Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Bắt Rượu - Tô Hoài



  Năm ấy tôi về ăn tết quê nội Cát Động trong Hà Đông. Chưa đến hăm ba Tết ông Công. Đã qua lễ sắp ấn. Cánh đồng Thanh Oai phẳng lặng xám ngắt phất phơ, khói từng cuộn suốt sang tận làng Mai. Chẳng biết khói đốt gốc rạ sưởi ấm hay khói hun chuột.
Tôi theo u tôi về nhà bác Cả tôi ngoài xóm Động. Nhà nhà quanh co, kề bên ruộng vào xóm. Không phải qua cửa đình đằng bờ đê sông Đáy, mà người ra vào xóm đi tắt ngoài cổng đồng lên. Có lẽ ngày xưa, đây cũng là ruộng, rồi có người ra làm trại ở mới thành xóm, mà tên là xóm Động.
Đứng đây trông thẳng lên đường cái tây vẫn còn nghe vòng bánh xe sắt lăn rào rạo trên mặt đường đá và tiếng lá cọ xột xoạt theo nhịp chân chạy của người kéo xe tay bánh sắt đội nón mê khoác chiếc áo tơi lá như con cò lẻo khoèo bị hai cái càng tay xe đóng gông ngang ngực.

Bên kia, nước đồng chiêm trắng bong xuống tận Chuồn he, đồng Vàng giáp vùng trũng Ưng Hòa Phú Xuyên... Tiếng còi tàu hỏa tận cuối xa nghe như thuốn dài dưới làn nước lạnh. Tới bờ ao đã nghe táo tác, nheo nhéo trong cổng ngăn tiếng trẻ con học bài. Những cậu học trò vừa học quốc ngữ, vừa học chữ ta, có cái đầu cạo học, đầu mới để ăn tết, đuôi tóc hoa roi dài thòng lõng xuống giữa lưng.
Bác Cả tôi ngồi giữa đám trẻ con lau nhau nhấp nhô. Có đứa đương mài son mài mực trong cái nghiên. Có đứa nằm chổng mông, viết phóng. Có đứa ê a... a... òa... i.... oai... u... i... uếch.... uých... Cái roi mây của bác Cả dứ lên dứ xuống, lặng lẽ ghê rợn. Hai con mắt muốn bật con ngươi của mỗi cậu học trò liếc trộm cái roi.
Giữa lúc ấy ngoài đầu đồng có tiếng nhốn nháo. Người trong xóm nghểnh mắt lên trên rào bờ duối trông ra. Rồi giật thót mình, ngơ ngác. Từ ngoài đường cái giữa đồng, đương lúp cúp chạy vào một đám người. Mũ trắng quần áo vàng lốp. Lính đoan (tiếng pháp: douane, cơ quan thu thuế, bắt thuế thời Pháp) trên tỉnh về. Gần đến đầu bờ ao, trông rõ ra người Tây đoan đi đầu cao lênh khênh. Người Tây mặc áo vàng, quần vàng, tay cầm ngang cái thuốn sắt dài.

Đám người trong xóm luống cuống, sững sờ, không biết làm thế nào. Cho đến lúc chẳng biết ai ở trong bờ rào nào hét to tướng lên:


- Tây đoan về khám rượu!


Bấy giờ dường như mới nhớ ra, sợ quá. Tất cả ù té chạy. Trong lúc, Tây và lính đoan đã ập đến nơi.
Đám học trò quanh bác Cả đương thi nhau học gào từng chữ bỗng im bặt. Nhưng các cậu ấy hãi Cái roi của bác tôi vẫn không dám ngóc đầu trông ra.

Bác Cả đứng phắt dậy. Bác bước lại trước án thư. Bác nghiêng chiếc mâm bồng lấy ra trong chân mâm một cái chai dài ngoẵng. Trong chai đựng độ hơn cút rượu ngấn lên già lưng chai. Bác bỏ chai rượu lậu vào túi trong cái vạt áo năm thân ngay trước bụng. Rồi bác lại ngồi xuống chỗ cũ, chùm lên vai tấm chăn khố tải xùm xòe. Cầm chiếc roi mây - lại như lúc nãy, gõ đẹt đẹt xuống mặt chiếc phản mọt, nói dõng dạc:


- Đứa nào cứ yên chỗ ấy. Học đi!


Bọn lính đoan đã vào giữa sân. Người Tây đoan, tây lai, nói sõi như ta:


- Ông đồ ngồi bảo học à?
- Vâng ạ.
- Phải chắp tay nói: “Bẩm quan lớn nhà đoan vâng ạ” mới lễ phép chứ!
- Bẩm quan lớn nhà đoan...
- Nhà ông đồ có nấu rượu lậu không?
- Bẩm quan lớn nhà đoan, không ạ.
- Quan khám thấy rượu thì ông đồ đi tù mười tám tháng nhé. Sắp tết rồi mà phải ra tỉnh ngồi nhà pha, khổ vợ con lắm đấy!

Bác tôi chẳng biết nói thế nào, chỉ thỉnh thoảng buông một câu “vâng ạ” đánh nhịp ngẩn ngơ.
Người Tây đoan cầm chiếc thuốn sắt chọc lên bàn thờ. Cái thuốn nhọn hoắt như ngửi được hơi rượu, tinh thế. Nó đẩy nghiêng đế mâm bồng. Nhưng đế rỗng, chẳng có gì cả.

Tôi biết thế rồi, mà tôi vẫn run cầm cập. Có lẽ mặt tôi tái mét. Bởi vì chai rượu lậu vừa ở đế mâm bồng chui vào trong áo bác tôi, ngay cạnh đây thôi. Nó ngửi thấy hơi rượu thì nguy to. Tây đoan quay lại, hỏi u tôi:
- Cái nhà chị này đến cất rượu lậu về bán tết à?


Bác tôi nói:
- Không thím nó là người nhà ở ngoài tỉnh về chơi.


Tây đoan quát:
- Người nhà cũng khám.


Rồi Tây đoan nhấc cái tay nải nâu của u tôi lên. Đầu thuốn sắt gõ vào. Chỉ nghe tiếng lịch bịch sống áo vải. Tây đoan buông cái tay nải xuống. Rồi trỏ ngọn thuốn sắt vào bác Cả.
- Thày đồ giả vờ, thày đồ giấu rượu trong chăn. Chúng mày khôn lắm. Ông đã bắt được chúng mày cất rượu trong chăn nhiều lần rồi. Muốn sống thì bỏ cái chăn ra.

Nom bác tôi lúc ấy cứ như con gà mái ấp xòe cánh. Chưa kịp nhấc cái chăn trên vai, đầu thuốn của thằng Tây đã quều xuống. Bây giờ thì cái thuốn sắp chọc đến chỗ, chỗ chai rượu ở bọng áo bác tôi. Tôi cuống queo nắm quanh váy u tôi.

Cái chăn rơi xuống rồi mà bác tôi vẫn ngồi trơ ra đấy. Tôi càng sợ.
Tây đoan ngắm nghía, rồi lại quát:
- Thày đồ đứng dậy!

Bác Cả tôi từ từ đứng dậy. Hai con mắt toét nhoẻn viền vải tây điều của bác tôi vẫn gấp gay nhìn thẳng, chẳng khác lúc nãy. Người Tây đoan im một lát rồi lạnh lùng nói:
- Chỉ làm mất thì giờ các quan!

Rồi Tây đoan xách cái thuốn bước ra. Nhưng còn như nghi ngờ như tinh nghịch như quen tay lại thọc thuốn lên mái một cái nữa. Tàu lá cọ thủng, trông thấy lỗ tròn tròn lên trời. Tây, lính và các người xem ra cả rồi, bác Cả lại ngồi xuống. Nhưng đám học trò quanh phản đã biến mất từ lúc nào. Bọn lính đoan đi sục thuốn lắp các vườn và bờ rào quanh xóm. Xem có chỗ nào chôn giấu rượu, bã rượu. Không thấy gì cả bọn đùng đùng kéo vào xóm trong.

Đến tận trưa, đám lính nhà đoan khám rượu mới trở ra đường cái tây lôi theo nhiều thứ bắt được ở xóm dưới bãi. Cái nồi đồng ba mươi với lưng nồi bã. Một thúng gạo nếp đã vo sẵn. Mấy cái bong bóng trâu, có chiếc bẹp rúm, có chiếc đã phồng rượu. Đủ đồ nghề, cái cần trúc xe điếu chuyên nước cất, cái mai rùa gỗ, cái chõ... Nhà ai lắm đồ nghề nấu rượu thế mà không tẩu tán kịp? Chúng nó bắt được tuốt. Đứa nào báo Tây đoan mà để hại người ta thế. Tết nhất đến nơi. Bắt rượu được đích xác, chỉ bởi có đứa báo thôi. Định làm mẻ rượu bán tết mà hóa ra sạt nghiệp. Lại còn tù tội nữa.

Bọn lính đoan đi trước. Đằng sau lũ lượt người cung cúc theo. Không biết người nhà hay tuần phiên khiêng các thứ nhà đoan vừa bắt được.

Có cả chú bếp Mỡ hớt hải từ trong xóm ra chạy lẫn vào đám bắt rượu.
Nhiều người gọi:
- Chú bếp
Chú bếp Mỡ quay lại trông thấy tôi, nói to:
- A thằng cu Bưởi về quê ăn Tết à? Chú đi tù rượu đây. Mẹ con cháu ở nhà chơi nhé.

Đi tù rượu? Câu nói cứ ngọt như không. Tôi vẫn nghe kể ngày trước chú bếp Mỡ đã đi lính sang Tây. Khi về, chẳng có lon đội lon ách gì, chỉ được người ta gọi chức bếp, bếp Mỡ.

Sang tận bên Tây về rồi chú lại vẫn đi cày thuê, đào ao, rào vườn cho nhà người ta. Vẫn như ngày trước. Những buổi chăn trâu chú toàn kể các chuyện bên Tây. Về quê bao giờ tôi cũng đến nhà chơi nghe chuyện đường xa của chú bếp Mỡ. Chú ấy nói thế nào? Chú tù rượu. Chú đi tù rượu? Chú vừa rảo chân vừa xỏ tay khoác cái khố tải cười hí hí và nói thế.

Thím bếp Mỡ với lũ con đứng đầu xóm nhìn theo. Đến lúc cả bọn với các người nhà đoan khuất vào gốc những cây muỗm, thím bếp Mỡ trở vào, đi giữa đám người đương cười hê hê. Qua các ngõ nghe người ta nói cợt: “Thế là tự dưng giời cho nhà bếp Mỡ cái tết nhé sướng nhé.” Chẳng biết thím bếp Mỡ đùa hay thật, thím cứ chép miệng lẩm nhẩm: “Sướng, sướng quá!”

Thì ra Tây đoan khám rượu bắt được cái lò nhà ông Lý hào *  (người bỏ tiền ra mua chức lý trưởng được gọi là Lý hào) ngoài bãi ngô dưới bờ sông. Rõ ràng có đứa xấu bụng đi báo ăn thưởng. Nồi rượu còn đương đun. Không tẩu tán được mảy may.

Ông lý hào phải vội nhờ người đi bảo chú bếp Mỡ theo tang vật lên tỉnh. Nói một câu thế chú đã biết lệ. Có gì thì chú bếp cứ đứng ra nhận nhà chú nấu rượu rồi chú vào ngồi nhà Pha. Qua tết đã, sang giêng còn phải tù hay được về, đợi ra tòa xong rồi cái ấy sẽ liệu với nhau sau. Ở nhà, vợ con chú bếp được ông lý hào hẵng đưa món tiền chục bạc ăn tết đã. Bên làng Mai nhiều nhà nấu rượu lậu, có những người đã quen đi ở tù thay người bị bắt rượu như thế. Tù mấy ngày mấy tháng, đã có giá cả hẳn hoi. Có người ngồi tù thuê đến mười tám, hai mươi tháng. Chủ rượu ở nhà phải nuôi vợ con, lại đóng thuế thân cho người tù thay đến hai năm. Thôi thì đằng nào cũng vậy người khôn của khó ở nhà cũng phải mửa mật mới kiếm nổi miếng.

Cánh đồng vẫn im phắc. Không biết tại rét quá, người ta rúm lại hay vì giá buốt đến cóng cá mà tưởng ra như thế. Đám khói gốc rạ vẫn nghi ngút đằng xa càng vắng ngắt vắng ngơ. Bỗng một cậu học trò bấy giờ mới thò đầu chui trong gầm phản ra. Bác tôi điềm nhiên bảo anh trưởng tràng: Sang giêng, ngoài rằm khai trường nhé. Bảo chúng nó thế.

Rồi bác Cả rút chai rượu lậu trong bụng áo ra, lại cất vào dưới lỗ hổng ở chân mâm bồng, như lúc nãy./.
Tô Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ Trang GIÓ MIỀN TÂY

  Ta chẳng dám mong đời này hết khổ Chỉ cầu cho đủ sức khỏe vượt qua Nào dám mong thôi hết những xót xa Chỉ thầm ước sau mưa là nắng ráo. Ta...