Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

NGÀY NHÀ GIÁO CỦA TÔI - Bùi Tho



Năm 1966 đang thực tập tại Đà Lạt, thì nghe tin Nha Học Vụ Nông Lâm Súc mở khoá Sư Phạm . Tôi không chần chừ, chọn ngay và quay về theo học
Thời còn đi học, cảm nhận rằng các thầy cô giáo rất khó, rất mẫu mực, mà toàn xã hội đều kính trọng. Lúc ấy tôi vẫn nhớ rõ rằng: Người dạy tôi, tôi gọi bằng thầy là lẽ đương nhiên, anh em tôi, bạn bè tôi và cả ba má tôi cũng đều goị bằng thầy. Như vậy thầy giáo đang dạy tôi được 3 thế hệ gọi bằng thầy. Không những thế, với thầy cô giảng daỵ tại trường A thì học sinh ở trường B nếu biết cũng đều goị bằng thầy. Trong vấn đề này chúng ta rõ là ảnh hưởng của Khổng giáo? Với ba bậc phải tôn kính là: Quân-Sư-Phụ...
Như vậy chọn làm nhà giáo là chọn con đường khó khăn cho mình rồi !
Cho nên,  ngày Nhà Giáo Việt Nam mà trước kia khi mới gặp lần đầu là ngày Quốc Tế Hiến Chương Các Nhà Giáo? Nhóm thầy giáo NLS chúng tôi đã kỷ niệm lần đầu tiên ngày này vào năm 1975
.Tôi nhớ trước kia không có ngày dành cho nhà giáo, từ lâu có người cho là trong tết Nguyên Đán, có người cho là suốt năm được thể hiện qua câu “Tôn sư trọng đạo”. Thực sự không vào một ngày nhất định như bây giờ, sự thể hiện biết ơn được chú trọng nhất vào những dịp lễ, tết và thường gặp vào các dịp:
-Ngày 10-3 âm lịch lễ hội dân gian cúng tế Thần Hoàng, Quốc tổ.
-Tết Đoan ngọ mồng 5 -5 âm lịch dành cho thầy thuốc theo tục lệ Trung Quốc,
-Ngày Trung Thu 15-8 âm lịch, tết nhi đồng.
-Tết Nguyên Đán.
Ngày Hiến Chương các Nhà Giáo 20-11 từ 1976 tổ chức rầm rộ hơn có tọa đàm, tặng hoa thầy cô, làm báo tường cắm trại… những năm sau đó ngoài hoa ra thì có thêm quà, những món quà mang tính cách học đường như bút, sách…rồi tiến lần đến những phần quà có giá trị kinh tế… kể cả tiền….
 Cho nên với tôi không còn được cái vinh hạnh nhận hoa và nhận quà theo ngày nhà giáo nữa để sắm vai cha mẹ học sinh… Có cái an ủi là nhà tôi vẫn còn tiếp tục dạy ở cấp 1, nhưng ở một trường quá nghèo bấy giờ, là khu Thiện Phương (khu của người Việt từ Kampuchia hồi hương), các em rất thật lòng, rất ngây ngô... ngoài những nhánh hoa hái ở vườn nhà, trang trí vụng về, những gói quà dành cho thầy cô là phấn viết bảng, vài quyển tập cây bút… có những món quà bây giờ nhắc lại còn thấy bồi hồi như một con gà, mấy ký lô khoai, một miếng thịt, một cây chả.... Tôi nhớ có lần, nhà tôi nhận một món quà mà chúng tôi không bao giờ quên gói quà do một cháu trao vội vã trước khi ra về. (vì lệ thường vào ngày đó các em tập trung lên nhà cô gíáo vui chơi, các cháu luộc khoai, nấu chè đùa giỡn hồn nhiên suốt ngày). Khi mở gói quà, nhà tôi bảo “quà gì đây? Nhà bé này nghèo lắm, tặng gì đây? Sao nó mềm mềm như vải vậy? Chả lẽ áo quần????
Và chúng tôi vô cùng xúc động, đó là 2 ổ bánh mì kẹp thịt! Đã bẹp dúm và chảy nước. Ổ bánh mì kẹp thịt là một xa xỉ ăn sáng bấy giờ, bởi vì lúc đó bụng dạ chúng tôi chỉ quen khoai củ và bánh mì đen làm từ luá miến mà thôi… Nhà tôi tâm sự “có lẽ mẹ nó bảo đem lên biếu cô ngay nhưng nó ngaị khi nhìn thấy các món quà của các bạn, không dám đưa cứ cặp vào nách nên cáí bánh mềm nhão ra.. tội nghiệp! Trong lúc cháu không có để ăn, mình bây giờ lại không ăn được, vì bánh đã nhão chua rồi.
 Trong những ngày ấy làm sao tôi quên được những người thầy đáng quý của mình, thầy Nguyễn Viết Trực, Đồng Phúc Hộ, Trần Đăng Thảo, Lê Thiệp, Đỗ Cao Thọ, Nguyễn Văn Nhuệ, Bành Ngọc Quí, Huỳnh Ngọc Quang... Bùi Xuân Thanh, Lê Văn Ký, Lê Văn Đằng, Nguyễn Bát Tuấn, cô Nguyễn Bình Minh,cô Võ Thị Vân, thầy Lê Quang Minh,Văn khác Thái,… và còn  nhiều nữa tôi không làm sao nhớ hết, đó là những thầy cô NLS của tôi.
 Còn nhớ, năm 1981 cụ Phạm Chí mãn phần, lễ an táng người đi đưa rất đông gần như đầy đủ những gia đình kỳ cựu của chốn này, đưa tiễn vừa tỏ lòng tiếc thương kính trọng vừa tỏ lòng tri ân người đã làm thầy khai tâm cho biết bao con em của làng Công Hinh quận Blao này từ thập niên 1940 trong đó có gia đình tôi.
Trong một lần tọa đàm,tôi đã phát biểu về mình trong vai trò một phụ huynh vốn là một thầy giáo cũ như sau: “Cho đến nay, không còn đứng lớp, tôi hiện làm công tác khác như các bạn đã thấy, kể cả chuyện dẫn chương trình cho các cuộc vui chơi, hội chợ, hiện giờ còn rất nhiều người gọi tôi bằng thầy vì trước kia đã là học sinh của tôi hay là những người thân học sinh của tôi? Cứ mỗi lần nghe như thế, tôi tự nghĩ phải giữ mình cho trọn vẹn cái chức phận mà người khác đã dành cho mình, càng phải gìn giữ cái chuẩn mực mà ngành sư phạm đã dạy cho tôi….” Chắc có nhiều đồng nghiệp như tôi, không muốn bắt học trò mình goị mãi chữ thầy phải không? Nó chỉ là tiếng xưng hô như anh, ông, chú, bác…quan trọng ở chỗ có kính trọng hay không mà thôi. Và chắc quý vị cũng đồng ý rằng chúng ta vô cùng sung sướng và hãnh diện khi nhìn thấy hoặc biết được học trò của mình thành đạt về học vấn và cả trên trường đời!
Chủ đích bài viết này một phần tôi khoe với các bạn rằng :
Tôi được dự một lần ngày tôn vinh Thầy Cô Giáo trước năm 1975
 Buổi lễ được diễn ra tại Đồng Nhân Học Hiệu, là trường dành cho người Hoa tại Bảo Lộc. Như các bạn biết ngoài giảng dạy chính tại Nông Lâm Súc Bảo Lộc, tôi còn dạy thêm ở trường Bồ Đề và là một trong hai người Việt được mời dạy tại trường Đồng Nhân vì thế  tôi được dự ngày lễ tôn vinh thầy cô giáo tại đây.
 Ngày hôm đó hơi khác ngày thường một chút về ăn mặc, vì hôm trước ông Hiệu Trưởng đã dặn dò rồi, moị hoạt động của một ngày học vẫn bình thường, cho đến khoảng 10 giờ thì có kẻng báo hiệu giờ nghỉ
theo lệnh thông báo trên loa tất cả học sinh tập trung về hội trường ở trên lầu, chúng tôi tập trung về văn phòng được thầy hiệu trưởng cho biết ngày hôm nay là  ngày tôn vinh thầy cô giáo, buổi lễ do Ban hội người Hoa tại Bảo Lộc tổ chức , tài trợ chính là hãng mì Khánh Phong Sài Gòn , chiêu đãi do nhà hàng Đồng Khánh Chợ Lớn phụ trách.
 Khi chúng tôi được mời lên hội trường thì từ cửa  văn phòng nối tiếp lên cửa phòng họp gồm phụ huynh học sinh xếp hàng kính cẩn nghiêng mình chào khi đoàn thầy cô giáo đi ngang qua. Hình như tất cả những người Hoa ở Bảo Lộc đã về dự.
  Nội dung buổi lễ là kỷ niệm đức Khổng Phu Tử người được goị là Vạn Thế Sư Biểu, là ngày tôn vinh các thầy cô giáo, ngôn ngữ được dùng là tiếng Hoa, nên tôi được  một cô giáo người Hoa dịch lại cho nghe, trong đó có phần kêu gọi của Ban Hội là: “thầy cô giáo là một nghề mẫu mực, cao thượng, người làm nghề dạy học thường không làm nghề  gì khác, nếu có sẽ ảnh hưởng đến giảng dạy, ảnh hưởng đến nhà trường và cả học sinh…vì thế tập thể phụ huynh chúng ta luôn kính trọng, giúp đỡ quí thầy cô..” trong buổi lễ có phần tặng hoa, tặng quà, cuối cùng là phần dự tiệc.
 Nhưng cái đáng ghi nhận là sự thể hiện bằng hình thức mà ta  thấy được là sự trang trọng, cung kính của toàn thể phụ huynh trước thầy cô dạy học con cái mình.
 Về phần riêng cho những thầy cô người Việt daỵ tại trường như tôi, vốn bà con người Hoa đa số đều mua bán tại chợ Bảo Lộc, Hội có lưu ý như sau: “Trong cuộc sống các thầy cô phải mua sắm vật dụng tại chợ hoặc cửa hiệu của chúng tôi, quí thầy cô nên đi vào những giờ buổi trưa ..” (Đây là một thật lòng của họ, ý nói là nếu thầy cô người Việt có đi chợ mua sắm thì đi vào giờ buổi trưa, là thời gian các em học sinh đi học về sẽ ra bán hàng thay cho ba mẹ nghỉ trưa, các em sẽ nhận diện được thầy cô mình và bán với giá phải chăng, ý là thế).
Còn một việc nữa dù không liên can đến việc dạy học nhưng thể hiện được cái tính Tôn Sư Trọng Đaọ đối với thầy cô: Đó là khi ba tôi qua đời tháng 7-1974, tập thể thầy cô giáo và học sinh toàn trường cùng rất đông phụ huynh đến chia buồn, bái lễ và tiễn đưa linh cữu ba tôi đến nghĩa trang, ngày đó nhiều người tại Bảo Lộc vô cùng ngạc nhiên vì lần đầu tiên có một đám tang người Việt mà thầy cô, học sinh và phụ huynh người Hoa cả trường đưa tiễn.
Tôi chỉ dạy tại trường Đồng Nhân hai niên khoá, ngoài buổi lễ nói trên chúng tôi dự không biết bao cuộc chiêu đãi của Hôị Phụ Huynh Học Sinh và gia đình các thương gia, trong các dịp lễ tết, thanh minh. Và cho đến bây giờ những người học trò hay các bậc phụ huynh ngày ấy khi gặp tôi vẫn dùng một tiếng thân thương như ngày nào  “ Lão Xứ “
Bùi Tho

 anh Bùi Tho ,nguyên GS.Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh  (1968...
Bài nầy chép lại từ trang Nông Lâm Súc tây Ninh

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...