Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

ĐÀO HIẾU – Hạnh phúc trong một chiếc lá


Nhiều người hỏi: Hạnh phúc là gì? Là được yêu. Là giàu có. Là không còn đau khổ. Khái quát hơn, người ta nói: Hạnh phúc là thỏa mãn được ước mơ của mình. Nhưng ước mơ là một thứ vô hình, vô định. Nó có thể lớn như một tòa lâu đài, có thể xa như một vì sao, long lanh như một hạt ngọc, nhưng cũng có thể nhỏ như một hòn bi, gần như một vòng tay và giản dị như một chiếc lá.
Hạnh phúc gắn liền với sự vô định, sự mong manh, sự tạm bợ. Vì thế tất cả những cái gì là cố định, là trường tồn, là vĩnh cửu đều không phải là hạnh phúc. Một đóa hoa không bao giờ tàn thì không phải là hoa, một hương thơm không bao giờ phai thì không còn sự quyến rũ, một trận cười bất tận sẽ biến thành cơn điên. Một nhan sắc vĩnh cửu với thời gian sẽ làm mọi người sợ hãi.
Đó là bi kịch của hạnh phúc. Mọi người đều cầu mong được hạnh phúc, nhưng bản chất của hạnh phúc là mong manh, là tạm bợ, trong khi nhân loại khát vọng vĩnh cữu và trường tồn. Nhưng vĩnh cữu và trường tồn để làm gì nếu không có hạnh phúc? Nói cách khác: trường tồn để làm gì nếu không có sự tạm bợ và mong manh?!
Đó là nghịch lý cay đắng nhất, tàn nhẫn nhất mà con người phải chấp nhận.
Và đứa trẻ đã chấp nhận hòn bi thủy tinh trong suốt. Đối với nó, hòn bi còn quý hơn hạt kim cương. Tòa lâu đài xây bằng cát trên bờ biển còn quý hơn những biệt thự sang trọng. Mỗi lứa tuổi, mỗi hoàn cảnh có một hạnh phúc riêng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi thời thơ ấu là sáng mồng một Tết, mặc áo mới để được dẫn đến trụ sở xã, ở đó người ta phát cho mấy cái bánh ngọt, cốm, mứt gừng… Sau đó đi chơi trên những con đường quê nhiều áo mới, nhiều sòng bài bầu cua cá cọp, nhiều tiếng trống lân rộn ràng.
Hạnh phúc của chàng trai trẻ có khi chỉ là một chiếc khăn tay ướp vài cánh hoa lài hay một bức thư tình mực tím viết đơn sơ trên trang giấy học trò…
Nhưng hạnh phúc không dừng lại ở đó. Hạnh phúc như một thứ thuốc gây nghiện. Người ta càng lớn lên, càng giàu có thì những hạnh phúc nhỏ nhoi ấy càng trở nên vô nghĩa, lạt lẽo… Hạnh phúc leo lên những nấc thang mới. Đứa trẻ không còn thích hòn bi mà là một đồ chơi điện tử đắt tiền có rơ-mốt điều khiển từ xa, chiếc bánh cốm phải được thay bằng một bữa tiệc ở nhà hàng. Chàng trai trẻ không còn ngây ngất vì chiếc khăn tay ướp hoa lài mà chờ mong một mùi nước hoa đắt tiền trên tóc người yêu nơi vũ trường sang trọng.
Hạnh phúc bay theo những nhu cầu vô tận… Đứa trẻ đã chơi quen đồ chơi điện tử sẽ khóc òa khi cho nó một hòn bi. Cô gái đã quen dùng nước hoa đắt tiền sẽ thấy bị xúc phạm khi người yêu tặng một nhánh hoa lài. Như thế có nghĩa là hòn bi và nhánh hoa lài không còn là niềm hạnh phúc nữa mà đã trở thành sự đau khổ.
Ngày đó tôi nghèo. Buổi chiều chở người yêu ghé quán cóc uống một chai Chương Dương và một dĩa ốc leng xào dừa, thấy tràn đầy hạnh phúc. Sao cũng là tôi mà bây giờ uống Heineken có khi còn thấy chua lè? Vậy thì hạnh phúc ở đâu?
Có phải hạnh phúc cũng giống như Thời Gian, nó trôi đi và không bao giờ trở lại? Có phải Hạnh Phúc cũng giống như tuổi thơ, nó long lanh như giọt sương trên lá cỏ rồi tan biến khi nhịp sống xô bồ ập đến? Có phải hạnh phúc như chiếc lá kia, lộng lẫy trên cành cao, mượt mà trong nắng sớm, rồi tàn úa. Vàng. Khô. Và lìa cành?
Con người nhìn hạnh phúc ra đi trong nỗi ngậm ngùi, nhưng chiếc lá xa cành sao mà nhẹ nhàng thế. Một cơn gió thoảng qua, nó chỉ khẽ rùng mình, rồi chao nghiêng như một cánh bướm, như một vũ công biểu diễn tác phẩm cuối cùng của mình giữa trời và đất, giữa hoa và cỏ. Nó la đà, uốn lượn, nó thong thả, ung dung và thanh bình lướt trong không gian tĩnh lặng, một chút do dự, một chút đắn đo, một chút luyến tiếc. Rồi như một cánh chim, nó đậu xuống mặt đất vàng rực những lá khô nằm chờ sự hóa thân vào đất, sự luân chuyển mầu nhiệm vào mạch nhựa cây để rồi trở thành một chiếc chồi non khác, một chiếc lá khác….
Hốt nhiên ta nhớ đến bốn câu thơ của Bạch Cư Dị:
Ly ly nguyên thượng thảo
Nhất tuế nhất khô, vinh
Dã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh.
Cỏ trên thảo nguyên rậm rì. Mỗi năm cứ khô đi rồi lại tốt tươi. Lửa hoang dã thiêu bất tận. Nhưng mỗi khi gió Xuân về thì cỏ lại mọc lên…
Hạnh phúc nào có khác gì cỏ trên thảo nguyên, ngắn ngủi nhưng trường sinh, tàn lụi nhưng tươi tốt. Hạnh phúc tiềm ẩn trong trời đất, trong mỗi con người. Hạnh phúc có thật dù không hề nói, không hề suy nghĩ.
Chiếc lá không biết suy nghĩ, nhưng nó hiểu hạnh phúc hơn chúng ta, vì thế nó ung dung nhìn ngắm sự luân chuyển của trời đất, giống như bốn mùa thay đổi. Mỗi chiếc lá mang trong cuộc đời nó cả Xuân, Hạ, Thu, Đông vì thế khi nó lìa cành, nó hiểu rằng rồi mùa Xuân lại về và lá lại đâm chồi trên cành cây, lại bắt đầu một hạnh phúc.
ĐÀO HIẾU

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...