Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Rotterdam: thành phố Dubai giữa lòng Hà Lan


EschCollection/Getty Images
Markhal của Rotterdam có hình dáng đơn giản nhưng vô cùng độc đáo

Bạn rất nên tới Rotterdam bằng tàu hỏa. Đi tàu thì khi ra khỏi nhà ga, bạn có thể xoay người, đặt túi xuống rồi ngắm nhìn một trong những tòa nhà vui vẻ nhất thế giới.
Đó là nhà ga được thiết kế một cách hứng khởi nhất kể từ sau Trung tâm Bay TWA tại Nhà ga Idlewild (mà sau này được đổi tên thành sân bay JFK) của kiến trúc sư Eero Saarinen.
Nhà ga Rotterdam vươn lên, phớt lờ lực hấp dẫn, tạo thành một bước nhảy duyên dáng với chất liệu thép, kính và gỗ.
Nếu là ở bất kỳ thành phố nào khác thì nó sẽ trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý, giống như Guggenheim của Bilbao hoặc Tòa thị chính của Toronto.
Thế nhưng tại Rotterdam, nó phù hợp với vị trí hiện tại. Đây là thành phố của những thử nghiệm hoang dại, là cái bếp thí nghiệm các mẫu kiến trúc của châu Âu, một Dubai hay Doha thời hậu chiến, nhưng được làm đẹp hơn nhiều.
Thay vì được một thế hệ những người giàu có tung tiền ra để tạo thanh thế toàn cầu cho thành phố, Rotterdam tiến hóa qua ba phần tư thế kỷ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân thành phố và của những khoảng thời gian người ta trải qua.
Đó là một thành phố sôi động, nơi ta có thể đi bộ hoặc đi xe đạp một cách thuận tiện. Nhưng đó cũng là thành phố, giống như các thành phố Vùng Vịnh được đăng nhiều trên instagram, được thiết kế và quản lý nhằm gây ấn tượng ở mọi ngõ ngách.

Bị bom đạn san phẳng

Vào lúc 1:28 chiều ngày 14/5/1940, một thứ âm thanh vo vo đáng sợ vang lên trên các đường phố, phát ra từ phía đông. Đó là thứ âm thanh khiến cư dân sợ hãi. Chỉ vài phút sau, một dàn phi cơ quần đảo trên bầu trời thành phố chị em sinh đôi của Amsterdam. Rotterdam là cỗ máy công nghiệp của Hà Lan và là cảng biển lớn nhất thế giới.
Chỉ 15 phút sau, các phi cơ quay bỏ đi, để lại thành phố trong biển lửa, cháy liên tục trong sáu ngày cho tới khi ngọn lửa thiêu trụi tất cả: 250 hecta, 25 ngàn ngôi nhà, 11 ngàn tòa nhà thương mại biến thành tro bụi. Rotterdam bị phá hủy toàn bộ.
Walter Bibikow/Getty Images
Nhà ga Rotterdam là một trong những viên ngọc quý trong kiến trúc của thành phố
Gần như là vậy. Những ngọn lửa thậm chí còn chưa tắt hết khi các quan chức thành phố nhóm họp vào hôm 18/5 để quyết định xem cần làm gì tiếp. Tuy những bức tường hầu như đều sụp đổ, nhưng vẫn còn chút ít sót lại, đủ để tái thiết. Đó là sự lựa chọn đầy logic. Đó cũng là sự lựa chọn của Coventry của Anh, Warsaw của Ba Lan và nhiều thành phố, thị trấn của Đức trong những năm sau đó.
Tuy nhiên đã có một số cuộc tranh luận và một số lời kêu gọi tha thiết là hãy phục chế thành phố có từ thế kỷ 14 này thành nơi có thể tạo cảm giá thoải mái, ổn định cho các thế hệ gia đình, và quyết định được đưa ra là sẽ san phẳng toàn bộ rồi xây mới. Kiến trúc sư trưởng thành phố, Willem Witteveen, đã ngay lập tức bắt tay vào việc. Sẽ là một thành phố mới, nhưng gợi đầy kỷ niệm và hoành tráng.
Thế rồi lại xảy ra một chuyện còn đáng nhớ hơn. Vào 1944, khi thành phố vẫn đang dưới sự chiếm đóng của Đức tuy vị thế của Đức đã được nhìn rõ là đang đi tới hồi kết, nhà tư bản công nghiệp Cees van der Leeuw đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khác, lần này là họp kính, trong một phòng trà rất quyến rũ nằm bên trên nhà máy sản xuất trà, cà phê và thuốc lá Van Nelle của ông.Nhà máy này là tác phẩm kiến trúc hiện đại đầu tiên của thành phố (Le Corbusier gọi đó là ‘cảnh tượng đẹp đẽ nhất trong thời hiện đại’) và nằm đủ xa trung tâm thành phố để không bị chiến tranh tàn phá.
“Những người đứng đầu ngành công nghiệp này nghĩ rằng nó hay hơn, bởi linh hoạt hơn so với kế hoạch của Witteveen,” sử gia chuyên nghiên cứu về kiến trúc của Rotterdam, Michelle Provoost nói, và chỉ ra rằng việc hiện đại hóa theo nhu cầu kinh doanh này đã bắt đầu tại thành phố thậm chí còn từ trước khi có chiến tranh, với các tòa nhà như Café Unie (bị phá hủy và sau được xây lại). “Kế hoạch của ông ấy bị coi là quá chặt chẽ.”
Viễn kiến của Witteveen không đủ lớn, không đủ hiện đại để đáp ứng giới doanh nhân hay người Đức chiếm đóng, những người thích ý tưởng san phẳng đi để xây lại một thành phố mới theo phong cách Đệ tam Đế chế (là ý tưởng chưa từng được triển khai).
Keystone-France/Getty Images
Năm 1940, Rotterdam bị bom Đức phá hủy, chỉ còn là một đống tro tàn và đổ nát
Van der Leeuw thuyết phục thành phố hãy sa thải Witteveen và tuyển trợ lý của ông là Cornelis van Traa để đưa ra một kế hoạch cực đoan hơn.
“Van Traa trình bày ý tưởng xây dựng một thành phố với kiến trúc phóng khoáng,” Provoost nói.
Đó là lúc tân Rotterdam – thành phố có kiến trúc nghiêm túc, chỉn chu, vui vẻ và sôi nổi nhất thế giới – ra đời.

Thành phố của những công trình kiến trúc độc đáo

Sau khi ngắm xong Nhà ga Rotterdam, bạn hãy lên một trong những chuyến tàu điện tới ga Blaak để cảm nhận được đầy đủ về thành phố. Đi bộ dưới đường hầm có mái che hình đuôi công của nhà ga, bạn sẽ thấy hai tác phẩm kiến trúc có từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Phía bên phải bạn là Kubuswoningen của Piet Blom (1980-84), các ngôi nhà 39 khối lập phương, chồng nghiêng và được giữ thăng bằng trên đỉnh mỗi khối, trông như một khu rừng bê tông.
Phía bên trái là Markthal (MVRDV, 2014), một khu chợ hình móng ngựa khổng lồ với các căn hộ và nhà chung cư được xây mỗi bên. Trong chợ là đủ các thứ để mua sắm, ăn uống. Ngoài việc là một địa điểm mang tính biểu tượng – có hình dáng đơn giản nhưng độc đáo – đó còn là sự tiến hóa đầy logic của khu chợ thành phố, nơi mọi người tới để gặp gỡ, ăn uống và sinh sống.
Thế nhưng điều tuyệt vời nhất về Rotterdam là những thứ bạn có thể nhìn thấy, nằm chen giữa những tác phẩm lớn.
Quay trở lại, đi về phía bến tàu điện, bạn sẽ nhìn thấy Blaak 8 (Group A architectures, 2012). Đó chỉ là một tòa nhà công sở. Thực sự thì nó không cần phải đẹp đến thế, thế nhưng quả là với những cửa sổ hình thang, hình dạng tòa nhà thay đổi theo từng vài tầng một.
Và nhìn về phía bên phải, bạn sẽ thấy một tòa nhà công sở nữa, Blaak 31, nơi có một nhà hàng Ý ở tầng trệt và ngay trên đó là các bậc thang cao chừng ba tầng nhà vươn lên vô cớ.
Geography Photos/Getty Images
Rotterdam giống như Disneyland với những thiết kế kỳ quặc
Công ty thuế, hãng chiếm phần lớn diện tích sử dụng của tòa nhà này, vừa tuyên bố rằng họ đang xây trụ sở mới với hình dạng của một chiếc đồng hồ cát, chỉ bởi họ thích thế.
Thường thì khi đi lại, tôi hay chọn khách sạn dựa theo vị trí, lịch sử hay do tiện nghi. Tại Rotterdam, tôi chọn vì lý do kiến trúc. Trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới thành phố cách đây vài năm, tôi chọn Citizen M, thuộc chuỗi khách sạn châu Âu có thiết kế cao cấp nhưng lại kém tiện nghi. Khách sạn này thấp, rộng về bề mặt, trông như một sự pha trộn giữa nhà kho với trường học cấp một thời thập niên 1970 và một ghế thấp có đệm.
Lần này, tôi chọn nghỉ đêm đầu tiên tại Marriott trong tòa nhà Millenium Tower (WZMH, 2000), một tòa nhà có từ cuối thời hậu hiện đại hóa nằm kế bên nhà ga Rotterdam.Đêm thứ hai, tôi chuyển sang địa chỉ mới nhất trong thành phố, khách sạn một phòng có tên gọi Wikkelboat. Căn phòng nổi này, được neo đầu trong bến tàu, được làm từ 24 lớp bìa carton được bọc lại với nhau, có khoang ngồi và chỗ làm thịt nướng BBQ. Nó đậu bập bềnh dưới Red Apple (KCAP, 2009), một khu tổ hợp đa chức năng có mái đỡ bao lơn làm bằng nhôm đã ngả sang màu đỏ theo thời gian.
Rotterdam yêu những tòa nhà của mình như Santa Monica yêu các bãi biển. Quán cà phê hay nhất thành phố, nằm ở tầng dưới cùng của tòa nhà xây bằng gạch thời hậu chiến Bauhaus với một góc lượn con duyên dáng, có tên là quán Dudok, được đặt theo tên của kiến trúc sư thiết kế quán.
Quán bar đồng thời là hộp đêm Hugh nằm ở Hilton (1962) thì được đặt tên theo Hugh Maaskant, kiến trúc sư hậu chiến tài năng của thành phố (người cũng là tác giả của Euromast, tòa tháp lớn trong thành phố).
Rotterdam giống như Disneyland nếu nói về mặt kiến trúc. Đến thăm thành phố, bạn sẽ thấy giống như về nhà và sẽ băn khoăn tự hỏi tại sao các thành phố khác của chúng ta lại không thể ít nhiều giống nơi này.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.


Posted by

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...