Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Vì sao người già Nhật Bản sẵn sàng ăn trộm chỉ để được... ngồi tù? ( CafeF )

Nguyên nhân của tình trạng này thì vô cùng dễ hiểu, tình trạng nghèo khổ của những người già neo đơn Nhật Bản, không có người thân chăm sóc đã khiến nhiều người chấp nhận phạm tội để được vào tù và nhận sự quan tâm của trại giam. 

Mới đây, một tên tội phạm đã bị cảnh sát Osaka-Nhật Bản bắt giữ với tội danh trộm cắp. Trong vòng 8 năm, tên này đã lấy cắp hơn 250 tài sản với tổng trị giá 30 triệu Yên (266.500 USD). Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không nhắc đến số tuổi của tên tội phạm này: 74 tuổi.
Nói về Nhật Bản, ngoài nền văn hóa đáng khâm phục cùng một nền kinh tế phát triển, sự già hóa của dân số cũng đang là vấn đề thu hút được sự quan tâm của dư luận. Sự lão hóa này ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống người dân Nhật Bản, thậm chí cả tội phạm.
Số liệu mới nhất cho thấy trong 2 năm vừa qua, gần ¼ số tội phạm bị bắt có tuổi trên 65, cao hơn gấp đôi so với số tội phạm dưới 29 tuổi. Khoảng 70% số tội phạm bị bắt năm 2016 đã từng ở tù và hầu hết những người lớn tuổi trong đó cố tình bị bắt trở lại để hưởng sự chăm sóc của trại giam.
Năm 2015, hơn 20% số người bị bắt có tuổi trên 65, cao hơn rất nhiều so với mức 6% của năm 2005 và thực sự bỏ xa mức chưa đến 1% tại Mỹ.
Nguyên nhân của tình trạng này thì vô cùng dễ hiểu, tình trạng nghèo khổ của những người già neo đơn Nhật Bản, không có người thân chăm sóc đã khiến nhiều người chấp nhận phạm tội để được vào tù và nhận sự quan tâm của trại giam. Thêm vào đó, sự cô đơn cũng khiến nhiều người già muốn vào tù hơn là phải chi nhiều tiền cho các trại dưỡng lão.
Hầu hết những vụ phạm tội của người già Nhật Bản là ăn trộm, một tội không quá lớn nhưng cũng đủ để được ngồi tù.
Mới đây, hãng thông tấn NHK của Nhật đã làm một phóng sự dài kỳ về tình trạng ngày càng nóng tính của những người cao tuổi. Tình trạng người già gây rối trật tự ở Nhật Bản tăng cao khá nhiều trong những năm qua khi xung đột về hệ tư tương cũng như sự cô đơn dồn nén tâm lý những người cao tuổi. Số liệu mới nhất cho thấy 28% tai nạn giao thông diễn ra hiện nay gây ra bởi người già, tăng 10% so với 10 năm trước đây.
Nhà tù Nhật hiện nay có khoảng 12% số tù nhân là người già, cao hơn rất nhiều mức chưa đến 3% tại Mỹ. Chính quyền Tokyo hiện nay đang phải đau đầu để thuyết phục những tội nhân cao tuổi rời nhà giam bởi chi phí chăm lo cho họ quá tốn kém. Đầu năm 2017, Nhật Bản đã phải thông qua chương trình hỗ trợ chăm sóc y tế cho người cao tuổi với 42/84 nhà giam cả nước.
Tuy nhiên, dù nói thế nào thì Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Năm 2016, nước này ghi nhận 996.000 vụ phạm tội, thấp hơn rất nhiều so với 3,7 triệu vụ tại Pháp dù tổng dân số Nhật Bản cao gần gấp đôi (127 triệu người so với 66,9 triệu người).
Nhà tù hay trại dưỡng lão?
Trong số các nền kinh tế phát triển, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tù nhân lớn tuổi cao nhất thế giới. Mức độ phạm tội của người cao tuổi đã tăng gấp 4 lần trong 2 thập kỷ qua. Hiện nay, gần 1/5 người bị kết án có độ tuổi trên 60.
Trong khi Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ nợ lớn nhất thế giới với 240% GDP, chi phí tăng cao từ việc chăm sóc tù nhân lớn tuổi đã gia tăng áp lực lên chính phủ. Với mục đích giảm tỷ lệ tái phạm tội, Nhật Bản đang đặt mục tiêu giảm hơn 30% số tù nhân vô gia cư trở về khi mãn hạn tù vào năm 2020, thời điểm nước này tổ chức Thế Vận hội Olympic.
Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ khó đạt được khi ngày càng nhiều tù nhân lớn tuổi trong 1 thập kỷ qua “yêu thích” cuộc sống trợ cấp từ chính phủ sau song sắt hơn là phải sống cô độc, cơ cực bên ngoài.
Ví dụ điển hình là một tù nhân nam 67 tuổi tại trại giam Nagasaki đã bị kết án lần thứ 14 về tội “móc túi” và sẽ được thả vào tháng 12/2015. Tuy vậy, các nhân viên xã hội cho biết ông này sẽ tái phạm một lần nữa để có thể sống trong tù. Nguyên nhân rất đơn giản, vị tù nhân này không có bạn bè hay gia đình, cũng không có nơi để ở.
Tại một nhà tù khác cho giới nữ tại Fukushima, số tù nhân hơn 60 tuổi chiếm 28% tại đây. Người cao tuổi nhất là một cụ bà 91 tuổi, được trại giam cung cấp đồ ăn, chỗ ở và chăm sóc y tế miễn phí.
Theo Giáo sư Koichi Hamai của Đại học Luật Ryukoku, các trại giam ở Nhật Bản có điều kiện vật chất không được tốt, không có hệ thống sưởi ấm và điều hòa không khí (mùa đông tại Nhật Bản rất lạnh, luôn dưới 0 độ C). Mặc dù vậy, nhiều tù nhân lớn tuổi vẫn thích ở đó hơn là bên ngoài do họ có thể giao lưu với nhiều người cùng cảnh ngộ, được ăn miễn phí và chăm sóc tốt.
Những người tái phạm
Nhật Bản là một trong những nước tuân thủ luật pháp tốt nhất thế giới với tỷ lệ phạm tội là 49/100.000 người, thấp hơn nhiều so với Mỹ (698/100.000 người) và nhiều nước Châu Âu khác. Thật không may, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang chứng kiến hệ thống nhà tù của mình trở thành nơi dưỡng lão.
Những tội phạm cao tuổi thường tái phạm, ra vào nhà tù liên tục bởi họ thiếu sự chăm sóc của người thân cũng như được hỗ trợ về tài chính. Các tù nhân này khi được thả thường bị xã hội chối bỏ và đối xử bất công tại địa phương nơi họ sinh sống.
Một số nhà tù hiện nay tại Nhật Bản đã thật sự trở thành viện dưỡng lão khi các tù nhân cần trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, tắm rửa, ăn uống. Vào ban đêm, những tiếng rên vang lên trong trại giam do các tù nhân lớn tuổi cảm thấy đau đớn, nôn mửa. Một số trường hợp đi loanh quanh trong phòng giam do bị chứng mất trí nhớ.
Theo Bộ Tư Pháp Nhật bản, số lượng tội phạm hình sự trên 60 tuổi tại nước này đã tăng gấp 4 lần trong 2 thập kỷ qua lên 46.243 tù nhân vào cuối năm 2014.
Tiền thuế bị lạm dụng
Tính đến hết năm tài khóa (tháng 3/2015), ngân sách của Nhật Bản cho hệ thống tù giam là 230 tỷ Yên, tương đương với 3,2 triệu Yên để giam giữ 1 tù nhân trong 1 năm. Con số này cao gấp đôi so với số tiền phúc lợi từ chính phủ cho 1 người dân.
Theo Luật pháp Nhật Bản, nếu tù nhân tái phạm những tội nhỏ, như ăn cắp vặt, thì có thể bị giam nhiều nhất là 5 năm. Như vậy, theo lý thuyết thì việc ăn cắp một hộp cơm trị giá 1.000 Yên có thể khiến nhà nước chi ra 16 triệu Yên cho việc thực hiện bản án tối đa với tội phạm.
Người dân Nhật Bản đang ngày càng không hài lòng khi tiền thuế của họ bị sử dụng như vậy. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho tù nhân đang gia tăng mạnh do những tù nhân lớn tuổi. Số tiền bỏ ra cho các loại thuốc và thiết bị y tế đã tăng gần gấp đôi trong 9 năm qua lên 6 tỷ Yên tính đến tháng 5/2015. Số lượng tù nhân cần nhập viện năm 2012 cũng lên tới 1.278 người, cao gấp đôi so với năm 2003.
Hiện tượng nhà tù thành trại dưỡng lão của Nhật Bản bắt đầu thu hút được sự chú ý của công chúng vào năm 2006, khi một cựu tù nhân 74 tuổi đốt cháy trạm đường sắt Shimonoseki. Người đàn ông này đã được thả 8 ngày trước đó, nhưng sau đó ông cho biết muốn trở lại nhà tù vì đói và lạnh.
Theo nhiều chuyên gia, các tù nhân cao tuổi Nhật Bản có thể tránh khỏi nhà tù nếu họ được hỗ trợ phúc lợi. Năm 2012, có 2/3 số tù nhân từng có đơn xin trợ giúp về sức khỏe. Những loại bệnh chính bao gồm bệnh tim mạch, bệnh tâm thần và chứng rối loạn hành vi.
Những nhân viên trại giam thường phải đóng vai trò y tá. Ở nhà tù cho nữ giới Fukushima, các tù nhân lớn tuổi được chăm sóc bởi những cán bộ đáng tuổi cháu gái họ. Nhân viên trại giam sẽ phải thay tã người cao tuổi và đồ lót bẩn, vệ sinh cơ thể cho tù nhân và thậm chí giúp họ đi bộ.
Năm 2009, Nhật Bản đã bắt đầu thiết lập các trung tâm hỗ trợ tại 47 tỉnh, với giá trị 25 triệu Yên cho mỗi trung tâm, để giúp đỡ các tù nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Điều kiện không đủ tốt
Hệ thống nhà tù Nhật Bản thường được xem là an toàn hơn so với các nước Phương Tây. Tuy nhiên, điều kiện tại đây không được tốt.
Tù nhân thường phải dậy lúc 6h45 sáng và phải quay lại phòng giam lúc 9h tối. Họ được phân thành nhiều nhóm 10-20 người và buộc phải làm việc, từ trồng rau, nấu nước đến chăm sóc cho các tù nhân cao tuổi hay bị bệnh. Những người này bị cấm nói chuyện khi đang làm việc, ăn uống và tắm rửa nhằm duy trì kỷ luật. Họ cũng phải xin phép bảo vệ để được dùng nhà vệ sinh.
Nhiều tù nhân cao tuổi có một quá khứ khó khăn, lớn lên trong trại trẻ mồ côi hoặc bị lạm dụng tình dục. Đây là một phần lý do gây ra hiện tượng ghét cuộc sống ngoài nhà tù hơn là ở bên trong của các tù nhân Nhật Bản.
Tình hình này cho thấy nếu tù nhân càng bị giam giữ lâu, khả năng tái hòa nhập cộng đồng cũng như kết nối với xã hội sẽ càng giảm.
Mỗi năm, có khoảng 6.400 tù nhân tại Nhật Bản được thả nhưng không có nhà đề về. Có khoảng 1/3 số tù nhân này sẽ tái phạm và quay lại nhà tù trong vòng 2 năm. Hầu hết các tù nhân đang trong tình trạng thất nghiệp khi bị bắt. Vì vậy, chính phủ đang cố gắng tăng gấp 3 số lượng các doanh nghiệp chấp nhận tuyển những cựu tù nhân làm việc lên 1.500 công ty vào năm 2020.
Vấn đề nhà tù Nhật Bản chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn do nguồn lực có hạn của các trung tâm hỗ trợ thành lập bởi chính phủ. Lý do nữa là định kiến của xã hội Nhật Bản đối với các cựu tù nhân.
Việc tìm một nhà dưỡng lão cho những cựu tù nhân rất khó khăn bởi có khoảng 520.000 người cao tuổi tại Nhật bản đăng ký và phải chờ để vào các trung tâm này.
Bất chấp những khó khăn đó, Nhật Bản vẫn đang thực hiện các chương trình hỗ trợ cho tù nhân lớn tuổi.

Theo AB
Trí thức tre

1 nhận xét:

Trang Thơ Hà Đặng (T.12/2024 1) : MỘT NGÀY NÀO ĐÓ,CHẲNG HỀ XA, EM ĐẾM, ĐUƠC GẦN NHAU MÃI

Ảnh Quan Trần NGÀY NÀO ĐÓ Ngày nào đó ta không còn gặp lại Nước mắt hoài tuôn chảy chẳng ngừng trôi Người đi rồi tôi cảm thấy đơn côi Trong ...