Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Bất bình đẳng giới- FB Nguyễn Hoài Nam

Ngày lên 7 tuổi, tôi xin bố cho đi dã ngoại với lớp, bố nói: "Hỏi mẹ mày ấy. Bả cho thì đi".
Khi lên 8 tuổi, lớp tôi tổ chức cắm trại, cho tất cả học sinh ngủ lại. Tôi xin mẹ, mẹ bảo: "Đi đi, nhưng sáng dậy nhớ đánh răng". Tôi hỏi: "Ơ thế mẹ không hỏi ý bố à?".
Mẹ bảo: "Tao chịu là bố mày chịu".
Đấy là lần đầu tiên trong đời, tôi có ý niệm về bất bình đẳng giới.
Lịch sử loài người khởi đi từ loài vượn. Từ ấy đã có bất bình đẳng giới. Phụ nữ thì hái lượm, nam giới thì săn bắn. Ngành thống kê chưa ra đời, nhưng xác suất chết vì hái lượm rất thấp, trừ khi đi hái sầu riêng hay hái dừa. Tai nạn lao động bằng không.
Ngược lại, nam giới phải đi săn voi ma mút, săn cọp răng kiếm, săn tê giác, heo rừng. Nhẹ thì lủng bụng lòi phèo, nặng thì chết queo. Phụ nữ ở nhà rống lên: "Ôi làng nước ơi, con quỷ cọp răng kiếm nó lụi chồng tôi". Khóc ba ngày ba đêm xong bèn đi lấy chồng khác.
Đàn ông Mông Cổ uy dũng sống trên lưng ngựa. Đến tối về làm con ngựa cho phụ nữ cởi. Trong Game of Thrones, anh thủ lĩnh Dothraki thần uy lẫm lẫm, bất khả chiến bại, làm vua cả một vùng thảo nguyên. Ngu dại cưới mẹ Rồng về, ra trận ăn một nhát chém, nhiễm trùng chết queo. Mẹ Rồng lập tức có trai mới.
Khi có chiến tranh, đàn ông bị lôi ra trận, không hẹn ngày về. Trong Trân Châu Cảng, nhỏ vai chính đơm luôn anh bạn thân của anh lính ngỡ như đã chết trận. Tôi nghĩ phong trào khởi nghiệp xuất phát từ việc các anh muốn có tiền cho vợ đi shopping mà ra. Việt Nam có ngày 8/3 ngày 20/10 chứ làm gì có ngày đàn ông.
Cách đánh giá của đàn ông và phụ nữ cũng cực kỳ bất công. Nếu nói: "Con ấy đàn ông" tức là khen cô nàng độc lập, nhưng bảo: "Thằng ấy đàn bà" tức là chửi mười tám đời tổ tông nhà nó. Đàn bà mặc quần jean đẹp tuyệt, tôn lên đường cong. Đàn ông đi uống bia chỉ muốn có cái váy để đi toalet cho tiện, nhưng mấy ông nào dám mặc. Đàn ông Scotland, các anh mới thực sự là nam nhi chi chí.
Hai người phụ nữ nắm tay nhau đi ngoài đường, người ta thấy dễ thương. Chứ hai trai mà nắm tay đi kiểu gì cũng bị dị nghị. Phụ nữ chỉ thật sự hạnh phúc sau khi lấy chồng. Còn đàn ông lấy vợ rồi mới biết mình đã từng hạnh phúc. Sáng nay, vợ nhét 500 nghìn vào ví, nhìn mặt Bác Hồ trong cái tờ màu xanh ấy tôi chỉ cơ hồ bật khóc, chỉ kịp nói: "Cháu nhớ Bác" rồi đi ra ngoài ăn tô canh bún.
Lương của phụ nữ từng thấp hơn lương đàn ông. Bởi vì công việc họ chỉ là kiếm thêm, còn tiền chính đã lấy hết của chồng rồi. Câu đố ấy đã đi vào huyền thoại: "Con gì ăn ít nói nhiều, chóng già lâu chết miệng kêu tiền tiền". Đấy là con vợ. Nhưng nói vui thế thôi, dám gọi vợ là con thì sẽ bị đánh như con chứ chả chơi.
Lại nói chuyện tình dục. Rất ít ai chê phụ nữ kém chuyện chăn gối, nhưng đàn ông thì đủ thứ nỗi ám ảnh trên đời. Mỗi lần họ cởi đồ ra, ánh mắt dò xét của nữ nhân lướt qua một lượt. Người tinh tế sẽ nói: "Nhìn cưng ha", người sỗ sàng sẽ hô: "Bé thế". Ôi, tàn một đời trai.
Phụ nữ có thể lên đỉnh 7 lần 7 bốn mươi chín lần trong một hiệp. Đàn ông làm một hiệp đã như lội ba quãng đồng. Đã vậy còn phải có trách nhiệm kéo dài. Câu "nhanh thế" với vận động viên điền kinh là tán dương, với đàn ông trên giường là cả một sự xúc phạm.
Bạn thấy đấy, nữ Việt lấy trai tây rất nhiều. Nhưng trai Việt nào dám lấy gái ngoại. Vì họ mặc cảm thân phận thấp hèn, chưa tu tập đủ nên không dám giao lưu quốc tế, sợ nhục quốc thể. Đàn ông Việt khổ lắm.
Bố và con trai nói chuyện.
Con trai: Con muốn lấy vợ.
Bố: Xin lỗi đi
Con trai: Sao lại xin lỗi ạ
Bố: Xin lỗi đi
Con trai: Nhưng con có làm gì đâu
Bố: Xin lỗi đi
Con trai: Ơ kìa bố, sao lạ thế
Bố: Xin lỗi đi
Con trai: Xin lỗi ạ.
Bố: Con đã trưởng thành. Nếu con có thể xin lỗi ngay khi không biết mình có lỗi gì thì con đã có thể lấy vợ rồi đó.

Vâng, phụ nữ đã thống trị đàn ông hàng nghìn năm lịch sử. Và họ không chỉ muốn ta tâm phục, họ còn muốn ta khẩu phục. Thế nên còn đẻ ra thêm ngày 8/3. Đau đớn xiết bao.
Biên tút xong bèn đi đấm lưng cho vợ.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...