Viết theo lời kể của học trò
T rong
giai đoạn đất nước đang gian khó, mẹ tôi là một thiếu phụ đơn độc một
mình nuôi hai con nhỏ. Tôi được nghe kể lại rằng vào lúc mẹ đang mang
thai em út thì cha đã phụ phàng bỏ rơi mẹ và tôi, theo cô nhân tình xinh
đẹp đi bặt âm vô tín.
Mẹ
ở lại, lặng lẽ vượt qua bao đau đớn của những thị phi và cái đói nghèo
đeo đẳng, để nuôi tôi và sinh thêm em Cu còi cọt ốm tong teo như con mèo
hoang thiếu dinh dưỡng. Mẹ rời quê nội, đưa chị em tôi về sống trong
khu tập thể ngôi trường mẹ dạy học. Trường học nơi miền trung du sâu tít
tận chân Trường Sơn một tỉnh nghèo miền Trung, vừa trải qua những năm
tháng chiến tranh gay gắt nên đất đai đã bạc màu hoang phế, chỉ lác đác
đó đây mấy xóm dân nghèo bám đất để sống.Lũ con trẻ chỉ được bữa cơm,
bữa sắn để tạm no cái bụng, đến trường học chữ cho tương lai sáng lạn
hơn.
Nhà
có ba miệng ăn nhưng chỉ với mấy chục đồng bạc lương của giáo viên cấp
1, mẹ tôi đã phải tính toán đủ bề hàng tháng mới mua nổi mấy chục cân
gạo mậu dịch và trang trải mọi nhu yếu phẩm hàng ngày. Mỗi bữa ăn, hầu
như mẹ chỉ đong gạo nấu cơm rồi kiếm qua loa quả trứng do con gà mái hoa
đẻ với nhúm rau xanh trên khoảnh đất nhỏ mẹ trồng ở góc trường. Thực
đơn luôn là món trứng luộc và dĩa rau luộc chấm nước mắm hoặc xào với tí
mỡ tỏi cho dậy hương thơm.
Vào
mâm, mẹ luôn bổ quả trứng theo chiều dọc thành hai phần bằng nhau rồi
gắp vào chén cho tôi và em cu. Phần mẹ, chỉ gắp suông nhúm rau chấm vào
bát nước mắm mậu dịch mặn chát vị muối đã dậy mùi thum thủm. Nhiều lần
như thế nên tôi buột miệng hỏi:
“ - Sao mẹ không bổ quả trứng thành ba để mẹ có một phần?”
Mẹ dịu dàng bảo: “
Con ăn phần trứng của con đi. Quả trứng không thể bổ làm ba được đâu
con ạ. Hôm nào gà nhà ta đẻ nhiều hơn mẹ sẽ cùng ăn với hai con.” Tôi
ngây thơ tin lời mẹ rằng quả trứng không thể bổ làm ba, thoải mái cùng
em ăn nửa quả trứng mẹ chia phần. Quả trứng mẹ luộc chỉ độ chín hồng
đào.Bên ngoài ngòi trắng chín tới kết tụ mang một màu trắng phau. Giữa
tâm là ngòi đỏ chỉ vừa chín tái, sền sệt màu đỏ thắm. Chỉ mới nhìn đã
gợi thèm ăn. Tôi luôn cắn từng miếng nhỏ xíu rồi ngậm nghe hương vị nó
trong miệng. Đó là phần thức ăn bổ dưỡng nhất trong bữa cơm nhà giáo
nghèo mà mẹ đã dành cho chị em tội.
Thời
gian lặng lẽ trôi qua ngày này tháng nọ, do nhà chỉ nuôi hai con gà mái
hoa thả rong nhặt nhạnh thức ăn trong vườn nên làm sao có nhiều trứng
được? Vì thế cả quảng đời thơ ấu, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ ăn trứng
luộc bao giờ.
Rồi
một hôm, khi tôi đủ trí khôn để phát hiện rằng quả trứng luộc không
phải chỉ bổ hai như mẹ đã chia phần cho chị em tôi mà ta có thể bổ ba,
bổ năm, bổ bảy …thì cũng là lúc mẹ lâm bệnh nan y. Mẹ được chuyển vào
viện cấp cứu sau một thời gian dài âm thầm giấu kín bệnh tật để nỗ lực
nuôi chị em tôi.
Nghe
tin xấu tôi chạy ngay vào viện với mẹ.Khi bước chân vừa rón rén ở dãy
hành lang, tôi thoáng nghe lời mẹ thều thào trong nước mắt cùng cô
Duyên: ” Tôi biết căn bệnh ung thư của mình không chữa chạy được.
Chỉ mong sao cuộc sống của tôi kéo dài thêm năm ba năm cho hai con tôi
khôn thêm tí nữa .Các cháu còn dại khờ quá mà chẳng lẽ chúng đã mất cha
nay lại mất thêm mẹ trong cuộc sống này?”
Tôi
thương mẹ quá chạy về lục lọi chuồng gà tìm quả trứng để luộc cho mẹ
ăn. Khi quả trứng luộc vừa đem đến thì mẹ đã không còn nữa. Hình hài mẹ
nằm đó nhưng linh hồn mẹ đã bay lên trời cao. Cô Duyên dạy tôi nấu bát
cơm trắng, úp nguyên quả trứng luộc lên, đặt trên đầu mẹ rồi thắp hương
khấn vái. Đây là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng mẹ tôi được dành
riêng một quả trứng. Quả trứng không bổ hai, bổ ba… mà để nguyên quả
trên bát cơm trắng tiễn đưa linh hồn mẹ về cõi vĩnh hằng.
Mẹ ơi giờ đây con hiểu vì sao quả trứng luộc nhà ta không thể bổ ba!
Hoàng Thị Như Huy.
(Dam Ho chuyển)
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa