Ảnh minh họa |
Nghiên cứu này tiết lộ rằng tính trung thực của con người có xu hướng cao hơn ở những xã hội có tỷ lệ tham nhũng, trốn thuế, gian lận chính trị… thấp. Trong khi Áo, Hà Lan và Vương quốc Anh là những quốc gia xếp hạng cao về tính trung thực trong nghiên cứu này, thì Tanzania và Ma-rốc – những quốc gia có chất lượng các cơ quan thuộc Chính phủ được đánh giá là “thấp” – ghi điểm rất thấp về tính trung thực.
Ông Simon Gachter và các đồng nghiệp của ông ở ĐH Nottingham đã đưa ra một khái niệm gọi là chỉ số “mức độ vi phạm quy định” (PRV) để chấm điểm 159 quốc gia.
Họ sử dụng các dữ liệu có sẵn từ năm 2003 về gian lận chính trị, trốn thuế và tham nhũng. Sau đó, họ tiến hành một thử nghiệm tung xúc xắc với 2.586 thanh niên khoảng 22 tuổi từ 23 quốc gia đại diện, trong đó có Việt Nam, Ma-rốc, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italy và Cộng hòa Séc.
Mỗi người tham gia được yêu cầu tung xúc xắc ở một chỗ bí mật, sau đó báo lại kết quả.
Trong thử nghiệm này, ai tung được xúc xắc số cao sẽ được nhận số tiền càng cao, và người tham gia báo cáo có thể dễ dàng báo lại một kết quả giả để nhận số tiền cao hơn.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra “mối liên kết mạnh mẽ” giữa mức độ vi phạm quy định với tính trung thực của mỗi người.
Điều này có nghĩa là những người sống ở những quốc gia có tỷ lệ vi phạm thấp ít nói dối về kết quả xúc xắc hơn những người sống ở những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao. Vương quốc Anh là quốc gia có công dân trung thực nhất trong số các quốc gia tham gia nghiên cứu này. Tiếp sau đó là Thụy Điển, Đức, Lithuania và Italy. Những quốc gia xếp cuối bảng gồm có Tanzania, Ma-rốc, Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, rất ít người trung thực hoàn toàn hay nói dối một cách trắng trợn kết quả xúc xắc.
Ông Gachter nhận định: “Ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao, người ta cũng trung thực một cách đáng ngạc nhiên khi chỉ có một số ít người nói dối một cách trắng trợn về kết quả”.
“Hành vi này phù hợp với các lý thuyết tâm lý về tính trung thực, rằng mọi người quan tâm tới tính trung thực nhưng đôi khi bóp méo sự thật một chút theo cách vẫn duy trì một hình ảnh trung thực của bản thân nhưng vẫn có thể kiếm lợi về mặt vật chất”.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature khẳng định: “Kết quả phù hợp với các lý thuyết về sự đồng tiến hóa văn hóa của các tổ chức và phù hợp với lý thuyết về các giá trị. Nó cũng cho thấy các tổ chức và di sản văn hóa yếu kém không chỉ trực tiếp gây ra những hậu quả kinh tế bất lợi, mà còn có thể làm giảm tính trung thực nội tại của mỗi cá nhân – một yếu tố rất quan trọng cho sự hoạt động trơn tru của một xã hội”.
- Nguyễn Thảo(Theo Dailymail, Nature)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét