Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Đã có thể nhìn xuyên qua mọi bức tường. Chuyện thật, không phải đùa đâu!


VietTimes -- Không cần biết bức tường được làm bằng gì, các nhà nghiên cứu tại đại học Duke (bang North Carolina) vẫn có thể nhìn xuyên qua chúng với sự trợ giúp của một dải tần số hẹp và một thuật toán đặc biệt.
Hà Khoa - 
Một trong những chiếc hộp được dựng lên để thử nghiệm. Ảnh: Đại học DukeMột trong những chiếc hộp được dựng lên để thử nghiệm. Ảnh: Đại học Duke
Từ trước đến nay đã có nhiều nỗ lực để có thể nhìn thấu qua tường. Tuy nhiên hầu hết các công nghệ hiện có đều yêu cầu một điều kiện: phải biết bức tường được làm từ vật liệu gì, từ đó mới tính toán được ảnh hưởng của nó đến các sóng tần số dùng để quét tường.
Cách tiếp cận mới của các nhà nghiên cứu của Đại học Duke không cần phải biết vật liệu dùng để xây bức tường. Nói cách khác, họ có thể nhìn xuyên bức tường dù nó được xây bằng gạch, đá, bê tông hay gỗ...
Daniel Marks, phó giáo sư nghiên cứu kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Duke cho biết: "Hầu hết các công nghệ cho phép nhìn xuyên qua các bức tường trước đây đều sử dụng một dải tần số rộng, làm cho chúng trở nên đắt đỏ. Chúng cũng không có độ phân giải cao. Vì vậy, mặc dù chúng vẫn có thể được sử dụng để thấy khá rõ một người di chuyển ở phía bên kia của bức tường, nhưng trong trường hợp có một ống nước hoặc dây dẫn thì kết quả thật thảm hại".
Thay vì chú ý vào vật liệu xây bức tường, các nhà nghiên cứu Daniel Marks, David Smith, và Okan Yurduseven tập trung vào mức độ đối xứng của nó. Do các bức tường thường phẳng và đồng đều, chúng ảnh hưởng đến tần số một cách đối xứng.
Yurduseven cho biết: "Chúng tôi đã viết một thuật toán tách dữ liệu thành những phần - có phần cho thấy sự đối xứng tròn, phần khác thì không. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu các dữ liệu không có bất kỳ sự đối xứng nào”.
Sử dụng một tần số duy nhất để quét có thể làm cho dịch vụ trở nên rẻ hơn, đồng thời có thể làm cho Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) dễ dàng chấp thuận hơn - thông cáo báo chí của Đại học Duke cho biết.
Mặc dù công nghệ mới chắc sẽ trợ giúp nhiều hơn trong việc tăng cường năng lực trong lĩnh vực an ninh, nhưng theo như bản thông cáo lưu ý, nó cũng có thể giúp ích trong các lĩnh vực khác, như xây dựng chẳng hạn. Sử dụng công nghệ này, công nhân dễ dàng tìm được vị trí ống dẫn, đường ống, dây dẫn, và nhiều thứ khác, tiết kiệm thời gian thi công và cải thiện mức độ an toàn.
Sau khi xây dựng một số chiếc hộp với các bức tường thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định vị trí các vật dụng như đinh tán, ống dẫn điện, dây điện, và các hộp nối, cho thấy sức thuyết phục nhiều hơn cho ý tưởng rằng, công nghệ này có thể được sử dụng trong ngành xây dựng. Trong khi hình ảnh của các lần quét ban đầu có vẻ như còn mờ mịt thì trong những lần quét tiếp theo, sau khi gỡ bỏ các khiếm khuyết, hình ảnh các đồ vật trở nên rõ ràng hơn nhiều.
Marks cho biết: "Chúng tôi hình dung việc kết hợp kỹ thuật này với hệ thống quan trắc bằng máy, theo đó có người di chuyển qua bức tường để xem có những gì bên trong nó. "Chúng tôi nghĩ rằng công nghệ này có giá và độ nhạy cảm để tạo ra tác động lên thị trường".
Theo TechRepublic

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...