Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Chuyên Thế Giới Trong Tuần:Miến Điện: Kang Min-Chol – Người Điệp Viên Bắc Hàn Bị Bỏ Quên Nơi Xứ Lạ



FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 24/10/2016




    Chuyện bắt đầu ngày 9 tháng 10 năm 1983 tại thành phố Ngưỡng Quang (Rangoon), thủ đô cũ của Miến Điện, ba phút, trước khi tổng thống Đại Hàn, Chun Doo-Hwan đến thăm lăng tưởng niệm Aung San, người đã giành được độc lập cho xứ này, một trái bom dấu trên nóc tòa nhà, nơi đón khách, đã nổ tung. Đây là một đặc vụ khủng bố do ba người điệp viên Bắc Hàn, thiếu tá Zin Mo, tên thật là Kim Jin-su, đại úy Shin Gi-chol và đại úy Kang Min-chol, thi hành.

    Khi ông đại sứ Đại Hàn tại Miến Điện, Lee Gye-chol đến, hàng lính kèn danh dự đang dàn chào, tưởng lầm là tổng thống Chun nên bắt đầu thổi nhạc đón mừng, nhưng tổng thống Chun đến trễ hơn dự định ba phút, vì ông ngoại trưởng Miến, người được sắp xếp, sẽ tháp tùng đi cùng, đã không có mặt đúng theo giờ ấn định, nhóm điệp viên Bắc Hàn trà trộn trong đám đông, nghe tiếng nhạc trổi lên, bấm cho bom nổ trên mái nhà như kế hoạch sắp đặt. Tiếng nổ do trái bom gây ra, làm bật tung tòa nhà, tạo ra một cột lửa lớn, khói mù và bụi cát bao phủ cả một vùng, chung quanh nơi làm lễ, đợi đến khi khói bụi tan, cảnh trí rõ dần, người ta mới thấy, đâu đâu cũng toàn là máu và tay chân người nằm rãi rác khắp chỗ. Trong số 21 người chết, có 17 nhân viên cao cấp Đại Hàn, gồm cả ông ngoại trưởng Lee Beom-seok, phó thủ tướng Suh Suk-jun và tổng quản trị hành chánh phủ tổng thống Hahm Pyong-choon, ba người điệp viên Bắc Hàn, cố tìm cách chạy khỏi nơi xảy ra vụ nổ nhưng đã bị cảnh sát Miến rượt đuổi, một trong ba người này bị bắn chết, và hai người kia bị bắt giữ. Sau đó, một trong hai người này bị treo cỗ, đại úy Kang Min-chol, người còn lại tự thú tội nên được tha chết và giam vào tù.
    Theo lời Kang Min-chol, vụ đặt bom khủng bố này, được hoạch định và chuẩn bị ở Bình Nhưỡng, khi quyết định, Bắc Hàn, không những muốn ám sát tổng thống Chun mà còn có mưu đồ làm sụp đổ chính quyền Đại Hàn. Tổng thống Chun, lên cầm quyền sau cuộc đảo chánh của quân đội và đã làm cho một số người biểu tình đòi dân chủ chết tại thành phố Kwangju năm 1980, tổng thống Chun là người không được đa số dân chúng Đại Hàn ủng hộ và theo như Bình Nhưỡng ước tính, thì việc ám sát tổng thống Chun, có thể gây ra một cuộc cách mạng xảy ra ở miền Nam, vụ ám sát cựu tổng thống Pak Chung-hee vào cuối năm 1979 của Bắc Hàn cũng có cùng một lý do như vậy. Nhận biết ý đồ của Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ cho hàng không mẫu hạm USS Cral Vinson, tiến vào vùng biển Triều Tiên, như là dấu hiệu cảnh cáo nhà cầm quyền Bắc Hàn, ngưng những hành động gây ra tình hình bất ổn tại vùng này.
    Sau những ồn ào chỉ trích và phản đối của thế giới về vụ nổ bom này một thời gian, câu chyện điệp viên Bắc Hàn trên đất Miến và số mạng của viên đại úy còn sống, bị giam cầm, Kang Min-chol, tên thật là Kang Young-chol, dần dần lặng im và chìm vào quên lãng. Theo chứng nhân của những ngày xảy ra vụ đặt bom đó, đầu tiên, Kang chạy đến nơi cứu thoát, theo kế hoạch sẽ có một chiếc tàu chờ đón họ nhưng khi tới đó, không có chiếc tàu nào cả, Kang tiếp tục lội dọc theo bờ sông nhưng rồi, bị cảnh sát Miến bao vây, Kang trồi lên mặt nước, rút trái lựu đạn mang theo người, thay vì vài giây sau, thì trái lựu đạn nổ toanh tức khắc, Kang bị mất một cánh tay và bị thương nhiều chỗ trên mình nhưng sống sót. Lúc đầu, Kang không chịu hợp tác với nhân viên điều tra nhưng sau khi nằm bệnh viện vài hôm, cuối cùng anh ta đồng ý tự nhận tội, vì thái độ và cung cách đối xử của nhân viên bệnh viện Miến, làm anh cảm động. Nhà cầm quyền Bắc Hàn không bao giờ liên lạc với chánh phủ Miến Điện, để hỏi han hay thương lượng về số phận của đại úy Kang, trái lại, họ cực lực phủ nhận mọi liên hệ, dính líu tới vụ đặt bom khủng bố năm 1983 này.
     Kang là một người tù ít nói và lặng lẽ trong nhà tù Insein, nằm ở phía bắc Ngưỡng Quang, anh học tiếng Miến một cách mau chóng và nói lưu loát, anh cũng dạy võ thuật Taekwondo cho những người tù khác, lúc đó Kang 28 tuổi, vẫn còn là con trai mặc dù đã có cô bạn gái muốn hai người kết hôn, ở Bắc Hàn, Kang có cha mẹ và người em gái, Kang gia nhập quân đội sau khi học xong trung học như các người học trò khác. Trong quân đội, Kang đạt điểm cao về bắn súng, võ thuật và thể thao điền kinh, Kang được chọn vào trường của “ lực lượng đặc biệt”, nơi này họ huấn luyện anh trở thành điệp viên cho những đặc vụ bí mật khác nhau, Kang mang bí số 9970 và cuối cùng, sau khi tốt nghiệp Kang được thăng cấp Đại úy. Năm 1983, Kang cùng hai sĩ quan cùng ngành khác, nhận lệnh từ Bình Nhưỡng, thi hành đặc vụ bất thường trên đất Miến Điện, sau lần khủng bố bất thành, hai bên nam và bắc Hàn, giữa Kim il-sung và Chun, bắt đầu nói chuyện hợp tác đôi bên nhưng cả hai phía đều không nhắc gì tới trường hợp của điệp viên Kang, Bắc Hán không chịu nhìn nhận Kang là công dân của nước này.
    Khi ông Ra, trở thành chỉ huy phó cơ quan tình báo Đại Hàn năm 1998, ông cho mở lại cuộc điều tra về Kang, theo ông, Kang là một tên khủng bố nhưng anh ta cũng là nạn nhân của sự chia cắt bắc nam. Ông bay đến Miến Điện và gặp anh ta trong nhà tù, bàn chuyện ông muốn đem Kang ra, ông tiếp tục liên lạc với Kang qua tòa đại sứ Đại Hàn ở Miến và Kang cho biết, ý định muốn sống ở Hán Thành, đồng thời chánh quyền Miến cũng bày tỏ thái độ, sẽ cứu xét việc thả Kang. Lúc này, tuy nhiên, chánh phủ Đại Hàn e ngại, việc cho phép Kang về sống ở Đại Hàn sẽ có thể gây nên làn sóng chống đối Bình Nhưỡng từ những chính trị gia bảo thủ, vốn chỉ trích chánh sách hợp tác song phương giữa hai miền nam và bắc. Vã lại, Bắc Hàn cũng dùng chuyện này như cái cớ để từ chối việc thương thuyết đang diễn tiến tốt đẹp. Sự việc xem ra phức tạp hơn trong năm 2007, Bắc Hàn và Miến Điện tái lập bang giao, nhóm tướng lãnh tam đầu chế Miến có tin, sẽ xét lại vụ khủng bố này để quyết định số phận của đại úy Kang. Ngày 18 tháng 5 năm 2008, Kang được đưa ra khỏi nhà tù, trên đường chuyển đến một bệnh viện, Kang đang ở trong tình trạng đau đớn và hôn mê vì bệnh ung thư gan, Kang chết lúc 4 giờ 30 ngày hôm đó, tòa đại sứ Đại Hàn, chỉ cách nơi Kang mất, không hơn mười phút đường xe, Kang vừa qua tuổi 53. Theo lời của ông Ra, chỉ huy phó cơ quan tình báo Đại Hàn, chính những chính trị gia hai miền Nam Bắc, đã để mặc cho người thanh niên trẻ tên Kang chết, sau hơn 25 năm trong nhà tù xứ người, Kang đã bị cả hai phía bỏ rơi, anh không thể được chôn tại nghĩa trang liệt sĩ cách mạng Bình Nhưỡng, Bắc Hàn cũng như tại nghĩa trang quốc gia Hán Thành, Đại Hàn. Chỉ huy phó Ra, năm nay hơn 70 tuổi, đã hưu trí, cảm thấy có tội khi không mang Kang ra khỏi nhà tù, ông ngậm ngùi khi nghĩ tới người thanh niên tên Kang, đã chết trong đớn đau ngoài đường phố với đôi mắt mở toang, Kang không để lại chúc thư, xác Kang được hỏa thiêu và tro tàn bị quăng đi đâu đó, trên đất Miến, mà khi hỏi tới không ai biết nơi nào, không còn ai nhớ gì và Kang đã hoàn toàn đi vào ngàn thu quên lãng.

   Theo ông Ra, cựu chỉ huy phó cơ quan tình báo Đại Hàn, ông cho là, cái chết của Kang là một tội hình của quốc gia, khi một cá nhân bị buộc tội hình sự, thì quốc gia trừng trị người đó nhưng, khi quốc gia phạm tội bạo hành đối với một cá nhân thì, không ai làm được gì cả. Hồn phách Kang còn lãng vãng đâu đây, chưa tìm được chỗ yên nghỉ cuối cùng, người điệp viên bị bỏ rơi nơi xứ người đó, chắc vẫn còn mong một ngày nào sẽ về với Đại Hàn, dù chỉ là một ngày về trong muộn màng.


Thuyên Huy
Mon 24.10.2016

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...