Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ: Người San Diego Kẻ Tijuana – Một Ngày Gặp Nhau Tại Vườn Tình Bạn



Thứ Hai 04/04/2016


 
    Suốt đường biên giới dài hơn 3 ngàn 500 cây số, ngăn cách hai nước Hoa kỳ - Mễ Tây cơ, chỉ có một khoảng ngắn, không hơn 15 thước, là nơi mà những gia đình người dân Mễ, bên này và bên kia, được cho phép một cách bất thành văn, chạm tay nhau, qua dãy hàng rào sắt cao sừng sững.

    Ở đây, nơi biển Thái Bình dương xuôi nhẹ vào nối dảy bờ cát dài lặng sóng, nơi bên này là San Diego của Mỹ , bên kia là Tijuana của Mễ Tây Cơ và cũng là nơi mà nhân viên Quan Thuế Và Bảo Vệ Biên Giới Hoa kỳ, làm ngơ, cho phép các gia đình người Mễ bị chia cách vì luật lệ di trú được gặp gỡ nhau, dưới cái nắng nung người giữa một vùng đất hẹp hoang, không người ở. Đám cảnh sát canh phòng biên giới Mỹ, lạnh lùng đứng nhìn, từ xa, phía bên kia hàng rào, đám người Mễ, già trẻ bé lớn quây quầng ngóng ngóng chờ chờ, trên khoảng đất không có một bóng cây, ngó về phía đất Mỹ trong màn bụi vàng màu nắng đục. Trong số những người này có anh Jonathan Magdaleno, 25 tuổi, đứng trên phần đất Mỹ hôm thứ bảy vừa qua, giờ cũng cố chạm lòng tay trên khoảng trống hình chữ nhật nhỏ nhoi của bức tường rào dày đặc như tấm màn lưới sắt vĩ đại. Ở bên kia, trên phần đất Mễ, vài người bạn, bà mẹ và hai người chị gái của Jonathan cũng cố tựa sát vào rào, để từng khuôn mặt thân quen chạm vào nghe có chút hơi ấm. Jonathan cho biết, anh thật sự cảm thấy mình may mắn, vì có rất nhiều người khác, không biết được chỗ này. Jonathan vào đất Mỹ năm vừa được 13 tuổi, sau bốn ngày năm đêm đi bộ ròng rã xuyên qua sa mạc vùng Arizona cùng với cha và hai người em trai, tất cả đều quay trở về Mễ, anh ở lại một mình từ ngày đó ở San Diego, nơi anh đang theo học nghề Y tá.
    Gia đình Jonathan mới từ Mexico City dời về sống ở Tijuana để có dịp gần gũi với anh hơn, sau khi biết ra, tại biên giới có một khoảng mà họ có thể gặp nhau hàng tuần. Khi được hỏi, gia đình này nghĩ gì về lời phát biểu của một ông đang dẩn đầu trong cuộc tranh cử ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ, anh nhanh nhẹn trả lời, anh không nghĩ là ông biết được sự nguy hại mà nó sẽ gây ra khi bảo sẽ xây lên dãy tường cao làm đường biên giới. Chừng hàng chục gia đình khác, có hoàn cảnh giống như Jonathan cũng đến chỗ khoảng rào này hàng tuần, và từ đó, nơi này tự nhiên được có tên gọi là “vườn tình bạn”, rồi cũng có nhiều người khác, ở xa hơn, đến thăm và nhìn cái hàng rào sắt đặc biệt mà trong đời chưa có lần nào đến, họ đến để tìm gặp lại người thân mà họ đã không nhìn thấy nhau trong cả chục năm trời, có khi cả hàng mấy thập niên. Những người thân bị bệnh chờ chết hay quá già quá yếu được đưa đến “vườn tình bạn”, ngồi trên xe lăn xe đẩy, để còn có dịp từ giã người bên kia biên giới Mỹ, mỗi cuối tuần đều có vài gia đình đem con cái đến ra mắt bà con, cô chú lần đầu tiên.
    Maria Cruz, 39 tuổi, cuộn mình trong chiếc mền mỏng, tay quẹt nước mắt, tay luồng qua khoảng ô trống của tấm lưới hàng rào sắt, nắm lấy tay mẹ mình, người cô đã không thấy mặt trong 13 năm qua, cũng đang cố giương tay ra từ phía bên này đất Mễ, và lố nhố mấy đứa cháu gái cháu trai mà Cruz chưa hề gặp, khóc sướt mướt. Cruz hiện sinh sống ở Sacramento, nơi cô làm nhân viên lau chùi cho văn phòng, lái xe hơn 10 tiếng đồng hồ từ California xuống cùng với cô con gái 20 tuổi tên Fatima, gia đình bên Mễ thì, đi xe đò cả ngày đường, từ La Barca, phía nam tỉnh Jalisco. Cruz mĩm cười khi cho rằng, với cô kinh nghiệm này là một kinh nghiệm “amargo y dulce” có nghĩa là “ngọt mà đắng”, tiếng mà những người thường đến “vườn tình bạn” này dùng để diển tả nơi đã ân thưởng cho họ, một dịp may sum họp nhưng cũng gây cho họ buồn, nhớ đến một sự chia cách không nối được nhịp cầu. Đối với trẻ con, câu hỏi ngây thơ tội tình cũng làm cho người lớn hai bên một nổi buồn khó tả, một trong mấy đứa cháu trai của Cruz, khi đến gần hàng rào, bị cản lại, nó thắc mắc hỏi ngay “tại sao mình không đi qua được”, tại sao mình không ôm nhau mừng rỡ được?”, Cruz bùi ngùi bảo nhỏ “mình không thể làm vậy vì luật lệ không cho phép”.
    Phần đoạn đường biên giới thiên nhiên giữa Hoa kỳ và Mễ Tây Cơ, vốn đã làm cho không thể nào băng qua được vì bởi núi cao và sông rộng, mà còn là nơi bị theo dỏi nghiêm nhặt nhất trên thế giới, máy thu cảm nhận di động, ra- đa, máy bay điều khiển bằng vô tuyến, máy chụp hình viễn ảnh, và một binh đoàn nhân viên canh phòng biên giới đã được dùng để ngăn chận bất cứ một sự vượt biên bất hợp phát nào xảy ra và phần lớn công việc này của người Mỹ đã thành công. Qua nhiều năm, sự có mặt không ai ngờ của cái gọi là “vườn tình bạn” hôm nay, lại khởi đầu từ ngày được khánh thành như một công viên của tiểu bang California bởi bà Pat Nixon, đệ nhất phu nhân Hoa kỳ lúc bấy giờ. Lúc đó, đường rào biên giới chỉ là dãy hàng rào bằng dây kẽm gai đơn giản nhưng với bà Pat Nixon, sao mà nó kinh khiếp quá, khi đến công viên năm 1971, bà ra lệnh cắt trống kẽm gai một khoảng, để bà có thể đi băng qua bên Mễ, tay bắt mặt mừng với đám đông người Mễ chào bà, nhưng sau đó, hàng rào biên giới ngày càng cao hơn, kiêng cố hơn và dầy đặc hơn, phản ảnh chính sách di trú chặt chẽ của Hoa Thịnh Đốn. Sau biến cố 11 tháng 9, chính phủ liên bang dành quyền kiểm soát “vườn tình bạn” của tiểu bang California.
    Khu vườn này được chính quyền loan báo là vùng xây cất năm 2008 và năm sau, một số gia đình đến đó, nhìn hai dãy tường rào sắt cao chót vót, cách nhau khoảng hơn 30 thước chia đôi bên biên giới, không khác gì một vùng bán quân sự hóa. Cho đến bốn năm trước đây, vì áp lực khá mạnh từ các nhà thờ địa phương và những nhóm hoạt động cho nhân quyền, cảnh sát biên phòng Mỹ đành cho phép người bên đất Mỹ, được đi ngang qua hàng rào thứ nhất, tới hàng rào thứ hai, ở đó, họ có thể, một lần nữa gặp gỡ thân nhân. Vườn tình bạn chỉ mở cửa từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa, trong hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, hầu hết những người đến đây, biết điều này là do truyền miệng với nhau. Cảnh sát biên phòng ở đây, được huấn luyện kỹ càng về việc đối xử cũng như ứng biến tình thế và phần lớn đều ôn hòa, lịch sự với mọi người, nhưng vẫn giữ quy tắc nghiêm nhặt của người thi hành công lực. Qua sự thương lượng trong cảm thông, của một người hoạt động xã hội địa phương, ông Enrique Morones, với cảnh sát Mỹ, một vài lần, họ đã mở hé tấm lưới sắt của cánh cổng nặng nề, cho trẻ con của các gia đình bị chia lìa, được chạy qua ôm mẹ mình trong giây lát.
    Cái cổng đã mở rộng theo kiểu này trong năm 2013 và 2015, mỗi lần như vậy kéo dài hơn hai phút cho mẹ con gặp nhau, nhân ngày lễ Thiếu Nhi, một ngày lễ của Mễ Tây Cơ vào tháng tư, theo tin báo chí được biết, việc này sẽ xảy ra lần nữa trong tháng tư năm nay. Năm ngoái, bà Lourdes Barraza, 43 tuổi, người ở Tijuana, Mễ, là  một trong số ít bà mẹ được may mắn ôm ấp hai dứa con trai, Giovani 13 và Alexis 11 đang sống bên Fresno, gần San Diego, Hoa kỳ, khi cánh cổng mở rộng, hai đứa con trai chạy ùa sang phía bà, quên chuyện sắp hàng theo thứ tự, sau các gia đình khác đứng trước, bà nhớ lại, xúc động quá, nhưng phải nén lòng, nói to bảo chúng nó trở lại chờ tới phiên mình, cảnh sát biên phòng cho biết, nếu không giữ đúng quy lệ thì họ sẽ đóng cổng lại ngay.
   
    Ba tiếng gọi “vườn tình bạn” xem ra đúng nghĩa của nó ở phía Tijuana của Mễ hơn là phía San Diego, Hoa kỳ, nơi mà người ta thấy giống như một nhà tù an ninh tối đa. Bên phần đất Mễ, bất cứ ai, bất cứ ngày giờ nào cũng đến chỗ này được, đến để nhìn từng cột sắt hàng rào, từng những lổ hở của màn lưới sắt, được sơn đủ màu sặc sở, cùng đủ loại hình vẻ sống động và cũng để nhìn về hướng đất nước Hoa kỳ phía bắc, mà ước mơ một cái gì đó trong bùi ngùi thầm lặng.
   

Thuyên Huy
Monday 04-04-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CANADA TỰ DO MUÔN NĂM

  MAKE CANADA FREE FOREVER CANADA TỰ DO MUÔN NĂM 𝗧𝗵𝘂̛  𝗻𝗴𝗼̉ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂̛̣𝘂 𝘁𝗵𝘂̉ 𝘁𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗖𝗵𝗿𝗲́𝘁𝗶𝗲𝗻 (Lời ngư...