Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

FM 974 :Ấn Độ: “Thượng Đế Ơi, Con Đã Biết Viết Tên Mình” – Khi Người Già Làng Phangne Đi Học




Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 20/03/2017

        Trong những năm qua, bà Gangubai thường nhặt mấy tờ báo cũ hay giấy bao các bịch kẹo sô-cô-la mà bà thấy trên đường quanh làng, về nhà, bà xếp thành từng xấp, cố thử đọc những chữ in trên đó, khi nào thấy khó quá, không đọc được, bà mang nó sang nhà hàng xóm bên cạnh nhờ đọc giùm. Ở tuổi 65, bà Gangubai đang học để biết đọc chữ lần đầu tiên trong đời.   
   
 Bà Gangubai là một trong 28 người già khác trong làng Phangne, tiểu bang Maharastra, ở phía tây Ấn Độ, bắt đầu đến học tại “aajibaichi shala”(trường học cho các bà ngoại, bà nội). Mỗi ngày, từ 2 tới 4 giờ chiều, các bà “aajis” (bà ngoại bà nội) của làng Phangne, với quần áo đồng phục màu tím và túi xách đi học trên vai, tươi cười rộn rã, tụ nhau tại một nhà chòi tre lớn đủ màu sắc, đây là dịp may cuối đời mà họ được học đọc học viết chữ, ai nấy đều sung sướng ra mặt. Bà Gangubai sống một mình, chồng bà chết mấy năm trước, cho biết, việc đi học đã cho bà cảm thấy đời mình còn có ý nghĩa, sau những năm qua, cuối cùng bà cũng còn có dịp may, bà chưa bao giờ nghĩ tới có ngày bà sẽ đi đến trường học, giờ thì, nhìn bà đi, bà đã có thể đọc hết vần rồi.

    Không có một người già nào, trong nhóm của bà Gangubai được đến trường khi còn là con gái, chuyện làm công việc trong nhà đã không cho họ biết trường học là gì, chữ nghĩa ra sao. Họ là những người quá nghèo, bà Gangubai thường đứng nhìn con cái con nhà giàu đến trường mà thèm thuồng, muốn như họ nhưng không bao giờ có, như bà, lúc bấy giờ, nếu đi học thì ai sẽ là người đi gánh nước, lấy phân bò phơi khô để thay củi nấu ăn hay giặt giũ quần áo cho gia đình. Theo cô giáo của lớp, cô Sheetal More, bà là học sinh giỏi nhất, bà ham mê việc học, bà cố gắng đọc hết những gì mà bà thấy, chữ trên tường, trên nhà người ta, bất cứ nơi nào. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bà cụ khác viết chưa được hoàn toàn, chỉ được một vài vần, cô giáo More nói rằng, khác với dạy cho trẻ em, bà nào bà nấy thường quên trước quên sau những gì đã học, cho nên cái gì cũng chậm, lập đi lập lại luôn, phải có kiên nhẩn mới làm được, không thể la rầy như la rầy trẻ con, bởi vì họ là bà ngoại bà nội cả, do đó phải đối xử với họ theo truyền thống kính trọng người già của Ấn Độ, nhiều người thấy mình sai, nhiều người khác không thấy, phải có thời gian, rồi họ sẽ học được, đó là mong ước của họ cho nên ngày nào cũng đến lớp học. Bà Gangubai không ngại ngùng nói rằng, có ai biết đâu, nếu những người như bà, được có dịp may đi học khi họ còn thơ ấu, biết đâu bây giờ họ đã trở thành bác sĩ hết rồi.

    Theo thống kê mới nhất, tại Ấn Độ, có khoảng 273 triệu người không biết đọc hay biết viết, 15% phụ nữ thất học hơn đàn ông, điều này có nghĩa họ thường bị bỏ đứng bên lề của lãnh vực kinh tế hay chính trị trong đời sống xã hội hiện tại. Một cách chất phác, bà Ramabai, người bạn học cùng lớp với bà Gangubai, mĩm cười e thẹn “ xấu hổ ghê, khi đến ngân hàng rút tiền, chỉ biết lăn dấu tay, nếu được đi học từ nhỏ, ai biết bà đã là cô giáo, thư ký hay y tá bác sĩ không chừng”. Bà Sheetalbai, 90 tuổi, đã cố hết sức trong một năm mới viết được chữ “a”, nhưng tuồng chữ vẫn còn ngã nghiêng, mới đọc đó thì đã quên sau hai ba giờ học nhưng hỏi thì bà nhoẻn miệng cười nói rằng sẽ không bao giờ bỏ cuộc, vì bà thích học và cái gì mà bà học được bà sẽ mang nó theo tới ngày thượng đế gọi. Bà là một trong những bà già nhất đến lớp học, thấy con cháu đến trường là lòng bà cũng nôn nao phải đi theo.

    Trường được thành lập vào tháng ba năm ngoái, bởi ông Yogendra Bangar, một thầy giáo tại trường tiểu học của làng, ông là người đứng đàng sau các dự án phát triển ở làng Phangne, trong đó có cả việc xây “cầu tiêu” cho mọi căn nhà và hướng dẫn cách thức lọc nước uống. Cô More, người đang dạy cho các bà cụ già năm rồi, thôi học năm 15 tuổi, cho biết, nghe lời ông Yogendra, ngày đầu cô đến dạy, cô lo ngại quá, cô không thể nói cho họ làm cái gì, ông giao cho cô dạy cho bà ngoại chồng nhưng bà nào cũng muốn học hết, bà nào cũng im lặng nghe theo và không bao giờ làm cô gặp lúng túng vì còn trẻ hơn họ. Các bà đều nhất quyết sẽ học cho bằng được, để không còn bị gọi là người thất học.

    Ở căn chòi lá, cất dưới bóng tàn cây xoài lớn, không xa trường bao nhiêu, sau khi ăn trưa, bà Kantabai More, lửng thửng quàng túi vải, thong thả tới lớp học, đôi khi cũng có đứa cháu ngoại đi theo. Tháng ba này, Aajibaichi Shala “trường học của các bà ngoại bà nội” vừa tròn một tuổi, và điều đáng nói là, mọi người dân làng đều đã biết viết biết đọc. Phangne, một cái làng cách thủ phủ tài chánh Mumbai về phía đông nam chừng 150 cây số, không có hệ thống liên kết mạng điện tử và điện thoại di động, báo thường được mang tới trễ cuối ngày và nước máy là một thứ xa xí phẩm, phần lớn dân làng làm nghề nông, sống cuộc đời giản dị. Anh Bangar, một người thầy giáo khác, cũng dạy cho người già trường này, cho biết, anh cảm thấy anh phải có bổn phận dạy họ, những người không may mắn, chưa bao giờ đi học, trường cung cấp sách vở, bút viết và cả đồng phục dành cho người già đến lớp. Mỗi ngày anh Bangar đi bộ khoảng 6 cây số từ nhà đến làng Phangne vì ở đây không có phương tiện xe cộ công cộng. Trường này mở cửa 6 ngày trong tuần, chỉ đóng ngày thứ năm là ngày dân làng cầu nguyện, không chỉ học bài trong lớp mà họ còn tham gia việc trồng cây xanh trong làng, mỗi người một cây, đặt tên cho cây của mình trồng ngay ngày bắt đầu chuyến hành trình đi vào văn chương chữ nghĩa.

   Bà Nirmala Kedar, 66 tuổi, học sinh xuất sắc của lớp chia xẻ sự vui mừng của mình với bạn cùng lớp, bà nói rằng, “lúc còn nhỏ, đã không được đến trường, sau khi lập gia đình, dọn đến ở làng này, sau nhiều năm qua, giờ bà phải tính chuyện đi học”. Bà lấy làm hảnh diện nhìn chữ ký của mình, đối với những người già như bà, việc học không phải là chuyện dễ dàng, phải có thời gian và chịu khó, từ từ sẽ học được, hiện giờ, bà cảm thấy sung sướng vì đã đọc được vàn được chữ này chữ kia, chồng bà, ông Baban, tươi cười vui lây, bà thường làm xong việc nhà vào buổi trưa rồi vội vã nhanh chân tới trường, ngày này qua ngày nọ.      

    Bạn cùng lớp của bà Nirmala, bà Gulabbai, 64 tuổi, cũng chen vào kể chuyện tại sao bà không được đi học “hồi đó, trường học quá xa nhà, bà không thích thú gì chuyện đi học nên chỉ có đứa em trai đến trường, khi trường này mở, thấy hầu hết mấy bà trong làng đều đi học bà cảm thấy thích như vậy, mặc dù có phần trễ nhưng có còn hơn không bao giờ có”.

    Nhớ lại chuyện đi tới ngân hàng, bà Kantabai cười ngặt nghẽo “trước đây, mỗi lần tới ngân hàng, nhân viên thường bắt bà chờ vài tiếng đồng hồ vì bà không thể ký tên mà chỉ lăn dấu tay cái, anh nhân viên này còn nói với bà, vì lăn dấu tay nên bà phải chờ, việc này làm bà xấu hổ quá, khi trường “shala” mở ra, bà không thể chờ lâu hơn để đi học viết và đọc chữ cho được”. Không chỉ có việc các bà ngoại bà nội già không còn mù chữ mà làng này giờ đã có một số dịch vụ căn bản như nước máy lọc sạch sẽ cũng như những nơi khác trong nước. Dân làng Phangne hiện tại, nhà nào cũng có cầu tiêu hợp vệ sinh và theo lời bà cụ học trò 90 tuổi, Sitabai Deshmukh, bà hy vọng là với sự có mặt của cái trường “Aajibaichi shala” này, dân làng sẽ có được nhiều thay đổi tốt đẹp hơn sau này.

   Lớp học chấm dứt, các bà sửa lại quần áo, mang túi đựng tập, viết đứng lên, chào cô giáo More về, ra tới cửa, họ nhìn lên trời cao, cùng buột miệng một lúc “các bà không muốn lên thiên đàng như một người mù chữ mà, tới ngày đó, ngày giã từ cuộc đời đi gặp thượng đế, các bà rất sung sướng nói với ngài là, họ đã biết viết và ký tên của mình rồi”.

  

Thuyên Huy

Mon 20.03.2017










   

   

   



   








1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...