Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ
Hai 27/03/2017
Con đường dẫn tới quyền lực tột đỉnh của bà Park Geun-hye khởi đi từ những ngày chỉ là một đứa
trẻ, đến vai trò đệ nhất phu nhân rồi bà tổng thống nhưng, cuối cùng Park phải
rời bỏ cái quyền lực tột đỉnh này, trong nhục nhả ê chề, vì các vụ xì-căn-đan
tham nhũng đáng sợ, trở thành người tổng thống đầu tiên bị truất phế trong lịch
sử của Đại Hàn.
Năm nay 65 tuổi, bà Park lớn lên
trong sự chú ý của mọi người tại “Cung Điện
Xanh”, cái dinh tổng thống, ngay phía bắc, không xa một trong mấy đền đài
hoàng gia Đại Hàn, thụ hưởng cuộc đời nhung gấm của đứa con gái cả của nhà độc
tài Park Chyng-hee. Mặc dù bị chỉ trích đã chà đạp nhân quyền nhưng dưới sự cai
trị của cha bà, tổng thống Park Chyng-hee, nền kinh tế Đại Hàn đã phát triển
nhanh chóng và nhảy vọt trong những năm 1961 -1979, từ đó, đệ nhất gia đình nước
Đại Hàn được những người ủng hộ trọng nể như một hoàng gia và cô con gái có tên
Park Geun-hye, được họ gọi là “nàng tiểu
công chúa”, cái danh xưng này được nhắc tới qua nhiều thập niên.
Việc cha mẹ bà Park bị ám sát, xãy ra cách nhau 5 năm trong những năm
1970, làm cho cảm tình của dân chúng dành cho bà Park tăng thêm nhiều hơn nữa,
mẹ của bà, vợ của tổng thống Park Chyng-hee, được công chúng ngợi khen và kính
trọng, là một người vợ chu toàn bổn phận và người mẹ gương mẫu theo truyền thống
Triều tiên, bị ám sát bởi một người Nhật gốc Đại Hàn, người ta tin rằng thủ phạm
này thi hành theo lệnh của Bình Nhưỡng, Bắc hàn. Đang là sinh viên du học tại
Pháp lúc đó, bà Park trở về Đại Hàn, và
vì mẹ đã chết, nên được dân chúng lúc bấy giờ mặc nhiên xem Park như là “đệ nhất phu nhân” thay mẹ, cho tới khi
tổng thống Park bị ám sát bởi chính viên trưởng toán an ninh cận vệ của mình
năm 1979.
Bà Park, từ đó sống một cuộc sống lặng lẽ, âm thầm trong gần hai thập
niên, tới năm 1988, bà thắng cử và trở thành dân biểu của quốc hội Đại Hàn, giữa
thời kỳ vụ khủng hoảng tài chánh Á châu xãy ra, qua sự thành công này, trong
cái nhìn của nhóm chính trị gia già cả bảo thủ, những người từng hảnh diện vì nếp
sống của mẹ bà và ca tụng công ơn đưa đất nước hoang tàn vì chiến tranh của Đại
Hàn ra khỏi cảnh nghèo đói của tổng thống Park, bà Park là một ngôi sao chính
trị trẻ tương lai, dựa vào sự ủng hộ và cảm tình mà họ dành cho, mỗi lần đi vận
động tranh cử, trong bài nói chuyện của mình, lúc nào bà Park cũng lập lại cái
câu như câu kinh nhật tụng “sau khi tôi mất
cha mẹ một cách đau đớn vì những viên đạn của kẻ sát nhân”
Từ đó bà Park nhanh chóng tiến nhanh trên bước thang chính trị, bà giờ có
tên gọi là “nữ hoàng của các cuộc bầu cử”.
Có một điều đáng nói tới, bà Park chưa hề kết hôn và sống xa cách với hai người
em tại một quốc gia mà những vụ tham nhũng, hối mại quyền thế, của các nhà lãnh
tụ đều có dinh líu tới thân nhân họ hàng. Vì thế, bà đã từng tuyên bố, “bà đã kết hôn với đất nước cộng hòa Đại Hàn,
bà không có con cái, mọi công dân Đại Hàn là gia đình của mình”, có lần bà
Park đã mượn hình ảnh của nữ hoàng Elizabeth đệ nhất của Anh quốc, hay “Nữ Hoàng Đồng Trinh” để nói về bà.
Trong lần được bầu làm người nữ tổng thống đầu tiên năm 2012, bà là ứng
cử viên đạt số phiếu bầu cao nhất trong thời kỳ dân chủ của quốc gia này, nhưng
oái oăm thay, cái gia đình mang bộ mặt tôn giáo mà bà Park chọn làm người “hiến kế” cho mình, vô hình chung, trong
bóng tối đã gieo những hạt giống lụn tàn, đưa đến sự sụp đổ ngôi vị của bà Park
hôm nay. Mối liên hệ của bà Park với ông Choi Tae-min, một người đã kết hôn bảy
lần, sáng lập viên của một nhóm mê tín, tự gọi là đạo phái gồm nhóm người lớn
hơn bà chừng 40 tuổi, bắt đầu trong những năm 1970, khi ông này gởi cho bà lá
thư, nói là ông đã thấy mẹ bà hiện về tâm sự trong nhiều giấc mơ của ông ta. Ảnh
hưởng của ông này đối với bà Park ngày càng sâu đậm, theo như các thông tin mà
trang mạng WikiLeaks tiết lộ, lúc bấy giờ tại Đại Hàn, có tin đồn trong dân
chúng là, ông Choi gần như kiểm soát hoàn toàn thể xác và linh hồn của bà Park.
Choi chết năm 1994 và con gái ông ta, Choi Soon-sil, đã là bạn chơi nhau từ
lâu, giờ lo mọi chuyện đời sống hàng ngày của Park, bao gồm cả việc lựa chọn quần
áo để mặc.
Tổng thống Park bị cáo buộc, đã để yên cho bà này dùng tư thế thân cận,
nhận hối lộ hàng trăm triệu đô la từ các thương gia, doanh gia Đại Hàn, kể cả
nhiều công ty lớn nhất tại nước này, để đổi lấy những ân huệ ban phát từ chính
phủ. Choi đã bị bắt, đang bị tòa xử về tội lạm dụng quyền thế, nhận hối lộ
trong khi đó, ông Lee Jae-yong, chủ tịch công ty điện thoại di động Samsung,
cũng bị buộc tội hối lộ, hủ hóa và các tội danh hình sự khác. Tổng thống Park ra trước quốc dân, khóc sướt
mướt xin lỗi trên hệ thống truyền hình, vẻ cho mình hình ảnh một người cô đơn,
một lãnh tụ đơn độc, có lỗi chỉ vì quá tin cậy vào một người bạn, ý nói là bà
Choi Soon-sil, đã chia xẻ, cảm thông với bà trong những ngày tháng, khó khăn, lẻ
loi trên cương vị tổng thống.
Vụ xì-căn-đan này quá nghiêm trọng, đến mức những người từng ủng hộ bà
Park đã không còn im lặng được nữa, hàng triệu người đã xuống đường biểu tình
đòi bà phải từ chức và tỷ lệ tán thành của dân chúng dành cho bà, chỉ còn là
con số đơn không hơn không kém. Nhiều người là đảng viên trong đảng của bà,
quay lưng phản đối bà, họ đã bỏ phiếu truất phế tổng thống tại quốc hội, để cho
tòa án hiến pháp Đại Hàn ban phán quyết cuối cùng, và kết cuộc, Park đã bị truất
phế theo tinh thần của hiến pháp nước này, khăn gói rời “cung điện xanh” một
cách âm thầm lặng lẽ.
Từ vụ này, có người cho rằng, bà chịu ảnh hưởng của cha bà, cố tổng thống
Park, về các hành động chính trị độc đoán. Theo báo chí, bà Park, lanh lùng, cứng
rắn, thường ở luôn trong dinh tổng thống, gặp gỡ các cố vấn tại văn phòng làm
việc, khoan nhượng đôi chút về những chỉ trích nào đó đối với bà. Người giữ chức
vụ giám đốc nhân viên của bà Park trong hai năm, đã nói tại một phiên họp tường
trình trước quốc hội là, có khi cả nhiều tuần lễ ông ta không gặp mặt bà lần
nào hết, điều ông này nói ra, được một số nhân viên cao cấp khác đồng ý đúng
như vậy. Bà Park cũng bị cáo buộc đã làm ngơ trong vụ chìm chiếc phà Sewol năm
2014, có hơn 300 người chết, hầu hết là học sinh, bị chết chìm, vụ này được xem
là một tai nạn thảm khốc nhất tại Đại Hàn trong bao nhiêu thập niên qua.
Phần khác, ngoài các việc khá lạ trên, bà Park còn bị buộc tội đã ra lệnh,
cho cảnh sát lùng dẹp và trừng phạt hàng ngàn văn nghệ sĩ, những người công
khai chống đối, chỉ trích bà ta. Chun Yu-ok, một cựu đồng minh và dân biểu
trong đảng của bà Park, đã viết trong tập hồi ký của ông mới đây “thay vì tiếp nhận từ cha mình, sự thông
minh, cái nhìn sâu sắc và quyết định kiên quyết lo xây dựng nền kinh tế tốt đẹp
cho đất nước, thì bà Park lại kế thừa cái phần xấu tệ nhất của cố tổng thống
Park là, sự ám ảnh quyền lực và không khoan nhượng cho bất cứ những chỉ trích
nào về mình”.
Nhìn lại con đường từ tột đỉnh xuống
tận cùng quyền lực, sự thất bại của bà Park, sự thất bại do chinh mình tạo ra, đối
với người dân Đại Hàn thì, chỉ là một cái tất yếu phải tới không chóng thì chày
mà thôi.
Thuyên Huy
Mon 27.03.2017
bài rất hay
Trả lờiXóa