Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Chuyện Ngắn : Julie Le



(NCTG) “Bỗng nhiên, một luồng ý nghĩ ập đến, môi Huyền lắp bắp cầu nguyện những lời thoát ra từ môi nàng như có ai nói giùm chứ không phải nàng. Quầng ánh sáng trên cao cũng đột nhiên loang rộng hơn, sáng hơn. Sóng biển bỗng nghe như dịu lại, gió cũng thổi êm dần bên tai Huyền. Nàng thoáng rùng mình và bước chân vô định bỗng soải những bước dứt khoát quay về phòng”.
Biển vắng. Nắng trưa chao chát. Màu cát, màu nước lấp lóa, nhạt nhòa trước mắt Huyền. Tại nắng hay tại mắt nàng ứ nước nên cảnh vật cứ ẩn, hiện, mờ, tỏ, lúc gần, lúc xa. Ly café sữa đá đã cạn khô, ly trà đá cũng được châm không dưới ba lần. Nàng ngồi bên bờ biển một mình, chắc cũng đến hơn ba giờ đồng hồ. Cứ mông lung nhìn, ngắm, thả hồn trôi nổi. Cố gắng tập trung mà không thể gom các ý nghĩ thành một khối được. Chúng cứ trôi tuột trong đầu óc nàng như thể được bôi trơn bởi một lớp dầu chống dính vậy. Nhặt một viên đá, nàng cật lực ném mạnh về phía biển, như đặt một nhiệm vụ rõ ràng “ngày thứ ba rồi, phải có một quyết định để trở về thôi”.
 

*


“Lâu quá rồi không gặp. Em nhớ anh”. Dòng tin nhắn tình cờ xuất hiện trong điện thoại của Luân nhằm ngay lúc Huyền ở cạnh đó khi Luân đang tắm hiện lên trong óc nàng không biết lần thứ bao nhiêu kể từ lúc nhìn thấy nó. Cái số điện thoại của tin nhắn dù chỉ là con số vô danh nhưng cảm giác có chút quen vừa đủ để nàng chợt nhận ra chủ nhân của nó đã làm nhói lòng nàng. Huyền lấy máy chụp lại màn hình điện thoại của Luân rồi để lại chỗ cũ.
 



Chiều thứ Sáu đường phố giờ tan tầm khá đông. Hình như ai cũng ráng len lỏi vào dòng xe cộ, ráng vượt lên để về nhà sớm hơn một chút thì phải, thành ra tưởng nhanh mà hoá ra lại thành chậm hơn. Mấy ngày nay con trai, con gái đi nghỉ với ông bà ngoại, vắng nhà. Từ chiều, Luân đã quyết định dành một bất ngờ nhỏ cho Huyền bằng cách về sớm, tạt vào siêu thị mua đồ nấu canh chua cá lóc, món nàng yêu thích và thêm một bó cẩm chướng, cũng là loại hoa nàng thích. Sáng nay Luân chờ mãi Huyền vẫn chưa ra khỏi phòng tắm nên rời nhà trước, vừa dắt chiếc Honda Lead của Huyền ra sân quay đầu sẵn ra cổng, vừa nói vọng vào: “ Anh đi trước đây, tối về sớm nhé Huyền”.

Mâm cơm cho hai người đã xong từ lâu, bó cẩm chướng đủ màu đã được cắm trong chiếc bình thủy tinh xanh nhạt đã nở bung to hơn lúc Luân mới mang về. Nhìn đồng hồ, 8h30 tối. Luân mở điện thoại, chọn danh sách ưa thích, chọn số “Vợ yêu”, bấm. “Số điện thoại này hiện không liên lạc được…”. Gọi đến cuộc thứ ba thì một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu, Luân lật đật tới mở căn tủ đựng va-li, chiếc va-ly màu hồng nhạt của Huyền không còn ở đó nữa. Luân tới góc bàn trang điểm của Huyền, một mẩu giấy gấp đôi để trong chiển rổ mây xinh xắn ở góc bàn. “Em đi ít ngày rồi về. Anh không cần phải lo lắng”.

Luân thả phịch người xuống ghế, tiếng thở dài không cần phải cố kìm nén thoát ra tự do trong căn phòng hoang vắng nghe sao não nề. Phải chăng đây là nguyên cớ cho những lạnh lùng, khó hiểu của Huyền mấy tuần qua?
 

*


Căn phòng nhỏ mười hai mét vuông có cửa sổ nhìn ra biển và ban-công nhỏ xíu chỉ đủ chỗ cho một chiếc ghế dù có nhắm mắt Huyền cũng đọc được hết tên và vị trí của từng đồ vật. Suốt ba ngày qua hoạt động của nàng chỉ lặp đi lặp lại có chừng ấy việc : sáng sớm ngồi balcony, xuống phòng ăn, ngồi café ngắm biển, duỗi dài trên giường ngắm trần nhà, đọc sách. Nhưng Huyền cứ nhìn mãi vào trang sách đọc đi đọc lại từ trên xuống dưới rất nhiều lần mà tuyệt nhiên không con chữ nào thấm vào đầu, cứ thế cho đến khi đôi mắt mỏi mệt nhắm lại thiếp đi lúc nào không biết.

Cũng đôi lần trong ngày nàng xuống mép nước vốc vài nắm cát để từng dòng cát trôi qua kẽ tay, để đôi chân trần nhúng trong nước biển tìm cảm giác. Nhưng Huyền cứ đứng lặng thinh như vậy khá lâu cũng không có cảm giác gì, mỏi chân quá thì lại lên phòng. Đầu óc nàng vẫn u u minh minh như vậy từ hôm đâu tới đây đến giờ, vẫn trống rỗng, vẫn thiếu tập trung dù hàng loạt các hình ảnh cứ lần lượt xuất hiện, rõ lên rồi mờ đi như từng slide thuyết trình trôi trong tâm trí nàng.

Nhấc điện thoại gọi xuống lễ tân gọi một ly vang đỏ lên phòng, Huyền tự tán thưởng sự thông minh đột xuất nhưng hơi chậm phát kiến này bằng niềm tin rằng vị đắng đót, cay nồng của rượu biết đâu có thể mang đến cho nàng một quyết định sáng suốt mà không quá hao tốn nhiều thời gian suy nghĩ, tổn hại nhan sắc.
 

*


Nhấp một ngụm rượu nhỏ , nhắm mắt lại để cố nuốt, Huyền ngả người xuống chiếc sofa có những đường sọc chìm màu nâu vàng, đôi mắt có hàng mi dài không cong mấy nhưng khá đen, rợp luôn được Luân ca tụng từ từ khép lại. Huyền phải đối diện với câu hỏi nàng đã cố né tránh suốt những tuần qua thôi. Nàng có thể bỏ qua dòng tin nhắn đó thêm một lần nữa? Nếu bỏ qua thì phải làm gì, còn nếu không thì phải làm gì? Nàng có thực sự hạnh phúc với Luân không?

Xét một cách công tâm cái cách chiều chuộng Huyền của Luân từ những việc nhỏ xíu làm không ít người ngưỡng mộ. Luân còn có biệt tài chơi và tài chăm sóc các con, đặc biệt cô con gái nhỏ từng ly từng tý, chu đáo, khéo léo cột tóc, cột nơ, bày trò chơi, dỗ dành… làm Huyền có thể yên tâm giao hẳn việc “babysit” con gái cho chồng mỗi khi phải chạy theo công việc vốn dĩ bất chấp khung thời gian tám giờ vàng ngọc. Huyền nhớ những lần Luân đội mưa mang chiếc áo mưa đã lau khô và gấp phẳng phiu đến công ty cho nàng vì nàng chẳng khi nào nhớ cho vào cốp xe. Huyền cũng nhớ những tô phở nóng hổi Luân mua lúc khuya khi nàng dở chứng thèm. Nhớ ánh mắt buồn của Luân những khi nàng giận dỗi vì những lý do mà chỉ một ngày sau nàng dù cố gắng cũng không tài nào nhớ nổi…

Rượu là thứ đồ uống thường khi chẳng bao giờ Huyền dám nhấp môi hôm nay làm nàng tỉnh táo vì phải lấy hết can đảm để uống từng ngụm cho đến giọt cuối cùng. Đồng hồ chỉ 21h37. Giờ này nếu hai đứa nhóc có nhà có lẽ cả nhà đang quây quần ở phòng khách, hai đứa bé sẽ bận chí chóe nhau, Huyền sẽ vừa ăn trái cây vừa lướt facebook, còn Luân thì hí húi làm việc trên laptop của chàng. Khung cảnh yên bình ấy đã hiện diện, đã quá quen thuộc, đã trôi qua trong ký ức nàng hàng trăm, hàng ngàn ngày trước.

Có những lúc Luân mỏi mắt đứng lên, đi về phía Huyền, tay nhón trái cây, tay bẹo má nàng, hay gõ nhẹ vào trán nàng, thả một nụ cười vào tầm mắt nàng. Nụ cười dù có nhắm mắt nàng cũng hình dung rõ mồn một vì nó luôn mang cho nàng cảm giác ấm áp, dịu dàng, thân thiện, hài hòa từ khuôn mặt chữ điền đầy nam tính, đôi mắt to, sáng, khuôn miệng đầy đặn và hàm răng đều, trắng bóng.

Huyền nhớ lần sinh con gái, Luân cứ xiết chặt tay nàng đầy thương yêu, xúc động, không nói gì cứ thế ngồi yên lặng ngắm mẹ con nàng. Những lần con bé ho, sốt cao, Huyền ngủ thiếp đi vì quá mệt thức canh lau mồ hôi cho con bé. Giật mình choàng tỉnh đã thấy Luân bế con bé trên tay, vừa ngồi cạnh vuốt tóc Huyền.

“Anh muốn ở bên em suốt đời, muốn chúng mình cùng già đi bên nhau để anh chăm sóc em tới tận ngày cuối cùng”. Luân đã nói với Huyền như vậy trong những đêm thức cùng nhau chăm con sốt, bệnh. Trong ánh đèn mờ ảo của đêm, Huyền đã lặng người, những giọt nước mắt không biết ở đâu bỗng rủ nhau rớt ầm ầm, lăn dài trên má khi nghe Luân nói câu đó và thầm cám ơn bóng đêm đã che giấu giùm cho nàng.

“Già đi bên nhau” (Grow old together), cụm từ đó đã trở thành một “biệt ngữ” ở bên nàng trong mọi cung bậc cảm xúc của riêng nàng. Những lúc chàng “ghi điểm” tốt, cảm thấy yêu chàng, biệt ngữ ấy vang bên tai Huyền ngọt ngào hơn ly chocolate sữa nóng nàng uống mỗi sáng. Còn trong những đêm trường chống mắt nhìn khắp căn nhà đuổi theo dòng cảm xúc cay đắng, giận dữ..., biệt ngữ ấy cũng giúp nàng xoa dịu, nguôi ngoai đi rất nhiều và dễ dàng thuyết phục chính mình bỏ qua cho những điều chàng đã làm tổn thương nàng.

Huyền cũng nhớ cảm giác bóp nghẹt trái tim nàng khi dòng tin nhắn lần đầu xuất hiện trong điện thoại của Luân. Trời ơi! Tại sao chuyện này lại xảy đến với nàng? Tại sao người mang đến cho nàng tột đỉnh hạnh phúc cũng lại chính là người vùi nàng xuống đáy sâu đau đớn? Xưa kia nàng ít khi để tai tới những câu chuyện ngoại tình xì xào hàng ngày trong công sở, luôn cho đó là chuyện của ai đó, không có chút liên quan gì. Ai ngờ một ngày kia nàng lại đón nhận nó trong vai chính. Trớ trêu vô lượng.

Huyền cũng không quên những ngày nàng tra tấn Luân bằng tất cả hình thức hiện lên trong đầu óc nàng từ xỉ vả, lạnh lùng, đến khinh miệt và gào thét… Biết bao cuộc tra vấn, hỏi cung cũng như khóc lóc kết án, điên cuồng… để rồi khi có đủ thông tin và suy xét kỹ càng cộng với thái độ thành khẩn, hợp tác của Luân, Huyền đi đến kết luận là “tai nạn” ấy chưa đủ cấu thành tội phạm và chấp nhận cho qua, khép lại “hồ sơ vụ án”, đổi lại cam kết của Luân “không bao giờ làm em mất lòng tin nữa”.

Nếu không có sự cố ấy, cuộc sống của nàng đã êm ả, hạnh phúc biết chừng nào. Hai vợ chồng công việc ổn định, đẹp đôi cả ngoại hình và tính cách, hai đứa con một trai một gái đẹp như tranh vẽ, ngoan, giỏi, đáng yêu, một ngôi nhà xinh xăn và chút tài sản dự phòng tương lai… bao người thầm mơ ước. Ừ thôi thì chấp nhận một chút không hoàn hảo để bước tiếp, miễn là Luân đã biết lỗi, coi đó là sai lầm và là lý do để Luân cố gắng dành hết tâm sức cho gia đình sau sự cố này.

Thời gian tưởng như đã chữa lành vết thương ngày nào, Huyền đã thực sự quên bẵng chuyện xưa, đã từng thầm hứa mãi luôn nuôi trong lòng biệt ngữ “già đi bên nhau”, ai dè cái dòng tin nhắn tai ác ở đâu lại một lần nữa làm xáo trộn đời nàng. Lần này sức tàn phá của nó mạnh hơn, cay đắng và vật vã hơn nhiều…
 

*


Có vẻ như rượu đã ngấm vào máu Huyền. Mặt nàng nóng bừng, cổ họng như đắng lại. Nhìn đồng hồ lần nữa, 11h25, Huyền mở cửa phòng bước ra đi từ từ xuống biển. Ba ngày nay Huyền ở một mình, xa thành phố, không laptop, không điện thoại, chỉ có một, hai cuốn sách mỏng, dễ đọc mà đọc mãi cũng không vào. Gió biển về khuya thổi mạnh, tiếng sóng cũng ồn ào. Mái tóc ngắn của nàng gió cuốn tung bay tứ tán không theo hướng nào. Bất giác, Huyền ngửa mặt lên trời. Một quầng sáng hình chiếc thuyền hiện diện nổi rõ trong đêm tối, thật lạ lùng.

“Ông Trời ơi, nếu Ngài hiểu lòng con xin hãy ban cho con sự khôn ngoan, sáng suốt xử lý tinh huống này. Con xin đặt để trong bàn tay của Ngài để Ngài hướng dẫn con vượt qua nó, tìm lại sự bình an cho con, cho gia đình nhỏ của con và cho hai thiên thần bé bỏng của con…”. Bỗng nhiên, một luồng ý nghĩ ập đến, môi Huyền lắp bắp cầu nguyện những lời thoát ra từ môi nàng như có ai nói giùm chứ không phải nàng. Quầng ánh sáng trên cao cũng đột nhiên loang rộng hơn, sáng hơn. Sóng biển bỗng nghe như dịu lại, gió cũng thổi êm dần bên tai Huyền. Nàng thoáng rùng mình và bước chân vô định bỗng soải những bước dứt khoát quay về phòng.
 

*


Vừa tới phòng, nàng hối hả bật điện thoại lên. Tiếng nhạc chuông khởi động máy vừa dứt cũng là lúc màn hình báo tin 37 cuộc gọi nhỡ, 12 tin nhắn. Nàng từ từ xem nhật ký điện thoại, các cuộc gọi từ mẹ nàng, các chị nàng, em gái nàng và đương nhiên, của Luân chiếm 29 cuộc. Nàng lướt qua các tin nhắn, và dừng lại khá lâu ở một dòng tin: “Em ở đâu nhận tin nhắn của anh gọi lại cho anh ngay nhé. Chuyện đâu còn đó. Em đừng làm gì dại dột. Mọi việc không như em suy diễn đâu. Anh chưa làm gì sai đến mức để em phải tự hành hạ bản thân mình. Về nhà đi để anh giải thích cho em tất cả...”.

Giọt giọt nước mắt Huyền theo nhau tuôn như mưa xuống má, xuống môi nàng không cầm được. Nàng chợt khóc to lên như một đứa trẻ bị đòn oan. Phải rồi. Nếu không có sự cố tin nhắn này, vợ chồng Huyền vẫn là một cặp vợ chồng đôi lứa xứng đôi, hạnh phúc, ăn ý. Huyền được yêu chiều từ những điều nhỏ nhất mà phụ nữ nào cũng ao ước được chồng làm cho mình. Luân cũng biết đón ý Huyền, biết chăm sóc nàng, lắng nghe nàng, biết cách thuyết phục nàng không cần phải lấy quyền gia trưởng mà phần lớn các anh chồng hay thích ra oai với vợ đều mắc phải.

Nếu Huyền cứ kéo căng sợ dây, không chấp nhận sai sót, không chấp nhận để lòng kiêu hãnh bị tổn thương thì cuộc sống của nàng, thế giới của các con nàng sẽ có một bước ngoặt lớn. Huyền có chắc là mình đủ sức nuôi dạy các con khôn lớn một mình khi đã quá lệ thuộc vào trọng trách của Luân? Liệu sự thiếu vắng ba đột ngột và tình cảm gắn kết của Luân và các con, nhất là con gái có gây cho các con nàng một cú sốc kinh khủng khó vượt qua? Liệu những cảm nhận về hạnh phúc của ba mẹ, của gia đình hiện diện hàng ngày như một sự hiển nhiên trong các con có làm cho trong trí óc non nớt của chúng cảm giác bị phản bội, bị tước đoạt một cuộc sống an toàn, hạnh phúc nếu mẹ đổ lỗi vì ba gây ra mà chúng không thể nào tin và mẹ chúng không thể nào thuyết phục…?

Nàng lướt xuống tin nhắn tiếp, của em gái nàng: “Chị về nhà đi. Bọn trẻ con về nhà rồi. Hãy nghĩ đến những gì anh chị đã có. Chị hãy cố gắng thêm một lần nữa, chị nhé”.
 

*


Tinh tong tinh teng… chuông điện thoại lại đổ dồn. Số của “Ba mập”.

Huyền tắt chuông và cứ để điện thoại rung cho đến khi máy im lặng.

“Già đi bên nhau”… Biệt ngữ ở đâu bất chợt lóe trong đầu nàng. Nụ cười nửa héo hon nửa vui mừng bất chợt hé nở trên khuôn mặt ưu tư đăm đắm suốt những ngày qua của nàng. Huyền vào thư viện hình ảnh, chọn tấm hình tin nhắn trong máy Luân, bấm “xóa”. Xong Huyền từ từ thu xếp đồ vào va ly để sáng sớm mai trở về.

Ngày mai sẽ là một ngày mới.

Julie Le, từ TP. HCM


1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...