Cuối
năm ngoái vợ chồng tôi đi Úc dự đám cưới cô cháu, cùng thăm bạn. Chuyến
đi, bay thẳng từ San Francisco đến Sydney, dài 15 giờ đồng hồ. Trên
đường về, ghé chơi vài đảo ở nam Thái Bình Dương cho biết đời sống ở đó
và cũng để không phải ngồi trên chuyến bay quá dài.
Ở
phi trường Sydney, khi làm thủ tục gửi hành lý và lấy ghế trên máy bay
của hãng Aircalin để đi Nouvelle Calédonie, cô tiếp viên không rõ việc
nhập cảnh vào đảo này cho người mang hộ chiếu Mỹ nên phải hỏi cấp trên.
Tôi đã biết trước là không cần visa, nhưng cô ấy nói cần xem lại cho
chắc. Có lẽ vì ít người mang hộ chiếu Mỹ đến đảo nên cô cần hỏi lại.
Sau
khi xác nhận không cần visa, cô hỏi chúng tôi dự định ở đó bao lâu. Tôi
trả lời 4 ngày. Cô nói đây là đảo đẹp, nhưng ở lâu sẽ chán, vài ngày là
vừa đủ. Tôi nghĩ đời sống hải đảo ở đâu chắc cũng thế, như Hawaii nổi
tiếng là “hải đảo thần tiên” của Mỹ, nhưng ở chừng một tuần là thấy
chẳng còn gì vui chơi ngoài biển và cát.
Vào
phòng đợi lên máy bay, hầu hết hơn một trăm hành khách là da trắng, vài
người da đen. Mọi người nói tiếng Pháp. Có một anh đang nói chuyện qua
điện thoại bằng tiếng Việt.
Sau gần ba giờ bay, phi cơ hạ cao độ. Nắng chiều chiếu lên đảo với núi xanh mầu cây lá giữa biển nước cũng trong xanh.
Phi
trường Tontouta rất nhỏ, kiến trúc bằng kính và sắt i-nốc, trông còn
mới và rất sạch. Không có chuyến bay khác đến nên lấy hành lý và qua
kiểm soát di trú rất nhanh.
Nhiều
người cùng lên xe buýt để vào Nouméa, thủ đô của Nouvelle Calédonie.
Vừa ra khỏi phi trường, tôi thấy những cây phượng còn đỏ rực vì đang là
mùa hè ở nam bán cầu.
Vào
đến thành phố mất hơn một giờ đồng hồ, xe ghé qua vài khách sạn ở trung
tâm, trước khi chạy về khu Anse Vata, nơi có Hilton và nhiều khách sạn
khác dọc bờ biển.
Đêm về khu này nhộn nhịp người qua lại. Đi tìm nơi ăn tối, gặp quán Hanoi Plage nên chúng tôi ghé ăn thử.
Tôi
gọi miến gà. Nhà tôi ăn phở gà. Thêm gỏi gà và một lon nước ngọt. Phở
và miến có chả lụa. Gỏi bắp cải có húng bạc hà và nước mắm. Hỏi thăm chủ
quán là người Việt và biết bà làm chủ nhiều nhà hàng. Khi biết chúng
tôi từ California đến, bà nói thức ăn ở đây không thể ngon bằng bên Mỹ
được. Nhà tôi nói phở có chả là lạ. Bà giải thích đúng ra là bò viên,
nhưng tối nay hết nên thay bằng chả.
Bữa
ăn tối đơn giản, phở và miến tô nhỏ, mỗi tô giá 1550 XPF, gỏi gà 1920,
lon nước ngọt 650; tổng cộng 5670 XPF, gồm cả 5% thuế T.S.S. (1 USD =
105 XPF tiền địa phương), tính ra là 54 đô.
Buổi
sáng đầu tiên ở Nouméa, từ tầng cao của khách sạn nhìn ra xa là biển,
bên dưới có thông xanh và những cây phượng đang rộ nở hoa làm tôi nhớ
Nha Trang trong một lần ghé thăm. Trời nắng nóng và có gió thoảng. Cuối
tháng 12 mà như mùa hè ở quê cũ.
Là thuộc địa Pháp nên ăn sáng có croissant, paté chaud, cà-phê và sô-cô-la nóng. Như ở Sài Gòn ngày xưa. Mỗi thứ chừng 3 đô.
Ăn
sáng xong chúng tôi xuống trung tâm thành phố. Hỏi lễ tân tìm cách đi
xe buýt, cô nói đang là “big holiday” xe không chạy thường xuyên. Hôm đó
là một ngày thường trong tuần nên tôi tò mò muốn biết dịp lễ gì mà là
“big holiday”, cô nói là “summer”. Thì ra thế. Tiếng Anh ở đây và ở Mỹ
có những khác biệt. Tôi nhớ lại bên Úc cũng gọi kỳ nghỉ hè là “big
holiday”, không nghe dùng từ “vacation”.
Ra
trạm xe buýt gặp vài người dân địa phương cùng cặp vợ chồng trẻ người
Nhật đang đứng chờ. Có lẽ du khách Nhật đến đây nhiều, vì ở phi trường
các bảng hướng dẫn có ba thứ tiếng là Pháp, Anh và Nhật. Các tài liệu du
lịch cũng thế.
Vé
một chuyến là 210 XPF. Xe chạy dọc theo bờ biển, có khi leo đồi thấp.
Bên đường thỉnh thoảng có phượng đỏ và ít phượng vàng. Đa số nhà cửa
không sang đẹp nhưng cũng không thấy những khu tồi tàn. Hệ thống chuyên
chở công cộng ở đây rất thuận lợi cho việc di chuyển. Với gần chục tuyến
đường đến được nhiều nơi trong thành phố và ngoại thành.
Chừng
30 phút tài xế báo đã đến trung tâm thành phố. Vừa xuống xe, thấy một
cửa tiệm với bảng hiệu “Mai Linh”, bán tạp hóa và thức ăn.
Đi
vài chục bước thì thật ngạc nhiên khi thấy một tượng đài ba người, với
một phụ nữ đội khăn mỏ quạ là hình ảnh quen thuộc của đàn bà miền bắc
Việt Nam.
Bức
tượng mang tên Chân Đăng được dựng vào ngày 17/10/2013. Dưới chân tượng
có khóm tre và hàng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp: “Ghi nhớ công ơn
những người Chân Đăng Việt Nam đã góp phần phát triển nền kinh tế tại
Nouvelle Calédonie và Nouvelle-Hébrides từ cuối thế kỷ mười chín.”
Thấy một phụ nữ gốc Á đang dắt chó đi dạo, tôi hỏi bằng tiếng mẹ đẻ: “Xin lỗi. Chị là người Việt?” và nghe đáp lại: “Dạ.”
Hỏi
Chân Đăng nghĩa là gì thì chị cũng không biết. Chị ấy gốc Hà Nội, qua
đây định cư đã 25 năm. Mẹ chị trước sống ở đây, đã hồi hương vào những
năm 1960 và sau này được tái định cư. Chị đã có dịp qua California chơi,
ghé Los Angeles, San Francisco. Chị nói ở Nouméa người Việt đông hơn
người Hoa.
Gần tượng đài có một tiệm ăn đặt bảng bên lề đường với các món ăn châu Á trong đó có “nem”.
Hình
ảnh này bỗng làm tôi nhớ đến thành phố Abidjan của Côte d’Ivoire ở châu
Phi, nơi đầu tiên tôi thấy nem bán bên lề đường vào đầu thập niên 1980,
mà theo kể lại thì có hai giả thuyết về hành trình đem nem đến châu
Phi. Có thể món ăn này đã theo chân lính viễn chinh Pháp đem về vào
những năm 1950, hoặc do một người gốc Việt qua đây định cư sau năm 1975
đem đến.
Nem
trên đảo Nouvelle Calédonie không biết có từ bao giờ, nhưng chắc là do
người Bắc Kỳ đem qua, vì nem là cách người bắc gọi chả giò. Mà người bắc
đã có mặt trên hải đảo này cả thế kỷ trước, khi Pháp đưa người
Tonkinoise qua đây làm phu mỏ.
Chúng
tôi vào quán ăn thử. Sáu cái nem rán với chút rau sà-lát và nước mắm,
giá 890 XPF. Không ngon vì nhân bên trong toàn củ cải hay củ sắn, chỉ
chút thịt heo.
Đây
là khu Á đông – Quartier Asiatique. Chung quanh thấy nhiều cửa hàng tạp
hóa và thức ăn có bán nem và phở. Một cửa tiệm còn bày hàng chữ “Chúc
Mừng Năm Mới” trong tủ kính phía trước.
Khát
nước. Chúng tôi vào tiệm tạp hóa tìm mua nước. Thấy người Á đông tính
tiền, tôi hỏi tiếng Việt là đúng ngay gặp được người mình. Anh lại nói
lúc đầu tưởng tôi là người Nhật. Chai nước giá 110 XPF, anh tính bớt còn
105 thôi.
Place
des Cocotiers là quảng trường chính của thành phố, không rộng lắm, là
nơi tập trung sinh hoạt dịp lễ lớn. Dịp Giáng sinh buổi tối ở đây có hòa
nhạc và trình diễn đèn mầu.
Dưới
bóng dừa, bóng phượng có người ngồi chơi, vui đùa. Mấy đứa trẻ nô đùa
đá bóng. Nơi đây có wifi miễn phí nhưng ít người dùng, có thể vì iPhone
chưa được dùng nhiều ở đây.
Chúng tôi ăn trưa tại quán ở giữa quảng trường. Bánh mì jambon với phô-mai. Giòn và rất ngon.
Nhìn
ra công viên, thấy một người da rất đen ăn bánh mì. Ông mở chai
coca-cola, đổ xuống đất một chút rồi mới đưa lên miệng uống. Tôi đoán
ông đến từ miền tây châu Phi vì đó là phong tục ở Togo, nơi tôi đã có
một thời sống qua và hiểu được đó là cách tỏ lòng nhớ đến tổ tiên.
Từ quán ăn nhìn qua bên kia đường là một tòa nhà có hàng chữ BUI DUYET thật to.
Hỏi
chuyện những người quanh đây, được biết ông Duyệt gốc Sài Gòn, có cơ sở
buôn bán nhiều mặt hàng rất thành công. Đi quanh Nouméa tôi thấy hai
bin-đinh mang tên ông.
Lịch
sử của người Việt ở Nouvelle Calédonie bắt đầu vào những năm cuối thế
kỷ 19, khi chính phủ Pháp đưa người Việt, gồm tù Côn Đảo và nhiều người
Tonkinoise (Bắc Kỳ), qua đây làm phu mỏ. Ở tỉnh bắc của Nouvelle
Calédonie như Thio, Tiébaghi ngày nay còn di tích và dấu vết của người
Việt trong các viện bảo tàng.
Tác
giả Jean VanMai, một người con của Chân Đăng nhưng không hồi hương vào
năm 1960, trong tác phẩm Fils de Chan Dang ông đã ghi lại lịch sử của
người Việt trên đảo và những khó khăn, tranh đấu của phu mỏ Việt cũng
như những yếu tố tác động đến việc chính phủ Pháp đưa họ hồi hương.
Những
người trở về đã chịu nhiều áp lực vì biến động và hoàn cảnh chính trị
thế giới vào giai đoạn đó. Cũng có luận điểm cho rằng cộng sản đã ảnh
hưởng nhiều đến công nhân phu mỏ người Việt ở đây nên họ đã đòi hồi
hương.
Nouvelle
Calédonie là nơi Pháp giam giữ tù nhân vào cuối thế kỷ 19, với nhiều tù
chính trị từ Pháp và từ thuộc địa như Algerie, Đông Dương.
Từ cuối thể kỷ 19 Pháp đã đưa người Việt qua đảo. Chuyến tàu đầu tiên có 700 người, đa số là tù Côn Đảo.
Từ năm 1891 đến 1939 có tất cả 21.000 người Việt sang đây làm phu mỏ, theo hợp đồng 5 năm.
Đến
đầu thập niên 1960 có chính sách đưa phu mỏ Việt trở lại Việt Nam, hầu
hết là trở lại miền bắc, vì khi được đưa qua đây làm phu, họ là dân xứ
Bắc Kỳ (Tonkin).
Khi
ở Úc, biết tôi sẽ đi chơi Tân Thế Giới, một bác gốc Quảng Ninh đã kể
rằng một số người khi hồi hương về Bắc có đem theo của, rồi dần cũng bị
nhà nước lấy hết, kể cả những chiếc đồng hồ đeo tay.
Đến
giữa thập niên 1980, Pháp và Việt Nam có thỏa thuận cho tái định cư ở
Nouvelle Calédonie những ai có thân nhân còn ở đây. Nhiều người hồi
hương trước đây, nay có cơ hội trở lại đảo để sinh sống và được nhập
tịch Pháp.
Những
ngày đi chơi Nouméa tôi đã thấy các cửa hàng tạp hóa, thức ăn với tên
Việt như Mai Linh, Man Duong, Hanoi Plage, Along Beach, Như Ý và gặp
được người Việt gốc Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang.
Chợ chính của thành phố ở gần bến cảng cũng có nhiều sạp hàng của người Việt bán rau muống, mít, mãng cầu dai.
Trung tâm du khách gần tòa thị chính có quảng cáo hướng dẫn du lịch của anh Francois Trần.
Một
buổi tối ở khách sạn, xem cuốn niên giám điện thoại thấy ở Nouméa họ
Nguyễn có đến hơn trăm danh mục, chiếm hết gần một trang. Họ Trần 50,
Phạm 30, Bùi 22, Hoàng 20, Ngô 4. Những khu vực quanh thủ đô như Dumbéa
cũng có vài chục họ Việt. Xem kỹ từng tên, đa số có tên Pháp, nhưng vẫn
còn những tên thuần Việt như Nguyen Ngoc Duc, Nguyen Minh Hoang, Hoang
Thu Anh, Hoang Trong Thanh v.v…
Vì
là thuộc địa nên ở đây có nếp sống Pháp. Nhiều nơi bán bánh mì jambon
và các loại bánh ngọt. Một chiều ở bến cảng nghe ca sĩ Patricia Ségui
hát nhạc Pháp rất dễ thương.
Một
ngày có du thuyền cập bến, du khách tràn ngập khu này tìm mua đồ kỉ
niệm là những chiếc áo mầu sặc sỡ hay đồ thủ công là những chiếc xe xích
lô, xe vespa bằng gỗ mà tôi ngờ đó là hàng sản xuất từ Việt Nam. Nét
văn hóa châu Á còn được biểu hiện qua những bộ tem thư mười hai con giáp
do bưu điện phát hành vào dịp tết âm lịch.
Gần
bến cảng có siêu thị Casino như siêu thị ở Mỹ và trong đó có bán thức
ăn Việt như nem làm sẵn, phở gói, bánh tráng, nước mắm, mắm nêm.
Một
buổi chiều chúng tôi ghé mua thịt bò, khoai, đậu và bơ, bánh mì về làm
bíp-tếch ăn tối. Khi đến quầy rượu, định mua một chai vang thì nơi đây
rào lại. Hỏi ra mới biết sau 12 giờ trưa không cho bán rượu, muốn mua
phải chờ sáng hôm sau.
Về
khách sạn, hỏi lễ tân và anh chỉ cho một nơi được phép bán rượu trong
giờ cấm, cách khách sạn chừng 30 phút đi bộ. Theo chỉ đường, chúng tôi
đến đó.
Nhưng
mới chỉ vài phút sau khi rời khách sạn, thấy bên đường có một cửa hàng
mang tên Việt, ghé vào xem có gì lạ. Thấy chỗ để bia rượu có vải che,
nhưng còn một kệ với rượu vang để mở. Tôi đang chọn rượu thì được chủ
cửa hàng giải thích là giờ này không được bán rượu.
Khi
biết chúng tôi là người Việt, bác nói sẽ bán cho, nhưng phải giấu vào
giỏ đeo. Tôi mua một chai, cái mở nút, một lon bia Number 1, là bia nội
địa, tất cả chừng 15 đô.
Chị
chủ tiệm, người Tuyên Quang, theo bố mẹ qua đây định cư từ năm 1992,
còn chồng gốc Nam Định. Nghe kể vào những năm 1960 Pháp đưa người hồi
hương mà con cháu không muốn về cũng bị bắt buộc phải về.
Đến
cuối thập niên 1980 chính phủ Pháp lại có chính sách cho trở lại
Nouvelle Calédonie định cư nên gia đình chị được người bác bảo trợ qua
đây. Chị kể, lúc trước còn dễ, cho con cái đã có gia đình cũng được đi,
bây giờ chỉ con dưới 18 tuổi mới được đi theo.
Người
Việt qua đây chịu khó làm ăn, mở cửa hàng buôn bán nên đời sống cũng
khá. Anh chị trước đây có mấy cửa tiệm, nay đã sang lại chỉ còn giữ tiệm
này. Một người con gái của anh chị đang học thạc sĩ luật bên Pháp.
Hỏi
thăm đời sống, anh cho biết lương giáo viên ở đây từ 5 đến 7 nghìn đôla
một tháng, được coi là cao. Mua nhà có thể trả góp, mỗi tháng bằng 30%
lương, và phải chứng minh được thu nhập vì cơ quan chức năng sợ có việc
rửa tiển của những thành phần làm ăn bất chính.
Người
Việt ở Nouméa có đến vài nghìn, trong số chừng 100.000 cư dân. Ở đây có
nhà thờ với cha người Việt từ địa phương. Cũng có chùa nhưng nhà sư từ
trong nước qua lo giúp, nay đã về lại nên giờ đang xin một thầy khác
qua.
Sinh
hoạt tập trung tại Hội Ái hữu Việt Nam và chính phủ Việt Nam mới cử một
người làm tổng lãnh sự danh dự ở Nouméa. Người Việt ở đây có liên hệ
thân thiết nhất là với hội đồng hương Tân Đảo ở Nam Định.
Trước khi chia tay chúng tôi cám ơn anh chị đã cho cơ hội được biết về người Việt ở hải đảo này và được có rượu để uống tối nay.
Những
ngày rong chơi ở Nouméa chúng tôi vào thăm Bảo tàng Nouvelle Calédonie
để thấy nét văn hóa truyền thống của dân bản địa Kanak trải qua nhiều
thế kỷ. Từ cách đan rổ rá, rọ bắt cá, cung tên bằng tre, nhà lá vách
đất, cho đến cách làm thuyền buồm để vượt đại dương, đến những ảnh tượng
mỹ thuật bằng gỗ, kim loại.
Nouvelle
Calédonie trong những năm Thế chiến Thứ Hai được Pháp cho Hoa Kỳ dùng
làm căn cứ quân sự. Anse Vata đã từng là khu bệnh viện chữa trị cho binh
lính bị thương ở mặt trận Thái Bình Dương.
Lính
Mỹ đã đổ bộ lên đây vào ngày 12 tháng 3/1942 và lúc cao điểm đã có
130.000 lính Mỹ đồn trú trên đảo. Trong thời gian chiến tranh, hơn một
triệu lính Mỹ đã dừng chân tại đây.
Ngày
nay ở Nouméa có Đài Tưởng niệm người Mỹ (American Memorial), có Bảo
tàng Thế chiến Thứ Hai trên đường Paul Doumer, trong đó ghi lại hoạt
động của Hoa Kỳ và đồng minh khi tham chiến, cho đến năm 1946 sau khi
Nhật đã đầu hàng.
Nouvelle
Calédonie chính thức là thuộc địa của Pháp từ năm 1853. Rộng 18.000
kilô-mét vuông, với 270.000 dân, đến nay đảo này tuy được tự trị nhưng
vẫn nằm trong sự kiểm soát của Pháp.
Tuy
đã có những phong trào đòi độc lập, nhưng qua nhiều lần trưng cầu dân
ý, đa số cư dân Nouvelle Calédonie vẫn không muốn tách rời khỏi nước
Pháp.
[nguồn: VOA]
H01: Cuối tháng 12 ở Nouméa có hoa phượng rực nở (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H02: Trạm xe buýt (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H03: Tượng Chân Đăng (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H04: Cửa hàng bán đồ điện tử của người Việt (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H05: Tem thư do bưu điện Nouvelle Calédonie phát hành dịp Tết Âm lịch (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H06: Nem và phở là những món ăn Việt được nhiều người biết đến ở Nouméa (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H07: Bảo tàng Thế chiến Thứ Hai (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H08: Mỹ thuật của người bản xứ Kanak trong Bảo tàng Nouvelle Calédonie (Ảnh: Bùi Văn Phú)
H09: Tiệm tạp hóa và thức ăn của người Việt (Ảnh: Bùi Văn Phú ).
(Dam Ho chuyển)
rất đáng yêu
Trả lờiXóa