Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

TIẾNG GỌI MÌNH ƠI



   
         Trong ngôn ngữ Việt nam, chữ “Mình” là tiếng xưng hô thân tình nhất giữa đôi chồng vợ, giữa bạn bè thân thiết, nghe nó êm dịu làm sao!  Nhưng cách dùng đôi khi cũng gây cho người nghe khó hiểu không biết đâu mà ngờ nếu họ chưa từng nghe hay chưa quen. Nó có tánh đặc trưng của từng vùng miền, từng thời điểm, nếu chịu khó thì mới thấy nó phong phú dễ thương, mà không một ngôn ngữ nào trên thế giới có được. Nhiều người ngoại quốc rất rành tiếng Việt, đã từng thông dịch cho nhiều cơ quan văn hóa, ngoại giao khi gặp trường hợp này, không khéo dich sẽ sai lệch, mất hết ý nghĩa.

         Trong dịp dự tiệc nhà người bạn, tôi đã nghe một đôi vợ chồng già gọi nhau cứ một tiếng “mình”, hai tiếng cũng “mình”, nghe rất cảm động, khiến tôi nhớ lại 2 câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng:

“Mình ơi! Tôi gọi là nhà,
 Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi”

         Nhà tôi! Tôi không biết là House và Home có nghĩa “Nhà tôi” khác nghĩa ra sao, chỉ thấy quảng cáo cho thuê nhà toàn ghi House for rent, chưa thấy Home for rent bao giờ.
        Ngôn ngữ khác nhau nhưng đôi khi ý nghĩa lại trùng hợp, nghĩ cũng đúng Cho thuê nhà, chẳng ai chịu cho thuê Nhà tôi (Home) mà không có Nhà tôi thì biến thành House mất rồi. Đi về nhà có lẽ là: Let’s go house còn Về nhà thôi thì chắc mới là Let‘s go home!

Nhà của tôi lâu rồi đã là House……, đôi khi có đôi khi sau khi lai rai chén rượu giang hồ phiêu lãng ước gì lại được nói câu “Về nhà thôi”: Let’s go home, …ước gì….

        Hồ Nguyễn đã tìm nghĩa trong từ Tự Điển Anh ngữ, House là ngôi nhà người ta xây để ở, có vẻ như một cơ sở vật chất vô tri giác. Còn Home là nơi cả gia đình đã sống, bao gồm ngôi nhà và tất cả người thân trong đó, kể cả những đồ đạc, tình cảm, kỷ niệm yên lành ghi đậm trong đời sống của mình. Mình có thể có một căn House mà chưa chắc đó là cái Home của mình. (“A house is simply a building in which you reside. Any structure used for residence is a house, but a home is something altogether different. A home is described as not only a place where you reside, but also a place where you are comfortable, feel safe, and really feel at home in. You can live in a house and it is not really a home, and you can live in a home without it really being”) (HN).

         Hãy đọc bài thơ hài mộc mạc mà nghe nhè nhẹ dễ thương sau đây:

Đêm khuya nghe gọi: Mình ơi!
Dậy em nhờ tí, Mình ơi, Mình à!....
Giật mình như thể gặp ma,
Mồ hôi nó toát như là tắm mưa.
Bài thì mới trả buổi trưa,
Giờ mà trả nữa te tua tuổi già…
Nằm im mắt nhắm cho qua,
Bên tai thỏ thẻ “Mình à, Mình ơi!”
Còn bao năm nữa trên đời,
Vui xuân kẻo hết Mình ơi, Mình à!
Người ta bảo lúc về già,
Dẻo dai hơn trẻ Mình à, Mình ơi!
Con lớn chúng đã xa rời.
Nhà thì vắng lạnh Mình ơi, Mình à!
Sao không bắt chước người ta,
Cờ người quyết đấu Mình à, Mình ơi!
Bàn son có sẵn đang phơi,
Quân ngà mau dậy Mình ơi, Mình à!
Ráng cho vui cửa vui nhà,
Em thương Mình lắm Mình à, Mình ơi! (Ôi! Dễ thương làm sao!)

Và một bài thơ “Mình ơi, Mình à” khác mà âm điệu cũng thâm tình, keo sơn gắn bó:

Mình Ơi … Mình À

«Mình với ta tuy hai mà một,

Ta với mình tuy một mà hai».

Nhưng mình có tật nói dai,

Nên chi ta cứ cãi hoài không thôi.

Ta mình «hai đứa» một đôi,

Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một người.

Làm lành «hai đứa» lại cười,

Xáp vào lại hoá hai người một đôi.

Ngọt ngào cất tiếng «Mình ơi!»,

Trên đời đẹp nhất là tôi với mình.

Đôi khi có chuyện bất bình,

Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau.

Nhưng mà giận chẳng được lâu,

Giận nhau hôm trước hôm sau lại hòa.

Nhìn mình tôi bật cười xòa,

Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi.

Chúng mình như đũa có đôi,

Có đôi để gọi «mình ơi, mình à!»

Bây giờ như cặp khỉ già,

Nhưng mà vẫn cứ «mình à, mình ơi!»

Khi nào thấy vắng bóng tôi,

Thì mình lại gọi: Mình ơi! Mình à!

Khi nào tôi thấy vắng bà,

Thì tôi lại gọi: Mình à! Mình ơi!

Gọi nhau cho trọn cuộc đời ... Tú Lắc

         Đó là cách xưng hô vợ chồng của người Việt, thường thì ở tuổi chững chạc:

         Còn thời nay vợ chồng bọn trẻ xưng hô với nhau "Anh anh, em em" âu yếm thân thiết biết bao! Dẫu chồng ít hơn dăm ba tuổi vẫn là anh. Những cặp vợ chồng đã có con cái nếu không gọi nhau bằng “anh” bằng “em” thì cũng gọi nhau bằng “bố’ hoặc “mẹ”, “bố” và mẹ là gọi thay cho con, cũng như khi về già gọi là “ông” hoặc “bà” để gọi thay cho cháu.

                       “Mình đi em ở lại nhà,

                        Quanh năm suốt tháng có cà với tương”.

         Lùi lại bốn mươi năm trước, những gia đình ít nhiều được Âu hoá, vợ chồng gọi nhau bằng "mình" cũng thể hiện được tình cảm đậm đà, gọi nhau bằng "cậu, mợ" cũng thanh nhã, nhưng những từ đó còn xa lạ với nông thôn.

         Một số cặp vợ chồng tân tiến muốn gọi nhưng vẫn còn ngượng ngùng với hàng xóm, chỉ thầm kín tỏ tình với nhau trong buồng, thỏ thẻ chỉ đủ hai người nghe với nhau trong lúc âu yếm. Cách gọi nhau bằng tên "trống không" cũng là một bước cải tiến lớn, chứ các cụ ngày xưa, thời trẻ ở miền Bắc chỉ gọi nhau bằng "bố thằng cu", "u nó", "mẹ hĩm"... Người mới lấy nhau chưa có con, chồng chẳng có chức vị gì thì gọi ra làm sao? Bí quá, có cô mới về làm dâu, muốn gọi chồng đang chơi bên nhà hàng xóm về, chẳng biết xưng hô ra sao bèn ra ngõ gọi thật to "Ai ơi! Về nhà ăn cơm". Từ "ai" ở đây không phải là đại từ nghi vấn, hay đại từ phiếm chỉ mà có nghĩa là "chồng tôi ơi".
        Còn khi nói chuyện với người khác thì giới thiệu vợ mình hay chồng mình là "nhà tôi". Từ "nhà  tôi" thật là đậm đà gắn bó, "mình" và "tôi" tuy hai nhưng một. "Nhà tôi" tức là "chồng tôi" hay "vợ tôi" chứ không thể nói "vợ anh", "chồng nó" là "nhà anh nhà nó". Lúc nầy thì chữ Home mới thật là ý nghĩa thân thương làm sao! (Theo
Bảo Bảo)

        Vợ chồng nói chuyện với nhau thường hay nói trống không "Này! Ra tôi bảo!" hoặc "nào ai bảo mình"... Hay “Mình ơi! Coi chừng cái nồi canh, đừng để nó tràn đó!”Rồi văng vẳng giọng trả lời: “Nghe rồi! Để đó mình lo”. Chữ “Mình” đã trao qua đổi lại thật thấm đượm nghĩa mặn nồng, tình yêu thương vô bờ.
         Thế đấy! Ngôn ngữ Việt có nhiều cái hay và “phức tạp” lắm!

         Trên một bài viết mới đây, BS.Đỗ hồng Ngọc có ghi nhận như sau:

         “Tôi có việc phải đến liên hệ ở một Công ty. Cô tiếp tân trẻ, chừng ngoài hai mươi, khá xinh, ân cần cúi chào. Tôi nói tôi có hẹn với cô T. sáng nay. Cô tiếp viên liền nhắc điện thoại lên để gọi cho cô T và đột ngột quay qua hỏi tôi: “Mình tên gì ạ?”.
         Tôi chưng hửng. Trời! Lâu lắm rồi chưa được ai gọi mình là… mình cả! Bây giờ bỗng dưng được gọi là “Mình”. Sướng ghê nơi! Mà cô tiếp tân nhỏ hơn mình nửa thế kỷ. Sực nhớ Nguyễn Công Trứ đã từng sượng sùng: “Ngũ thập niên tiền…”.
         Nghĩ lại cũng may. Nếu lúc đó mà mình lơ đễnh ngó đi đâu đó, dám cô kêu: “Mình ơi, mình tên gì ạ?” thì càng nguy! Nguy, bởi vì chữ “mình” tiếng Việt mình phức tạp lắm!
        Bùi Giáng: “Mình ơi tôi gọi là nhà,

                             Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi…”.

        Lại nhớ xưa Cô Diệu Huyền có mục “Minh ơi!” trên Bán nguyệt san Phổ Thông. Cái ông Nguyễn Vỹ giỏi thiệt. Người ta có thể quên nhiều thứ trên Phổ Thông của ông chớ khó mà quên “Mình ơi…!” của Cô Diệu Huyền do chính ông sắm vai!
        Trên TV (truyền hình) ở Việt Nam ngày nay cách gọi “mình” để chỉ đối tượng (khách mời) khá là phổ biến. Cô MC hỏi khách mời: “Nhà mình có mấy người con ạ? Nhà mình có ai mắc bệnh này không ạ? Nhà mình ở có xa đây không? Hóa ra “nhà mình” không phải là nhà mình mà là nhà người ta!  Thậm chí vào quán café, lúc tính tiền, cô thâu ngân nói “Của mình bốn chục ngàn ạ!”.
       Vậy, khi đó thì “Mình” không phải là mình mà là người đối diện, là đối tượng, ngôi thứ hai trong xưng hô. Bấy giờ ngôi thứ hai đã trở thành ngôi thứ nhất. Thú vị quá!

        Mình với ta tuy hai mà một,

        Ta với mình tuy một mà hai.

        Hình như cách xưng hô này để bày tỏ tình thân ái? 

        Có điều một cô gái trẻ đẹp, nhỏ hơn mình nửa thế kỷ mà hỏi “Mình tên gì ạ?” thì ngẩn ngơ cũng phải! Tiếng Việt phong phú lắm. Vợ chồng thường gọi nhau là “mình”. Mình lấy giùm anh cái cặp…  Mình đưa cho em cây dù. Nhưng khi có ai hỏi: Chị nhà có khỏe không? Thì trả lời “Nhà tôi” cũng khỏe. Anh nhà có khỏe không? Nhà tôi cũng ổn. “Nhà tôi” là vợ hay chồng mình.  Bởi vậy cho nên nhà thơ Bùi Giáng mới viết:

        Mình ơi tôi gọi là nhà,

        Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi…! 

        Như vậy, ngày nay “Mình” đã thay cho chú bác ông bà anh chị cô dì … ! Từ lúc nào vậy nhỉ? Từ lúc nào mà người người sống với nhau thân thiết thương yêu đậm đà đến vậy? Xưng hô trong tiếng Việt không phải là “chuyện nhỏ”. Cho nên ca dao thời đại có câu:  

        “Xin đừng gọi chú bằng anh,

          Để cho chú phải hy sanh cuộc đời!”.

         Tự điển tiếng Việt ở Việt Nam có định nghĩa chữ Mình như sau:  

1). Từ dùng để tự xưng hoặc để chỉ bản thân cùng với người đối thoại một cách thân mật, có tính chất bạn bè. “Cậu giúp mình một tay”. Hay “Với họ, mình phải cẩn trọng đó”. Lúc nầy thì cả nhóm đã chung nhau rồi.

2). Từ vợ chồng hoặc người yêu gọi nhau một cách âu yếm: “Mình mong em lắm phải không?” (trg 658).

         Tự điển nầy cũng có ghi thêm “Mình là từ dùng để gọi nhau một cách thân mật giữa bạn bè trẻ tuổi”.

         Thí dụ: “Mình đi trước đi, tớ còn bận!”.

         Vậy điều kiện ở đây phải là giữa bạn bè thân mật, và trẻ tuổi, chớ không dùng để xưng hô giữa hai người xa lạ hay giữa một người trẻ với một người già. Ngay cả trường hợp trên, nếu nói: “Bạn đi trước, tớ còn bận” hoặc “Bạn đi trước, mình còn bận” có lẽ hay hơn chăng? Không biết các nhà ngôn ngữ học bảo sao nhỉ? 

(Theo BS.Đỗ hồng Ngọc - Saigon, 12.2015)

        Có một bài thơ thật đễ thương:

Lúc chúng mình yêu nhau,
Em dùng tiếng: Anh ơi!
Khi ta cưới nhau rồi,
Em gọi: Mình, khe khẽ.

Đầy nhà vang tiếng trẻ,
Chúng bi bô nói cười,
Ta thành Bố thành Mẹ.
Trong vòng tay con người.

Đời cứ trôi cứ trôi,
Giờ con đi các ngả.
Em kêu anh: Ông xã..
Trước bạn bè người thân.

Hoàng hôn đã đến gần,
Tóc chúng mình thay đổi.
Em vẫn gọi tiếng mình,
Khi hai người chung gối.

Mỗi buổi chiều ngồi đợi,
Mây trắng trên đầu trôi.
Tay vuốt làn tóc rối,
Anh nhìn em mỉm cười.

Em thương về xa xôi,
Nhớ ngày ta mới gặp.
Bao năm rồi vun đắp,
Tiếng gọi: Mình! Mình ơi!!

Mình ơi!

(Tác giả: LƯU THÀNH)

       Đôi khi chữ Mình đã nhập thành một trong xưng hô giữa chồng vợ chung nhau, không còn phân biệt. Thật là quyện quit nhau lại rồi.

Mình ơi! Tiếng gọi nhà tôi,
Lời yêu mộc mạc từ thời cổ sơ.
Địa đàng qua một giấc mơ,
Chúa đưa mình đến kết tơ duyên đầu.
Mối tơ duyên thật nhiệm mầu,
Khu vườn hiển hiện một bầu trời thơ.
Xa mình mình thấy bơ vơ,
Vắng nhà tôi – lại ngẫn ngơ trông tìm.
Bên mình mình thấy dịu êm,
Xa mìnhmình thấy bóng đêm thêm dài.
Nhớ mong, hờn giận chia hai,
Bởi hai trong một nối dài sợi thương.
Tiếng yêu xưa thật bình thường,
Mà sao sâu lắng keo sơn nghĩa tình?
Nhà tôi - mình hởi ơi mình!
Tiếng mình yêu đó kết tình lứa đôi.
Trăm năm tóc bạc da mồi,
Trong ân nghĩa thánh mình tôi hiệp hòa.
Bởi mình là nửa của ta,
Còn ta hơn một phần ba nơi mình….

Thương dùm con chữ... mình ơi!

Tác giả: (Nghinh Nguyên)

Bài thơ “Mình ơi!”
(họa bài “Cố nhân ơi của Dấu Chân Hoang”)

Em và tôi gói chữ mình ơi,
Độn gối yêu thương dưỡng mộng đời.
Giặm nẻo thời gian màu phượng thắm,
Ươm bờ kỷ niệm sắc đào tươi.
Ngày Đông phố dạo không lười xoắn,
Tháng Hạ trời nhăn chẳng biếng cười.
Nguyệt Lão thân chinh tròn mối buộc,
Câu nguyền lối ước thuở nào vơi.

27/12/2012 (Nguyên Thoại)

         Hồ Nguyễn đã họa lại bài thơ trên như sau:

Chiều lên một bóng nhớ ..mình ơi,

Một bóng cô đơn tủi phận đời.

Mình bốn phương trời thân ủ dột,

Em phòng một góc phận nào tươi.

                                                Hè sang nóng bức mình không sốt,

                                                Đông đến rét căm gió gọi cười.

                                                Hai đứa rẽ chia năm tháng chạnh,

                                                Mình ơi! Rán đợi sẽ dần vơi! (Hồ Nguyễn-2016)

         Đến đây, thì Mình thấy ngôn ngữ nước Việt mình sao nó phong phú, dễ thương, đa dạng và đầy nghĩa tình làm sao. Nếu ai ngồi mà nghe bọn mình nói chuyện nhau thật là xúc động. Mình mong sao tình thương mình với nhau mãi đậm đà, cho cuộc sống được ấm êm, hạnh phúc, xóa đi những hờn giận ghét ganh của cuộc thế.

                                                Tình nghĩa anh em của chúng mình,

                                                Mình nên giữ mãi mối tình xinh.

Trên trời đôi áng mây vây quấn,

Dưới đất ta luôn quyện thắm tình.

Mình nhớ mình thương mình chỉ một,

Mình xa mình vắng dạ gìn xinh.

Thắm tình thắm nghĩa tuy cay đắng,

Tình mãi dây se cột chúng mình.

Mình!! (Hồ Nguyễn-2016)

        Hồ Xưa sưu tầm nhiều nguồn viết lại________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Quẳng gánh lo đi” đâu quá khó? - Vi Lê

Quẳng gánh lo đi mà vui sống,” vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần thực ra không hẳn là chuyện “nói nghe thì dễ, làm được mới khó.” Chỉ cần c...