Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Chuyện Những Người Già Bốc Vác Hàng Thuê ở Cửa Khẩu Tân Thanh

Một
Lạng Sơn là vùng đất của những cửa khẩu. Bởi đây là vùng biên giới địa đầu tổ quốc, điểm xuất phát của quốc lộ 1A nằm ngay trên cửa khẩu Hữu Nghị tiếp giáp với Trung Quốc. Ngoài Hữu Nghị, Lạng Sơn còn có nhiều cửa khẩu khác là Chi Ma, Tân Thanh, Nà Nưa, Cổng Trắng, Mốc 23…. Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh có lưu lượng hàng qua lại mạnh nhất. Đặc biệt, cửa khẩu Tân Thanh, hoạt động vận chuyển hàng của những người phụ nữ các dân tộc thiểu số Tày, Nùng qua lại cửa khẩu để kiếm sống trở thành một đặc trưng. Hầu hết họ là phụ nữ và người già.
Hai mươi ngàn đồng đẫm mồ hôi
Một phụ nữ tên Loan, người dân tộc Nùng, sống ở gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, chia sẻ: “Thì người làm việc ở đây chủ yếu người nghèo neo đơn, có con bị nghiện ngập trong các vùng thiểu số trong núi. Họ làm qua ngày thôi, được ngày nào hay ngày đó. Chỉ có những người có sức khỏe kia mới kiếm được nhiều tiền chứ người gia thì kiếm vài chục đến trăm là mừng lắm rồi. Nói chung là họ nghèo thôi!“.
Theo bà Loan, hiện nay có ước chừng năm mươi người lao động làm việc thường xuyên ở cửa khẩu để kiếm sống. Người có vốn thì tự bỏ tiền ra để mua hàng Trung Quốc về bán ở thị trấn Đồng Đăng, người không có vốn thì đi gánh hàng thuê.
Chị Loan cho biết thêm là trước đây, người lao động trên cửa khẩu dùng xe cải tiến để kéo hàng và mỗi lần kéo có thể lên đến hai trăm ký lô hàng. Và thành lệ, mỗi khi kéo hàng qua cửa khẩu, người lao động phải đóng cho cán bộ hải quan hai mươi ngàn đồng, số tiền này là tiền lót tay, không có trong bất kỳ qui định nào và cũng không có bất kì tờ hóa đơn nào sau khi đóng. Nhưng ở đây, khách du lịch đi Trung Quốc muốn đi qua được cửa khẩu thì phải kẹp hai trăm ngàn đồng trong hộ chiếu và người tải hàng thì đóng hai mươi ngàn đồng trên mỗi chuyến.
Nhưng hiện tại, cán bộ hải quan không cho người ta kéo xe cải tiến qua lại cửa khẩu nữa với lý do gây ùn tắc giao thông. Các phu tải hàng phải chuyển sang vận chuyển bằng gánh. Và mỗi gánh hàng cũng phải đóng hai mươi ngàn đồng. Một xe cải tiến nếu chia ra để gánh thì thành bốn gánh và số tiền phải đóng là tám mươi ngàn đồng.
Chị Loan làm một phép tính nhỏ, với hơn năm chục con người đi qua đi về ít nhất mỗi ngày tám chuyến hàng, tương đương hai xe cải tiến, đóng cho hải quan một trăm sáu mươi ngàn đồng. Nhân con số một trăm sáu mươi cho năm mươi sẽ là tám triệu đồng. Theo chị, con số này cũng đủ để các cán bộ ăn nhậu và uống cà phê. Riêng số tiền khách du lịch phải đóng, nhà xe mua chỗ thì miễn bàn, con số không ước đoán được.
Nhưng theo một tài xế chuyên chở hàng sang Trung Quốc thì mức phí thấp nhất mỗi xe tải là năm trăm ngàn đồng, cao nhất có thể lên đến mười triệu đồng khi cần đi gấp. Nhưng với tài xế thì không đến nỗi khó khăn như những người phu thồ hàng. Bởi phu thồ hàng chỉ được trả số tiền rất thấp và hai mươi ngàn đồng mỗi chuyến hàng là tiền họ phải tự đóng chứ chủ thuê không trả. Chủ thuê chỉ trả cho họ mỗi chuyến hàng năm mươi ngàn đồng, nếu chịu thì gánh, không chịu thì nghỉ.
Và năm mươi ngàn đồng của các phu gánh hàng sẽ được trích ra hai mươi ngàn đồng nộp cho cán bộ hải quan để họ uống nước, dễ bề làm việc. Hầu hết những phu gánh hàng qua lại cửa khẩu Tân Thanh đều là phụ nữ và người già dân tộc Tày, Nùng. Những người trẻ thì tìm cách mua xe gắn máy để chạy thồ hàng. Chỉ có những người già và phụ nữ nghèo khó mới chịu gồng lưng gánh hàng với hi vọng kiếm được mỗi ngày từ hai trăm mười ngàn đồng đến hai trăm bốn mươi ngàn đồng. Con số không bao giờ vượt quá bởi với chừng đó hàng thì trời đã chiều, không còn sức đâu mà gánh.
 (gánh hàng thuê qua cửa khẩu-ảnh Zings)
Cái lạnh cửa khẩuCửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. RFA photo
Một người gánh hàng qua cửa khẩu không muốn nêu tên, quê ở Na Sầm, Lạng Sơn, chia sẻ: “Ở đây mình gánh hàng phải biết làm luật. Nếu mình biết làm ăn thì không đến nỗi nào, nghĩa là không sợ bị bắt. Chỉ có những người ở dưới Hà Nội kia làm luật mới nặng. Mình muốn đưa hàng về Hà Nội thì tùy vào mức tiền của mình cao chừng nào. Tiền càng cao thì hàng càng an toàn. Mình chỉ cần ngồi dưới Hà Nội người ta sẽ tự khắc đưa hàng về. Nói chung là phải biết làm luật. Còn mình làm cửu vạn thì thu nhập qua ngày vậy thôi!”.
Theo chị, năm nay tỉnh Lạng Sơn lạnh hơn mọi năm, cuối năm có tuyết rơi dày, đầu năm lạnh rét, đêm khuya nhiệt độ xuống đến 0 độ và sáng ra thì thấy tuyết tan, nước chảy khắp nơi, bước chân ra khỏi giường là cảm giác như cả người đông cứng lại, hết muốn làm gì.
Tuy nhiên, chị phải cố gắng chịu lạnh, chịu rét, nhóm lửa lên hâm cơm nguội ăn và mặc nhiều lớp áo, gánh đôi gióng lên đường để kiếm cơm về nuôi ba con nhỏ và hai người già gồm mẹ chồng và mẹ ruột vì chồng chị mất sớm. Mỗi ngày bươn bả gánh hàng thuê từ sáng tới tối, chị kiếm được hai trăm mười ngàn đồng.
Chị nói rằng chỉ riêng chị mới dám hai lần gian dối cán bộ vì lợi dụng lúc cán bộ loay hoay nhận tiền của những phu khác, chị gánh hàng lách qua cửa khẩu và chạy thẳng một mạch. Với chị, dư được hai mươi ngàn đồng là cả một khoản tiền lớn, chị có thể mua được nửa ký lô thịt gà Trung Quốc để đãi cả nhà.
Theo chị, hàng hóa từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam chủ yếu là trái cây, rau củ quả và thịt gà. Trung bình mỗi ngày có từ hai mươi tấn đến bốn mươi tấn được chuyển sang Việt Nam tại cửa khẩu Tân Thanh, trong đó số hàng chuyển bằng quang gánh do những người phu vận chuyển ước chừng ba đến bốn tấn và được tiêu thụ trong tỉnh Lạng Sơn. Số còn lại vận chuyển bằng đường xe, đưa đi các tỉnh phía Nam.
Đó là mới nói về các loại hàng nhu yếu phẩm. Còn hàng điện tử và các loại hàng gia dụng thì số lượng nhiều vô kể, không thể ước tính được. Hiện nay, mặt hàng áo quần, thời trang không có nhãn mác nơi sản xuất được nhập sang Việt Nam khá nhiều. Theo chị, mẫu mã rất giống với một số bộ áo quần và hàng hóa dán nhãn mác sản xuất tại Việt Nam mà chị nhìn thấy những người khách du lịch Việt Nam đang mặc và sử dụng.
Có thể nói rằng hiện tại, hoạt động mua bán qua lại ở các cửa khẩu Lạng Sơn khá náo nhiệt. Mặt hàng Việt Nam chuyển sang Trung Quốc chủ yếu là thịt lợn và trái cây miền Nam, ngược lại, mặt hàng Trung Quốc chuyển về Việt Nam không gắn nhãn mác thì nhiều vô kể. Đó chỉ mới là đường chính ngạch. Còn đường tiểu ngạch chẻ rừng thì không kiểm soát được.
Cái lạnh và giá rét vẫn không kìm chân được những người già, phụ nữ đi khuân vác hàng hóa để kiếm sống. Họ chỉ cần biết kê vai vào gánh để kiếm vài chục ngàn đồng mỗi gánh hàng mà tồn tại qua ngày. Bởi cái bụng đói và sự nghèo khổ thôi thúc họ mạnh chân hơn bao giờ hết!
(nguồn : Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...