Làm
mưa nhân tạo (cloud seeding) là công nghệ thay đổi thời tiết tại các khu
vực nhất định, nhằm tăng lượng mưa, giảm thiểu thiệt hại như hạn hán
hay mưa đá.
Nguyên lý làm mưa nhân tạo sử dụng bạc iốt. Ảnh: CBS News
|
El Nino và hạn hán đang ảnh hưởng tới nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
Hồi tháng 3, Thái Lan đã phải sử dụng máy bay của quân đội Hoàng gia để phun hóa chất vào mây làm mưa nhân tạo, theo eThailand.
Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, 88 tuổi, là người cổ vũ nhiệt tình cho
công nghệ này. Ông sở hữu bằng sáng chế quốc tế công nghệ làm mưa kiểu
Thái, phát triển từ năm 1969 và được người dân yêu quý gọi là "nhà tạo
mưa Hoàng gia".
Ngoài Thái Lan, bang California của Mỹ hôm 7/3 cũng làm mưa nhân tạo, khiến lượng mưa tăng thêm 15%. California
cũng đang phải đối mặt với đợt hạn hán kéo dài do El Nino. Họ sử dụng
phương pháp tĩnh bằng cách phun bạc i-ốt lên các đám mây.
Phòng Công trình Công cộng (DPW) thuộc chính quyền hạt Los Angeles,
bang California đã chi tới 500.000 USD thuê nhà thầu phun hóa chất tạo
mưa.
"Đây là một phương pháp cực kỳ khoa học", Kerjon Lee, trưởng phòng DPW
của Los Angeles cho biết, nhấn mạnh lượng nước mưa này cực kỳ an toàn,
không gây ô nhiễm nguồn nước, theo CBS.
"Làm mưa nhân tạo tuyệt đối an toàn", Lee nói. "Dựa trên nghiên cứu
khoa học 50 năm nay, ước tính, chúng ta sẽ có thêm khoảng 5,6 tỷ m3 nước
một năm".
Theo Hiệp hội khí tượng Mỹ, đây là công nghệ làm thay đổi thời tiết tại các khu vực nhất định làm tăng lượng mưa, giảm rủi ro do mưa đá đem lại, làm tan sương mù hay cứu hạn.
Thái Lan đang đối mặt với hạn hán nặng nề nhất trong 21 năm nay. Ảnh: eThailand
|
Hiện có 3 công nghệ làm mưa nhân tạo chính: tĩnh, động và hút ẩm, theo How Stuff Works.
Phương pháp tĩnh: phát tán các hóa chất như bạc i-ốt (AgI), Kali i-ốt
(KI) hay nước đá khô (tinh thể CO2) lên mây. Các phân tử này sẽ đóng vai
trò như một tâm ngưng tụ cho hơi ẩm trong mây, làm quá trình xả nước từ
mây hiệu quả hơn.
Phương pháp động: nhằm mục tiêu đẩy các luồng không khí hướng thẳng lên
trên, đẩy nhiều hơi nước vào mây hơn để biến thành mưa. Các tinh thể
băng hình thành theo cách này nhiều gấp 100 lần phương pháp tĩnh.
Tuy nhiên nó lại phức tạp hơn, yêu cầu 11 giai đoạn riêng biệt phải
hoàn thành tốt đồng thời, theo William R. Cotton, giáo sư về khoa học
khí quyển, Đại học bang Colorado, Mỹ. Chỉ cần một giai đoạn gặp vấn đề,
toàn bộ quá trình sẽ bị phá hỏng.
Phương pháp hút ẩm: Dùng pháo sáng hoặc thuốc nổ để phân tán muối vào
phần dưới các đám mây ấm. Các hạt muối ở kích thước 0,5 - 10 micromet sẽ
đóng vai trò tâm ngưng tụ, hút nước và lớn dần lên. Khi đạt tới kích
thước giọt nước sẽ rơi xuống tạo thành mưa. Theo Cotton, phương pháp này
rất hứa hẹn nhưng cũng đòi hỏi cần nghiên cứu thêm.
Nguyễn Thành Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét