Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Lịch sử quê hương: ĐỊA DANH BẾN KÉO VÀ ĐÌNH LONG THÀNH TỈNH TÂY NINH





A- BẾN KÉO:
        BẾN KÉO là khu vực nằm trên quốc lộ 22, hướng về Sài Gòn, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 8 cây số ngàn.

       Trào vua Tự Đức thứ 15 (đệ thập ngũ niên), Triều đình ký hiệp ước ngày 5-6-1862 với Pháp, giao cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Việt Nam. Từ đó người Pháp vào vùng chợ Tây Ninh ngày nay lập căn cứ phòng thủ.

       Người Pháp noi theo đường Gia Định lên Trảng Bàng, Bào Đồn, Cầu Khởi đến Tây Ninh và dùng đường thuỷ do con sông Vàm Cỏ Đông lên đến Bến Kéo để vận tải quân lính, súng đạn, vật liệu cùng dụng cụ xây cất, và thực phẩm.
                                                                        Bến Kéongày nay

       
 Từ Bến Kéo lên đến Vàm Cái Răng để vào Tây Ninh, nhân dân có thể đi bằng xuồng ghe theo một con rạch nhỏ và không sâu lắm.

        Nơi con rạch này, tàu Pháp không đậu được nên đậu tại Bến Kéo. Họ mướn những xe trâu, xe bò của người bổn xứ để kéo dụng cụ và lương thực vào Tây Ninh.

        Thuở đó, mồi xe chở hàng là hai quan tiền kẽm (Sapèquesen zine).

        Từ Bến Kéo vào Tây Ninh chỉ theo một con đường mòn băng qua rừng, ruộng. Đường mòn nhiều lỗ hang, gập ghềnh lối đi vất vả, đôi khi xe sa vào lỗ sâu bị lật ngả nghiêng.

       Trên đường di chuyển, mỗi đoàn xe có lối 4, 5 chục cỗ (mỗi chiếc xe gọi là một cỗ xe) cần phải đi đông dân số như vậy để làm áp lực với thú rừng nhất là cọp. Nếu đoàn xe đi ít người, thì dễ bị cọp ra vồ bắt trâu bò vì thời đó vùng nầy vẫn là vùng rừng rú có nhiều thú dữ, kể cả cọp.

       Ngày xưa, mỗi tuần lễ có một chuyến tàu từ Sài Gòn đến Tây Ninh. Tàu đến thường nhằm ngày thứ sáu. Mỗi chiều thứ năm, chủ xe cho tập trung xe bò lại Cửa Đồn (ngày nay là Trường trung học Tây Ninh).

       Bến Kéo, có lẽ danh từ này được gọi như vậy là vì đây là “Bến” để xe đến “Kéo” hàng. Từ năm 1925 về trước, Bến Kéo kể như một “giang cảng” của Tây Ninh.

Hãng tàu Pháp (Messageries Fluviales) thường lãnh chở hàng hóa. Hàng hóa nhiều có thể chở trên ghe chài mướn của người Hoa Kiều ở Chợ Lớn, ghe chài được tàu kéo đi.         Thuyền đi thường chở rượu, đồ hộp, bận về thì chở heo, gà, trâu bò và đồ thổ sản tỉnh Tây Ninh cung cấp cho thủ đô Sài thành.

        (Theo Yêu Du Lịch)

        Bến Kéo ngày nay là ấp Long Yên xã Long Thành, một ấp mà phố phường sung túc.

        Hiện nay, Bến Kéo đang tiến trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt: nông, công, thương nghiệp. Du khách có dịp đến viếng Tây Ninh, tìm hiểu lịch sử của vùng đất nầy, nếu viếng Tòa Thánh, Núi Điện Bà, Lòng Hồ Dầu Tiếng, Long Hoa mà không đến Bến Kéo và Ao Hồ (hồ Thiên Định) là một thiếu sót đáng tiếc. Bến Kéo cũng là vùng quen thuộc thân thương của những học sinh Trường Nông Lâm Súc Tây Ninh. Những ngày còn đi học, thầy cô và học sinh Nông Lâm Súc thỉnh thoãng đi xe đạp xuống Bãi Ghe Bến Kéo, đi ghe nhỏ bơi dọc theo bờ sông ngắm cảnh rất tình tứ, nên thơ của tuổi trẻ.



B- THẦN LONG THÀNH:

        Bến Kéo cũng là nơi có ngôi chùa thờ Thần Bổn Cảnh địa phương thường được gọi là Thần Long Thành. Chuyện kể:

        Cách đây 161 năm, vùng đất “ Ngũ Long”: Long Giang, Long Khánh, Long Chữ,   Long Thuận,  Long Thành, được cha ông khai phá lập nên những ruộng lúa, vườn rau. Trãi qua các thế hệ nối tiếp nhau đã xây dựng nên vùng đất Long Thành trù phú, sầm uất, dân cư đông đúc, xây dựng cuộc sống an bình thịnh vượng như ngày nay.
       Hôm nay, đứng trước đình  thần uy nghi trầm mặc chúng ta kính cẩn  nghiêng mình dâng hương trong Lễ Kỳ Yên tưởng nhớ và ghi ơn ông cha ta đã một thời đầu trần chân đất, khai phá rừng hoang, đặt dấu ấn đầu tiên của người Việt bằng cách xây dựng ngôi đình làng. “Đình Long Thành” được khởi công vào năm 1883 (năm Tự  Đức thứ 36) thờ vị tiền hiền có công cùng nhân dân khai hoang mở đất (cụ Trần Văn Thiện và những người đương thời).
       Cụ Trần Văn Thiện, sanh năm Ất Mão (1795) tại làng Trung Lập, phủ Bình Long, tỉnh Gia Định. Vào năm Thiệu Trị nguyên niên 1841, cụ làm Thôn trưởng Thôn Trung Lập. Đến năm 1844 cụ xin thôi làm Trưởng Thôn và cùng thân sinh là Trần Văn Quế đi kinh lý vùng đất Tây Ninh. Ngược sông Vàm Cỏ Đông, thấy đất hoang rừng rậm nhiều, không người khai phá, cụ dừng lại vùng Bến Cầu và di dân lập ấp, vì nơi đây tiện sông nước kênh rạch, đất đai màu mỡ. Trãi qua năm tháng cần mẫn phá rừng, khai hoang, tháo chua, rửa mặn, dân cư ngày càng đông đúc. Bến cầu còn gọi là chợ Cầu là trung tâm giao dịch, buôn bán trao đổi sản vật, chợ họp trên sông, tấp nập trên vùng đất mới gồm 04 xã Long Giang, Long Khánh, Long Chử,  Long Thuận.
       Sau khi cụ thân sinh qua đời năm 1844. Cụ Trần Văn Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá vùng đất mới. Cụ tập họp dân mở đất từ Rạch Rể đến rạch Cái Răng. Sau nhiều năm diệt thú dữ, đốn cây rừng lấy củi, lấy dầu chai và lâm sản đóng thuyền, ghe một vùng đất mới Long Thành được mở rộng. Những ruộng lúa vươn dài từ  Bàu Sen (phía Đông), Bàu Đưng  (phía Tây), Bàu Cây Cám (phía Bắc).
      Vào năm Thiệu Trị thứ 4, ngày 11–07–1844, Long Đình Thôn (nay là Long Thành) Thái Định Long Thôn (nay là Hiệp Ninh) được thành lập. Hai năm sau –năm 1846- Long Thới Thôn, Thái Bình Thôn, Thái Hiệp Thôn là 3 làng xung quanh Phủ Tây Ninh được lập ra. Trong vòng 10 năm sau,  từ Ngũ Long, đến Thái Đình, Thái Bình, Thái Hiệp, Long Thới đã có trên 08 làng nữa được lập ra.
     Để giữ gìn biên cương cụ Trần Văn Thiện đã qui tụ dân nam lên ngã ba Vàm Trảng Trâu – Lò  Gò lập nên Long Phú Thôn, vừa lao động khai hoang, vừa chiến đấu với giặc để giữ đất. Nhân dân trong vùng dưới sự chỉ huy của cụ Trần Văn Thiện lập ra một đội dân binh với gươm, giáo… cùng với tinh thần thượng võ đă đánh tan nhiều trận cướp phá của thổ dân Cao Miên…… Đội dân binh thường xuyên luyện tập võ nghệ, phân tán nhỏ, vừa sản xuất vừa chiến đấu (tịnh vi nông, động vi binh) để giữ gìn an ninh cho dân thôn xóm.
      Dân chúng công cử và được quan Tri huyện cử cụ Trần Văn Thiện giữ chức cai tổng Hòa- Ninh từ ngày 08 tháng 10 năm Mậu Thân 1848 (năm Tự Đức nguyên niên). Cụ đã chống lại sưu cao, thuế nặng và phản đối quan lại địa phương chuyên quyền, bốc lột, đàn áp dân chúng. Nhiều lần đệ đơn xin ân xá các tội phạm trong ngục tù, khuyến khích tội phạm ra đầu thú, rồi tổ chức họ mưu sinh, lập nghiệp lương thiện làm ăn.
       Tuy tuổi đã cao, cụ vẫn một lòng giúp dân khai khẩn đất đai lập nghiệp và giữ đất. Suốt 40 năm cùng nhân dân khai phá đất Tây Ninh tạo nên một vùng đất đai bên bờ sông Vàm Cỏ chạy dài từ Cẩm Giang qua phủ Tây Ninh dọc theo đường xuống đến Vàm Trảng Trâu – Lò Gò. Cụ đã để lại cho đời sau biết bao công đức, tính kiên trì, nhẫn nại, vượt bao khó khăn hiểm nguy.
        Cụ qui tiên ngày 18-09-1883 (thọ 89 tuổi) - năm Tự Đức thứ 36, nhân dân dịa phương vô cùng thương tiếc, chôn cất cụ tại Bến Kéo và lập ngôi đền thờ tại nơi đây. Ngài được triều đình Huế sắc phong là “Thành Hoàng Bổn Cảnh”.
        Một sự kiện lịch sử lớn lao nữa cũng đã xảy ra nơi đây, đó là vị anh hùng dân tộc Trương Quyền. Năm 1886 nghĩa binh của Bình Tây Đại Nguyên Soái dưới sự chỉ huy của Trương Quyền, đã tiến quân đánh thẳng vào Đồn Thuận Kiều (Chợ Lớn), đánh tan quân Pháp ở Bà Điểm-Hóc Môn, vượt lên phá giăc ở Củ Chi, Trảng Bàng, rồi lập căn cứ kháng chiến ở An Cơ. Tại đây trong tháng 6 năm 1886, nghĩa quân Trương Quyền đánh 3 trận lớn, giết tỉnh trưởng Lacqueux Laugieux, quan năm, và thừa thắng đánh thẳng vào tỉnh lỵ Tây Ninh, phá nhiều công sở, trại lính Pháp. Sau đó, ông phân tán nghĩa quân hoạt đông khắp miền đông và miền tây Nam Bộ. Trương Quyền trở về Bến Kéo (Long Thành) dưỡng bệnh và tạ thế ở đây vào ngày 20-08-1871.
         Suốt gần 150 năm, sinh phần cụ Trần Văn Thiện và Trương Quyền được dân chúng trong vùng chăm sóc hương hoa, gìn giữ nơi an nghỉ của hai vị có công lớn với dân, với nước.



         Đình Long Thành (xã Long Thành Nam, Huyện Hòa Thành ) đã được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa”. Đến năm 1926, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài), chọn Tây Ninh làm Thánh Địa, Đức Chí Tôn cùng Đức Lý Giáo Tông đã dùng huyền diệu cơ bút chỉ dạy các Cao Đồ chọn nơi xây dựng Tòa Thánh là Tổ Đình của Đạo Cao Đài tại Làng Long Thành, Tây Ninh. Tại chùa Gò Kén vào ngày 20/01/Đinh Mão (1927), Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ban sắc phong cho Thượng Đẳng Quan Đại Thần Trần Văn Thiện lên chức Văn Xương để dạy dỗ dân làng Long Thành, cũng theo Thánh Lịnh Sắc Ban này, Đức Văn Xương Trần văn Thiện (tôn danh là Đức TRẦN VĂN XƯƠNG), có toàn quyền thưởng phạt làng Long Thành cho đến ngày làng ấy biết ăn năn cải hóa tùng Đạo thuần lương.



Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm từ nhiều nguồn___________________________
 (ảnh từ Google:1 buổi cúng đình LT.)  năm 2016

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...