Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Đọc Trên Báo :Thủy điện An Khê-Ka Nak – “Công trình sai lầm thế kỷ”


“Công trình sai lầm thế kỷ” là tên gọi mà ông Huỳnh Thành – Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai ‘ưu ái’ đặt riêng cho Thủy điện An Khê-Ka Nak, khi công trình này từ ngày được đưa vào hoạt động đã hủy hoại môi trường, gây hạn hán và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân ở 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Trong khi mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thì mùa mưa, thủy điện xả lũ gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân sống dọc lưu vực sông Ba.
Trong suốt 11 năm, kể từ khi dự án Thủy điện An Khê- Ka Nak đi vào hoạt động đã gây biết bao phiền toái và hệ lụy. Đến mùa khô năm nay, dường như sự tác động khủng khiếp của nó đã lên đến đỉnh điểm.
Báo VOV đưa tin, ngày 1/4 vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, ông Huỳnh Thành – ĐBQH tỉnh Gia Lai đã gọi Thủy điện An Khê-Ka Nak là “Công trình sai lầm thế kỷ”.
“Việc xây dựng Thủy điện An Khê–Ka Nak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có. Trong khi chỉ cần công trình có tác động đến trăm nghìn người dân đã phải chú ý, chưa nói đến hàng triệu dân. Từ đó mà tôi nói đó là sai lầm. Từ sai lầm này đã dẫn đến phải chạy theo giải quyết hậu quả”, ông Huỳnh Thành chỉ rõ.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải báo cáo, giải trình vấn đề này.
Cũng thông tin trên báo VOV, vừa kết thúc chuyến giám sát sông Ba và báo cáo Chính phủ, ông Trần Việt Hùng – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, qua kiểm tra Thủy điện An Khê-Ka Nak cho thấy, toàn bộ dòng sông Ba đang chết dần. Đặc biệt, dân cư ở lưu vực và hạ lưu sông không có nước sinh hoạt và tưới tiêu. Đề nghị trong chừng mực nào đó, có thể dừng hoạt động của nhà máy thủy điện này để trả lại nước cho dòng sông Ba, trả lại sức sống cho người dân trong lưu vực sông này.
Truyền thông trong nước phản ánh, ngay từ khi lập dự án xây dựng trên dòng sông Ba, Thủy điện An Khê-Ka Nak đã bị nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân lên tiếng phản đối về sự bất hợp lý của công trình này – khi phần lớn lượng nước của sông Ba bị chuyển dòng về sông Côn (Bình Định), thay đổi dòng chảy vốn theo quy luật tự nhiên từ hàng ngàn năm nay.
Tuy vậy, công trình này vẫn được triển khai xây dựng bất chấp tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và đời sống của hàng triệu hộ dân vùng hạ du sông Ba. Sau khi chuyển dòng, sông Ba vùng hạ du đã bị biến thành “dòng sông chết”, nhiều khúc sông trở nên khô kiệt, trơ đáy. Hàng trăm ngàn ha cây trồng thiếu nước tưới vào mùa khô, còn vào mùa mưa lũ thì người dân sống trong sự nơm nớp lo sợ thủy điện xả lũ bất ngờ.
Hình ảnh Bức tử sông Ba số 2, công trình sai lầm thế kỷ
Khúc sông Ba trơ đáy tại huyện K’bang, Gia Lai. Người dân cũng khốn khổ vì thiếu nước. Nhiều người phải ra những bãi bồi giữa sông để moi cát, múc từng chai nước nhỏ về dùng. (Ảnh: vnexpress.net)

Dòng sông buồn…

Chưa dừng lại ở đó, “góp phần bức tử” dòng sông Ba hiện nay là các nhà máy đang hàng ngày xả thải ra sông nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện, xử lý.
Thông tin trên báo Gia Lai, nhà máy MDF, các nhà máy chế biến mì, mía đường hoạt động khi bước vào mùa thu hoạch đã xả nước thải ra sông Ba khiến con sông bị xâm hại nghiêm trọng, những khúc sông đen ngòm với mùi xú uế phát tán trong không khí kéo dài cả vài tháng trời bao trùm lên các vùng dân cư hai bên bờ sông đã làm cuộc sống của người dân thêm quẫn bách. Ngoài ra, mạch nước ngầm trong đô thị cũng bị ô nhiễm; đa phần người dân An Khê không còn sử dụng nước giếng hay nước cung cấp từ nhà máy lấy từ nguồn sông Ba để ăn uống mà thay vào đó là dùng nước lọc mua trên thị trường.
Dòng sông Ba khô cạn, ô nhiễm.
Dòng sông Ba khô cạn, ô nhiễm bởi các nhà máy xả thải. (Ảnh: baogialai.com.vn)
Ngày xưa nước sông Ba trong lành, chúng tôi còn gánh nước sông về ăn uống không cần lắng lọc. Cá sông Ba nhiều vô kể, có những loài như cá đá, cua đinh ở sông Ba trở thành đặc sản của địa phương. Nhiều làng chài từ đó hình thành, lớp ngư dân trên miền sơn cước này đã sống nhờ nguồn thủy sinh dồi dào của dòng sông mẹ. Nhưng tất cả nay đã đổi thay rồi…”, ông Lê Văn Tựu, tổ 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê – người dân chài bên cầu sông Ba đã tâm tình như thế với PV Báo Gia Lai.
Con sông hàng ngàn đời nay là nguồn sống, gắn liền với lịch sử văn hóa và có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của người dân Gia Lai và Phú Yên – dòng sông Ba một thời xanh mát, trù phú, ban phát sản lượng cá dồi dào bậc nhất núi rừng Tây Nguyên nay chỉ còn là một khúc sông buồn…

Người dân Gia Lai đang “oằn mình” trong đại nạn lịch sử

Tình trạng hạn hán hiện nay đang xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai. Mùa khô 2016, Tây Nguyên có thể đối mặt với hạn khốc liệt nhất trong vòng 60 năm qua.
Tại Gia Lai, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài, lượng mưa cả năm 2015 bị thiếu hụt 15-44% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông suối bị thiếu hụt nghiêm trọng; dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến tháng 2 chỉ còn khoảng 30-50% dung tích thiết kế, một số hồ đập thủy lợi nhỏ đã cạn kiệt nguồn nước.
công trình sai lầm thế kỷ
Nhiều sông, suối tại Gia Lai đã khô kiệt nguồn nước. (Ảnh: Đ.V./laodong.com.vn)
Đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Gia Lai đã công bố tình trạng hạn hán xảy ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016 trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro hạn cấp 1. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 10/3, tổng diện tích cây trồng bị hạn tại đây là 11.532 ha, ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015-2016 là gần 100 tỷ đồng.
tay nguyen han han
Cánh đồng lúa ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa chết khô vì thiếu nước. (Ảnh: Minh Nguyễn/baogialai.com.vn)
Người dân thôn 6 (xã Hà Tam) đi mót nước tại các hố đào bên suối về dùng. Ảnh: C.A
Người dân thôn 6, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ đi “mót nước” tại các hố đào bên suối về dùng. (Ảnh: baogialai.com.vn)
cong trinh sai lam the ky
Thiếu nước, hàng nghìn ha lúa trên các cánh đồng ở phía tây tỉnh Gia Lai cháy khô, giờ làm nguồn thức ăn cho trâu bò. (Ảnh: vnexpress.net)
Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến tháng 3, ở vụ Đông – Xuân năm 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất tại Tây Nguyên là 2.865 ha, trong đó Gia Lai 2.650 ha.

Bạch Liên tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...