Gần ba chục năm trước, với số điểm thi đại học sáng giá, với lý lịch chính trị đáng tin cậy, Tộ được nhà nước cử sang Hungary học đại học. Mặc dù là học sinh chuyên Lý, anh vẫn vui vẻ đi học kỹ sư trồng vườn, phần vì tinh thần “chấp nhận sự phân công của tổ chức” rất cao, phần nữa là vì trong những năm 80 gian khổ của đất nước, lúc mà cơm độn bo bo rồi mà ăn vẫn chưa đủ lượng, “đi Tây” là một cuộc hành trình để đổi đời, không chỉ cho riêng anh mà còn cho cả gia đình nữa.
Ngày đi, dồn hết gia tài cả nhà, bố mẹ Tộ mua cho anh một đồng hồ Orient “thủy quân lục chiến” mang theo để có cái làm vốn sau này. Chiếc đồng hồ mà cái mặt to hơn cái cổ tay của thanh niên 18 tuổi gày gò miền quê. Bộ đại học cấp cho mỗi sinh viên một chiếc va-li quần áo, gọi là “va-li chú Tứ” để ít ra cũng có bộ quần áo “diện” khi ra nước ngoài. Tộ nhận được bộ com-lê áo mầu nâu số XL với cái quần mầu xám số S, chắc mấy cái quần áo màu đẹp, số tốt các cô chú trên bộ đã sơ kiểm, sơ chọn trước hết rồi.
Sang tới Hung, những ngày đầu, trường cấp cho một số séc để đi mua quần áo, bạn cũng biết mấy anh sinh viên nghèo Việt Nam không có quần áo, giầy dép ấm, tiền thì lại càng không. Khổ nỗi, mấy cái séc này chỉ được mua trong một cửa hàng thôi, mà cái thời XHCN đó hàng hóa cũng không được dồi dào, thành ra Tộ và những người bạn cùng khóa mình ăn diện chả khác gì nhau: không ít lần đội ta đi chơi phố mà 5 sinh viên Việt diện 5 đôi giày Tisza màu trắng vạch xanh một mẫu, quần bò xanh đậm và áo khoác màu lông chuột đồng kiểu, dàn hàng ngang dạo trên vỉa vè mà chả khác như đi duyệt binh.
Rồi những buổi các thầy cô giáo Hung nhiệt tình chỉ cho cách ăn uống bằng dao, thìa, mà anh cầm xuôi, chị cầm ngược, thức ăn bắn rơi tung tóe cả, mình thì cười nhưng họ thì thương, rất thông cảm với các học trò từ Châu Á xa xôi tới đây, phải học nhiều để thích nghi với cuộc sống Châu Âu xa lạ này.
Rồi những năm trên trường đại học, các bạn Hung cùng khóa luôn cởi mở giúp thằng học trò Việt, từ việc cho mượn vở chép bài giảng đến sửa chính tả từng câu trong luận văn tốt nghiệp,vì ai cũng biết, nếu sinh viên Việt Nam bị đúp thì phải về nước ngay, đồng nghĩa đối mặt với một cuộc sống gian khổ, kiếm từng miếng cơm, manh áo.
Thằng bạn Hung cùng phòng ở một làng nhỏ gần biên giới Nga, cứ mỗi lần về nhà lại đem lên cho Tộ một gói ny-lông nho nhỏ :”Mẹ tao gói cho mày ít xúc xích, tóp mỡ, mỡ muối (szalonna) đây, biết mày tiết kiệm ăn để còn gửi thuốc về Việt Nam”. Thằng khác gốc Tiệp thì sau hè về mang cho cái áo khoác, nó nói: “Bố tao mặc có một lần, còn gần như mới. Giờ bố tao mất rồi, tặng lại mày. Áo này tốt, đắt tiền lắm, học bổng của mày không mua nổi đâu”.
Thời gian dần trôi đi, với đầu óc thông minh nhanh nhẹn của một học sinh đã từng giải nhì Lý toàn miền Bắc, tận dụng được những điều kiện thuận lợi trong quá trình thay đổi chính trị và kinh tế của nước bạn, lại thêm tính cần cù chịu khó của người Việt, Tộ đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Chả nhìn đâu xa, chứ các bạn Hung cùng lứa, cùng học thì kinh tế kém hơn nhiều. Cuộc sống thanh thản và an bình, nếu có chút bực mình nho nhỏ thì cũng lâu lâu mới gặp, ví dụ như khi anh đỗ chiếc xe sang của mình chắn lối đi bộ, mấy bà già lầm bầm muốn cút anh về quê anh đi.
Ảnh minh họa từ Internet
Gió thổi bay tứ tung những rác rưởi họ thải ra, làm gì có thùng rác, ai dọn dẹp đâu. Mà họ ở ngay gần chỗ cửa hàng của Tộ mới chán chứ, thế này còn buôn bán cái gì, khách người ta tránh xa cả, không biết đến bao giờ mới hết đây. Thế mà mụ vợ mình lại tý tởn đóng góp cho đội từ thiện, mua nước, làm bánh mỳ kẹp mang ra ga Keleti phát cho phụ nữ và trẻ con đang nằm vạ vật tại đấy. Tộ lầm bầm chửi nhỏ, cảnh này mà kéo dài đến cuối năm thì cửa hàng lỗ vốn là cái chắc, ma nào đến đây mua.
Rồi đến cuối hè, mọi sự trở nên yên đẹp. Thủ tướng Hung huy động tàu, xe “tống” hết mọi người tỵ nạn sang Áo, rồi sang Đức tiếp, đồng thời cho xây hàng rào dây thép gai cao vót ở biên giới Serbia, điều một đội biên phòng hùng hậu án ngữ, chặn hoàn toàn dòng người tỵ nạn lại. Thủ đô Budapest trở lại yên bình, không bóng người lạ, cửa hàng của anh Tộ lại tấp nập như ngày nào,sáng sáng đi làm anh lại thong thả nghe Lệ Quyên hát trên chiếc xe êm nhẹ và ngắm nhìn cái vỉa hè sạch sẽ với những chậu đá trồng hoa tươi đủ sắc màu.
Đầu thu, anh lại nhận tin vui nữa, anh được trao quốc tịch Hung. Trước hôm đi tuyên thệ, anh phóng ra phố đi bộ, tậu ngay bộ com-lê đời mới nhất của Armani. Gì thì gì, đây cũng là ngày trọng đại. Tối đó, anh chiêu đãi gia đình và bạn bè thân quen một bữa cơm tây thịnh soạn ở quán Pháp nổi tiếng, nơi vừa ngồi ăn vừa có thể xem tàu thuyền qua lại trên dòng sông Đa-nuýp êm đềm, long lanh ánh đèn đêm. Ảnh chụp anh đứng trước cờ Hung tuyên thệ, bắt tay ông quận trưởng, cười giữa hội trường… được Tộ “bốt” lên tràn ngập trang Facebook của anh, “lai” (like) nhiều không biết bao nhiêu mà đếm.
Rồi anh làm chuyến du lịch “no visa” sang Mỹ, đến các cửa khẩu anh còn cố tình “khệnh khạng” đưa hộ chiếu Hung ra, cho bõ tức cái ngày bọn nó cứ lật đi lật lại cái hộ chiếu màu lá cây của mình.
Ngày 2-10 vừa rồi, Hungary tổ chức buổi trưng cầu dân ý do chính phủ đề xướng, mục đích là nói “không” với kế hoạch của Châu Âu cho một số người tỵ nạn vào định cư tại Hung. Tấm ảnh Tộ tươi cười, tự hào đi làm nhiệm vụ công dân Hung trong phòng bầu cử được đưa lên FB với lời bình rất mạnh mẽ: “Không ai có thể ép buộc chúng ta phải chung sống với đám người ô hợp, quá khác xa văn hóa, tín ngưỡng và sẵn sàng làm những cuộc khủng bố tàn ác”. Lần này anh bận quá, không có thời gian đếm “lai”.
Sáng nay, anh đưa thằng con đi học bên Anh. Kế hoạch đã có từ lâu, điều kiện kinh tế có thừa, anh cho nó đi học một trường tư nhân tên tuổi ở London. Luẩn quẩn với công việc buôn bán, anh lỡ chuyển khoản tiền thuê nhà hơi muộn, anh con sang tới nơi họ đã cho thuê mất cái nhà đã chấm.
Thằng con mới xa nhà, gặp trường hợp bất ngờ quá, khóc dở mếu dở, cứ nửa tiếng lại gọi về cho bố sụt sùi. Biết làm sao bây giờ, xa thế này, xử lý kiểu gì đây. Chiều đến, anh nói nó: “Con cứ vào khách sạn ở tạm mấy ngày vậy, bố sẽ bắn tiền vào tài khoàn của con, đừng lo”.
Ấy thế nào mà hơn một tiếng sau, anh con gọi điện, giọng vui như Tết: “Bố ơi, thằng bạn cùng khóa người Anh nó thấy con sốc quá, nó kéo về nhà nó ở tạm. Bố nó nói rất thông cảm với hoàn cảnh của con, vì cũng đã trải cảnh bơ vơ đất khách, quê người. Mẹ nó mới rán thịt gà kiểu Pakistan cho con ăn, ngon lắm. Họ định cư ở đây cũng lâu rồi”.
Tộ nhẹ cả người. Phòng bên, mụ vợ vô tư vẫn thản nhiên gác chân lên cái xa-lông bằng da trắng muốt, chằm chằm xem phim truyện nhiều tập trên cái Ipad, cái tay với những móng tay sơn đỏ chót, bóng nhoáng lâu lâu lại thò vào hộp sô-cô-la Thụy Sĩ mới mua tuần trước nhón một miếng. Tiếng nhạc phim nho nhỏ vẳng sang phòng anh, hình như giọng Tùng Dương hát: “… nhưng giờ đây, có giây phút bình yên, sao tôi quên, tôi quên…”.
Ngô Quý Dũng, từ Budapest - Ngày 18-10-2016
câu chuyên rất hay
Trả lờiXóa