Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Vỡ mộng với "hàng Tàu": Châu Phi đã ngấm nỗi sợ TQ như thế nào?

Người châu Phi hân hoan đem tài nguyên trao cho Trung Quốc, nhưng cái họ nhận lại là gì?

20/6/2006, một sự kiện trọng đại diễn ra tại Angola.
Vỡ mộng với hàng Tàu: Châu Phi đã ngấm nỗi sợ TQ như thế nào? - Ảnh 1.
Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo tới thăm bệnh viện Luanda (Angola). (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Bệnh viện Đa khoa Luanda được khai trương, với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Khu tổ hợp rộng gần 80 nghìn km2 này được xây dựng bằng nguồn vốn từ Trung Quốc và là biểu tượng của tình hữu nghị ngày càng nồng ấm giữa 2 bên.
Những biểu tượng hữu nghị như bệnh viện Luanda có thể được nhìn thấy khắp châu Phi. Đó là những con đường, những cây cầu, những công trình xây dựng do Bắc Kinh đầu tư và xây dựng.
Làm ăn kiểu Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc đứng đằng sau rất nhiều dự án tái thiết thời hậu chiến của Angola, nhờ hàng tỉ USD tín dụng từ Chính phủ Trung Quốc, với cam kết đổi lại bằng dầu.
Đó là mô hình mà Bắc Kinh đã áp dụng khi rải hàng tỉ USD khắp châu Phi.
Để thực hiện tham vọng của mình, Bắc Kinh rêu rao về cơ chế 2 bên cùng có lợi, như đã đưa ra trong Diễn đàn Hợp tác châu Phi - Trung Quốc. Tức là bộ mặt châu Phi sẽ thay đổi, còn Trung Quốc đem về những tài nguyên thiên nhiên mà nước này cần cho nền kinh tế sản xuất của mình, từ dầu của Angola cho tới khoáng sản của Zambia.
Vỡ mộng với hàng Tàu: Châu Phi đã ngấm nỗi sợ TQ như thế nào? - Ảnh 2.
Dầu được Angola đem ra để "đổi lấy" cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng.
Tuy nhiên, theo Economist, nguồn đầu tư ồ ạt của Trung Quốc lại vấp phải chỉ trích nặng nề. Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về lợi ích thực sự trong chính sách của Bắc Kinh.
Bằng cách ký kết thỏa thuận để đổi tài nguyên lấy các khoản vay dễ dàng và cơ sở hạ tầng thiết yếu, Bắc Kinh xuất hiện như một người chơi công bằng trong khu vực. Nhưng tiền chưa bao giờ đến tay các nhà lãnh đạo châu Phi.
Thông thường, tiền được giữ trong các tài khoản ủy thác tại Bắc Kinh. Sau khi danh sách dự án hạ tầng được đưa ra, các công ty Trung Quốc sẽ nhận thầu và số tiền ấy được chuyển thẳng vào tài khoản của họ.
Châu Phi nhận lại hạ tầng, chứ không phải tiền mặt. 
"Vỡ mộng"
Trung Quốc từng được coi là "vị cứu tinh" của châu Phi, nhưng các dự án với chất lượng tệ hại, được xây dựng sơ sài đã khiến người ta phải hoài nghi. Chính phủ Trung Quốc cũng không hề minh bạch về tiền bạc. Số liệu viện trợ không được công bố với lí do: Đó là... bí mật quốc gia.
Vì không bị cạnh tranh, các công ty Trung Quốc dễ dàng thoát khỏi rắc rối dù chất lượng những con đường họ làm rất tệ, và các công trình xây dựng bị đội giá lên cao.
Năm 2009, báo địa phương Lukasa Times đưa tin: tuyến Lusaka - Chirudu, con đường được xem là xương sống để vận chuyển hàng hóa giữa Zambia và các nước láng giềng phía Nam, nhanh chóng sạt lở chỉ sau vài trận mưa rào, dù đơn vị thi công - công ty xây dựng Heinan (Trung Quốc) đã cố gắng gia cố trước đó.
Vỡ mộng với hàng Tàu: Châu Phi đã ngấm nỗi sợ TQ như thế nào? - Ảnh 3.
Tuyến đường Lusaka - Chirudu trước (trái) và sau (phải) khi bị sạt lở. (Ảnh: Lusaka Times)
Và đây chỉ là một trong hàng loạt sự vụ khiến người ta phải nhìn nhận lại hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi.
Zhu Liangxiu, chủ một xưởng giày từ Phật Sơn, Quảng Đông, hiện đang làm ăn ở Nairobi nói: "Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông".
Đây là lần thứ 2 ông Zhu tới châu Phi. Mặc dù Zhu chia sẻ ông đã bắt đầu yêu mến mảnh đất này, giọng nói của ông vẫn không giấu nổi sự thất vọng.
Cách đây 3 năm, trong chuyến đi đầu tiên, đơn đặt hàng lấp đầy cuốn sổ tay của Zhu và ông rất ngạc nhiên khi thấy người châu Phi không chỉ muốn làm ăn mà còn thích thú với sự xuất hiện của mình.
"Tôi đã tới nhiều châu lục nhưng chẳng nơi nào người ta chào đón nồng nhiệt như vậy". 
Những người xa lạ vui mừng trước nỗ lực tiếp cận các nước đang phát triển của Trung Quốc. Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi và thu mua hơn 1/3 lượng dầu của châu lục. Nhờ đó, châu Phi đã có thêm nhiều trường học, bệnh viện. Người dân địa phương tự hào nói với ông Zhu: Trung Quốc đã nỗ lực hơn bất cứ nước nào để giúp họ thoát nghèo.
Hiện giờ, việc làm ăn vẫn ổn, thậm chí còn tốt hơn trước. Nhưng thái độ của người châu Phi đã thay đổi. 
Những đối tác của ông nói, người Trung Quốc đang bóc lột họ. Hàng hóa Trung Quốc là ví dụ về những sản phẩm tồi. Tham nhũng thì ăn sâu vào bộ máy chính trị. Cụm từ "thuộc địa" được nhắc đến không hề giấu diếm. Trẻ con thì chỉ trỏ còn bố mẹ chúng thì bàn tán về chuyện chó trên đường phố đang dần biến mất trong những chiếc nồi của người Trung Quốc.
Quay lại với bệnh viện đa khoa Luanda ở Angola.
24 giờ Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo lưu lại Angola, bệnh viện vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chỉ vài tháng sau, các vết nứt bắt đầu xuất hiện trên tường, và sau đó 4 năm, bệnh viện đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo BBC, nhân viên bệnh viện cùng 150 bệnh nhân phải sơ tán khẩn cấp và dựng lán trú tạm ngoài sân. Một số người phải chuyển sang trung tâm y tế khác.
"Lỗi" nằm ở bản thiết kế của Trung Quốc. 
Công tác xây dựng bệnh viện Luanda không khác nào mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi: Tham vọng lớn nhưng được vun đắp từ một nền tảng không vững chắc.
theo Trí Thức Trẻ

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...