Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

QUẢ CÀN KHÔN QUA CÁC GIAI ĐOẠN THAY ĐỔI - Hồ Nguyễn



             QUẢ CÀN KHÔN QUA CÁC GIAI ĐOẠN THAY ĐỔI
          Quả Càn Khôn tại Đền Thánh TTTN đã chuyển biến qua các thời kỳ:
         1- Quả Càn Khôn đầu tiên: Do Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh làm ra theo sự chỉ dạy của Ðức Chí Tôn vào ngày 12-8-Bính Dần (DL: 17-9-1926). Quả Càn Khôn nầy làm bằng nan tre bọc vải, sơn màu xanh da trời.
       Khi trả chùa Gò Kén cho Hòa Thượng Như Nhãn, Hội Thánh cất Tòa Thánh tạm nơi đất mới mua ở làng Long Thành, Quả Càn Khôn nầy được rước về Đền Thánh gọi là “Chùa mới” để thờ nơi Bát Quái Ðài. Ðó là vào đầu năm Ðinh Mão (1927).
       Khi được di dời, Đức Lý có dạy:
      “Bính Thanh! Hình Phật Thích Ca trước Hiệp Thiên Đài đó, phải làm thế nào cho đừng hư gãy, vì Chí Tôn đã trấn Thần chính nơi tay Người nghe. Quả Càn Khôn cũng vậy, khi tháo ra rồi ráp lại y như vậy; khi tháo ra phải cầu Lão đưa Thần một đỗi, rồi mới đặt tay người vào, nghe à! Dặn đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn Thần lại nữa”.
       2- Quả Càn Khôn bị cháy vào năm Nhâm Thân (1932):
       Ðầu Xuân Nhâm Thân (1932), tối mùng 8 tháng giêng, chuẩn bị đến giờ Tý cúng Ðại lễ Ðức Chí Tôn, làm Quả Càn Khôn bị bắt lửa cháy, nhưng Quả Càn Khôn đã bị cháy hết hơn hai phần, còn một phần bên phía Thiên Nhãn thì không cháy, nên Thiên Nhãn vẫn còn nguyên. Ðược biết Thiên Nhãn nầy do Ðức Chí Tôn nhập Thần vào Ðức Cao Thượng Phẩm mà vẽ nên.
        Ðức Hộ Pháp nói với Ðức Quyền Giáo Tông: Thiên Nhãn còn tức là Ðạo còn, là “Trời còn” nhưng đời phải bị nhiều tai biến nguy hiểm “đất lở tang thương biến”.
        Nhắc lại đầu xuân ngày 9 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1932) sắp Đại Lễ Đức Chí Tôn nên vào buổi chiều tối ngày mùng 8 có đốt bên trong lòng Quả Càn Khôn một ngọn đèn “manchon” cho có ánh sáng. Do hai vị chăm sóc là Hồ Văn Lầu và Nguyễn Văn Biện. Lối 9 giờ, đèn phựt dầu phát cháy Quả Càn Khôn. Nhờ ông Văn Thắng Trà (sau nầy là Lễ sanh Phái Thượng) dập tắt được ngọn lửa. Quả Càn Khôn bị cháy chỉ còn 1/3 ở phía Thiên Nhãn thôi. Thiên nhãn còn nguyên.
        Đến sáng ra thì Anh Cả Quyền-Giáo-Tông mới qua hỏi Đức Hộ Pháp:
- Quả Càn Khôn bị cháy Hộ Pháp nghĩ sao? 
- Đức Hộ Pháp nói: Quả Càn Khôn bị cháy mà Thiên Nhãn còn, tức là Đạo còn, nhưng đời phải tận.
          Sau vụ cháy Quả Càn Khôn rồi thì Đức Chí Tôn có giáng cơ cho một bài thơ sau.
THI:
Chẳng phải Tây Ninh chịu nạn nghèo,
Cuộc đời luân chuyển thế cheo leo.
Trời còn đất lỡ tang thương biến,
Ruộng rẫy phố phường lộ mốc meo.
Sắc tướng âm thinh tua giảm bớt,
Mở đường công quả chúng làm theo.
Văn chương đâu rõ thông cùng lý,
Tận thế hưng vong đã thấy vèo.
        Trong thời gian Hội Thánh xây cất Tòa Thánh bằng vật liệu kiên cố, Tòa Thánh tạm bằng cây ván thuở trước phải dỡ ra, Quả Càn Khôn được Hội Thánh dời đến thờ tạm tại Báo Ân Từ.  Năm Tân Tỵ (1941), nhà cầm quyền Pháp vào Tòa Thánh bắt Ðức Hộ Pháp. Ngày 28-6-1941, Nội Ô bị quân đội Pháp chiếm đóng, Báo Ân Từ bị chúng dùng làm Câu Lạc Bộ, Quả Càn Khôn bị lính Pháp đập phá, lấy Thiên Nhãn liệng ra ngoài sân. Người Ðạo nhìn thấy cảnh ấy rất đau lòng và phẫn uất, chờ khi bọn chúng không để ý, liền lượm Thiên Nhãn đem cất kín dành sau nầy làm lại Quả Càn Khôn khác.
       Khi Ðại Chiến thế giới bùng nổ, quân đội Pháp ở Việt Nam bị Nhựt bổn đảo chánh đầu hàng, lính Pháp chiếm đóng tại Toà Thánh Tây Ninh đã rút lui, Hội Thánh phục hồi, bổn đạo qui tụ về, lo sửa chữa những chỗ hư hỏng và nhứt là lo làm Quả Càn Khôn mới, để tái lập sự thờ phượng. Khi ấy Hội Thánh vẫn lấy Thiên Nhãn cũ gắn lên Qủa Càn Khôn mới, vì nhận thấy đã hai lần, Qủa Càn Khôn hư nhưng Thiên Nhãn vẫn không hư. Ðó là sự mầu nhiệm mà Chí Tôn đã đặt vào Thiên Nhãn, tất cả mọi người đều phải nhìn nhận như thế. Qủa Càn Khôn mới được làm xong và đặt vào vị trí cũ nơi Báo Ân Từ. Sự thờ phượng Ðức Chí Tôn nơi đây được tái lập như trước.
       Ngày 4-8-Bính Tuất (DL: 30-8-1946), chánh quyền Pháp đưa Ðức Hộ Pháp trở về Tòa Thánh Tây Ninh. Sau lễ đón tiếp của Hội Thánh, Ðức Hộ Pháp tái thủ quyền hành, tái lập các cơ quan của Ðạo, đồng thời lo xây dựng, sửa chữa, trang trí Tòa Thánh, làm gấp rút ngày đêm để hoàn thành trước Tết năm Ðinh Hợi (1947). Nhờ sự nỗ lực của tất cả nhân viên công quả và của Hội Thánh, Đền Thánh được hoàn thành đúng sự dự định.
        Ngày mùng 8 tháng Giêng năm Ðinh-Hợi (DL: 29-01-1947) Ðức Hộ Pháp làm Lễ rước Quả Càn Khôn từ Báo Ân Từ đến thờ nơi Bát Quái Đài của Đền Thánh mới xây, chuẩn bị đến giờ Tý ngày mùng 9 Tháng giêng-Ðinh Hợi là khởi Ðại Lễ cúng Ðức Chí-Tôn. Quả Càn Khôn nầy dần dần theo thời gian cũng hư hỏng, Hội Thánh phải lo làm một Quả Càn Khôn khác để thay thế. Một sự linh thiêng ngoài sức tưởng tượng của mọi người - cũng là sự thanh lọc của Thượng đế. Sau khi đặt Quả Càn Khôn cũ xuống, cả thế giới và trong Đạo đều chấn động. Trong Đạo xảy ra nhiều rối rắm, gây bất hòa giữa người Đạo với nhau. Đến nỗi, Đức Lý giáng cơ quở trách và ngưng việc cầu phong, cầu thăng. Ngoài đời, có nhiều thay đổi, như cuộc đảo chánh của Hội Đồng tướng lĩnh Việt-Nam Cộng Hòa, vụ mưu sát Tổng thống Mỹ Kennedy (1961). Nhà Vua Thái Lan gặp nhiều khó khăn và nhiều biến chuyển khác trên toàn thế giới".
        Ngày 15-12 - Quí Mão (DL: 29-01-1964) Hội Thánh tổ chức Lễ Khánh Thành Quả Càn Khôn mới, Ngài Hiến Pháp có đọc một bài thuyết Đạo, nhắc lại sự tích Quả Càn Khôn, xin trích  một đoạn (Hiến pháp HTĐ trang 11,12).
     “Thể theo Thánh ý của Ðức Chí Tôn, chư Chức sắc hiệp sức kiến tạo Quả Càn Khôn đầu tiên đặt lên một trụ cốt nơi Bát Quái Đài để cho toàn Đạo sùng bái và chiêm ngưỡng (thời điểm tại Từ Lâm Tự). Về sau rủi ro, Quả Càn Khôn ấy phát hỏa (vận Bĩ) cháy tiêu hết, duy có Thiên Nhãn thì còn nguyên Hội Thánh quyết định tạo một quả Càn Khôn khác và đồng ý đặt Thiên Nhãn cũ lên Quả Càn Khôn. Vì sự linh thiêng ấy mà toàn đạo càng thêm tin tưởng và đến khi tu tạo lại Quả Càn Khôn khác, tất cả đều quyết định đặt Thiên Nhãn cũ ấy lên Quả Càn Khôn mới.
       Ðến nay, Quả Càn Khôn sau cũng vì thời gian mà hư hoại. Hội Thánh quyết định kiến tạo một Quả Càn Khôn khác thay thế. Hội Thánh cũng đồng thanh biểu quyết dành lại Thiên Nhãn cũ đặt lên Quả Càn Khôn mới ngày nay. Ðó là do lòng tín ngưỡng cao cả của toàn Đạo, không ai có quyền phủ nhận.”…
       3- Lễ an vị quả Càn Khôn:
       Ngày 06 tháng Giêng Đinh-Hợi (1947) lễ rước Quả Càn Khôn tạm thờ nơi Báo Ân Từ về Đền Thánh. Đức Hộ Pháp hành pháp trấn Thần An Vị. Khi đến Ngai Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, Đức Ngài thuyết minh: tiên tri ngày về của người đứng đầu chi Thế, rằng:

       “E sau nầy Hộ Pháp xuất ngoại, Thượng Sanh về ngự nơi đuôi (ngôi Thượng Sanh trên đuôi Thất đầu xà), thì thất tình lục dục tự do dấy động, cái loạn không phương kềm chế…Ngày Hộ Pháp trấn lại trên Ngai, mới êm tịnh Đạo Đời, lập lại tháng Thuấn, ngày Nghiêu, hưởng thuần phong mỹ tục”.
       LỄ RƯỚC QỦA CÀN KHÔN
       Đức Hộ-Pháp nói: “Ngày nay đã dời Quả Càn Khôn về Ðền Thánh, Ðức Chí Tôn đã ngự nơi ngai của Ngài, chúng ta nên mừng cho nhơn loại được ảnh hưởng nơi Ðền Thánh nầy mà tiến hóa mãi lên. Ðền Thánh kể từ đây không còn ai xem nó là vôi, cát, xi măng nữa, mà là một khối đức tin đã tượng nên hình vậy. Nhờ những bàn tay khéo léo của mấy em, mấy con, thợ hồ, thợ mộc đã chịu đói rách khổ cực hơn mười năm trường mới dày công đào tạo nên. Từ đây một sắc dân nào có đủ đức tin nơi Chí Tôn là Chúa Tể vạn loại thì dầu ở phương trời nào, họ sẽ hướng về Ðền Thánh mà cầu nguyện hàng ngày hàng giờ để mong hưởng phước lành của Ngài. Ðền Thánh làm xong, nền Ðạo đã vững vàng, chúng ta sẽ dẹp lần cái bạo tàn của đời để dìu dắt nhơn loại đi vào con đường gầy dựng lại trật tự hòa bình cho cái năng lực Nhơn Nghĩa, chúng ta sẽ đem hạnh phúc lại cho thiên hạ trong buổi chuyển thế nầy. Chúng ta nên mừng vì nhơn loại sẽ nhờ khối đức tin của chúng ta mà hưởng ân huệ của Ðấng Chí Tôn. Bần Ðạo nhắc lại, Ðức Chí Tôn đã hứa với con cái của Ngài những gì ngày nay chúng ta đã thấy, Ngài cho chúng ta theo lời hứa, Bần Ðạo đứng tại tòa giảng đây chứng chắc như thế, bởi những công nghiệp phi thường tạo thành trong thời gian qua để làm bằng chứng. Vì quốc dân Việt Nam ta còn kém đức tin nơi Ngài, nên cơ quan cứu khổ để giải thoát cái ách nặng nề của chúng ta phải còn muộn màng đến ngày nay, mà trước mắt chúng ta còn thấy cái thảm trạng tương tàn tương sát rất đau đớn thương tâm, phải chi quốc dân ta thử cầu nguyện đi, rồi coi Ðức Chí Tôn sẽ cho chúng ta y như lời hứa không?”
  (Tài liệu Thuyết Ðạo Q 1 / trang 25)
            CÂU CHUYỆN QUANH QUẢ CÀN KHÔN:
         Khoảng năm 1935, Đức Hộ Pháp bảo anh em Phạm Môn tháo ba căn nhà mà Ngài đã ra lịnh làm là: Dưỡng Lão, Sở Nữ công nghệ và Sở Phạm Môn Trường Hòa, ba nhà ấy kích thước như nhau, đem về ráp ba căn ấy lại thành một dãy để thờ Chức sắc là BÁO ÂN TỪ bây giờ. Đấy có phải giờ phút này “Qui Tam” không? Tức nhiên “ba mà một” là vậy.
        Trước khi khởi công xây cất Đền Thánh, phải dời Quả Càn Khôn về thờ tạm tại Báo Ân Từ này; rồi mới phá dở cây, lá, tranh, của Đền Thánh cũ (có Quả Càn Khôn do ông Bính làm lần đầu tiên thờ nơi đây).     
       Vì sơ ý không tính trước, hay đã tính trước rồi mà quên phần nầy hay là do Thiên ý chăng? Khi đem Quả Càn Khôn vào cửa Báo Ân Từ vô không lọt, vì bề ngang cửa nhỏ hơn Quả Càn Khôn (nếu biết là đã tháo cửa rồi). Túng thế đành ép dẹp lại méo như quả trứng mới vào được cửa.
       Đứng trước cảnh này Đức Hộ Pháp khóc và nói:
      “Rồi đây Phước Thiện sẽ khổ”.
       Kế đến Đức Hộ Pháp bị bắt đày sang Madagascar. Pháp chiếm lấy Tòa Thánh, lấy Báo Ân Từ làm nhà ăn tập thể, chúng đập phá Quả Càn Khôn rồi quăng ra ngoài. Sau khi Quả Càn Khôn thành từng mảnh vụn người ta thấy Thiên Nhãn vẫn còn nguyên; còn cốt Tượng Tam Giáo, Tam Trấn, Ngũ Chi chúng đập phá ném ra sân; ông Thơ đem về Cực Lạc Cảnh sửa đắp lại thờ cho còn tới bây giờ.
       Thiên Nhãn còn: ông Thơ mướn người làm lại Quả Càn Khôn bằng thiếc. 
         Khi Đức Hộ Pháp hồi loan, Quả Càn Khôn do ông Thơ tạo được di vào thờ nơi Đền Thánh.   
       4- Biến lọan năm 1959-1960: Thời kỳ của Đức Thượng Sanh và Bảo Thế, lúc này cũng là lần thay đổi lịch sử: Ông Phối sư Ngọc Hoài Thanh được Ngô Đình Diệm mua chuộc với một giá tiền rất đắc để hạ Quả Càn Khôn của ông Thơ xuống và dựng Quả Càn Khôn của ông Hoài lên (bên trong quả Càn Khôn của ông Hoài làm là Cây Thánh Giá). Dựng Quả Càn Khôn của ông Hoài có nghĩa là dựng Cây Thánh Giá lên; thay đổi Quả Càn Khôn là cái cớ để che mắt Tín đồ, Chức sắc cho khỏi sinh loạn.       
       Ông Bảo Thế và ông Hoài cho mời ông thợ hàn ở cửa số 2 là ông Giáo Hữu Thượng Tửu Thanh đến Đền Thánh đục khoan hàn lại chân trụ để thượng cây Thánh Giá bên trong. Ấy là chủ mưu của Ngô Đình Diệm, nhưng việc ấy không thành. Khi hay tin đục khoan chân trụ, Bà Chánh Phối Sư Hương Nhiều (Bà Tám, bạn đời của Ngài Phạm Công Tắc) lên Đền-Thánh để quan sát. Lúc đó, thợ đã khoan gần tới nơi mà Đức Hộ Pháp đã trấn ếm khi xưa. Bà biết nơi mà Đức Hộ Pháp đã hành pháp trấn; Bà nói: Thiêng liêng mầu nhiệm, khiến như vậy, nó khoan không tới, chỉ còn một chút xíu nữa là tới rồi. Bà sợ e khi khoan phải chạm đến nơi mà Đức Hộ Pháp đã trấn thì không biết nguy hại dường nào, mà điều gì xảy ra cho Đạo không lường trước được. Vì lúc Đức Hộ Pháp trấn; Ngài có bảo ông thợ bạc người Phước Thiện quê ở Phú Mỹ làm một cây gươm bằng vàng. Ngài trấn đó: Đức Hộ Pháp kêu Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu đổ lên đến dự chứng cuộc hành pháp trấn ếm chân trụ Quả Càn Khôn, cũng nơi đây sau khi trấn ếm xong, Ngài tuyên bố:
      “Sau này, nơi đây, nếu có hư hoại và mất đi, thì những người có mặt hôm nay phải chịu tội trước Thiêng liêng”.
       Lòng người đâu qua được Thiêng liêng; Trời đâu để cho thực hiện được.
       Kết quả: Ngày 1-11-1963: Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và chết bi thảm trước họng súng đại bác, y như lời tuyên thệ hứa với Đức Hộ Pháp khi Đức Hộ Pháp đứng ngay tại bàn thờ có cờ Tổ Quốc. (Ngô Đình Diệm làm lễ tuyên thệ trước Bàn thờ Tổ quốc có Đức Ngài chứng).
       Ông Hoài cũng chết trước, khi  mưu  đồ  chưa  làm được. Cây Thánh Giá không được để trong Quả Càn  Khôn, vì ông Hoài chết, mọi sự không theo đúng kế hoạch. Quả Càn Khôn không có cây Thánh Giá được dựng lên là Quả Càn Khôn thờ hiện nay đó vậy.
       Quả Càn Khôn đầu tiên là do Ông Bính làm bằng giấy, vải cứng, những người Pháp họ xé nát tan tành, nhưng còn lại Thiên Nhãn.
       Quả Càn Khôn thứ hai:  Ông Thơ làm lại bằng thiếc và lấy Thiên Nhãn còn lại đắp vào. 
       Quả Càn Khôn thứ ba, Ông Hoài làm bằng chai bên trong đặt cây Thánh Giá do Ngô-Đình-Diệm chủ xướng nhưng sự việc không thành, là không có đặt cây Thánh-Giá. Bên trong là một ngọn đèn thường sáng Thờ cho tới ngày nay đó vậy. Âu cũng là Thiên Cơ!
       Bài Thi sau đây do Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn đã cho Hộ Pháp nhân chuyến Âu du trước ngày thay đổi Quả CÀN KHÔN của Ông Hoài được sự chỉ đạo của ông Ngô Đình Diệm:
              Khởi điểm vinh quang đã trổ màu,
              Giang san Đất Việt giá là bao?
              Nền Nhân Câu Tiển vừa chen bước,
              Cửa ải Phù Ta đã mở vào.
              Mong lịch duyệt, nay đà lịch duyệt,
              Muốn thanh cao, đã đặng thanh cao.
              Tiên, Rồng đã gặp hồi phong vũ,
              Thay đổi CÀN KHÔN thử thế nào?
Tài liệu sưu tầm_____________________________


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...