Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Những thảm họa hủy diệt Trái Đất tiềm ẩn trong 4 yếu tố "thân thiết" với con người (Từ SOHA.News)

Hành tinh mà chúng ta đang sống, tưởng bình yên và hiền hòa, nhưng thực tế, chính những yếu tố tạo nên sự sống lại luôn ẩn chứa những hiểm họa đáng sợ: Từ những cơn siêu bão cuốn phăng con người, nhà cửa đến những núi lửa rình rập thức giấc khắp nơi...
BBC/Earth đã có bài viết toàn cảnh về những thảm họa thiên nhiên liên quan đến 4 yếu tố gần gũi với cuộc sống con người nhưng luôn ẩn chứa hiểm họa hủy diệt sự sống trên Trái Đất.
1. Earth - Đất
800.000 người đã chết trong trận động đất đẫm máu nhất lịch sử năm 1556 ở Thiểm Tây, Trung Quốc.
Giới khoa học nhận định, thảm họa thiên nhiên gây chết người đáng sợ nhất liên quan đến yếu tố "Đất - Earth" chính là các hoạt động kiến tạo mảng của thạch quyển Trái Đất.
Thạch quyển là lớp vỏ cứng ngoài cùng của Trái Đất (gồm 2 phần: Lớp vỏ và tầng trên cùng của lớp phủ). Khi thạch quyển bị vỡ ra, chúng tạo thành các mảng kiến tạo dịch chuyển trên quyển mềm theo 3 kiểu ranh giới: Hội tụ - Tách giãn - Chuyển dạng.
Những thảm họa hủy diệt Trái Đất tiềm ẩn trong 4 yếu tố thân thiết với con người  - Ảnh 2.
Sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo luôn diễn ra, ước tính khoảng 50–100 mm/năm. Ảnh: Internet.
Để dễ hình dung, các trận động đất, sự hình thành của các dãy núi hay rãnh đại dương cùng các hoạt động của núi lửa tuân theo 3 kiểu ranh giới của mảng kiến tạo. Lấy ví dụ, đứt gãy San Andreas ở California (Mỹ) là một minh họa dễ thấy của ranh giới chuyển dạng.
Trong lịch sử, con người chúng ta từng phải chứng kiến trận động đất kinh hoàng nhất trên Trái Đất: Trận động đất năm 1556 ở Thiểm Tây, Trung Quốc, khiến 800.000 người chết.
Trận động đất mạnh tới mức nó kéo theo hàng loạt các thảm họa thiên nhiên khác như sóng thần, lũ lụt cuốn phăng hàng trăm nghìn ngôi nhà, cướp đi gần 1 triệu sinh mạng thời đó.
Theo các chuyên gia phân tích rủi ro toàn cầu thuộc tổ chức Verisk Maplecroft (trụ sở tại Anh), đứng thứ 8 trong 10 quốc gia dễ bị thảm họa thiên nhiên hoành hành nhất chính là Philippines - Một quốc gia vùng Đông Nam Á, thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương (nơi hơn 80% trận động lớn nhất của Trái Đất xảy ra).
Các nhà khoa học nhận định, sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo luôn diễn ra, ước tính khoảng 50–100 mm/năm. Chính vì thế, "Đất - Earth" luôn là một trong những yếu tố gây nên những thảm họa to lớn đến con người.
2. Water - nước
Năm 2012, hơn 1.000 người chết vì thảm họa liên quan đến nước, số liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Được xem là yếu tố quan trọng đối với sự sống, "Nước - Water" từ các mạch ngầm hay dòng sông hiền hòa luôn là nguồn nhựa sống không thể thiếu đối với con người và mọi sinh vật trên Trái Đất.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác của vấn đề, khi trở nên dữ dội và ác nghiệt, nước có thể trở thành "tử thần" đáng sợ, luôn rình rập đe dọa mạng sống của con người: Từ những dòng xoáy nước mạnh nhất thế giới đến những con sóng thần cao hàng trăm mét đổ ập vào bờ hay những trận lũ lụt kinh hoàng, cuốn phăng mọi dấu hiệu sống trên đường đi của nó...
Những thảm họa hủy diệt Trái Đất tiềm ẩn trong 4 yếu tố thân thiết với con người  - Ảnh 4.
Những con sóng thần cao hàng trăm mét tràn vào bờ, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Ảnh: Sciencescore.

Còn nhớ thảm họa sóng thần đẫm máu nhất trong lịch sử khiến gần 280.000 người khắp 15 quốc gia thiệt mạng sau trận động đất xảy ra tại Sumatra, Indonesia chỉ vừa mới xảy ra vào năm 2004 thôi. Hay trận lụt lịch sử trên sông Trường Giang (Trung Quốc) mùa hè năm 1931 cũng khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Con số người chết thật kinh hoàng. Khi Mẹ Thiên nhiên nổi giận, hậu quả được đong đếm bằng những sinh mạng vô tội.
Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Mỹ, 71% thảm họa sóng thần trên Trái Đất xảy ra tại Thái Bình Dương. Trong khi đó, quần đảo Maldives tại Ấn Độ Dương là 1 trong những quốc gia có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm lớn nhất thế giới.
3. Air - không khí
Tháng 11/1970, trận lốc xoáy kinh hoàng, đẫm máu nhất trong lịch sử mang tên Bhola tại Bangladesh giết chết 500.000 người.
"Không khí - Air" là yếu tố tối quan trọng cho sự sống còn của con người, thế nhưng, khi không khí bị nhiễm độc, khi không khí tạo nên những cơn gió sát thủ hay lốc xoáy thì nó trở thành "cơn ác mộng" kinh hoàng của con người.
Từ những hồ nước ẩn chứa và phát thải những khí độc chết người như CO2 (ở hồ Nyos tại Cameroon) hay khí methane (ở hồ Kivu tại Congo) đến những "cơn gió sát thủ" với vận tốc 100m/s ở châu Nam Cực đến những cơn siêu bão hình thành tại các vùng biển nước ấm ở phía Bắc và Nam đường xích đạo thì không khí được đánh giá là thiên tai đáng sợ bậc nhất trên Trái Đất.
Những thảm họa hủy diệt Trái Đất tiềm ẩn trong 4 yếu tố thân thiết với con người  - Ảnh 6.
Ảnh minh họa: Internet.
Trong những năm 1980, trong 2 vụ phun trào khí CO2 tại hồ Nyos, 1.700 người và 3.500 gia súc ở Cameroon đã chết. Thảm họa khiến các chuyên gia phải lắp đặt hệ thống thải khí và lọc khí bằng đường ống để con số thương vong ngừng tăng lên.
Trong khi đó, trận lốc xoáy mang tên Bhola kinh hoàng xảy ra tháng 11/1970 tại Bangladesh khiến 500.000 người chết chính thức trở thành trận lốc kinh hoàng và đẫm máu nhất trong lịch sử từng được ghi nhận.
Theo đánh giá của các cơ quan khí tượng thủy văn thế giới, hiện nay, Haiti được đánh giá là quốc đảo dễ bị tổn thương nhất bởi các cơn lốc xoáy trong vùng biển Caribbe. Quốc gia này không chỉ nằm trong tuyến đường bão đi qua mà nó còn là quốc gia nghèo, khó khôi phục hậu quả sau bão.
4. fire - lửa
Trong suốt 400 năm qua, hơn 200.000 người đã chết vì núi lửa phun trào*.
(*) Đó là nhận định của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) năm 2015.
Từ xa xưa, lửa là một trong những yếu tố giúp loài người tránh khỏi sự đe dọa của các loài thú dữ. Nhưng đó là câu chuyện của ngọn lửa mà con người tạo ra. Còn trong tự nhiên, ngọn lửa tại các siêu núi lửa và núi lửa lại gây nên thảm họa quá sức tưởng tượng của con người.
Những thảm họa hủy diệt Trái Đất tiềm ẩn trong 4 yếu tố thân thiết với con người  - Ảnh 8.
Trong suốt 400 năm qua, hơn 200.000 người đã chết vì núi lửa phun trào. Ảnh minh họa: Internet.
Lịch sử từng chứng kiến lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại: Đó là ngày 10/4/1815, núi lửa cao gần 3.000m có tên Tambora (tại đảo Sumbawa, Indonesia) đã gây ra vụ nổ với sức công phá tương đương 800 triệu tấn TNT. 10.000 người đã chết trực tiếp do vụ phun trào; 70.000 người chết do hậu quả khí hậu mà nó để lại.
Gần đây nhất, vụ núi lửa Merapi ở Indonesia phun trào năm 2010 đã khiến ít nhất 350 người thiệt mạng. Giới khoa học cảnh báo, siêu núi lửa Yellowstone (Mỹ) có nguy cơ thức giấc sớm hơn so với chu kỳ 700 trăm của nó.
Một khi thức giấc, siêu núi lửa này sẽ ngay lập tức giết chết 87.000 người chỉ sau khoảnh khắc nó phun trào magma nóng rẫy.
Không chỉ dừng lại ở thảm họa núi lửa phun trào, việc những đợt nắng nóng gần đây trên Trái Đất cũng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Chỉ tính riêng năm 2003, trên toàn châu Âu đã có 70.000 trường hợp được ghi nhận là chết vì sốc nhiệt và nắng nóng.
Chưa tính đến những thảm họa có bàn tay con người (như biến đổi khí hậu, chiến tranh...), những thảm họa tự nhiên đã, đang và sẽ không ngừng tác động lên cuộc sống của con người trên Trái Đất.
Bài viết sử dụng nguồn: BBC-Earth.com

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...