Dân trí
Nhiều nước trong lưu vực sông Mê Kông đang “đua
nhau” chặn dòng để xây dựng các công trình thủy điện. Một khối lượng
nước lớn của sông Mê Kông đã bị giữ lại tại các đập thủy điện trên, tạo
thành “quả bom nước khổng lồ” đe dọa an ninh nguồn nước các quốc gia hạ
lưu, trong đó có ĐBSCL của Việt Nam.
Đập thủy điện Nuozhadu Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong. Ảnh: Corbis
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CEWAREC) - cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng trên dòng chính Mê Kông khoảng 15 bậc thang thủy điện. Hiện Trung Quốc đã xây được 6 nhà máy thủy điện lớn và cực lớn với dung tích chứa của các hồ điều tiết lên đến 23 tỷ m3. Ở phần hạ lưu vực (gồm phần lưu vực trong lãnh thổ của các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam), các nước như Lào, Lào - Thái Lan và Campuchia dự kiến xây dựng 12 công trình thủy điện lớn trên dòng chính, trong đó Lào 8, Thái Lan - Lào 2, Campuchia 2, với dung tích chứa để điều tiết khoảng 2,7 tỷ m3.
Tác động của phát triển thủy điện cần được nhìn nhận cả 2 khía cạnh tích cực và tiêu cực. Đối với hạ lưu các công trình thủy điện, tác động tích cực chủ yếu là điều hòa dòng chảy nếu là thủy điện hồ chứa điều tiết năm. Tuy nhiên, việc hồ chứa có điều hòa dòng chảy cho hạ lưu hay không, tùy thuộc rất nhiều vào chế độ vận hành của hồ chứa của các quốc gia.
Hiện nay, vì lợi ích kinh tế, phần lớn các hồ chứa thủy điện đã vận hành theo chế độ phát điện, lợi ích của các ngành dùng nước khác đã không được đáp ứng và như vậy tác động tích cực của các hồ thủy điện là rất hạn chế. Trong khi các tác động tiêu cực của phát triển thủy điện đối với hạ lưu có thể nhận thấy rõ rệt hơn.
Thay đổi dòng chảy ở hạ lưu
Trong điều kiện vận hành các hồ chứa tại các công trình đập thủy điện bình thường, lượng nước điều tiết xuống hạ lưu chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể so với dòng chảy tự nhiên. Dòng chảy mùa lũ sẽ giảm và nếu với điều kiện vận hành bình thường, dòng chảy kiệt hạ lưu sẽ được gia tăng. Tuy nhiên, việc điều tiết hoàn toàn tùy thuộc vào các quốc gia, các nhà đầu tư sở hữu các bậc thang thủy điện. Chế độ dòng chảy xuống hạ lưu sẽ có những thay đổi bất lợi như lưu lượng đỉnh lũ sẽ tăng khi các hồ chứa thượng lưu đã tích nước quá sớm. Đồng thời, lưu lượng mùa khô có thể bị giảm khi các hồ chứa thượng lưu vẫn tìm cách tích nước phục vụ cho phát điện trong thời gian này.
Đối với lưu vực Mê Kông điều này có thể thấy, trừ những năm lũ đặc biệt lớn, việc giảm lưu lượng lũ xuống hạ lưu tạo nên “lũ xấu” và ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích kinh tế do lũ mang lại đặc biệt đối với Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam. Việc giảm lưu lượng nước mùa khô do việc vận hành các bậc thang thủy điện nói trên vì nhiều lý do còn gây nên tác động tiêu cực lớn hơn cho hạ lưu như thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, tăng diện xâm nhập mặn. Kết hợp với những biến động bất lợi do biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực do biến đổi dòng chảy xuống hạ lưu sẽ gia tăng.
Hạn - mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL làm nhiều cánh đồng đất nứt toác, lúa chết khô (ảnh: Phạm Tâm)
Giảm lượng phù sa xuống hạ lưu châu thổ và ĐBSCL
Đây là một trong những tác động được nhiều nhà môi trường lo lắng. Hậu quả của việc suy giảm phù sa tạo nên nhiều tác động kinh tế, xã hội và môi trường hạ lưu: Suy giảm nguồn dinh dưỡng cho hệ thủy sản, đặc biệt các vùng hạ lưu đập dẫn đến suy giảm lượng cá hạ lưu, đây là một trong những sinh kế quan trọng của hàng triệu người sống ở hạ lưu vực Mê Kông.
Mất đi một lượng phân bón thiên nhiên to lớn đến châu thổ, ảnh hưởng đến nông nghiệp ở ĐBSCL; Đối với ĐBSCL việc bồi đắp các vùng ven biển sẽ giảm, có thể tăng quá trình biển tiến; Suy giảm phù sa, làm thay đổi động lực dòng chảy, tăng khả năng xói lở bờ, lòng sông ở các phần sông hạ lưu gây mất đất, bất ổn cho cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, kể cả phá hủy các công trình hạ tầng cơ sở lớn nằm ven bờ,...
Được biết, khoảng 50% lượng phù sa được hình thành ở phần thượng lưu lưu vực trên lãnh thổ Trung Quốc và dòng chính Mê Kông chảy qua Lào, Thái Lan, Campuchia. Việc Trung Quốc xây dựng các đập lớn trên sông Lan Thương với tổng dung tích các hồ lên đến 52 tỉ m3 kết hợp với thủy điện Luang Prabang và các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực đã tạo điều kiện giữ lại phần lớn lượng phù sa ở phần thượng nguồn. Do lượng phù sa bồi đắp vùng ven biển giảm đáng kể, vùng duyên hải sẽ bị sạt lở, kết hợp với những tác động do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, nước mặn sẽ càng ngày càng lấn sâu vào vào đất liền.
Nguyễn Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét