Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 27/11/2017
Tiếng người đàn ông lớn giọng ra giá, tám trăm, chín trăm, một ngàn mốt, rồi ngưng lại, có ai đó trong đám đông đứng chung quanh gật đầu, người rao hàng đồng ý bán với giá 1200 “dinars”(tiền Libya), tương đương khoảng 800 đô la Mỹ, trong màn đêm lời mờ, nghe rõ mồn một, cứ tưởng là họ đang rao bán xe hơi cũ, miếng đất hay bộ bàn ghế gì đó, nhưng không, họ đang bán đấu giá một người thanh niên.
Một trong mấy người thanh niên không rõ danh tánh bị rao bán, được phóng viên đài CNN thâu hình là một người xứ Nigeria, anh xem ra độ chừng trên dưới hai mươi tuổi, lơ đảng trong bộ quần áo thể thao cũ màu xanh lá cây nhạt. Anh ta được đem ra rao bán mà theo lời người rao đấu giá quảng cáo là một trong nhóm thanh niên mạnh khỏe làm việc nhà nông, trong đoạn phim, người ta không thấy hình dạng người rao bán, chỉ thấy bàn tay ông ta chỉ lên chỉ xuống, có lúc đụng lên vai anh thanh niên một hai lần.
Gắn máy chụp hình giấu trong người, nhóm phóng viên đi vào một khu nhà bên ngoài thủ đô Tripoli, ở đây, họ đã tận mắt chứng kiến có độ chừng hơn mấy người bị đem ra bán đấu giá trong khoảng thời gian mỗi lần từ sáu hay bảy phút đồng hồ. Người rao hàng la to, hỏi có ai cần người đào đất không, rồi chỉ vào một anh thanh niên, anh này rất mạnh, nó sẽ đào đủ chỗ, ông ta quay ra hỏi đám người đứng chờ, muốn trả giá bao nhiêu, đám người mua này bắt đầu ra giá, 500, 550, 600, 650...trong vòng vài phút, có người đồng ý mua, anh thanh niên cúi đầu, đành cho số phận, lẳng lặng đi theo người chủ mới, buổi đấu giá xong, phóng viên đến gặp hai người thanh niên vừa bị bán, cả hai tỏ ra đau đớn và buồn thảm cho những gì họ đã phải chịu đựng và trải qua nhưng không thể nói gì, cảm thấy sợ hãi, nghi ngờ bất cứ người nào mà họ gặp.
Mỗi năm, có hàng chục ngàn người từ phía nam tới biên giới Libya, họ là những người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh hay nghèo đói, mong tìm được cơ hội tốt đẹp hơn trên đất châu Âu. Hầu hết họ đã bán tất cả những gì mình có để có tiền trang trả cho chuyến đi, ngang Libya rồi từ đó vượt qua biển Địa Trung Hải, nhưng trong khoảng thời gian gần đây, trước sự canh tuần nghiêm nhặt của lực lượng tuần duyên Libya, con số tàu thuyền ra khơi giảm đi nhiều, cho nên, số người ứ đọng chưa ra đi được đành phải nằm trong tay của bọn “đưa người lậu”, bọn này bỗng nhiên trở thành chủ nhân, người di dân và tỵ nạn trở thành người nô lệ, chứng cớ mà CNN chụp cũng như thâu hình đã được giao lại cho chính quyền Libyan, họ nhận và hứa sẽ cho mở cuộc điều tra cặn kẽ.
Thiếu úy Naser Hazam của văn phòng “chống di dân bất hợp pháp” của Libya ở Tripoli nói với báo chí, mặc dù chính anh chưa chứng kiến việc bán đấu giá người nô lệ nhưng nhìn nhận là, thật sự có nhiều tổ chức băng đảng đang hoạt động trong mạng lưới buôn người ở Libya. Theo anh, đám buôn người này, tổ chức đưa người xuống tàu, mỗi chiếc độ chừng cả trăm, không cần biết có tới bờ bên kia được hay không, tiền bỏ túi xong đủ rồi, vào đất châu Âu hay chết trên biển cả, chuyện đó không liên quan gì tới họ. Các buổi đấu giá bán người diễn ra tại những chỗ, xem ra hết sức bình thường trong thành phố Tripli nơi dân chúng sinh hoạt thường ngày, trẻ con đùa giỡn ngoài đường, người người đi làm, nói chuyện với bạn bè hay nấu cơm trưa chiều cho gia đình nhưng ở phía sau lưng, tại các buổi ra bán đấu giá này, tưởng chừng như người ta đang trở lại thời kỳ bán khai nô lệ, tại đó chỉ thiếu cái cùm sắt khóa tay chân của người di dân mà thôi. Anes Alazabi, người giám thị tại trung tâm giam giữ người di dân chờ trục xuất ở Tripoli cho biết, ông nghe không biết bao nhiêu là chuyện hành hạ, bức hiếp mà đám buôn người lậu làm ra, ông cảm thấy đau buồn cho những người di dân này, cái mà ông thấy hàng ngày ở đây, làm cho ông động lòng thương cảm, nhưng không làm được gì hơn, mỗi ngày nghe thêm một chuyện mới, ông phải nghe cho hết, đó là cái quyền của họ phải nói lên tiếng nói của mình.
Một trong số người đang bị giữ, anh thanh niên tên Victory, nói đã bị bán tại một buổi đáu giá, chán nản trước tình trạng tham nhũng, lộng quyền của nhân viên chính quyền ở vùng Edo, Nigeria, người thanh niên 21 tuổi quyết định bỏ nhà đi tìm cuộc sống mới, dong ruỗi hơn một năm bốn tháng, xài số tiền dành dụm trên đường để mong vào được đất châu Âu, tuy nhiên chỉ mới tới Libya nơi anh và những người tỵ nạn đồng cảnh ngộ đang sống khổ sở, thiếu thốn mọi thứ, cộng với bị hành hạ và sự đối xử bạc đải của đám đầu nậu, Victory bùi ngùi nói, nếu cứ nhìn phần lớn mọi người ở đây, hầu hết trên thân thể họ, sẽ thấy những vết sẹo tím bầm, vì bị đánh đập. Khi tiền không còn, Victory bị bọn buôn người đem bán làm lao động ban ngày, họ bảo anh ta tiền lời có từ tiền lương anh lảnh, sẽ được khấu trừ vào phần nợ anh ta đang mang nhưng sau nhiều tuần lễ bị cưỡng bách làm việc cũng không đủ trả cho số tiền mượn, anh phải trở lại với nhóm buôn người và họ đã bán anh qua lại nhiều lần nữa. Đám buôn người đồng thời đòi tiền chuộc mạng từ gia đình Victory, ngay cả trước khi trả tự do cho anh.
Trước hiện trạng, con đường trốn đi xuyên qua lục địa châu Phi ngày càng trở nên khó khăn hơn, rất nhiều người di dân lậu đành phải quên đi giấc mơ đổi đời trên đất châu Âu, năm nay, hơn 8800 người tình nguyện chịu hồi hương trên các chuyến bay do tổ chức IOM của LHQ, trong khi một số bạn của Victory từ Nigeria may mắn đến châu Âu, anh đành trở lại quê nhà với hai bàn tay trắng. Tuy thất bại nhưng, Victory nói rằng, anh cám ơn thượng đế đã giúp cho những người bạn khác thành công, dĩ nhiên, anh không vui, anh phải trở lại nhà và bắt đầu lại từ đầu, việc này đau đớn thật, quá đau đớn cho mình.
Sau loạt bài tường thuật trên báo chí và truyền hình về chuyện buôn bán người ở Libya, hàng trăm người đã tụ họp biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Libyan ở trung tâm thành phố Ba Lê tuần rồi, một trong những người biểu tình nói với đài truyền hình France 24, chúng ta không thể để việc như thế này xãy ra. Cũng theo một cô gái biểu tình khác, với giọng tức giận gằn từng tiếng, làm sao mà giữa thế kỷ 21, người ta có thể đem rao bán con người như bán một món hàng giữa chợ như thế đó. Chính quyền Libyan đã chính thức cho mở cuộc điều tra về chuyện bán đấu giá người nô lệ, ưu tiên hàng đầu của cuộc điều tra không phải chỉ nhắm vào những thủ phạm gây ra hành động vô nhân này mà còn truy tìm các địa điểm, nơi người bị bán đang ở đâu để cứu họ ra và đưa họ trở về nước nguyên quán.
Theo một người đàn bà trong số những biểu tình trước tòa đại sứ Libyan, đây không phải là chuyện về màu da, nó đi xa hơn cả màu da và tôn giáo, mà là chuyện giữa con người với con người.
Thuyên Huy
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa