Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

TIN BỊA ĐẶT - Ngô Nhân Dụng

“Giáo Sư Kim Andre Gosling Jr., đại học Harvard, tuyên bố trên báo The Boston Daily Inquirer rằng: Sinh viên Việt Nam thông minh nhất thế giới.”
Ông bạn tôi ở Pháp gửi cho mẩu tin trên qua email. Ông đoán rằng nếu đưa tin này công khai trên báo thì chỉ 5 phút sau sẽ được chuyển đi cùng khắp các mạng Internet.
Nhưng đó là một tin bịa đặt (fake news, một chữ bây giờ nghe rất quen thuộc). Thứ nhất, Giáo Sư Gosling Jr. không hề tuyên bố như vậy! Thứ Hai, thành phố Boston không có báo nào mang tên Daily Inquirer. Hơn nữa, không có giáo sư nào tên Kim Andre Gosling Jr. ở đại học Harvard!
Tại sao bản tin bịa đặt này có thể sẽ lan truyền nhanh chóng trên mạng? Vì người Việt Nam đọc thấy thích, nó đáp ứng rất nhiều nhu cầu tâm lý của mình. Cũng giống như nhiều tin bịa khác đã được truyền đi rất nhanh trên mạng, khi người đọc thấy những tình tự yêu hay ghét của mình được thỏa mãn.
Tin bịa không phải một hiện tượng mới mẻ. Tháng Tư, 1975, dân Sài Gòn kháo nhau những tin đồn rất nhanh, vì ai cũng muốn bám lấy một niềm hy vọng trong cơn hoảng hốt. Nhiều khi người ta chuyển tin cho người khác chỉ để chứng tỏ mình “thạo tin.”
Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vẫn là cơ hội cho nhiều tin bịa đặt ra đời. Năm 1800, Tổng Thống Adams tranh cử với Phó Tổng Thống Jefferson. Phe ông Adams loan truyền tin nói rằng ông Jefferson là con lai, của một cô da đỏ với một ông lai da đen ở Virginia, và theo chủ nghĩa vô thần. Tin bịa này đi xa và đi nhanh, đến nỗi bà Martha Washington, vợ cựu tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, cũng tin là thật. Đáp lại, phe Jefferson đồn rằng Adams có ý định sẽ đánh nhau với nước Pháp, nhiều người cũng tin.
Nhưng hiện tượng tin bịa nổ bùng trong năm 2016, không phải chỉ vì bầu cử, mà vì những kỹ thuật thông tin mới. Những người không dính dáng đến các ứng cử viên cũng có thể tham gia vào phong trào tung tin bịa! Những tin bịa đặt đưa lên mạng được truyền đi nhanh hơn, rộng hơn, và có thể “sinh lợi” cho người bịa tin, bằng tiền mặt!
Những kỹ thuật của Facebook, Google, Twitter được giới bịa tin tận dụng vì họ vô tình vừa giúp “kẻ gian” tạo ra dư luận vừa cung cấp cơ hội cho người ta kiếm tiền. Thí dụ, Google theo dõi hàng ngày các mạng tin tức. Nếu thấy số người mở, rồi “click” và đọc những bài và tin trên mạng nào đó tăng lên, Google sẽ đưa các quảng cáo thương mại vào, hay kèm vô bài của tác giả nào “ăn khách.” Hai bên sẽ chia nhau tiền quảng cáo.
Vì thế, năm ngoái một nhóm bạn trẻ ở nước Macedonia đã có sáng kiến lập một mạng thông tin với những tin bịa đặt nóng hổi về cuộc bầu cử ở Mỹ. Nhiều người Mỹ thích quá, kêu nhau vào coi và đóng góp thêm ý kiến và tin tức cho mạng này. Với số lượng “lưu thông” tăng vọt, tự nhiên những công ty như Google đem quảng cáo tới! Thế là mấy thanh niên chưa đầy 20 tuổi ở tận bên Đông Âu đã kiếm tiền nhờ dân Mỹ hăng say tranh cử!
Tại sao đám thanh niên này thành công được? Vì các mạng xã hội tạo ra những “không gian kín” cho những người cùng khuynh hướng chính trị tụ họp với nhau. Người ta chỉ thích đọc những ý kiến giống mình và các tin tức thỏa mãn sở thích của mình. Một người chú ý đến tin chính trị nước Pháp chẳng hạn, ngày nào cũng mở các tin đó coi. Đến một ngày, khi họ mở trang “tin tức” của các công ty Yahoo, hay Google ra, sẽ thấy rất nhiều tin về chính trị Pháp. Nếu đi tìm tin điện ảnh Hàn Quốc nhiều lần, mở ra sẽ được đọc rất nhiều tin sao Hàn! Nếu bạn thích đọc tin xấu về nước Tàu hay nước Anh, các công ty “gom tin” sẽ chiều ý, có cái gì xấu về hai nước đó sẽ đem gửi hết cho bạn đọc!
Vì vậy, trên Facebook, bạn sẽ gặp toàn những người bạn cùng sở thích, cùng yêu và cùng ghét những thứ như nhau! Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nghĩa là những con chim hót giống nhau sẽ đối đáp nhau, những con thú có mùi giống nhau sẽ tìm đến gặp nhau. Loài người cũng vậy! Rốt cục bạn sẽ chỉ được cung cấp những thông tin một chiều, được đọc những lời vừa ý, lâu dần sẽ hoàn toàn không hiểu được các quan điểm khác mình.
Trong khung cảnh như vậy các tin bịa, fake news, lan ra nhanh chóng như vi trùng bệnh truyền nhiễm. Một khi bản tin được đưa lên Facebook rồi, ai thích nó sẽ dùng Twitter chuyển cho người khác coi. Người ta đã coi trên Twitter, lấy 20 tin bịa được nhiều người bấm (click) nhất so sánh với 20 tin thật được đọc nhiều nhất, và thấy rằng tin bịa ăn khách hơn tin thật rất nhiều! Trước khi một tin bịa có thể bị phanh phui và tố giác thì nó đã được hàng trăm ngàn người đọc. Và những “tín đồ” đã tin vào một tin bịa rồi thì có khi họ không bao giờ chấp nhận rằng mình sai lầm! Có ai vui vẻ thú thật rằng mình bị đánh lừa hay không?
Hiện tượng trên nổi bật ở nước Mỹ vì 62% dân Mỹ đọc tin trên mạng, theo nghiên cứu của Pew Research, và 44% qua Facebook. Đọc tin trên mạng khác đọc báo, nghe đài. Những người đọc báo có thể lật trang, nhìn thấy những tin tức hay bài vở khác nhau. Có tin tốt, tin xấu, có mặt trái và mặt phải của cùng một vấn đề. Người ta có cơ hội đọc những ý kiến với lập trường đối nghịch. Nhưng khi chỉ đọc tin trong “không gian kín” trên mạng, người ta sẽ không có cơ hội đó. Người ta gọi đó là những “phòng dội âm” (echo chamber).
Dùng mạng xã hội để đọc tin càng nhiều thì người ta càng dễ trở thành thiên lệch, quá khích. Họ không tin vào những tin tức hay ý kiến trái với sở thích và niềm tin của mình. Sau khi đã ghiền mạng, đọc báo, nghe đài thấy những gì trái với ý mình là người ta không tin. Trong năm 2016 có 15% người Mỹ vào Twitter ít nhất một lần mỗi tháng. Cùng năm đó, số người tin tưởng vào báo chí giảm xuống chỉ còn 33%.
Ở Châu Âu, số người đọc tin từ các mạng xã hội thấp hơn. Chỉ có 6% người Ý, 5% người Pháp và 4% người Đức vào Twitter mỗi tháng một lần. Ngược lại, có 52% người Đức vẫn tin tưởng vào tin tức trên báo chí, 70% tin tưởng vào các đài radio và ti-vi; chỉ có 8% tin vào những gì họ đọc trên Facebook hay Twitter. Ở Pháp và Ý, lòng tin vào báo chí thấp hơn, chỉ có 32% và 42%.
Một mối nguy hiểm cho xã hội là những tin bịa trên các mạng xã hội nuôi dưỡng những tâm địa thấp trong lòng người; yêu thích mù quáng, thù hận và kỳ thị chủng tộc, thành kiến tôn giáo. Các phong trào cực đoan quá khích dùng Facebook để khích động người theo họ qua những “không gian kín,” trong đó hoàn toàn không có một ý kiến hay thông tin trái ngược nào.
Những tổ chức khủng bố như ISIS, al Qaeda đều dùng mạng xã hội để chiêu mộ và củng cố lòng tin của các thanh niên bất mãn với đời. Những đảng chính trị cực đoan ở các nước Tây phương cũng biết tận dụng các mạng xã hội. Lãnh Tụ Heinz Christian Strache của đảng “Tự Do” ở nước Áo làm một video với bản nhạc “Osterreich Zuerst” (Nước Áo Số Một) không được đài nào cho lên. Strache bèn đưa lên Facebook. Thế là ai cũng biết đến. Lãnh tụ dân tộc cực đoan Geert Wilders ở Hòa Lan, Marine Le Pen ở Pháp đều dùng mạng xã hội để thổi lửa cho các “tín đồ” của họ. Phong trào chống Hồi Giáo PEGIDA ở Đức khởi lên khi dùng Facebook quy tụ đồng đảng.
Từ khi hai chữ fake news, tin bịa, được nhắc đi nhắc lại hàng ngày, ai cũng có thể tự biện hộ bằng cách gán cho những người nói ngược với mình là “fake news!” Ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới tố cáo chính quyền Nga đang tung ra những “fausse nouvelle” để gây ảnh hưởng trên cuộc bỏ phiếu vào Tháng Tư này. Khi tổ chức Ân Xá Quốc Tế báo cáo chính quyền Bashar al-Assad ở Syria đã treo cổ 13,000 tù nhân dù không xét xử, nhà độc tài này đã nói nay rằng đó chỉ là tin bịa! Một nhà chính trị phải đối diện với những thông tin bất lợi, sau khi bôi nhọ đó là tin bịa, còn một cách trốn tránh là tung ra những tin bịa lớn hơn để lái đám đông sang chiều hướng khác!
Sau khi nạn tin bịa tràn lan có vẻ nguy hiểm cho nền tảng đạo lý và chính trị của xã hội, các công ty Google và Facebook đã quyết định không cộng tác về quảng cáo với những trang mạng chuyên loan tin bịa đặt nữa. Sẽ ít người kiếm được tiền bằng tin bịa như những thanh niên ở Macedonia. Nhưng không phải ai bịa tin và tung tin bịa đặt cũng nhằm mục đích kiếm tiền! Facebook còn đi xa hơn một bước, khi thấy một thông tin nào bị người khác tỏ ý nghi ngờ thì học đánh dấu báo động cho các độc giả khác biết!
Những chữ fake news, tin bịa, được nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần, theo quy luật ngôn ngữ thì chúng sẽ mất hết ý nghĩa. Đối với nhiều người, hai chữ fake news, trở thành một tiếng chửi thề, không hơn không kém. Nhiều người nghe vẫn thích nhưng chẳng cần biết lời tố giác đúng hay sai. Nó cũng trở thành một tiếng hài hước cho những người tỉnh táo. Nghe xong rồi thì cười, nhưng không ai quan tâm đến ý nghĩa nữa. Hy vọng trong một thời gian, cơn bệnh dịch tin bịa sẽ tàn dần, như một trận dịch cúm đã qua chu kỳ của nó!
Nhưng tin bịa đã gây nên một hậu quả tai hại; một niềm tin tưởng chung đang đi xuống! Khi nghe đâu cũng chỉ thấy toàn tin bịa thì biết tin gì bây giờ? Chế độ tự do dân chủ đặt trên căn bản là người dân thu thập thông tin trước khi bỏ phiếu. Và khi báo chí được tự do, các nguồn tin tức nói chung có thể được độc giả khán giả gạn lọc, để biết sự thật. Nhờ đa số người dân tỉnh táo, những báo, đài nói dối, bịa đặt sẽ thua, các báo đài nói thật sẽ sống mạnh. Nếu mất niềm tin này, loài người có thể sống dân chủ hay không?

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...