Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Những nhà máy lay lắt và đô thị không thể ra đời ở TQ

Chỉ trong vài năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trải qua những thay đổi nhanh chóng, để lại một di sản kỳ quặc trên khắp đất nước.
Trung Quốc là một quyền lực to lớn trong nền kinh tế thế giới. Trong ba thập niên qua, mức tăng trưởng của nước này qua mặt toàn bộ các nền kinh tế khác.
Toàn bộ các ngành công nghiệp vốn mất hàng thập niên để trưởng thành tại Phương Tây thì nở rộ tại đây chỉ trong vài năm. Hầu hết các hoạt động này diễn ra tại các khu công nghiệp được quy hoạch, nơi các thành phố mới được xây lên từ đầu nhằm gây dựng cơ sở cho lượng nhân công từ các vùng nông thôn đổ về.

Từ năm 1984 cho tới 2010, số diện tích xây mới tại Trung Quốc tăng lên gần gấp năm lần, từ 8.842 cây số vuông lên 41.768 cây số vuông. Để có được các khu đô thị mới, Trung Quốc chỉ trong ba năm 2011-2013 đã tiêu thụ lượng xi măng nhiều hơn toàn nước Mỹ dùng trong suốt thế kỷ 20.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nhiều nhà máy quốc doanh đã phải đóng cửa, bỏ hoang
Thế nhưng ngay cả ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, tốc độ phát triển cũng đã vượt quá nhu cầu. Đối diện với tình trạng rớt giá và doanh số bán tụt giảm, một phần do tinh trạng sản xuất quá mức, chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp, giảm bớt hoạt động của một số ngành công nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm việc làm hàng loạt. Tại các nơi như Hà Bắc, một tỉnh phía bắc gần Bắc Kinh, điều này gây tác động đặc biệt nặng nề.
Nơi này từng là một vùng phát triển thịnh vượng, trong suốt một thời gian dài được coi như vành đai thép của đất nước. Nhiều nhà máy quốc doanh tại tỉnh đến nay đã bị đóng cửa, bỏ hoang. Các nhà máy thép tư nhân phải chật vật lắm mới tồn tại được.
Các ngành công nghệ thấp cũng gặp phải số phận tương tự, tạo nên cái gọi là "các nhà máy xác sống (zombie)" trên toàn quốc.
Tại Trung Quốc, việc chuyển dịch từ các ngành công nghiệp như sản xuất thép sang làm đồ điện tử, viễn thông và công nghệ sinh học đã diễn ra vô cùng nhanh chóng.
Châu Âu và Hoa Kỳ từng có sự chuyển đổi như vậy, nhưng nó diễn ra trong vài thập niên, đủ thời gian để các ngành công nghiệp phát triển và đạt độ chín muồi. Cuộc cách mạng công nghệ cao của Trung Quốc xảy ra cấp tập trong vài năm.
Động lực dẫn đến sự thay đổi là do các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, khiến các ngành truyền thống như khai mỏ, sản xuất thép và xi măng phải chịu gánh nặng mất công ăn việc làm.
Tại các thành phố như Trường Trị hay Lục Lương ở gần sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Sơn Tây ở miền bắc, các nhà máy xi măng không thể trụ nổi qua những thay đổi và nay bị bỏ hoang.
Tại những nơi khác, bị gánh nặng nợ nần và doanh số tụt giảm, hoạt động được duy trì ở mức cầm chừng, cốt chỉ nhằm cố trả những món nợ khổng lồ đã vay mượn lúc ban đầu để xây dựng nhà máy trong thời phát đạt. Những nhà máy từng có lúc dùng tới hơn 10 ngàn lao động nay chỉ còn lay lắt chừng hơn trăm nhân viên nòng cốt.



Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các khu đô thị lớn bỏ hoang không ai đến ở
Dấu ấn của sự dịch chuyển ngành nghề hiện rõ tại những thành phố vốn được xây dựng cho lao động nhập cư. Các khu đô thị lớn đã trở thành "những thành phố ma", bị bỏ hoang do dự đoán về làn sóng nông dân tràn đến từ các vùng nông thôn đã không bao giờ trở thành hiện thực. Nhiều nhà phát triển các khu đô thị đã bị phá sản.
Một nghiên cứu do hãng Baidu khổng lồ của Trung Quốc thực hiện xác định được 50 khu vực rộng lớn trên toàn quốc nơi các khu nhà ở được xây mới hầu như bị bỏ hoang, trông như những vùng đất chết.
Trong số các thành phố mà Baidu nhận diện có Kangbashi, một khu quận mới thuộc thành phố Ordos, được xây dựng hồi năm 2006 nhằm phục vụ ngành công nghiệp than khi đó đang bắt đầu phát triển tốt đẹp. Kangbashi có thể phục vụ được 300 ngàn người, nhưng chỉ có chừng 10% các khu nhà được sử dụng.
Những nơi khác có thể kể đến gồm thành phố Tô Châu, đô thị Erdo thuộc huyện Đông Thắng và đô thị Thông Liêu ở huyện Khoa Nhĩ Thấm. Toàn bộ các khu nhà tập thể, các trung tâm mua sắm, các plaza và công viên đều trống không, chờ người dọn đến ở.
 Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tại các thành phố ma ở Trung Quốc, các khu căn hộ, khu mua sắm, plaza và công viên đều bỏ không

Nhiếp ảnh gia Kai Caemmerer đã ghi lại hình ảnh một số thành phố không người ở tại Trung Quốc trong thời gian hai năm qua. Ông cho rằng điều khiến những nơi này trở nên kỳ quặc chính là tốc độ chúng được xây dựng nên.
"Nhiều thành phố như thế được xây với quy mô có lẽ là rất xa lạ đối với những cách thức đô thị hóa được áp dụng ở Phương Tây," ông nói.
Nhưng ông cho rằng việc gọi đó là các "thành phố ma" là không chính xác. "Với tôi, từ này nhằm để nói rằng đó là những nơi từng rất đông vui tấp nập nhưng rồi bị bỏ hoang. Nhưng tôi không nhận thấy quá trình đó tại các thành phố mới mà tôi đã từng tới ở Trung Quốc," ông nói.
 Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tới năm 2020 sẽ chuyển 100 triệu người từ các vùng nông thôn tới sống ở các thành phố mới

Thay vào đó, một số trong những nơi này đã được xây dựng nhằm đón đầu nhu cầu, nhưng nhu cầu đó lại không xuất hiện. Các tòa nhà đã xây xong, nhưng không có người vào ở trong suốt 15 năm. "Tôi coi chúng là những thành phố chưa ra đời," Caemmerer nói.
Trên thực tế, việc tái định cư quy mô lớn có thể sẽ sớm diễn ra. Chính phủ Trung Quốc nói dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa 100 triệu người từ các vùng nông thôn ra thành thị. Chương trình điều phối di dân này có thể giúp lấp đầy chỗ trống cho ít nhất cũng được một số thành phố hoang.
Chẳng hạn như Ordos đã tìm cách lấp đầy các tòa nhà vắng tanh của mình bằng việc áp dụng "giấy chứng nhận đổi nhà", được trao cho những người có bất động sản ở các nơi khác tại Trung Quốc nhưng bị giới chức trưng thu. Những người được cấp giấy này có thể dùng nó để đổi được một căn nhà tại Kangbashi.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang đưa ra tới 100 tỷ nhân dân tệ (11,5 tỷ bảng Anh) giúp các hãng khai mỏ và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tái đào tạo và dịch chuyển nhân viên tới các địa điểm làm việc khác.
Hiện có những dấu hiệu cho thấy các chính sách trên có tác dụng. Dữ liệu mà Baidu thu được cũng cho thấy một thành phố ma khác, Trịnh Đông, một khu quận mới rộng lớn được xây dựng trên diện tích 150 cây số vuông tại thành phố Trịnh Châu, nay đang có người tới ở kín.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Richard Gray

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...