Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Cũng Còn Đó Nợ Nhau - Chuyện ngắn của Thuyên Huy




Chuyện được viết bằng tưởng tượng, mọi trùng hợp vô tình nếu có là điều ngoài ý muốn của người viết.

    Từ Suối Đá, gia đình Thịnh dắt nhau ra Gò Dầu, được một người bà con xa, ba Thịnh kêu bằng chú, chú tư Đặng, cho tạm cất cái nhà tranh nhỏ, trên miếng đất xéo góc sau, sát bên con đường lộ, đất đá lồi lõm, đi về hướng mấy cái ấp trong, không xa ngã ba quốc lộ lên Tây Ninh, ngay cửa chi khu quận bao nhiêu. Ba mẹ Thịnh vốn đã nghèo, giờ lại nghèo hơn, hai vợ chồng từ ngày bỏ nghề phu cạo mủ ở ngoài Xa Cam, bồng Thịnh, chưa đầy một tuổi, trôi giạt về đây, may có người chủ đất tử tế, cho mướn mấy miếng ruộng gò, tới mùa, lúa gặt xong, có nhiều trả nhiều, có ít trả ít, lam lũ năm này qua tháng kia, tạm đủ ăn ngày hai bữa, cũng  được mấy năm, nhưng không may, đám ruộng hai người đang làm, phải trả lại cho bà con của người chủ đất, vì ông bị bệnh nặng qua đời.
    Chân ướt chân ráo, đi qua đi lại cái bến xe lôi, xe đạp xe máy, ngoài ngã ba mấy ngày đầu,  ba Thịnh lân la làm quen, hỏi han mấy anh chủ xe cười nói, lăng xăng, người đi lên xuống, kêu réo vang rân cả một góc đường, thấy việc làm cũng không khó, ba mẹ Thịnh bàn nhau, với số tiền chắt mót dành dụm có được, sẽ nhờ người bà con cho mượn thêm làm vốn, tìm mua cái xe lôi đạp cũ nào đó để kiếm tiền sinh sống. Định vậy, chưa kịp nhờ, thì ông tư Đặng giới thiệu ba Thịnh mướn lại đám ruộng nước, bên kia cầu lớn, đường đi Bến Cầu, biên giới Miên, dọc theo bờ nhánh sông ngang chợ quận, với giá rẽ, vốn đã bỏ hoang không ai làm, của bác sáu Đậm, hiện đang làm gì đó trong văn phòng quận, cái văn phòng lớn nằm ở đầu dốc, ngã ba chợ, giữa hai dãy phố chính, ba mẹ Thịnh đồng ý ngay, vì dù sao cũng quen với nghề làm ruộng rồi, bên cạnh đó, vừa không phải bỏ ra một số vốn và vừa gần nhà, đi về cũng tiện. Hôm theo ông tư đến nhà bác sáu Đậm, để làm quen và nhận lời, một căn phố gạch hai tầng lầu, cửa sắt, hàng rào gạch cao, có cái sân trước nhiều chậu cây chậu kiểng gì đó, nằm cùng một bên với rạp chiếu bóng, ngó ra đường đi xuống bờ sông cuối chợ, hai bác Đậm còn trẻ, lớn hơn ba mẹ Thịnh chừng vai ba tuổi, niềm nở và vui vẻ tiếp, có đứa con gái duy nhất, chắc cở tuổi Thịnh, đang học lớp tư ở trường tiểu học quận, ra về, bác Đậm còn nhắc một nhắc hai, “nếu cần gì, cứ tới cho ông hay, ông sẽ giúp, đừng ngại gì hết” rồi mời mọc “thỉnh thoảng ghé lại chơi”, ba Thịnh cười gật đầu nhưng không biết nói gì hơn là hai tiếng “cám ơn”.

    Vào học trễ, vì đã học gần xong lớp năm ở Suối Đá trước khi ra Gò Dầu, vã lại Thịnh đọc viết khá rành rẻ nên được trường sắp vào lớp tư, cùng lớp với Diệu, con gái bác sáu Đậm, chủ ruộng của ba mình, hai đứa quen nhau và chơi chung với đám bạn con nhà chợ quận từ đó, nhờ cái xe đạp cũ mua ở chỗ sửa xe của một anh thương phế binh, tại góc cột đèn bến xe Gò Dầu Tây Ninh Sài Gòn, ba Thịnh “đi ruộng về nhà” đở vất vả phải “đi sớm về tối”, bên cạnh đó, nhờ chú tư Đặng cũng như ba má Diệu, giúp chuyện này chuyện kia một thời gian đầu, nên đám ruộng giờ xem ra đâu đó “đê điều” ngay hàng thẳng lối, sáng sáng, sau khi Thịnh đi học, mẹ Thịnh ngồi xe đạp theo ba qua ruộng, ngoài việc đắp bờ, nhổ cỏ bà chịu khó giăng câu, tát đìa chỗ này chỗ kia, có khi ra tới gần tận con rạch rẽ, ngó qua bên chợ, nên ngày nào cũng có cá có tép, bông súng bông sen, ba Thịnh cũng lựa một miếng đất hơi cao, không ngập nước, cày xới đất, bón chút phân làm mấy cái giàn trồng bầu mướp dưa leo và chừng chục luống rau lang rau muống cho nên, không những đủ cho cả nhà ăn mà còn mang bán lòng vòng ngoài chợ, kiếm thêm vài ba chục bạc. Đôi khi, mẹ cũng mang mấy trái bầu to, nửa rổ dưa leo tươi cứng chắc nịch và mấy con cá trê vàng mà bà tĩ mĩ lựa tới lựa lui, khệ nệ mang qua biếu cho hai bác sáu Đậm, gọi là chút quà ăn lấy thảo, những lần đó, cũng có Thịnh đi theo, hai đứa gặp nhau, “tay bắt mặt mừng” ồn ào lăng xăng, vui đùa từ nhà trong ra sân ngoài, tươi cười thỏa thích, mẹ Thịnh ngần ngại, giữ kẻ không dám ngồi lâu nhưng mẹ Diệu thì, một hai ở nán lại cho hai đứa chơi với nhau chút xíu nữa, miệng lúc nào cũng gọi Thịnh tiếng “con” nhẹ nhàng, ra về, không lần nào mà  bà sáu không đưa hai mẹ con ra tới tận cửa.

    Ngây thơ, hồn nhiên, vô tư lự, Thịnh và Diệu lớn dần theo ngày tháng, thành bạn thân hồi nào, không đứa nào nhớ, chỉ biết vắng chút xíu là thấy buồn, thấy nhớ, nhớ bâng quơ, cái sân lót đá đầy chậu hoa chậu kiểng giữa căn nhà kín cổng cao tường của Diệu và khoảng sân đất lấp xấp mưa bụi với cây ổi già, cây mận trỗ muộn, của căn nhà tranh mái lá của Thịnh, đối với hai đứa không có gì khác nhau, chỗ nào cũng vui nhiều buồn ít, sáng sớm mưa nắng gì cũng vậy, đứng chờ nhau ngay ngã ba, chưa thấy tới thì ngóng ngóng trông trông, thấy rồi thì cười toe cười toét, tay nắm tay quàng, tung tăng trên đường đến trường, chiều tan học, trên đường về nhà, cũng tại ngã ba, bước đi bước ở, xí xô xí xào, hẹn hò chuyện gì đó ngày mai, cũng nhặt hoa phượng đỏ ngày hè, bắt chước tiếng ve nhớ lớp học, cũng gom lá thu vàng, nhóm lửa sưỡi ấm góc sân trường, kỷ niệm vụn vặt cứ theo dòng đời nhiều thêm, nhiều đến nổi không làm sao kể cho hết.

    Xế chiều trời mưa dầm, giữa tháng mười năm Thịnh học lớp nhất, nước tuôn xối xả, dù vậy, thấy trời còn sớm, nán ở lại  làm cho xong mấy luống cải bẹ xanh sắp lớn, ba Thịnh vì lụp chụp, không để ý, trợt chân ngay bờ đất sét trơn, đạp trúng cái cán của lưỡi cày dựng ngay góc chòi, lưỡi cày sắt bén, đập vào ống chân, máu tuôn ra xối xả, ông ngã xuống dưới mặt đất lấp xấp nước mưa, mẹ Thịnh đang kéo tấm liếp lá dừa che luống cải, sát ngoài bờ đê ruộng, nghe tiếng ông thét lên, bỏ chạy ngược vào, bà ngồi xuống điếng hồn, vịn lấy chân ông khóc òa “trời ơi trời ơi”, ông run lên từng chập nhưng cố cắn răng chịu đau, bà bỏ chạy ra đường lộ, may đón được chiếc xe lôi máy, từ hướng Gò Dầu Thượng về, hai người, người cõng người nâng chân, mang ba Thịnh để lên xe, phủ tấm ni lông che mưa, rãnh nước chảy thành dòng pha màu máu từ trong ruộng ra tới ngoài, mẹ Thịnh theo xe lôi, bỏ cái xe đạp lại đó, họ đưa ông vào bệnh viện quận, trời cũng vừa nhá nhem tối. Một phần vì bị lưỡi cày cắt đứt quá sâu, một phần cũng vì nó đập mạnh quá, cho nên ống chân trái của ba Thịnh bị gãy hơn hai phần ba, sau gần mười ngày nằm băng bột trong bệnh viện, về nhà ông phải dùng nạng chống mới đi tới đi lui được, theo lời bác sĩ, xem như là “chân trái sẽ mang tật luôn, không được làm việc gì nặng, nếu không sẽ gãy lại nữa thì khó trị, có thể phải cưa bỏ đi”, ba mẹ Thịnh buồn rầu suốt mấy ngày, đi học về, không còn đứng lâu ở ngã ba, chào nhau vài tiếng rồi đi nhanh về nhà, nó lẩn quẩn bên ba, sờ qua sờ lại cái ống chân bị tật, nhìn ông lo lắng nhưng không biết là lo cái gì, cả nhà buồn thì Thịnh cũng buồn theo, vào lớp, Diệu cũng biết buồn theo từ đó, cô Huệ, cô giáo của Thịnh, đến nhà thăm hai ba lần, an ủi ông bà, nhất là chuyện học hành của Thịnh. Mẹ Thịnh giờ, một mình, đạp xe ra đồng, lũi thũi hái rau, hái trái, chuyện bán buôn ngoài chợ bữa có bữa không, ba Thịnh, chống nạn ngồi trên cái ghế đẩu trước cửa nhà chờ, nhìn xa xa bên kia sông, thở vắn than dài, buồn thiu buồn thít, ba mẹ Diệu cũng có đến thăm nhiều lần, biếu gia đình Thuận số tiền nho nhỏ nhưng ba mẹ Thịnh cám ơn không dám nhận.

   Mùa gặt xong, trước Tết vài hôm, ông tư Đặng bán căn nhà cho gia đình nào đó từ dưới Trãng Bàng lên mua, để về lại Tân Long, cù lao Rồng, Mỹ Tho, an nghỉ tuổi già, vì dù sao ở đó cũng còn có con cháu, lo mồ lo mả được, ngặt nỗi, người chủ mới muốn ba mẹ Thịnh dời đi chỗ khác vì họ định xây cái nhà rộng hơn, không có cách nào hơn. Ông tư về Tân Long ăn Tết trở lên, ra giêng, trễ lắm là cuối tháng hai phải giao nhà cho người ta, bàn với ba mẹ Thịnh, mua lại cái vườn trồng Mận nho nhỏ, có sẳn cái nhà cây lộp tôn còn tốt, dưới cù lao Rồng, không xa Tân Long bao nhiêu, giá không mắc, có gì thiếu ông phụ thêm cho, do người bạn già cũ bán lại, vì cô con gái lấy chồng về Sa Đéc, không còn ai coi sóc vã lại, cũng có mối lái thu mua khi tới mùa, mang về Trung Lương nên chuyện bán buôn không cần phải lo lắng, công việc vun sới, cắt tỉa dễ làm, không nặng nhọc như làm ruộng. Mẹ Thịnh theo ông tư đi Tân Long, vài ngày sau trở về, bàn với chồng, kiểm lại số tiền có được, ông bà đồng ý, quyết định mua vườn Mận và dọn về ở dưới lập nghiệp lần nữa.

   Thịnh theo ba mẹ bỏ Gò Dầu, chưa học hết lớp nhất, hè cũng ngấp nghé về, hàng phượng trên đường đến trường đã bắt đầu dăm ba chùm nở sớm, đâu đó đơn lẻ vài ba tiếng ve buồn gọi nhau đầu mùa ngang phố chợ, hôm chia tay, buổi sáng đứng cùng mẹ, bác gái Đậm, tiễn gia đình Thịnh, hai đứa mắt đỏ hoe, khóc sướt mướt, Diệu đưa tặng Thịnh, cuốn tập viết bài tập làm văn của mình, trong đó có bài kể tên Thịnh, mà cô Huệ đã cho mười điểm, về đề tài “tả người bạn thân của em”, nhắc “khi nào buồn, nhớ Diệu thì lấy ra đọc nghe”. Chiếc xe cam-nhông chở đồ đạc của nhà Thịnh và của ông tư Đặng nặng nề, chậm chạp, lừ đừ chạy ra đầu ngã ba, ngồi bên mẹ, Thịnh cầm cuốn tập nhìn lại phía sau, bên kia căn phố đầu ngõ rẽ, trong màn sương sớm vừa kịp tan, cũng như những buổi sáng quen, học trò từng đám lăng xăng, tung tăng đón nắng, bóng Diệu khuất dần trên con đường xuống trường, một mình và chỉ một mình, trên xe, Thịnh thúc thít một mình và cũng chỉ một mình, Thịnh xa Gò Dầu và chưa có lần nào về lại từ hôm đó.

*

    Thịnh từ quận Đức Tôn, Sa Đéc về nhận chức phó quận trưởng Hiếu Thiện, thay cho anh Danh, người khóa đàn anh về lại trường học Cao học, hôm bàn giao, tại văn phòng, bác sáu Đậm chưng hửng nhìn Thịnh, ngạc nhiên không nói nên lời, khi được gọi vào văn phòng để anh Danh giới thiệu, các vị trưởng ban, Thịnh cúi người chào cũng ngạc nhiên không ít, trong đầu cứ nghĩ là ông đã hưu trí lâu rồi, “bác sáu còn nhớ con không, thằng Thịnh, bạn của Diệu nè, ba con hồi đó mướn đám ruộng bên sông của bác”, anh Danh cười lớn, “ủa hai người quen nhau hả”, Thịnh ngó qua bác sáu Đậm, gật đầu, anh Danh tỏ vẻ khoái chí. Bác sáu Đậm bước ra, ngài ngại, quay lại nhìn lần nữa, rồi khẻ chào hai tiếng “ông phó”, Thịnh cười nhìn theo, anh Danh cũng cười nói nhỏ “dân gốc Gò Dầu về Gò Dầu là quá đả rồi”.

    Từ văn phòng ra, cuối giờ làm, Thịnh thả bộ thật chậm, đếm từng bước, theo con đường dốc lên ngã ba chi khu, nắng chiều xuống, ngã dài theo chân, bây giờ là mùa thu, mùa của cây cành khẳng khiu của lá vàng lá úa, nhìn đám học trò tan học, túa ra, nhóm năm nhóm ba, cười nói ồn ào, gọi tên nhau ơi ới, cũng con đường này, cũng hàng cây đó, bất giác Thịnh bỗng dưng muốn khóc, đâu đó, hình bóng Diệu thui thủi một mình đến trường, hôm chia tay nhau, như mới hôm nào, tiếng kèn chiếc xe lam chở hàng từ dưới chợ lên, báo hiệu người băng qua đường tránh, làm Thịnh đứng khựng lại, hai ba cô giáo trẻ đi ngang, nhìn tươi cười chào, Thịnh gượng cười đáp lại, xế ngã ba, tới nơi chỗ ở xưa, giờ là căn nhà ngói lớn, có cổng vào và cái vườn đầy cây vú sửa, Thịnh đứng ở đó thật lâu, cũng nơi này, Thịnh và Diệu, đứng chờ nhau tới trường mỗi buổi sáng, mưa nắng mặc trời, rồi nhìn lên hướng nhà bác sáu Đậm, rươm rướm nhớ, nhớ mà ray rứt buồn, buồn vô cớ và buồn vậy thôi.

    Mười mấy năm không về lại, Gò Dầu bây giờ cũng vậy, cũng nửa quê nửa chợ như những ngày Thịnh còn nhỏ, cái tiệm bán xăng ngay ngã ba đường vẫn meo mốc một màu sơn cũ bạc, rạp chiếu bóng lâu lắm rồi, bữa chiếu bữa không, con sông chia đôi bờ Thượng Hạ cứ lầm lũi hai mùa nắng trong mưa đục, mấy chiếc xe lôi, thấy nhiều hơn, đạp hay máy gì cũng bụi bám sơn phai, hàng rào kẽm gai chi khu dựng thêm nhiều lớp trong ngoài, bao cát xanh một màu ô liêu dầy đặc cổng trước cổng sau, dọc theo mấy dãy giao thông hào, cái sâu cái cạn, có thêm mấy khẩu đại bác 105 ly, nhìn trời, nhắm nòng về hướng biên giới Miên bên kia cầu, lạnh lùng nằm yên chờ. Cuộc chiến bây giờ lan rộng và căng thẳng hơn trước, trận đánh ngày càng khốc liệt, Bắc quân cộng sản từ ngoài bắc vào, giờ đóng quân nhiều nơi, bên kia đất Miên, ráo riết tràn qua, hợp lực với đám du kích miền nam, hùng hỗ tấn công đánh chiếm ấp làng hẻo lánh cho bằng được, cũng như các tỉnh nằm dọc theo biên giới, Tây Ninh bị áp lực địch nặng nề, quân VNCH không còn sự lựa chọn nào khác, bảo vệ chống trả, giữ đất giữ nhà, một mất một còn với bọn họ. Gò Dầu không xa đất Miên bao nhiêu, từ Long Thuận, Long Giang, Bến Cầu, cách mật khu Mõ Vẹt, cục R của cộng quân về, chắc không hơn năm ba chục cây số, đèn đường phố quận, vốn vàng vỏ từ những ngày thanh bình giờ cũng một màu vàng vỏ, tiếng súng tiếng bom nghe chừng như đã quen tai, lúc xa lúc gần, chợ búa, người mua kẻ bán, cũng chẳng buồn khi nhóm trễ tan sớm.

    Về chưa hơn một tuần, định sắp xếp mọi chuyện đâu đó xong, sẽ thăm hỏi bác sáu Đậm nhiều hơn, nhất là nôn nóng muốn biết Diệu hiện giờ ra sao, nhưng trúng mùa bầu cử hội đồng xã, cho nên ngày nào cũng như ngày nấy, sáng vào văn phòng, chỉ kịp chào bác một tiếng, ngồi chưa “nóng đít”, kịp liếc sơ qua mấy cái thư từ công văn, cấp trên cấp dưới, ký vội ký vàng vào mớ giấy tờ cần mà bác để sẳn trên bàn, rồi ra xe, với anh Bi, trưởng ban công vụ, có mấy anh lính nghĩa quân, súng ống đi theo, xuống lên hết ấp này qua xã nọ, trở lại quận thì trời đã ngã bóng chiều từ lâu. Hôm từ Phước Trạch về, trời còn sớm, vừa quá giữa trưa, sau khi cho mấy anh lính nghĩa quân đi theo hổm rày về nghỉ xả hơi, Thịnh lái xe “jeep” vào chi khu, người lính gác cổng, nhận ra, vẫy tay chào “ông phó”, bỏ đó như thường ngày, trở ra cùng với anh Bi vào cái quán ăn, ngay góc ngã ba, ngó ra đường vào trường trung học quận uống cà phê, tán dốc, chuyện qua chuyện lại, tiện lúc, Thịnh được anh cho biết, anh cũng thường gặp Diệu, hiện đang dạy tại trường trung học quận, có chồng là một đại úy binh chủng Dù, anh có dự đám cưới, hơn một năm nay, lần gặp mới đây là lúc quân VNCH tấn công qua biên giới Miên, khi anh này ghé qua nhà trên đường theo quân tiến qua ngả Gò Dầu Thượng, Thịnh ngồi lặng thinh, nghe lòng mình chùng xuống, anh Bi vô tình thêm “bác sáu Đậm tốt lắm, ở đây ai cần gì ông bà cũng giúp hết, nhà bác là cái nhà lầu có cổng sắt, kế bên rạp chiếu bóng, sát bên đường đi Tây Ninh, dễ biết lắm, phải ông phó hỏi trước, thì khi mình từ Phước Trạch về ngang, tôi chỉ cho”, anh Bi nói một hơi, nhưng anh đâu biết là Thịnh đã biết căn nhà đó từ lâu lắm rồi, nghe tin Diệu đã lập gia đình, nên chuyện định đến nhà thăm xem ra chắc là không nên trong lúc này nhưng trong thâm tâm, Thịnh vẫn mong có lần nào đó gặp lại, một lần gặp lại vui.

    Mãi nói chuyện với ông sư trụ trì chùa Thạnh Lâm, khi ông tạt qua nhà Thịnh, bàn chuyện kinh kệ gì đó mà anh ta đã hỏi mấy hôm trước, căn nhà anh mướn lại của nhà chùa khi mới về Gò Dầu, chủ căn nhà này là người em bà con sao đó với vị sư, đã dọn xuống Sài Gòn làm ăn, để lại cho ông trông coi, như là một tặng vật tặng lại cho chùa, nằm bên kia đường, ngay cổng chính của chùa ngó qua, Thịnh ra tới văn phòng hơi trễ, không thấy bác sáu Đậm, vào trong, đóng cửa phòng, ngồi xuống ghế, ngó ra cửa sổ nhìn trời, nắng sáng rực trên nóc phố chợ rong rêu, tiếng học trò la hét trong giờ ra chơi nghe rõ mồn một, cô Liên, thư ký gỏ cửa  nói vọng vào “thưa có người muốn gặp ông phó”, Thịnh định đi ra nhưng nghe tiếng cô trả lời với ai đó “dạ em cũng khỏe, bác bữa nay bệnh hả chị”, nên đứng khựng lại một chút xíu, rồi mới  bước tới mở cửa. Diệu ngồi đó, hai người lặng thinh nhìn nhau một lúc, ngạc nhiên không ít, thốt lên cùng một câu “cứ tưởng là không có ngày gặp lại”, kỷ niệm những năm xưa còn bé, bỗng chốc hiện về, lớp học, con đường, tiếng ve, hoa phượng, cái ngã ba, cái tay nắm tay quàng, cây ổi, chậu kiễng, và nhiều nữa tưởng chừng như mới hôm qua, hết người này tới người kia, hết chuyện này tới chuyện nọ, nhất là bài tập làm văn tả tình bạn hồi năm lớp nhất, nhưng chợt biết rằng, chỉ là một chút gì nhớ để mà quên, cái lần mong gặp lại nào đó chợt đến rồi chợt đi, mang vui đi theo bỏ buồn buồn ở lại, bác sáu Đậm, hôm đầu gặp Thịnh ở văn phòng, về nhà nói lại cho bác gái và Diệu biết tin, cả nhà đi ra đi vào, không ai bàn ra bàn vào một tiếng, không có giờ dạy sáng nay, sẳn dịp bác sáu Đậm bị cảm, không đi làm, cô quyết định tạt ngang văn phòng, cũng như Thịnh, Diệu cũng mong có lần nào đó gặp lại, một lần gặp lại vui. Cửa mở, có tiếng người nào đó hỏi xin được gặp ông phó, Thịnh nhìn ra, cũng đã lâu, cả hai cũng không biết nói gì thêm, Diệu đứng lên, tiễn cô ra tận ngoài cửa văn phòng, Thịnh cười chào “chúc Diệu được nhiều hạnh phúc”, bước xuống bậc tam cấp, Diệu quay lại gật đầu mà không nói gì, qua bên kia đường, Diệu đi khá xa, gần cuối con dốc rồi, Thịnh vẫn đứng đó nhìn theo, chợ vắng người, gió giữa trưa từ hướng sông đưa lên, man mác pha chút mùi bùn, mùi bông lục bình, áo Diệu đôi tà đong đưa lất phất bay, một màu vàng của lá thu giữa mùa.

    Qua Tết, về Tân Long thăm nhà, mấy năm rồi, từ lúc ra trường, sau ngày ba Thịnh mất, vì bệnh sơ gan, tội nghiệp còn lại mẹ, một mình một thân, lủi thủi ra vào, cái vườn mận xem ra cũng thương cho người đơn lẻ, mùa nào cũng trái chín đỏ hồng, trĩu nặng chen chúc nhau trên cành to nhánh nhỏ, ít có dịp nên Thịnh ở nán lại thêm đôi ngày với bà, thay vì sớm trở lên Gò Dầu như đã tính, như thói quen của những ngày Thịnh lên trung học, hôm đưa Thịnh đi, bà mằn mò đưa thêm chút tiền gọi là để có mà xài, Thịnh cười, chợt nhớ ra gì đó, bà giữ lại, bà nắm tay anh cười ngặt nghẻo.

    Từ nhà ra, Thịnh đi theo đường dọc bờ sông, ngang qua chợ , trời gió nhẹ, thoang thoảng mùi lúa từ bên kia sang, mặt trời hừng hực một màu đỏ thẳm lên, nắng hâm hấp nóng sớm, thả bộ, thong thả “nhìn dưới nhìn trên”, bạn hàng ồn ào bày binh bố trận, “nhìn qua nhìn lại”, không lạ không quen, thấy đời cũng còn một chút vui, đám học trò nhỏ sợ trễ, réo nhau chạy băng qua đường, hai ba cậu, bốn năm cô trung học, áo dài trắng lùa nắng, người trước người sau, nhủng nha nhủng nhẳn “anh theo Ngọ về” bên kia con dốc, con dốc đi về  trường trung học quận, mà Thịnh vẫn còn có nhiều lần thơ thẩn nhìn xa xăm về hướng đó, chưa kịp bước lên thì anh Bi, chỉ đồng hồ đeo tay, từ trên cửa văn phòng đi xuống, chỉ qua cái quán cà phê hủ tiếu quen bên cạnh tiệm thuốc tây, Thịnh gật đầu rồi quay lại bỏ đi trước, trong quán nhìn ra, người lên kẻ xuống, tay gánh tay mang, xe lam xe kéo từ miệt xã ấp tới càng lúc càng đông, chợ quận lại bắt đầu một buổi sáng, Bi cho Thịnh biết anh vừa nghe một cô giáo bạn thân với Diệu, cùng dạy chung, nói lại với bà xã anh ta, làm y tá ở bệnh viện quận mà Thịnh đã gặp, khi đến nhà ăn chiều sau ngày xong vụ bầu cử hội đồng xã là “Diệu đã ly dị với chồng”. Trở lại văn phòng, cũng vừa lúc bác sáu Đậm đem giấy tờ cho Thịnh ký, hai người vào trong, bác tươi cười đứng chờ, chợt nhớ tới lời dặn tới dặn lui, đừng nói với ai là anh nói chuyện Diệu hồi nãy, Thịnh lén nhìn, xem ra bác có vẻ gì đó vui hơn ngày thường, cầm xấp giấy đi ra, chưa tới cửa, bác quay lại hỏi nhỏ “gia đình ông phó ở quê cũng khỏe mạnh hết hả, lần sau có về, cho vợ chồng tôi gởi lời thăm nghe”, Thịnh bước ra theo “dạ, mẹ con cũng khỏe, cám ơn bác”, ở cái bàn phía trong góc, anh Bi mắt tròn xoe nhìn, Thịnh lắc đầu cười, về nhà, Thịnh bổng dưng trằn trọc suốt đêm, không ngủ được, chuyện ngày xưa còn bé lại hiện về, lẩn quẩn đâu đó trong tiềm thức, nhớ tiếc cái gì đó mà không biết chắc là cái gì, sáng thức dậy theo tiếng gà gáy sớm, qua chùa, ông sư già đưa Thịnh vào chánh điện rồi bỏ đi ra, chưa có hồi chuông lễ sáng, Thịnh chấp tay, đứng trước tượng Phật, lâm râm thì thầm, thì thầm điều gì, chỉ riêng một mình anh biết.

    *

    Thịnh đứng chờ Diệu ngay tại ngã ba đường xuống chợ, rồi hai người thả bộ đến trường, học trò lớn nhỏ vừa vào học lại vài hôm, tốp năm tốp ba, ồn ào, lăng xăng trước cổng, mùa hè tiếc nuối, nấn ná chưa bỏ đi, ở một góc đường, phượng cuối mùa rụng đầy một màu đỏ bầm như xác pháo úa, bóng nắng trãi dài từ dưới phố chợ lên, hai ba cô giáo quen, dạy cùng trường đi ngang, nhìn Diệu đứng lại che miệng cười chờ, rồi quay qua Thịnh gật đầu chào “ông phó”, chẳng màng chi tới đám học trò, tay sách tay cặp bẽn lẽn, thập thò “thưa cô thưa cô”, cũng như những buổi sáng trước, chờ cho Diệu khuất sau cổng trường rồi Thịnh mới bỏ đi trở lại văn phòng quận. Về tới, đã thấy thiếu tá Đức, quận trưởng, ngồi trên xe “jeep” của ông chờ Thịnh cùng đi lên xã Thạnh Đức có chuyện cần, bên cạnh, hai chiếc xe Dodge khác, lính chi khu người đứng người ngồi nghẹt trên bực thềm, Thịnh làm dấu, đi nhanh lên văn phòng, lấy vài ba thứ đem theo,  đám lính đứng dậy, vừa né qua một bên vừa cùng chào lớn “ông phó”, trở xuống, anh Bi cũng như bác sáu Đậm cầm mớ giấy tờ gì đó trên tay, chạy vụt theo, Thịnh thò tay ký vội ký vàng, không cần đọc, vừa lên xe, chừng như nhớ ra điều gì, bác sáu Đậm, hỏi vọng theo “chiều nay ông phó có ghé ăn cơm không?”, Thịnh chưa kịp trả lời thì thiếu tá Đức, ngó lên cười khoái chí “lâu lâu cho ổng ăn cơm tối với tui một bữa đi bác, còn ở nhà thì chừng nào ăn cũng được mà”, Thịnh cũng cười theo “dạ chiều nay con ăn với thiếu tá”, mấy cái xe lôi đạp, chất đầy thúng rổ, nặng chình chịch, ngừng lại chờ, thiếu tá Đức vẫy tay chào, đoàn xe lính bỏ chạy lên dốc, trước cửa văn phòng quận, bác sáu Đậm đứng bên anh Bi, nhìn theo, nói qua nói lại gì đó, gió từ dưới sông thổi lên lùa tiếng chuông reo tan học buổi sáng, bên trường tiểu học đưa ngang qua, nghe rõ từng hồi một.

    Từ những ngày sau đó, người đã quen, người mới quen, và người sắp quen, ở phố chợ quận, gặp nhau trên đường, trên xe chuyến xa chuyến gần, trong quán nước tiệm ăn, dưới bến đò, đò ngang đò dọc, một hai cũng tủm tỉm bảo nhau “mai mốt, không còn gọi cô giáo Diệu nữa rồi mà phải gọi là bà phó Thịnh”.

   

Thuyên Huy
Cuối thu xứ người 2016

.Bài Thơ Cảm Tác:  CŨNG CÒN ĐÓ NỢ NHAU
 
THANH MAI TRÚC MÃ
( Đôi bạn thân thiết nhau từ tuổi học trò đầy mộng mơ )

Đại khái thân nhau lúc tuổi thơ,
Hàn vi, kỷ niệm mấy năm mơ...
Trai thời loạn chẳng ai ngờ trước,
Gái chiến tranh không kẻ đợi chờ.
" Quả đất tròn đi đâu cũng gặp ",
Duyên tiền định chạy tới tình cờ.
Cố nhân nối lại tơ lòng cũ,
Hạnh phúc trăm năm luống ngẩn ngơ !

Mai Xuân Thanh
(Cảm Tác " Cũng Còn Đó Nợ Nhau " - Thuyên Huy)
Ngày 30 tháng 10 năm 2016
 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...