Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Cái Bùa Hộ Mạng - Còn Nổi Đau Nào Hơn Cho Người



  Cái Bùa Hộ Mạng - Còn Nổi Đau Nào Hơn Cho Người

Dựa từ một chút sự thật, chuyện được viết bằng tưởng tượng, người viết tự dựng lại bối cảnh và nhân vật, xin thứ lỗi cho những sai sót và trùng hợp vô tình nếu có.

    Đoàn người di tản, từ Kontum Pleiku xuống từ mấy ngày đêm qua, không biết là bao nhiêu, phải nói là trùng trùng điệp điệp, cứ nối tiếp nhau, lặng lẽ đi, con đường lộ cũ, đầy bụi màu đỏ nhạt, rộng chỉ vừa một cái xe lính GMC chạy qua, chật cứng không còn khoảng trống, tay bồng tay bế, người trước kẻ sau, già trẻ bé lớn, quanh co, ngoằn ngoèo theo mặt đường, lúc cao lúc thấp, dài chắc cũng hơn cả năm mười cây số. Ở phía trước, không biết là đã đi tới đâu, mặt trời rựng lên, nắng cũng là cái nắng cao nguyên, giữa tháng ba, tờ mờ, chưa gì, đã hừng hực cao xuyên thấu sương rừng buổi sáng, pha chút bụi, xuống đất, cây cỏ dường như khô héo và gầy guộc, ướt đẩm, không thấy màu xanh, vẫn chưa đến mùa mưa.
    Mới đó mà, trời nóng gay gắt hơn, có tiếng đạn đại bác nổ dữ dội, từng chập một, khá lâu, không phải đụng trận đánh nhau, vì không nghe tiếng súng, từ phía trên xa miệt Phú Túc, đoàn người đứng khựng lại, đưa mắt nhìn nhau chờ rồi, không ai bảo ai dừng lại, khi ngang qua chợ Phú Thiện, phố xá không một bóng người, chỉ thấy đám quạ đen, lửng thửng bay lên bay xuống, lại qua, hàng quán đếm không bao nhiêu cái, cửa kính cửa hở, hàng chữ tên chợ, bên dưới hình lá cờ vàng ba sọc đỏ, vẻ bằng nước sơn đã cũ, lờ mờ, ẩn hiện, nhìn vào trong xa một chút, cái cổng sắt của đường vào chi khu quận, nằm nghiêng một bên lô cốt gát, chất đầy bao cát, sụp xuống một phần, hàng rào kẽm gai chung quanh còn nguyên, bên trong, lác đác chòi canh và mấy dãy nhà tôn tiền chế, cửa mở toang, không có người, trên đất, rãi rác, lưa thưa, vương vải năm ba đống quân phục, nón sắt, nhuộm một màu đất ướt sũng bụi. Người ta lố nhố đứng ngồi, ngơ ngác, đăm chiêu, rã rời, lo lắng chờ, vẫn không thấy ai nhúc nhích như những lần ở các đoạn đường trước, gần trưa, tin từ đám người phía trước truyền đi, quân cộng sản Bắc việt pháo tới tấp vào đoàn người, chỗ đường sắp tới quận Phú Túc, từ bên núi trên cao, vì trong đó, có mấy chục chiếc quân xa và quân lính của VNCH, đi trước, nghe nói nhiều người chết.
    Cũng như những lần trước, đoàn người lại tiếp tục, lầm lũi, lặng thinh, dắt díu nhau đi, trời đã lưng lửng trưa, đứng gió nhưng bụi mịt mù bụi, gần tới ngã rẽ vào chợ Phú Túc, họ không ngừng hẳn nhưng chậm lại rồi tản ra theo ven lề con đường, trước mặt, lố nhố năm sáu chục người ngồi  gục bên những xác chết, khóc lóc, kêu gào thảm thiết, trên một khoảng đường dài chừng trăm thước, trong kia, hơn phân nửa khu chợ sập nát, lửa vẫn còn âm ỉ cháy, đám người hơn cả trăm, tẻ ra, chạy ùa tới, nhìn quanh từng chỗ, xem ra muốn xem có người chết nào quen không, nhớ thằng bạn cùng khóa, nhận nhiệm sở cùng ngày, phó quận Phú Thiện, chắc cũng đã bỏ quận đi rồi, Duy len vào, đi từ từ quanh một vòng, ở một mé đường bên phía chợ, ngay cạnh bờ cái hố lớn, khá sâu, người đàn bà cúi người, quấn khăn màu hồng quân, bám đầy bụi đường, che kín đầu, mân mê hai bàn tay buông thòng trên ngực của cái xác chết đàn ông, nằm nửa trên nửa dưới miệng hố, lầm thầm nhưng không khóc mặc cho mấy người kế bên đó không xa, bù lu bù loa nước mắt. Duy bước lại gần, nhìn xuống cũng cùng lúc, người đàn bà quay lại, Duy giựt thót người, buộc miệng gọi “chị Đông”, chị níu lấy tay Duy run rẩy nghẹn ngào “ông Phó, ảnh chết rồi”, Duy ngồi xuống bên xác anh Đông, nước mắt ràng rụa, lắc đầu “trời ơi”.
    Ra trường, Duy lên Kontum, nhận chức vụ Phó quận trưởng quận Kontum, thay cho một người khóa đàn anh đổi về Ninh Thuận, mang tiếng là quận châu thành nhưng nằm cách tỉnh lỵ, trên một cái đồi thấp, độ chừng hai ba cây số, không có nhà cửa gì nhiều, trừ chi khu, đối diện phía bên kia con đường, xem ra đông đảo lính tráng ra vào, bên này ngày nào cũng như ngày nào, vắng vẫn vắng, dù ngoài đường vẫn có người có xe chạy qua chạy lại. Văn phòng quận có chừng hơn hai mươi nhân viên, nhiều chị hơn là anh, lớn tuổi hơn Duy nhiều, làm việc dưới quyền của bốn người trưởng ban, anh Đông, trường ban công vụ, trẻ nhất nhưng cũng đã gần 40, anh bị thương tay trái, cong đi một chút xíu, hỏi ra, là người Kontum, dân Phương Quý, đi lính, bị thương rồi, xin được vào làm thư ký cho tòa hành chánh tỉnh, sau đó xuống làm dưới quận chừng chục năm nay, hiền hậu vui tính, cởi mở, vợ anh, chị Diên, cũng người ở đây, có cái sạp nhỏ bán quần áo ngoài đầu chợ, hai vợ chồng không có con, nhà ở phía sau nhà thờ chánh tòa không mấy xa.  
   Mấy ngày đầu, đang chờ tỉnh lo xe, không như Hòa, thằng bạn cùng khóa, nhận quận Dak Tô, cái quận đã bị quân Bắc việt đánh chiếm trong chiến dịch “xuân hè năm 1972” của họ, chuyển về đèo Sao Mai, “ăn nhờ ở đậu”trên phần đất của quận châu thành, thế mà chân ước chân ráo, hôm trước hôm sau, hắn đã có được chiếc xe Ford Bronco, không mới nhưng còn ngon lành, anh Đông sáng nào cũng lái xe Honda qua biệt điện, ngay đầu cầu vào tình lỵ, bên giòng Dakbla, con sông nước chảy ngược, nơi mấy tên công chức độc thân từ miền xa về đây làm việc ở, cho Duy quá giang đi làm, buỗi trưa cũng vậy, tới giờ nghỉ anh đưa về lại chợ, tới nhà hàng Bạch Đằng ăn cơm, với mấy thằng bạn trưởng ty khác, anh cũng nhất định mời Duy về nhà ăn cơm chiều cho bằng được, nhiều lần quá, rồi cũng phải nhận lời vài hôm, sợ anh chị buồn, chị Diên nói với anh “thấy ông phó, xa nhà, còn nhỏ mà thương”. Chẳng những vậy, chị còn mua một nãi chuối lớn trái, no tròn, với mấy cây nhang thơm, mang tới để Duy cùng mấy người bạn khác, đem ra cúng ở một gốc cây lớn, bên bờ sông, ngay trước cửa biệt điện, để “ra mắt vong hồn linh thiêng khuất mặt, vì là người lạ mới tới, xin phù hộ được bình an may mắn”.
    Buổi sáng, chờ mấy anh lính bên chi chu chuẩn bị xe, súng ống, đưa Duy xuống tham dự buổi họp, chuẩn bị bầu cử “hội đồng xã” cho xã Dak Tram, một xã đa số là người thượng sắc tộc Ba Na, trung tá Lộc, quận trưởng qua phòng làm việc của Duy, sau khi dặn dò Duy đi đứng nhớ cẩn thận, rồi cười cười hỏi “ông làm sao mà văn phòng, từ trên xuống dưới,  lúc này làm việc siêng năng và hát hò vui vẻ quá vậy”, Duy chẳng nghỉ ra điều đó, thật tình hỏi lại ông “dạ có vậy sao trung tá”, ông lại cười “ông cứ kêu từng nhân viên một vào hỏi đi, họ nói cho tôi biết đó”. Ông đi ra không lâu, thì anh Đông khệ nệ cặp xách đựng giấy tờ bước vào, đứng chờ, nhưng xem ra chần chừ muốn nói gì đó, Duy đoán vậy, chưa kịp lên tiếng, anh tháo sợi dây chỉ nhiều màu thật đẹp, giống như sợi dây chuyền đeo cổ, có treo một túi vải lụa nhỏ khoảng ba lóng tay, màu xanh dương đậm, không dầy lắm, đường chỉ may rất khéo, chậm rãi, vừa nói vừa đưa cho Duy “đây là cái túi hay cứ gọi là bùa hộ mạng, tôi mang theo người, trên xứ rừng này, nhiều hiểm nguy, rũi ro khó đoán trước được, ông phó không quen nước quen cái, cho nên, tôi biếu ông, ông mang nó để phòng thân, tai qua nạn khỏi”, nghe anh Đông nói vậy, rồi chợt nhớ tới đọc mấy cuốn sách “Ai hát giữa rừng khuya hay Thần hỗ” của TCHYA, Duy ngờ ngợ, cầm lấy, cám ơn rồi đeo vào cổ, bỏ lòn vào trong áo thung màu xanh rêu của lính, anh Đông khoan khoái, bỏ ra, lên ngồi trên xe trước, vì hôm nay anh tháp tùng theo Duy, và anh Đông cũng biết chút ít tiếng Ba Na, nên đở được nhiều chuyện, Duy  dặn anh lính người Thượng, gát phòng làm việc, nhớ đóng cửa cẩn thận trước khi về, vì chiều này có lẽ anh sẽ về trễ, không ghé lại đây. Trên đường đi, Duy hỏi anh Đông, về lời trung tá Lộc nói khi nãy, thì được anh cho biết “ ông phó trước, cũng trạc tuổi anh, người Bắc, khó tánh và nghiêm nghị nguyên tắc, không khí quan quyền cho nên văn phòng làm việc lúc nào cũng im phăng phắc, ai nấy cũng ù lì ra, không hăng hái, làm cho xong việc thôi, theo kiểu hết giờ hết việc, nhưng từ hôm ông phó lên thay, ai hát ai ca cái gì cũng được, bàn này bàn kia, ồn ào cười nói, cảm thấy hứng thú hơn trước, nhất là mấy chị cứ, một ông phó hai cũng ông phó, chắc vì vậy mà trung tá mới hỏi ông phó”.
    Trước tết vài ngày, trên đường xuống xã Kon Dào, họp với xã để tìm chỗ làm địa điểm hồi cư cho một số dân chạy lánh nạn, về lại quận, trời mới quá xế trưa, cũng có năm ba người lính nghĩa quân quận đi theo như thường lệ, đám Duy bị phục kích tại một khoảng rẫy trồng mì rộng, rậm rạp không khác khu rừng, dọc đường lộ, cách ngã ba khỏi chợ xã khá xa, chắc là do quân du kích địa phương làm, vì họ bắn xối xả nhiều loạt súng trung liên nào đó, chát chúa, liên tục rồi ngưng ngay, hai chiếc xe không hề hấn gì, Duy không sao nhưng có anh nghĩa quân ngồi cuối xe, bị đạn trúng nhẹ ở cánh tay phải, không biết có phải là do cái bùa của anh Đông cho mà Duy đeo trong người linh ứng, sau lần thoát nạn đó, Duy cảm thấy an tâm và gìn giữ nó như là một báu vật, buổi sáng hôm sau, khi vào văn phòng, câu đầu tiên mà anh Đông hỏi Duy là “ông phó có đeo cái bùa theo không”.
    Trời Kontum bây giờ là mùa khô, sau Tết, như thường lệ, cuối tuần nào cũng vậy, cả đám bạn bè, trưởng ty, phó quận độc thân xa nhà như Duy, trưa thứ bảy, cơm nước xong, kéo nhau xuống Pleiku chơi cho đở buồn, vì ở dưới, ít nhất là bản doanh của quân đoàn 2, có này có nọ, chứ trên Kontum này, không biết vui chỗ nào, cái rạp chiếu bóng duy nhất, khi chiếu khi không, phim thì ai cũng biết rồi, xứ gió lạnh mưa mù này thì khỏi hỏi, phố xá đi lên đi xuống, không bao lâu thì trời đã tối xầm, đèn đường vàng vàng vỏ vỏ, buồn hơn ba tiếng “buồn muôn thuở”, xuống nhập bọn với đám ở Pleiku, ít ra cũng có Phượng Hoàng, tiếng nhạc xập xình, thương vay khóc mướn, có bài bạc, có khu Hoàng Diệu, đèn xanh đèn đỏ để mà chọn mà lựa, mặc cho đường phố mù mờ bụi đỏ. Còn ham vui, chủ nhật hôm sau, Duy với thằng bạn trưởng ty Nội an Kontum ở lại cho tới gần chiều mới chịu rời Pleiku, trong khi mấy người khác đã về trước từ giữa trưa. Trời vẫn còn nắng khi hai người ra khỏi thành phố, nhưng lại tối nhanh không ngờ, xe ngang qua khoảng đèo Chu Pao, ngọn đồi không còn trọc như những ngày hai bên quân VNCH và cộng sản Bắc việt quần thảo nhau, trong trận đánh họ định chiếm Kontum của năm 1972 nhưng bất thành, súng đại liên từ trên một hốc đá trên đồi, bắn xối xả như mưa xuống hướng xe Duy đang tới, thằng bạn trưởng ty cầm lái xe, nhấn ga phóng như điên, tối tăm mặt mủi, Duy cũng nhắm mắt cầu trời, cũng may, về tới văn phòng quận Dak Tô của Hòa, mới chịu ngừng, hai người hú hồn ngồi trên xe thở dốc, trời tối thật tối, Hòa cầm đèn pin cùng với thiếu tá Hiến, quận trưởng đi ra, nhìn nhau cười mà không nói gì hết.
    Gần giữa tháng ba, Ban Mê Thuộc mất, trung tá Lộc được gọi về bộ quốc phòng, không biết chuyện gì nhưng trước khi từ giã quận, ông căn dặn Duy “cẩn thận, lo giữ thân, vì ông thấy tình hình này không ổn lắm đâu, có gì thì cố về Pleiku càng nhanh càng tốt”, chưa có quận trưởng mới thay, nên mọi việc, do Duy và thiếu tá Chi khu phó lo liệu. Sau hôm trung tá Lộc đi chừng hai ba ngày, giữa đêm, quân Bắc Việt pháo và cho tràn một số quân tấn công vào tỉnh lỵ Kontum, pháo rớt trúng chợ, khu nhà thương phế binh, trên sông Dakbla, nhà ông phó tỉnh trưởng, bộ chỉ huy Cảnh sát, văn phòng cố vấn Mỹ, sát cạnh rào biệt điện, có người chết, may mắn, biệt điện chỗ Duy ở, lại không bị hề hấn gì, lính Biệt động quân cùng địa phương quân tỉnh, chống trả mãnh liệt, ngay trên đường phố, gần tới sáng, quân Bắc việt rút lui, bỏ lại một số xác chết. Sáng  hôm sau, anh chị Đông chạy xe Honda qua rất sớm, lửa cháy tại mấy chỗ bị đạn, từ khuya chưa tắt dù sương đêm ướt sũng và dày đặc, anh chị mừng muốn khóc khi thấy Duy được bình an.
    Dân chúng Kontum, nhất là ở tại tỉnh lỵ, rục rịch bỏ đi, lúc đầu ít, rồi hàng hàng lớp lớp, sau khi nghe tin quân VNCH bỏ chuyện tái chiếm Ban Mê Thuộc, cùng lúc đó, tin từ dưới Pleiku về, bộ tư lệnh quân đoàn 2 đã di tản về Nha Trang và dân ở dưới cũng ùn ùn rời Pleiku từ mấy ngày trước rồi. Buổi họp Phượng Hoàng thường lệ của chi khu và cảnh sát quận chấm dứt một cách tẻ nhạt, trên tấm bản đồ, chung quanh lảnh thổ tình Kontum toàn là các chấm đỏ, tức là đã bị quân Bắc việt chiếm, chỉ còn một hai chấm màu xanh, trong đó là địa phận tỉnh lỵ, thiếu tá chi khu phó cũng như thiếu tá Nghệ, bắt tay Duy, lắc đầu bảo “ông phó tính sao thì tính”, Duy gật đầu mà không biết phải nói gì. Về lại văn phòng quận, gần trưa rồi mà trời vẫn còn lành lạnh, ngoài đường lộ, dân từ miệt trên các xã Thượng, người xe nối đuôi nhau đi về hướng chợ tỉnh, qua cầu là con đường duy nhất xuôi Nam, về Pleiku, vì ngược lên trên thì Quảng Ngải Quảng Nam không còn nữa, Duy cho họp toàn thể anh chị em nhân viên và mấy anh lính nghĩa quân canh gát văn phòng, nói lại cho họ nghe tình hình hiện tại, ai nấy ngồi im thinh thít, ngỡ ngàng, lo lắng nhìn nhau, không ai hỏi câu gì, cuối cùng Duy lập lại câu nói của thiếu tá chi khu phó “mấy anh chị tính sao thì tính” trước khi cho về nghỉ sớm, chờ họ bỏ đi hết rồi, anh Đông đẩy xe Honda ra dựng sát bên chiếc xe jeep, chờ Duy, hai anh em lặng lẽ đứng nhìn cảnh vật chung quanh một hồi lâu, anh Đông bùi ngùi nói nhỏ “thôi, tốt hơn ông phó nên đi sớm đi, như vậy hay hơn, người ta đã bỏ đi hết rồi, chúc ông phó gặp nhiều may mắn, nhớ đeo cái bùa theo trong người ”, Duy buồn buồn hỏi lại còn anh chị thì sao, anh cười gượng “dù sao nhà cửa tụi này ở đây, nhưng rồi chắc cũng phải tính thôi, hẹn ngày gặp lại”, hai người một lần nữa nhìn nhau, mắt đỏ hoe, rấm rức khóc, ra tới ngoài đường, trên xe nhìn kính chiếu hậu, không thấy xe Honda của anh Đông theo sau, có lẽ anh lẩn khuất đâu đó trong đoàn người vai gồng tay xách bỏ Kontum đi, mà không biết sẽ đi được tới đâu.
    Xế trưa, nắng vẫn nóng, không ai hỏi và cũng không ai bảo, mấy gia đình có người thân chết, trong đó có chị Diên, kéo nhau đến miếng đất cát đỏ, khá rộng, lưa thưa vài ba cây cỗ thụ cao, nằm bên cạnh hông cái nhà thờ cũ, mái ngói đã bạc màu nâu, cửa đóng kín, bám đầy bụi, cây thánh giá bằng gỗ đen trên nóc gác chuông nhỏ ngã một bên, trước sau lạnh vắng, khỏi ngã ba vào chợ quận không mấy xa, Duy lẵng lặng theo sau, đám người bắt đầu dùng mấy khúc cây khô rụng, nhặt quanh đó, hì hục đào từng lổ một, sâu vừa đủ thân người, đoàn người di tản vẫn còn ở phía trước, giống như họ, Duy và chị Diên cũng đào xong một chỗ, đám người ngồi nghỉ tay, buồn xo nhìn xuống đất.
    Chị Diên lặng thinh, tay quẹt nước mắt, tức tưởi, sụt sùi khóc, quỳ ôm nấm mồ vừa mới đấp, Duy ngồi một bên, cũng ràn rụa, không có mộ bia, họ lấy điểm tựa từ vách nhà thờ tính ra, đếm khoảng bằng bước chân, để biết ai nằm chỗ nào mà nhớ, trời bắt đầu nhá nhem chiều, phía cuối đường, trên miệt Phú Bổn xuống, một đoàn người nữa, đông như kiến đang đi tới xa xa, vừa lúc đó, đoàn người phía trước, kẻ nằm người ngồi, gọi nhau đứng dậy đi tiếp, từ từ, những người có thân nhân chết cũng bỏ theo sau gần hết, Duy chần chừ nhìn nấm mồ rồi nói với chị Diên “thôi mình đi chị Diên”, như người mất hồn, vẫn ngồi yên ở đó, chị ngước lên nhìn Duy “cám ơn ông phó, thôi ông phó đi đi, kẻo trễ, không kịp người ta, tôi muốn ở nán lại với anh Đông chút nữa, rồi sẽ đi sau, chúc ông phó đi đường bình an”.
    Duy lẳng lặng cổi sợi dây chỉ, có cái bùa hộ mạng, đã mang trong người, từ ngày anh Đông cho, ra khỏi cổ, ngồi xuống, đưa cho chị Diên, Duy đã may mắn ba lần thoát nạn, ngần ấy cũng đủ cho số phận mình, giờ phải đến phần chị có nó, Duy cầm tay chị, ngèn nghẹn “chị giữ cái này, chị cần có nó, anh Đông chắc là đang còn ở bên cạnh chị, cầu xin hương hồn anh phù hộ cho chị bình an và có một ngày nào đó, chị em mình gặp lại”, bất chợt chị òa lên khóc, đoàn rừng người phía sau vừa lên tới, đông nghẹt trên đường, đi ngang qua, hờ hững nhìn, Duy thẩn thờ bỏ đi, mắt cay xé, xót xa lòng, từ một khoảng xa trong đoàn người lầm lũi, giữa màn đêm vừa chập chững xuống thấp, cố nhìn lại, lờ mờ, ở đó, chị Diên vẫn còn ngồi gục một mình giữa những nấm mồ mới không tên không tuổi, đâu đây có tiếng bầy quạ đen đi đêm, kêu nhau về rờn rợn, trên trời một màu xám xịch.

Thuyên Huy
Tháng tư tha hương 2016
   
   
   
   
   

   
   
   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...