một thiên đường đẹp với những vụng nước trong biếc và bãi cát trắng,” Shamau Shareef, người vừa trúng cử chức phó thị trưởng thành phố cho biết. “Malé lại rất khác. Chúng tôi có không gian rất hạn chế và cuộc sống rất khó khăn.”
Không gian là thứ xa xỉ ở Male đến mức vỉa hè thường chỉ rộng chưa tới 0,9m, buộc người đi bộ phải đi hàng một, trong khi rất nhiều con đường khác không hề có vỉa hè.
Giá thuê nhà tăng cắt cổ và, ở một số khu vực nghèo nhất, thậm chí có khi đến 40 người chen chúc nhau sống trong những ngôi nhà chỉ chừng 23,2m2, tương đương một căn hộ studio nhỏ.
Với quá nhiều người sống chen chúc cạnh nhau, tội phạm, ma túy và bạo hành gia đình đã gia tăng đáng báo động khi thành phố này thường xuyên mất nước. Một hòn đảo hoàn toàn mới làm từ rác thải thành phố đã trồi lên mặt biển.
Tuomas Lehtinen / Alamy Stock Photo
Malé, thủ đô của Maldives, là một đô thị trên hòn đảo nhỏ ngày càng trở nên đông đúc và chật chội
“Vào đầu thập niên 1990, những tòa nhà cao nhất trong thành phố chỉ có hai tầng lầu,” Shareef nói. “Giờ đây chiều cao trung bình là tám tầng và một số tòa nhà cao đến 25 tầng. Mọi người đến đây bởi nơi này có chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm, nhưng quá tải dân số đang dẫn tới nhiều vấn đề kinh tế xã hội.”
Dù ngặt nghèo như vậy, nhưng Male chỉ là một tiểu cảnh so với những gì đang xảy ra ở quy mô lớn hơn rất nhiều trên toàn thế giới. Cứ mỗi năm lại có thêm 83 triệu người sinh ra trên hành tinh này, dân số tăng cao đang gia tăng áp lực lên vấn đề đất đai.

Trái Đất đang thiếu đất?

Ước tính gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc cho thấy có 7,6 tỷ người đang chen chúc nhau sống trên Trái Đất và con số đó sẽ tiếp tục tăng đến 9,8 tỷ người vào năm 2050. Vào cuối thế kỷ, họ dự đoán sẽ có khoảng 11,2 tỷ người trên hành tinh của chúng ta.
Mỗi người trong số đó đều cần một nơi để sống, một chỗ đi làm, một mảnh đất màu mỡ trồng lương thực cho họ. Họ cũng sẽ cần nước và năng lượng để giữ ấm hoặc thắp sáng đường về nhà.Họ sẽ muốn có đường lái xe và nơi đậu xe. Với người may mắn, họ sẽ có thêm không gian cho hoạt động nghỉ ngơi và thư giãn.
Nhưng với tất cả loài người, những tác động mà họ gây ra với đất – và những ảnh hưởng mà họ có thể kiểm soát – sẽ là một trong những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ tới.

Thiếu nơi ở, thừa đất hoang

Đầu tiên, người ta có thể dễ dàng gạt bỏ ý nghĩ con người sẽ hết không gian ở và cho rằng đó là chuyện ngớ ngẩn. Về mặt vật lý, mặt đất có thể dễ dàng chứa khoảng 11 tỷ người – có khoảng 13,4 tỷ hectares đất không có băng trên hành tinh này.
Getty Images
Malé đã phải tạo ra đảo nhân tạo từ đống rác thải khổng lồ bởi rác đe dọa chiếm chỗ chiếm đất của thành phố
Nhưng nhiều vùng đất tới giờ hầu như không thể định cư vì điều kiện khí hậu và vị trí xa xôi như: khu vực đất đai rộng lớn ở Siberia quá khắc nghiệt để sống. Và một vùng rộng lớn ở Australia quá khô hạn để nhiều người sống được, nghĩa là đa số dân cư nước này phải chen chúc dọc khu vực bờ biển.
Trong khi đó, những khu vực thành phố và các đô thị như tại Malé không thể tiếp tục phát triển vĩnh viễn. Họ bị ràng buộc bởi điều kiện tự nhiên vây quanh, dù là đại dương hay núi cao. Những vùng đất có thể sinh sống được giờ đang đối mặt với nhiều thách thức, như đô thị quá đông đúc và dân số tăng cao.
“Nếu bạn có quá nhiều người, rõ ràng là nhu cầu sử dụng tài nguyên và thực phẩm sẽ tăng cao hơn rất nhiều,” John Wilmoth, giám đốc của Ban Dân số Liên Hiệp Quốc cho biết. “Nhưng người ta vẫn đặt nhầm chỗ sự quan tâm khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách kiểm soát dân số hoặc giới hạn dân số.”
Các chuyên gia cho biết việc chỉ tập trung vào số lượng dân cư hay xem xét liệu có đủ chỗ trên hành tinh cho tất cả mọi người là cách nhìn lầm lạc.
“Những quốc gia có dân số tăng nhanh nhất thực ra lại là nơi sử dụng ít tài nguyên của Trái Đất nhất tính theo đầu người,” Johnathan Foley nói. Ông là giám đốc điều hành Học viện Khoa học California, người đã dành cả sự nghiệp nghiên cứu tác động của văn minh con người đối với môi trường. “Những người trong thế giới giàu có và phát triển đã tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn rất nhiều so với phần trung bình của con người.”
Những thành phố và thị trấn mà con người đang sống chỉ chiếm chưa tới 3% tổng diện tích Trái Đất, nhưng có khoảng 30%-45% đất được sử dụng cho nông nghiệp. Khi dân số tăng, nhiều lo sợ dấy lên là người ta sẽ cần nhiều đất hơn để trồng lương thực. Và việc quản lý đất đai sẽ phải xử lý rất nhiều chuyện quản lý tài nguyên – ta ăn gì, ta trồng loại lương thực đó ra sao, và ta ăn chúng thế nào.
Riccardo Croci Torti / Alamy Stock Photo
Có rất nhiều vùng đất trên hành tinh của chúng ta không thích hợp để sinh sống hay làm nông nghiệp
Để có thể nuôi sống lượng dân số đang tăng nhanh, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Stanford ước tính phải cần thêm 2,7 – 4,9 triệu hectares đất. Trên hành tinh này, còn khoảng 445 triệu hectares đất có thể trồng trọt được.
Các nhà nghiên cứu dự đoán nhu cầu tăng cao về thực phẩm, nhiên liệu sinh học, ngành trồng rừng công nghiệp và sự gia tăng của đô thị sẽ dẫn đến tình trạng quỹ đất bị cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2050.
Vì thế trong thế kỷ 21, làm sao có thể quản lý đất đai không chỉ để có đủ chỗ cho tất cả mọi người sinh ra thêm, mà còn đủ chỗ cho tất cả các cánh đồng lương thực sẽ nuôi sống chừng đó con người?

Dành không gian cho nông trại

Tin xấu là gì? Nhu cầu xây dựng các cánh đồng mới và nông trại cho gia súc được cho là chiếm 80% nguyên nhân phá rừng để lấy đất trồng nông nghiệp trên khắp thế giới, quét sạch những vùng đa dạng sinh học rộng lớn và cây cối vốn đóng vai trò là màng lọc tự nhiên làm sạch khí hiệu ứng nhà kính.
Thế còn tin tốt là gì? Theo Foley thì không nhất thiết phải làm theo cách đó.
“Cách chúng ta sử dụng đất ngày nay cực kỳ thiếu hiệu quả,” ông nói. “Có quá nhiều đất đai đang được sử dụng để trồng thức ăn cho gia súc – 75% đất nông nghiệp thế giới được dùng để nuôi những gia súc mà chúng ta sẽ ăn thịt. Khoảng 40% lương thực trồng được trên thế giới chưa bao giờ đến được với người ăn – chúng bị vứt bỏ. Điều đó có nghĩa tất cả đất đai trồng số lương thực đó đang bị lãng phí.”
Vì thế, một giải pháp hiệu quả: đó là hãy ăn ít thịt hơn và giảm bớt việc vứt bỏ thức ăn đi.
Getty Images
Rất nhiều nơi đất đường dùng cho nông nghiệp nhưng nông sản thu về lại bị bỏ lãng phí – 40% nông sản trên thế giới bị vứt bỏ, gây lãng phí đất đai và các nguồn lực
Thực ra, “đã có nhiều tiến triển,” Foley cho biết. “Trung Quốc đã bắt đầu nói về việc giảm tiêu thụ thịt và có nỗ lực giảm hao phí thực phẩm ở Châu Âu và Hoa Kỳ.” Kiềm chế thói quen tiêu thụ có thể dẫn đến khả năng giảm việc sử dụng đất cho mục đích nông nghiệp.
Tuy nhiên, ở những nơi giàu có trên thế giới, sự tiêu thụ của con người còn vượt xa hơn nhu cầu ăn uống.

Không gian cho tầng lớp trung lưu mới nổi

Sự thịnh vượng ngày càng tăng ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, cùng với các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, đã dẫn tới tầng lớp trung lưu toàn cầu tăng rất nhanh. Đó là nhóm dân cư sẽ chiếm khoảng 4,9 tỷ người trên thế giới vào năm 2030.
Mỗi người trong số đó có thể mua thêm tủ lạnh,điện thoại di động, TV, máy tính và xe hơi, nhu cầu về năng lượng sẽ có thể gấp đôi trong hai thập niên tới.
Và ở những nơi như Malé, thủ đô bé xíu với dân số bùng nổ, đó là một thách thức khổng lồ mà họ phải đối mặt.
“Chúng ta cần phải lo lắng ít hơn về việc liệu có đủ lương thực hoặc có đủ năng lượng hay không và nhìn vào hậu quả của việc tiêu thụ,” John Wilmoth từ Liên Hiệp Quốc đặt vấn đề. “Nếu chúng ta có tiến bộ trong mức sống toàn thế giới xảy ra đồng thời khi dân số tăng lên, chúng sẽ nhân lên những tác động lớn với Trái Đất và môi trường.”
Trong nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cách thế giới đáp ứng những nhu cầu này sẽ có thể thay đổi rất nhiều số lượng đất đai chúng ta còn lại.
Và đó là vấn đề của những bờ biển có mật độ tập trung dân số cao trên Trái Đất.

Nước biển dâng cao

Trong lịch sử, thương mại đã kích thích sự phát triển của tầng lớp trung lưu và sự thịnh vượng ở các khu vực bờ biển. Điều này khiến nhiều thành phố trở thành nơi đông đúc nhất trên hành tinh chúng ta.
Một nghiên cứu từ Đại học Kiel ở Đức và Trung tâm Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu Tyndall ở Anh Quốc đã ứng tính có khoảng 625 triệu người đang sống ở các vùng thấp gần bờ biển vào năm 2000. Vào năm 2060, con số này sẽ tăng nhanh đến hơn một tỷ người.
Getty Images
Mực nước biển dâng nhanh do tình trạng thay đổi khí hậu đang gây ra tình trạng ngập lụt tại các thành phố duyên hải đông dân, như Miam hay Florida, và đang dần gặm nhấm vào vùng đất ven biển
Nhưng cùng với biến đổi khí hậu, mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều.
“Bờ biển là không gian bị hạn chế vì thế có rất nhiều áp lực lên môi trường và hệ sinh thái ở đó,” Barbara Neumann, một chuyên gia về nguy cơ bờ biển và nước biển dâng tại Đại học Kiel, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.
“Chẳng hạn, các đụn cát giống như thành lũy chống ngập tự nhiên. Nếu loại bỏ chúng, ta sẽ loại bỏ rất nhiều rào cản bảo vệ chống bão bờ biển và nước biển dâng.”
Nước biển dâng vì biến đổi khí hậu có vẻ đã gia tăng thêm áp lực với những khu vực gần bờ biển chật ních người, bà cảnh báo. Các đảo quốc như Maldives đặc biệt dễ mất đất vì vấn đề này. Miami ở Florida là một ví dụ nổi tiếng khác.
“Malé chỉ cao hơn mực nước biển hai mét,” Shareef giải thích. “Chúng tôi từng có nước biển tràn bờ khi có gió mùa mỗi năm nhưng biến đổi khí hậu đang làm tình hình trở nên tệ hơn.”
Xa hơn vấn đề bờ biển, dân số tăng nhanh khắp nơi cũng khiến nơi này trở nên bất an hơn trong tương lai.
Ở Bangladesh, nơi 80% quốc gia là đồng bằng ngập nước, hàng chục triệu người bị tác động bởi lũ lớn xảy ra mỗi năm. Bỗng nhiên, đất bỗng trở thành một thứ cao cấp.
Thậm chí ở các quốc gia phát triển như Anh Quốc, áp lực nhà cửa đã dẫn đến sự phát triển ở quy mô lớn tại những khu vực thường ngập lụt. Trong thập niên vừa qua, ngập lụt ở những khu vực này đã gây ra thiệt hại lên đến hàng tỷ bảng Anh.
“Chúng ta cần cân bằng phát triển dân số và phát triển với bảo tồn hệ thống tự nhiên đang bảo vệ ta,” Neumann cho biết. Ví dụ như Hà Lan, vốn thấp hơn mực nước biển, đã giải quyết vấn đề ngập lụt bằng cách dẫn nước vào một số khu vực. Đó là cách tiếp cận mà một số quốc gia khác như Anh Quốc, nói rằng họ cố gắng sẽ học theo.
Getty Images
Người tị nạn di chuyển ồ ạt để trốn chạy các thay đổi khí hậu khắc nghiệt, các biến động chính trị và các khó khăn khác dồn vào càng làm căng thẳng cho các khu vực vốn đã rất đông đúc
Nhưng trạng thái thời tiết hỗn loạn và thay đổi liên tục không chỉ tác động đến vùng đất trên thành phố của chúng ta. Nó có thể ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.

Biến đổi khí hậu dẫn đến di dân

Khoảng 21,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì những thảm họa thời tiết mỗi năm.
“Hạn hán ở miền bắc Syria dẫn đến làn sóng di dân khổng lồ của người dân từ các khu vực nông thôn đến những thành phố lớn như Aleppo và trở thành một trong những điểm bùng phát cho xung đột khủng khiếp mà ta thấy hiện thời,” Lloyd Axworthy, chủ tịch Hội đồng Người tị nạn Thế giới và cựu ngoại trưởng Canada, cho biết. Với tình trạng biến đổi khí hậu và khả năng xảy ra hạn hán, lũ lụt và bão tố, Axworthy cảnh báo vấn đề có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Theo Ủy ban về Người Tị nạn của Liên Hiệp Quốc, 65,6 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và bạo lực trong năm 2016, con số cao gấp khoảng 300.000 ngàn lần so với thời điểm đỉnh cao của Đệ Nhị Thế Chiến.
“Điều này không chỉ xảy ra một lần,”Axworthy cảnh báo. “Có rất nhiều khu vực đất đai rộng lớn ngày càng mất đi những yếu tố cơ bản cho sự sống. Nhiều chính phủ quá tệ hại đến mức họ không biết phải làm gì. Điều này có nghĩa là những quốc gia khác phải chia sẻ và hỗ trợ một lượng dân cư lớn mất khả năng sinh kế và sống còn.”
Điều này nghĩa là giờ đây ngày càng có thêm nhiều thách thức phải tìm kiếm không gian cho người mất nhà cửa vì chiến tranh, nạn đói và hạn hán. Với những người mất nhà cửa năm ngoái, 22,5 triệu người xin tị nạn khắp các khu vực biên giới quốc tế. Tìm nhà mới cho lượng dân cư lớn như vậy thực sự khó khăn – chỉ có 189.300 người được nhận vào tái định cư ở quốc gia khác trong năm 2016. Đa số vẫn phải sống ở những khu trại lớn và sinh sống như những cư dân không tổ quốc, tất cả họ đều cần thực phẩm, nước uống và nơi trú thân.
Không có đất để tạo sinh kế cuộc sống, họ phải dựa vào người khác giúp đỡ. Một loạt các vấn đề như chiến tranh, nạn đói, hạn hán làm phức tạp thêm và khiến các quốc gia như Hy Lạp và Uganda không biết phải làm gì với đất đai của họ, khi làn sóng dân nhập cư từ Syria và Nam Sudan khiến nguồn tài nguyên tự nhiên nơi này càng bị áp lực.

“Vấn đề không phân biệt biên giới”

Quay trở lại Malé và rất nhiều nơi khác trên thế giới, có rất nhiều lý do khó chịu khác ngoài xung đột và thiếu nước khiến cho đất đai ngày càng chật chội.
Khả năng tiếp cận cơ sở vật chất như y tế, giáo dục và việc làm từ lâu đã lôi cuốn dân nông thôn về thành thị. Hơn một nửa dân số thế giới giờ đây sống ở đô thị. Cũng như ở Male, điều này gâp áp lực khổng lồ lên những mảnh đất bé xíu.
Cuộc sống đô thị cần phải được lên kế hoạch chặt chẽ, trong khi rất nhiều nơi trên thế giới sống khá thoải mái với nguồn nước chảy, vệ sinh và hệ thống thoát thải, thì nhiều thành phố ở các quốc gia đang phát triển lại ngập ngụa trong những khu ổ chuột nơi chẳng có hệ thống cơ sở vật chất nào cả.
Châu Phi và Châu Á đang đô thị hóa nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Vào năm 2020, Châu Phi dược dự đoán sẽ trở thành lục địa đông dân thứ hai trên hành tinh này, với 560 triệu người ở thành phố lớn, trong khi Châu Á sẽ có 2,4 tỷ người. Chưa hết, theo OECD, cơ sở vật chất đô thị ở Châu Phi không thể theo kịp và tình trạng quá tải sẽ tiếp diễn.
“Thách thức không phải là có đủ không gian hay không, mà là chúng ta không hề nghĩ mọi người sẽ ở đâu và chất lượng sống của họ thế nào,” Joel Cohen, lãnh đạo Phòng thí nghị Dân số tại Đại học Rockerfeller và Đại học Columbia cho biết. “Tăng trưởng dân số xảy ra nhanh nhất ở các quốc gia nghèo nhất, nơi đã có rất nhiều khu ổ chuột. Người ta ước tính sẽ có thêm khoảng một tỷ người sống ở các khu ổ chuột vào cuối thế kỷ này.”
Nói cách khác, mỗi nơi đều có thử thách riêng.
Trong tình trạng chật chội ở Malé, nơi Maldives nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, thiên nhiên hầu như đã bị bóp nghẹt ở thành phố thủ đô này. Nhưng trên hết, là những vấn đề khác mà ta đã đề cập, yếu tố thân thiện với môi trường chưa hề được nghĩ đến.
“Hai mươi năm trước chúng tôi vẫn còn rất nhiều cây ở đây,” phó thị trưởng Shareef nói. “Giờ đây cây hầu như đã bị chặt hết để lấy chỗ xây nhà.”
Và còn nhiều hơn thế. Có lẽ sự đầy rẫy của đất đai trên hành tinh này,cũng như chức năg cơ bản cuả nó là nền tảng cơ bản cho sự sinh tồn, chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề.
Hành tinh này tất nhiên có thể tìm không gian cho thêm nhiều người hơn nữa sinh sống. Nhưng trong thế kỷ 21, có lẽ câu hỏi thật sự mà ta cần tự hỏi là ta muốn chia sẻ mảnh đất của mình với ai và với cái gì.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.


Posted by

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...