Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Số phận trẻ em Việt bị ép làm nô lệ trồng cần sa ở Anh (vietnamnet)

Từ cửa sổ tầng 1 của căn hộ nơi Tùng bị quản chế, cậu bé 15 tuổi này bắt đầu mường tượng về nước Anh. Cậu thích ngắm nhìn con phố bận rộn ngoài kia với nhiều cửa hiệu, nhà hàng và cả một trạm xăng.
Tùng không được phép bật đèn, vì vậy cậu ngồi yên lặng bên cửa sổ, nhìn ra bên ngoài. “Nơi cháu sống ở Việt Nam là một vùng hẻo lánh, chỉ có cây cối và những con đường lầy lội. Cháu hiếm khi thấy ôtô. Cháu rất ngạc nhiên”, Tùng kể.
Anh, nô lệ Việt, cần sa, trẻ em Việt
Cần sa được trồng bên trong một trung tâm giải trí. (Ảnh: The Guardian)
Cậu bị nhốt trong căn hộ một mình suốt 2 tháng. “Thật khủng khiếp, vào tháng đầu. Cháu chỉ muốn đi ra ngoài, nói chuyện với ai đó. Cháu cảm thấy mình sắp phát điên. Nhưng đến tháng thứ 2 thì cháu dần quen”.
Theo báo Guardian, Tùng là một trong nhiều nô lệ trồng cần sa ở Anh: Đó là một nhóm trẻ nhỏ bị bóc lột, bị nhốt giữ và bị ép phải trồng cây trong nhà, trong những điều kiện vô cùng nguy hiểm. Giống như nhiều đứa trẻ khác, khi căn hộ bị tập kích, Tùng bị tống vào tù.
Chuyện bao nhiêu cần sa đang được trồng tại Anh cũng khó tìm hiểu như đi lên trời vậy. Một mạng lưới quốc tế những kẻ buôn người đưa các bé trai từ Việt Nam đến để bắt các em trồng loại cỏ này ở các khu ngoại ô Anh. Và cứ vài tuần một lần, một trang trại lại bị phát hiện và cảnh sát có một đợt bắt giữ mới.
Anh, nô lệ Việt, cần sa, trẻ em Việt
Có tới 4.000 cây cần sa được trồng bên trong nơi từng là trung tâm giải trí này ở New Port, Gwent. (Ảnh: Wales News Services)
Báo chí địa phương có đưa tin về ngành này, nhưng chi tiết họ cung cấp quá ít ỏi, rằng cảnh sát đã tập kích một ngôi nhà gạch đỏ bên một con đường ngoại ô ở Liverpool sau khi người hàng xóm than phiền, và họ phát hiện đó là một trang trại trồng cần sa, với hai bé trai đang trốn bên trong, sợ hãi, nằm dưới sàn.
Hay việc một người trồng cần sa ở hạt Armagh được phát hiện sống nhờ thức ăn của chó. Trong một vụ khác, cảnh sát tới một ngôi nhà hai tầng ở Plymouth và thấy cần sa được trồng ở tất cả các phòng, do một bé trai người Việt trông nom. Cậu bé mới 13 tuổi, bị nhiều vết thương ở mặt, đã được đưa tới dịch vụ chăm sóc xã hội chờ điều tra, nhưng cậu đã biến mất vài ngày sau đó.
Theo Guardian, số trẻ em bị buôn vào Anh từ Việt Nam đông hơn so với bất kỳ nước nào trên thế giới. Tất cả các nạn nhân bị ép trồng cần sa mà xác định được danh tính thì có tới 96% là từ Việt Nam, trong số này có tới 81% là trẻ nhỏ. Thông thường, các em quá sợ bị trả thù nên không dám lên tiếng.
Hai nô lệ nhí đã đồng ý nói chuyện với The Guardian với điều kiện giấu kín tên thật. Tuy vậy, cả hai vẫn sợ bị các băng đảng trả thù. Bảo mới 15 tuổi khi bị đưa tới một căn hộ 3 phòng ở rìa một thành phố lớn của Anh. Cậu bị bỏ lại với hàng trăm cây cần sa con.
“Khi cháu đến, cháu được bảo là từ giờ phải chăm những cây này”, Bảo kể và nhớ lại ngày cậu bị một người đàn ông và một phụ nữ Việt Nam đưa tới căn hộ nhỏ tầng 2, nơi có đầy chậu nhựa màu đen chứa những cây nhỏ. Cậu không biết đó là cây gì và tại sao phải chăm cây.
Tủ lạnh có đủ thức ăn cho Bảo trong 1 tháng, và cậu được bảo nếu làm tốt thì cậu sẽ được mua thức ăn mới. Nhưng đồng thời, hai người kia cũng dọa: “Nếu mày không tưới nước cho đúng thì không được cho thức ăn nữa và mày sẽ chết đói”.
Anh, nô lệ Việt, cần sa, trẻ em Việt
Bảo, 15 tuổi, đề nghị giấu kín danh tính của mình. (Ảnh: The Guardian)
Bảo được cung cấp các chỉ dẫn phải làm với hệ thống chiếu sáng phức tạp, phải đảm bảo nguồn điện không bị quá tải. “Cháu phải rất cẩn thận thì điện mới không cháy hoặc nổ”.
Một chiếc ghế sofa được kê ở hành lang hẹp cho Bảo ngủ để tiết kiệm không gian cho cây trồng. Gần như cậu chỉ có một mình, không liên lạc với ai. Các cửa sổ đều bị che kín. Thỉnh thoảng hai người đàn ông tới để kiểm tra cây và nếu thấy không ổn thì họ đánh đập Bảo.
Trước khi bị bắt cóc và bị đưa tới Anh, Bảo - vốn là một đứa trẻ mồ côi - sống trong cảnh không nhà, trú ở gầm cầu với một đám bạn. Hai năm sau khi được giải cứu, cậu mới bắt đầu kể về những gì mình phải trải qua. Nhưng cậu vẫn cảm thấy đau đớn và phải dừng lại giữa chừng khi trả lời phỏng vấn tại Hiệp hội Trẻ em - một quỹ từ thiện chuyên giúp đỡ những người như cậu.
Bảo nhớ lại khoảng thời gian sống trong căn hộ trồng cần sa. “Trên đầu cháu toàn dây và bóng điện lủng lẳng. Cháu phải rất cẩn thận. Chỗ nào cũng có dây và bóng điện. Cháu phải tránh hết sức mỗi khi tưới nước. Và có quá nhiều cây phải chăm sóc”.
Bảo không được phép mở cửa cho bất kỳ ai. Vì vậy, khi cảnh sát đến, cậu cố trốn dưới những cái cây đã cao đến thắt lưng mình. Và khi bị cảnh sát xét hỏi, Bảo không thể trả lời vì không biết tiếng Anh. Bảo bị còng tay và đưa về đồn. Một cố vấn pháp luật được chọn khuyên cậu nhận tội trồng cần sa, dù thực tế cậu chỉ là đứa trẻ và bị buôn tới Anh.
Bảo hiện đang đi học trở lại, bù đắp những thiếu hụt kiến thức mà cậu bị gián đoạn từ khi lên 10. Cậu hy vọng sẽ nâng cao được nhận thức về thực trạng đen tối mà mình là một nạn nhân.
“Khi cháu nhìn thấy người ta hút cần sa, cháu cảm thấy họ đang bóc lột những đứa trẻ như cháu. Cháu muốn mọi người biết về những nỗi đau trong quá trình sản xuất cần sa”.
Trong suốt thập niên qua, tội ác này đã bị che đậy với các băng đảng táo tợn lập ra những nhà máy cần sa bên trong những dãy nhà liền kề ở khắp nước Anh. Gần đây, cảnh sát phát hiện xu hướng các cơ sở được mở rộng hơn, do các tội phạm Anh điều hành, và vẫn sử dụng những kẻ buôn người từ Việt Nam cung cấp lao động cho chúng bóc lột.
Thanh Hảo (Theo Guardian)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...