Vợ chồng chị Jillian Johnson đến từ
bang California, Hoa Kỳ đã phải từ biệt con trai khi em bé mới được 18
ngày tuổi. Anh chị đã vượt qua nỗi đau của chính mình, chia sẻ với cộng
đồng câu chuyện của bé Landon, để chia sẻ một thông điệp vô cùng quan
trọng tới những bà mẹ trẻ.
Hai vợ
chồng chị Jillian đã rất hạnh phúc khi được ôm vào lòng đứa con đầu tiên
sau 9 tháng 10 ngày chờ đơi. Landon đến với thế giới vào một ngày cuối
tháng 2. Như bao đứa trẻ khác, em nhận được sự chăm sóc rất chu đáo của
cha mẹ và các bác sĩ.
Ngay từ
khi mang thai em, mẹ của Landon, chị Jilian đã dành rất nhiều thời gian
để nghiên cứu cách chăm sóc trẻ sơ sinh qua sách vở và rất nhiều tài
liệu khác nhau. Điều khiến chị Jilian ấn tượng nhất là lời nhắn nhủ của
rất nhiều tác giả: “Hãy nuôi còn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6
tháng đầu tiên”. Chị Jilian có lẽ đã ý thức được rất rõ lợi ích từ nguồn
sữa ngọt ngào mà chính mình sẽ mang lại cho con. Vì vậy, hai vợ chồng
chị đã quyết định chọn sinh bé Landon trong một bệnh viện mà rất khuyến
khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Sau ca
phẫu thuật hết sức thành công, hai anh chị đã được ngắm nhìn thiên thần
nhỏ của mình, bụ bẫm và tràn đầy sức sống. Nhưng điều kì lạ đã xuất hiện
không lâu sau đó. Bé Landon thường xuyên quấy khóc. Chị Jilian không
thể lý giải được nguyên nhân con khóc. Chắc hẳn cậu bé đang có một nhu
cầu rất cấp bách nào đó. Nhưng chị Jilian đã cho em bú, thậm chí nhiều
hơn cả chỉ định thông thường của bác sĩ. Bé Landon mỗi lần rời bầu sữa
của mẹ, đều kêu khóc. Trên nét mặt em, mẹ chưa bao giờ nhìn thấy sự thỏa
mãn vì được bú no.
Nhận
thấy con trai hay rơi vào tình trạng đói, chị Jilian đã thông báo với
các bác sĩ, và nhận được chuẩn đoán: Chị mắc Hội chứng buồng trứng đa
nang, đồng nghĩa với nồng độ hooc-môn estrogen và progesterone trong cơ
thể chị bị mất cân bằng. Đây chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến
việc sản xuất sữa của cơ thể. Dựa trên kết luận này, các bác sĩ đã đưa
ra gợi ý cho chị, dùng thảo dược để kích thích sự tiết sữa. Nhưng, trong
chỉ định, các bác sĩ không đề cập tới việc cho Landon ăn bổ sung sữa
trong lúc chờ sữa mẹ.
Ba ngày
sau sinh, anh chị Jonhson được đưa con trai về nhà, mặc dù tình trạng
háu đói của cậu bé vẫn chưa được cải thiện. Hơn thế nữa, sữa của chị
Jilian vẫn chưa về, mặc dù chị vẫn cho bé bú thường xuyên. Có lẽ do ấn
tượng quá mạnh của việc phải nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, chị Jilian
đã không nghĩ tới việc cho con ăn thêm sữa ngoài. Chưa đến 12 giờ sau
khi rời khỏi bệnh viên, anh chị đã phải đưa Landon trở lại phòng cấp cứu
trong tình trạng bất động, tim ngừng đập do thiếu nước.
Cậu bé
nhanh chóng được cấp cứu và bổ sung dinh dưỡng. Chị Jilian không thể cầm
được nước mắt khi ẵm bé Landon trên tay. Suy nghĩ về những việc vừa mới
diễn ra, nhìn đứa con thơ bé phải thở nhờ máy móc, cơ thể như không còn
sự sống, chị không còn biết mình phải làm gì.
Nhưng may mắn đã không mỉm cười với cậu
bé Landon dễ thương. Mặc dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc, được bố
mẹ bao bọc trong vòng tay, Landon vẫn
không thể ở lại với bố mẹ. Cha mẹ đã phải nói lời từ biệt em sau hai
tuần cậu bé được điều trị đặc biệt trong bệnh viện.
Ngỡ
ngàng, đau khổ, dằn vặt là những cảm xúc tràn ngập trong tâm hồn của
người mẹ trẻ khi nâng niu đứa con đã không còn sự sống trên tay.
Nỗi đau
mất con này quả thực quá lớn đối với gia đình Jonhson, đặc biệt là mẹ
em. Chị Jilian đã luôn tự trách mình về việc đã không chăm sóc con chu
đáo. Chị rất hối hận về việc đã không có được những quyết định bổ sung
dinh dưỡng kịp thời cho bé Landon. “Landon đã có thể ở lại với chúng tôi
nếu tôi cho cháu ăn thêm sữa ngoài”, chị đã chia sẻ sự dằn vặt đó trên
blog cá nhân của mình.
Landon
qua đời 18 ngày sau sinh. Khi được đưa vào cấp cứu, em được chuẩn đoán
bị tăng Kali trong máu, mất nước, hạ đường huyết dẫn đến tim ngừng đập.
Thêm vào đó, các bác sĩ cũng chuẩn đoán cậu bé có tổn thương trong não.
Chỉ hai ngày sau sinh, bé London đã bị sụt 10% trọng lượng của cơ thể.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng sức khỏe của em
chính là do lượng sữa nhận được không đủ cho nhu cầu cơ thể. Nói một
cách khác, bé Landon đã ra đi vì bị đói, theo đúng nghĩa đen, mặc dù vẫn
được thường xuyên bú mẹ.
Chính vì
vậy, câu chuyện đau lòng của em chính là một lời nhắc nhở cũng như một
lời cảnh báo cho các bà mẹ đang chăm sóc trẻ sơ sinh.
Trước
hết, bên cạnh việc nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của phương pháp
nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ trẻ cũng cần trang bị những hiểu biết
cho mình về lượng dinh dưỡng mà một trẻ sơ sinh cần được cung cấp, để
đảm bảo sự tăng trưởng đầy đủ cho bé. Theo khuyến nghị của các bác sĩ,
khoảng thời gian lý tưởng giữa các lần bú là từ 2 đến 3 tiếng đối với
các bé mới sinh.
Quan
trọng nhất, các bé cần được bú no trong mỗi “bữa” của mình. Để nhận biết
được con đã nhận đủ lượng sữa cần thiết, các bà mẹ cần lưu ý tới hành
vi của trẻ. Nếu được ăn no, các em bé thay vì quấy khóc sẽ chơi ngoan
hoặc ngủ. Các bé cũng thể hiện sự vui vẻ và thỏa mãn qua nét vui tươi và
hoạt bát của mình. Các bà mẹ cũng cần để ý tới số lần bài tiết (nặng và
nhẹ của trẻ). Bởi lượng bài tiết sẽ phản ánh tình trạng tiêu hóa của
con. Những đứa trẻ bú đủ, thường sẽ làm ướt khoảng 6-8 chiếc bỉm mỗi
ngày. Nếu có những dấu hiệu bất thường trong tần suất bài tiết và màu
sắc của chất thải của con, các mẹ cần nhanh chóng tham khảo ý kiến của
bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp về chế độ dinh dưỡng.
Những
ngày đầu tiên sau sinh, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng số một với
trẻ. Trong giai đoạn này, thức ăn duy nhất của trẻ là sữa mẹ. Vì lẽ đó,
nếu trẻ bị thiếu ăn trong thời kì này, sẽ không chỉ dẫn tới thiếu hụt
chất dinh dưỡng. Mà nguy hại hơn, chính là có thể trẻ sẽ nhanh chóng rơi
vào tình trạng thiếu nước. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả vô
cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của trẻ như trường
hợp của bé Landon Johnson trong câu chuyện đáng buồn trên. Hơn thế nữa,
việc thiếu chất dinh dưỡng trong thời kì phát triển sớm (trước 2 tuổi)
này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất (cơ, xương) cũng
như sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này.
Vì vậy,
bên cạnh việc chú ý tập trung tới việc lựa chọn phương thức nuôi con
bằng sữa mẹ hay kết hợp với sữa ngoài, điều quan trọng nhất các bà mẹ
trẻ nên học chính là cách cân bằng dinh dưỡng cho con dựa trên lượng sữa
mà cơ thể mẹ có thể cung cấp. Nếu đã áp dụng các phương pháp để tăng
lượng sữa nhưng vẫn không đủ sữa cho trẻ bú, các bà mẹ cần chủ động kết
hợp linh hoạt các nguồn sữa khác (sữa bột, hoặc xin sữa của những bà mẹ
khác). Thêm vào đó, kĩ năng quan sát, theo dõi kĩ lưỡng sự phát triển
của trẻ là những điều mà các bà mẹ đang mai thai cần lưu tâm.
Tham khảo: Daily Mail, Soha
Ảnh nhân vật: Daily Mail, Soha
Ly Ly (tổng hợp)
sữa khong có chất
Trả lờiXóa