Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Về Tây Ninh ngày 29/10/2016 - P.H

Sáng 29/10/2016,Phạm Hòa,Phụng Võ,Ngô Huệ  định lên TN thăm gia đình Đào Anh Dũng nhưng giờ chót Ngô Huê không khỏe nên chỉ có 2 người đi.Riêng Hằng thì đã về TN một tuần trước rồi.
7giờ sáng ,xe taxi  trực chỉ TN, thời tiết tốt,nắng sớm đẹp.Xe chạy nhanh qua Trảng Bàng,Gò Dầu,đến gần chùa Gò Kén,mấy ngày trước nghe nói hồ Dầu Tiếng xả nước nên hai bên quốc lộ ngập trắng ,bà con chèo ghe ,bắt cá ,câu cá rất đông.
Phụng Vỏ nhờ anh tài xế chụp mây tấm hình rất đẹp.
10 giờ 30 đến chỗ em Hằng,nghỉ ngơi,tham quan sân vườn của em rất đẹp.
Sau đó cả bọn  đến nhà Đào Anh Dũng.
Hiện tại  Dũng còn mẹ già 101 tuổi.Năm ngoái mẹ bị té nên bây giờ phải nằm một chỗ.Trí nhớ mẹ còn tốt khi Tô Hằng  nhắc mẹ mình là con bà bảy Kiên.Mẹ nói là còn nhớ và hôm nay gặp ở đây mẹ rất vui.,cứ nắm tay từng đứa
(Hằng kể ngày xưa lúc còn trẻ,mẹ Dũng,mẹ Hằng và mẹ Hùynh Ngân là 3 "người đẹp" chơi với nhau rất thân,giờ chỉ còn lại mẹ,mẹ Hằng,mẹ Hùynh Ngân đều khuất núi..
Dũng có hẹn trước nên 3 chị em Dương Yến,Kiên và Tiết cũng đến liền.Chị Yến là HS.THTN khóa đầu tiên 1955,riêng chị Kiên thời TH là HS.Gia Long ,Tiết cũng khóa 1956 với Hằng,Hòa,Phụng.
Mọi người chuyện trò rất vui,nhắc đến những Thầy Cô bạn bè ,người TN cũ...


Gia Đình Dũng mời cả nhóm ăn trưa,có món mít hầm Tây Ninh rất ngon miệng.
Sau đó cả nhóm sang nhà Tiết.Tiết cũng còn mẹ già 101 tuổi nhưng mẹ vẫn còn khỏe,có thể tự đi lại trong nhà.

Cũng định bụng là sẽ ghé vài nơi thăm bạn bè củ nên rời nhà Tiết,trả Tô Hằng về nhà Kim Lang rồi anh tài xếcho xe chạy vòng vòng nhưng không có Hằng,mình  và Phụng cũng không  biết đường.TN bây giờ mọi thứ đều rất khác nên thẳng tiến Saigon.
Qua Gia Bình cũng không nhớ nhà H.Hạnh nên đi luôn.
 4 giờ chiều về Củ Chi ,mưa bắt đầu nhè nhẹ nhưng đến địa phận Sai gòn thì nặng hạt.Đường vào nhà Phụng kẹt xe kinh khủng nhưng cuối cùng cũng bỏ được bạn ấy đầu ngõ.
Tính ra mình đi từ An Sương đến SG hết 2 tiếng rưỡi.
Đi về bình an,tiếc là không theo chương trình mình tự đề ra.
Tây Ninh ơi,Bạn bè ơi rất mong  ngày gặplại

Hóa thạch 120.000 tuổi cho thấy dấu vết của bệnh ung thư (Dân trí)

Nhiều người cho rằng ung thư là một căn bệnh của thế giới ngày nay, đến từ việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, thói quen ăn uống không hợp lý hay các yếu tố khác trong cuộc sống hiện đại. Nhưng đó có vẻ là một quan niệm sai lầm.

Các bằng chứng khảo cổ, bao gồm cả các dấu hiệu của khối u ác tính được phát hiện tại một hóa thạch 120.000 năm tuổi của người Neanderthal, đã cho chúng ta thấy rằng ung thư xuất hiện từ thời tiền sử.
Hiện tại, các nhà khoa học tin rằng căn bệnh này thậm chí còn xuất hiện sớm hơn rất nhiều với việc tìm ra cái được cho là vết tích của bệnh ung thư xương xuất hiện ở tông họ người tiền sử (hominini) sống tại Nam Phi hơn 1,7 triệu năm trước.
Theo kết quả phân tích được tiết lộ trên trang web Swartkrans Cave, phần chân của hóa thạch tiền sử này đã cho thấy dấu hiệu rõ ràng của một khối u ác tính có nguồn gốc từ bên trong xương và có khả năng là nguyên nhân chính gây tử vong.
Với những bằng chứng đầu tiên về căn bệnh ung thư xuất hiện tại những thời điểm cách rất xa sự tồn tại của các loại hóa chất và các lối sống hiện đại, các nhà khoa học hy vọng có thể tìm hiểu thêm về cách thức phát sinh căn bệnh cũng như xác định được ung thư thực sự xuất hiện từ đâu và khi nào.

Tổ tiên của chúng ta cũng không miễn nhiễm với các dịch bệnh. Ảnh: CC BY-SA 3.0 Lillyundfreya
Tổ tiên của chúng ta cũng không miễn nhiễm với các dịch bệnh. Ảnh: CC BY-SA 3.0 Lillyundfreya

Hóa thạch 120.000 năm tuổi mang dấu hiệu của bệnh ung thư

Tuấn Kiệt
Theo UM

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Hiểm Họa Nhà Máy Điện Hạt Nhân Siêu Nhỏ Của Trung Quốc Ở Biển Đông

  Hạnh Trần


Theo Thanhniên
Trung Quốc đang phát triển một nhà máy điện hạt nhân siêu nhỏ, bằng kích cỡ một thùng container nhưng có thể cấp điện cho 50.000 hộ dân và hệ thống này có thể sẽ sớm được đưa ra Biển Đông.
Theo South China Morning Post (SCMP) ngày 11.10, Phân viện công nghệ năng lượng hạt nhân an toàn (trụ sở tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang phát triển hệ thống điện hạt nhân di động nói trên.
“Nhà máy điện” này có thể được đặt trong một container dài khoảng 6 m và cao 2,6 m, có khả năng sản sinh ra 10 megawatt năng lượng nhiệt. Nếu nguồn năng lượng này được chuyển thành điện, nó có thể đáp ứng nhu cầu của 50.000 hộ dân.
Công nghệ được áp dụng để phát triển hệ thống này tương tự với lò phản ứng nhiệt điện làm lạnh bằng chì hoá lỏng, từng được Liên Xô sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân vào những năm 1970. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là nước đầu tiên sử dụng công nghệ này trên bờ.
Ngoài ra, hệ thống này được cho là có thể hoạt động trong cả chục năm mà không cần tái nạp nhiên liệu vì nó không sinh ra bụi và khói, nên rất khó bị phát hiện kể cả khi được đặt trên một hòn đảo nhỏ.
Dự án nghiên cứu này – do quân đội Trung Quốc tài trợ một phần – dự kiến sẽ sớm hoàn thành, hệ thống đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 5 năm tới. Tuy vậy, “nhà máy điện di động” này nếu gặp vấn đề, lượng chất thải phóng xạ của nó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các nước trong khu vực mà còn lan ra khắp thế giới thông qua các dòng hải lưu, theo SCMP.
Tờ báo Hồng Kông dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu môi trường biển tại đại học Hải dương học, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cảnh báo lượng nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân này chắc chắn sẽ được đưa ra biển và sẽ làm hại đến hệ sinh thái trong toàn khu vực xung quanh đảo.
Nhiều loài cá và sinh vật biển chắc chắn không thể chịu đựng được việc thay đổi môi trường do nhà máy điện này sẽ làm nước biển bị khử muối và nhiệt độ nước tăng cao, theo chuyên gia Trung Quốc. Ngoài ra, những dòng hải lưu có thể mang theo chất thải phóng xạ đến các vùng biển gần bờ ở đất liền.
Nguy hiểm hơn, chuyên gia này nhận định nếu xảy ra một thảm hoạ hạt nhân đối với nhà máy điện này ở Biển Đông, nó sẽ không ảnh hưởng ngay đến người dân trong đất liền nhưng nguồn chất thải phóng xạ có thể thấm qua các loại hải sản mà chúng ta ăn.
Ngoài dự án nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân này, Trung Quốc trước đây còn cân nhắc xây dựng các nhà máy điện nổi, sử dụng công nghệ thường, để cấp điện cho các công trình xây dựng phi pháp

NƯỚC - Phạm Đình Lân

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

L
oài người, động vật và thảo mộc sống bằng những thức ăn khác nhau nhưng tất cả đều phải cần đến nước. Thức ăn và chén đũa của loài người khác nhau tùy theo địa vị xã hội và tài sản của người dùng. Nhưng tất cả loài người không phân biệt giai cấp xã hội, sự phú quí hay bần hèn, học thức hay dốt nát, trẻ- già hay nam- nữ đều cần nước để sống. Nước không màu sắc và không hương vị nhưng không ai nói chán không muốn uống nước cả. Nước không có hương vị. Vậy mà người sản xuất nước ngọt, rượu mạnh, nước mắm, nước tương...đều phải dùng đến nước.
Văn minh nhân loại được hình thành dọc theo các dòng nước. Bất cứ một thành phố lớn nào trên thế giới cũng có một dòng sông chạy ngang qua. Nước quan trọng đến nỗi người Việt Nam đã dùng hình ảnh của đất, nước, núi, sông để gọi lên hình ảnh của quê hương mình với những từ thân ái: NƯỚC TÔI, ĐẤT NƯỚC, SƠN HÀ, NƯỚC NHÀ. Cách gọi nôm na đầy thân thương này làm cho người ngoại quốc học tiếng Việt sẽ khổ sở khi nghĩ đơn giản rằng NƯỚC TÔI là my water và NƯỚC NHÀ là water house.
Sa mạc là nơi thiếu nước trầm trọng. Nhưng ốc đảo là nơi có thảo mộc sinh sống nhờ có nước. Văn minh Ai Cập và Assyria nẩy nở dọc theo sông Nile, sông Tiger và sông Euphrates. Sông Nile càng gây lũ lụt thì sa mạc hai bên bờ sông càng phì nhiêu vì có phù sa và đầy đủ nước. Do Thái và Jordan trông cậy vào nguồn nước ngọt của sông Jordan.
Trên thế giới có hai quốc gia nhỏ đặc biệt quan tâm đến nước. Đó là Hòa Lan và Do Thái. Hòa Lan nổi tiếng về công tác trị thủy vì nước này nằm dưới mực nước biển. Trong nước có những vùng trũng đầy nước cần tháo nước để có thêm đất đai canh tác. Chữ Holland nói lên hình thể đặc biệt này (Hole: lỗ trũng). Do Thái chỉ rộng bằng 1/3 diện tích Nam Bộ. 55% diện tích của nước này do sa mạc Negev chiếm ngự (13,000 km2). Do đó nhu cầu về nước để canh tác rất quan trọng nên nước này phải nghĩ đến việc biến nước biển thành nước ngọt, thanh lọc nước phế thải trong nhà để dẫn vào sa mạc dùng vào việc canh tác. Nước được dẫn bằng một hệ thống ống cống to lớn nhằm giảm thiểu sự bốc hơi.
Trở lại vấn để nước ở quê nhà bằng những ký ức còn rơi rớt khiến tôi nhớ lại những lu nước nhỏ ở trước mọi nhà thời tiền chiến ở các làng quê trong tỉnh Thủ Dầu Một dành cho người đi đường dùng sau cuộc hành trình mỏi mệt. Ngày nào tôi cũng thấy bà ngoại tôi cúng ba chum nước lạnh trên bàn Thiên ngoài Trời. Những hình ảnh tầm thường và quen thuộc này cho thấy lòng nhân ái, sự quí trọng NƯỚC của tiền nhân chúng ta xem NƯỚC là cái gì thiêng liêng không thể thiếu được. 
Quê ngoại của tôi có suối mà không có sông. Dân làng uống nước mạch. Những người khá giả dùng xe bò chở nước về nhà. Những người khác phải vất vả gánh nước đi trên một đoạn đường dốc đất sét trơn trợt vào mùa mưa. Một vài dân làng ở quê ngoại tôi biết bơi lội nhờ có các hầm đất sét rộng lớn và đầy nước khi trời mưa. Những hầm đất sét cạn và có hang ngách là nơi dân làng lẩn trốn lính Pháp vào làng bắt dân đem về Phú Lợi kiểm tra lý lịch xem có tên trong sổ bìa đen không.
Quê nội tôi không có sông, không suối, không núi, không đồi. Làng nằm trên một vùng đất cao đến nỗi đào giếng sau 25 m vẫn không có nước. Khi còn nhỏ chúng tôi phải xuống mạch Cây Đào ở làng Tân Phước lân cận thuộc tỉnh Biên Hòa để tắm hàng ngày. Dân trong làng phải xây hồ hay mua nhiều lu để chứa nước mưa lọc kỹ để dùng quanh năm. Cây cối sống nhờ nước mưa. Quê nội tôi là một xã nông thôn không có nông dân. Đa số dân làng là công chức, tư chức, nhà giáo, nhà buôn, khai thác lâm sản v.v. Có người lập nghiệp ở Phnom Penh, Kompong Chàm, Xa Cam, Xa Cát, Lộc Ninh, Xuân Lộc. Có người thành công trong công việc bán giày ở Sài Gòn và Phủ Toàn quyền ở Hà Nội. Đời sống vật chất và trí thức của dân làng quê nội tôi cao hơn quê ngoại của tôi rất nhiều. Họ có nhà cửa khang trang với bàn ghế làm bằng gỗ quí như trắc, gõ, cẩm lai. Nhà có hàng rào bằng cây xanh đặc biệt là cây hoa dâm bụt. Nhưng quê nội của tôi là một xã bất hạnh nhất nước suốt hai cuộc chiến tranh Việt Nam. Xã có vị trí địa lý quan trọng ngoài rìa Chiến Khu D cách Thủ Dầu Một (Bình Dương) 10 km và cách Biên Hòa 12 km. Xã có một khu rừng không quá 5 km2. Khu rừng này được gọi là Rừng Cò- Mi vì gần đó có nhà của ông cò- mi Mận. Trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất quê nội tôi hoàn toàn không có dân. Vì đa số dân làng có cuộc sống phú túc và ổn định ở các thành phố lân cận sau khi quân Pháp biến xã thành biển lửa vào những ngày đầu cuộc chiến. Xã trở thành mục tiêu của các giàn trọng pháo từ Phú Lợi, Dĩ An, Lái Thiêu và Thủ Đức rót vào. Sau 09 năm chiến tranh sở gòn rộng lớn của cha tôi không còn sống sót một cây nào! Cây cỏ mọc um tùm không sao tìm được dấu vết của nền nhà.
Các cây ăn trái như bưởi, mận, vú sữa quanh nhà cha tôi đều chết sạch. Cây trưởng ngọt và tróc của ông nội tôi cũng biến mất. Chỉ có cây xoài trước sân nhà của ông còn sống sót nhưng rất èo uột. Sau năm 1954 ông Trần Văn Trai tình cờ gặp anh tôi ở Sài Gòn. Trong buổi nói chuyện ngắn ngủi hai người đã có mẩu số chung về việc tái thiết quê nội tôi. Ông Trai có cảm tình với quê nội tôi vì ông đã từng đến đó với chị của ông, vợ của một người bác của tôi. Xã được tái thiết để có tên trên bản đồ hành chánh trong tỉnh. Trên thực tế không có người về cư trú thường trực. Người ta chỉ dựng lên những chòi tranh nhỏ đề về nghỉ mát cuối tuần trên vườn cây ăn trái vừa mới tạo lập. Một số vườn cây ăn trái trong đó có vườn cây ăn trái và hồ tiêu của anh cả tôi bị thiệt hại ít nhiều khi có chương trình thành lập Ấp Chiến Lược. Không bao lâu xã trở thành vùng oanh kích tự do. Rừng Cò- Mi bị khai quang. Xa lộ Đại Hàn nối liền Quốc Lộ 1 với Bình Dương đi ngang qua quê nội và quê ngoại tôi. Nhưng xã quê nội tôi bị mất trên bản đồ hành chánh tỉnh Bình Dương vì không có dân sinh sống. Điều này làm cho tôi cảm thấy chua xót vô cùng. Không ngờ quê nội tôi chịu cảnh bất hạnh hơn bất cứ địa phương nào trong nước sau hai cuộc chiến. Tôi nhớ lại lời cha tôi nói về sự phân ly của dân làng sau khi người nghe một con chim hót như tiếng tu- hít thổi từ vườn bưởi quanh nhà trước khi người bị Pháp bắt đem ra Lái Thiêu cầm tù. Tôi không biết trong trường hợp nào cha tôi có kinh nghiệm này. Và đến bây giờ tôi cũng không biết con chim có tiếng hót như tu- hít thổi là chim gì? và trong số những thân hữu đọc bài viết này có kinh nghiệm tương tự nào về sự thông báo sự phân ly của tiếng chim giống tiếng tu hít thời nay không? Tôi thúc giục anh tôi tìm mọi cách xây dựng lại xa quê nội để phục hồi địa danh xã trên bản đồ hành chánh.
Sự tái thiết xã quê nội lần thứ hai này được những người trong làng có danh phận trong xã hội thời bấy giờ nhiệt liệt hưởng ứng vì không ai muốn thấy xã sinh quán của mình bị xóa trên bản đồ. Tôi bàn với anh tôi hai vấn đề ưu tiên trong công việc tái thiết xã quê nội:
1. xây dựng đình làng để dân làng có nơi tế tự và phát triển tâm linh và niềm tin
2. tạo nguồn cung cấp NƯỚC, ưu tư hàng đầu của tiền nhân trong xã.
Về vấn đề thứ nhất sự vận động với Hoa Kỳ, chánh quyền tỉnh Bình Dương, Phủ Quốc Vụ Khanh P.Q. Đán... gặp nhiều thuận lợi.
Anh tôi băn khoăn về vấn đề NƯỚC. Kinh nghiệm cho thấy không thể đào giếng được. Chuyện không khó. Đào giếng 25 m không có nước nhưng khoan giếng sâu quá 100 m thì chắc chắn có nước trong và tinh khiết. Đó là giếng Artois (puits artesiens). Muốn khoan sâu dưới lòng đất hàng trăm thước như vậy cần phải có máy móc cực mạnh. "Chuyện này phải nhờ đến Công Chánh vậy." Tôi nói với anh tôi. Thế là có sự trợ giúp của bộ Công Chánh lúc ấy đó ông Dương Kích Nhường làm tổng trưởng. Bộ Công Chánh khoan hai giếng sâu trên 100 m và tặng cho hai máy bơm rất mạnh để bơm nước. Không biết bây giờ dân trong xã có dùng nước của hai giếng khoan này không sau khi hai máy bơm nước bị chở đi nơi khác. 
 
CHUYỆN VỀ NƯỚC
Đã một lần tôi có đề cập đến nước trong Bản Tin Thân Hữu và được Nguyễn Thị Mai cảm thông khi nhớ lại cảnh khát nước lúc vượt biên trong rừng rậm Cambodia. Nước quan trọng trong đời sống của loài người. Nó là nhu cầu cần thiết của NGƯỜI, ĐỘNG VẬT và THẢO MỘC. Thức ăn của người, động vật và thảo mộc khác nhau nhưng tất cả đều phải cần đến nước. Nó là mẫu số chung của NGƯỜI, ĐỘNG VẬT, THẢO MỘC và của loài người bất luận nam, phụ, lão, ấu, nam phái hay nữ phái, có học hay vô học, nghèo nàn hay giàu sang, thảo dân hay người thống trị v.v..
Nước ở vào thể lỏng, không hương, không sắc, không mùi vị nhưng ai cũng uống và không bao giờ biết chán. Chẳng những vậy những hãng sản xuất nước mắm, nước ngọt, các loại thực phẩm cho loài người, động vật, thảo mộc, các nhà máy sản xuất phi cơ, xe hơi, tàu bè...đều cần nước trong quá trình sản xuất. Các quốc gia Trung Đông nằm trong vùng khô hạn thiếu nước trầm trọng. Bao quanh vùng này có Địa Trung Hải, một nguồn nước mặn to lớn giữa lúc nội địa thiếu nước ngọt để uống và canh tác. Tình trạng sa mạc hóa gia tăng giới hạn diện tích canh tác và cư trú.
Do Thái là quốc gia khô hạn nhất ở Trung Đông. 62% nước này là sa mạc Neguev rộng 14,000 km2 nằm ở phía nam. Phía tây là Địa Trung Hải. Phía đông có Tử Hải (Nam) có nhiều khoáng sản hơn là hồ nước ngọt. Ngược lên phía đông bắc là hồ Galilee tức hồ Tiberias. Sông Jordan đổ nước ngọt vào hồ này. Sự bốc hơi ở hồ Galilee khá cao vì bức nhiệt của ánh sáng mặt trời miền Cận Đông (Near East- Proche Orient). Nước mưa chỉ cung ứng 50% nhu cầu về nước tiêu dùng cho Do Thái. Khi về lập quốc vấn đề nước là vấn đề hàng đầu của quốc gia tân lập này. Diện tích Do Thái chỉ có 22,580 km2. Sa mạc chiếm 14,000 km2. Nếu không có nước thì phải hy sinh 2/3 diện tích đất đai sa mạc. Tuỳ thuộc vào nước mưa không đủ nước tiêu dùng cũng không đủ sức biến sa mạc Neguev thành những cánh đồng phủ đầy hoa màu được. Các nhà khoa học Do Thái nghĩ ngay đến nguồn nước biển của Địa Trung Hải và Hồng Hải. Trong thời gian đó họ phải nghĩ đến việc giữ nước sông Jordan, hồ Galilee (hồ Tiberias) nơi, theo Thánh Kinh, Chúa Jesus chỉ các ngư phủ thả lưới nơi có nhiều cá và ấn chứng phép lạ khi đi trên mặt nước hồ. Mặt khác người Do Thái tạo những hệ thống giữ nước mưa và nước tiêu dùng trong nhà dẫn về sa mạc bằng những hệ thống ống dẫn nước to lớn để tránh bốc hơi. 90% nước tiêu dùng trong gia đình được lọc sạch và dẫn về sa mạc để tưới cây. Nhờ vậy mà Neguev phủ đầy vườn cam, quít, bưởi, nho, các loại hoa và rau cải.
Vào đầu thập niên 1960 việc nghiên cứu chuyển nước biển thành nước ngọt để tiêu dùng trong nhà và để uống đã có kết quả nhưng giá nước biển khử mặn (desalination) vẫn còn cao. Liên Hiệp Quốc rất quan tâm đến cuộc nghiên cứu này. Sự thành công của việc khử mặn nước biển để biến thành nước ngọt dùng để uống hay tưới cây sẽ giúp cho các vùng khí hậu khô hạn trên thế giới trở nên trù phú và đầy sức sống. Đến năm 2005 Do Thái thiết lập bốn (04) nhà máy dùng nước biển chuyển ra nước ngọt. Năm nay (2014) Do Thái thiết lập nhà máy thứ năm rộng bằng 06 sân vận động ở Sorek cách Tel Aviv 15 km. Nhà máy nầy sản xuất 624,000 m3 nước ngọt mỗi ngày. Giá sản xuất rẻ như việc cung cấp nước ngọt thường thấy ở các nước Âu Mỹ. Với nhà máy này người ta tính chi phí về nước cho mỗi gia đình xê dịch từ 300- 500 Mỹ kim/ năm. Hiện nay các nhà máy khử mặn nước biển để biến thành nước ngọt cung cấp 35% nhu cầu tiêu dùng ở Do Thái. Người ta dự trù tỷ lệ nầy tăng lên 40% vào năm 2015 và 70% vào năm 2050.
Không dân tộc nào gặp nhiều thử thách cam go như dân tộc Do Thái. Họ phải chiến đấu chống với những người chung quanh đông đảo hơn gấp 100 lần để sống bám trên mảnh đất gầy mà tổ phụ họ đã hứa như một mệnh lệnh từ Thượng Đế. Họ phải đương đầu với sự khắc nghiệt của thời tiết nhất là tình trạng thiếu nước ngọt nhưng thừa nước biển. Họ dùng cái thừa (nước biển mặn) để bồi đắp cho cái thiếu (nước ngọt) bằng cách dùng nước biển khử chất mặn thải ra biển. Về mặt kỹ thuật họ đã thành công và đi vào sản xuất bằng những nhà máy khử mặn nước biển (desalination) với giá thành rẻ. Bây giờ họ phải canh giữ cái nhà máy khử nước biển thành nước ngọt này còn hơn giữ những lò nguyên tử mặc dù nước ngọt được chế biến từ nước biển này được cung cấp cho người Palestine ở West Bank, xứ Jordan láng giềng. Ai Cập cũng quan tâm đến loại nước ngọt chế biến từ nước biển này. Do Thái sợ cái gì? - Sợ pháo kích từ phía nam Lebanon do Hezbollah thực hiện hay từ dãy Gaza do Hamas gây ra. 
Việc biến nước biển thành nước ngọt là một đóng góp vô cùng lớn lao trong đời sống nhân loại trên Địa Cầu trên 7 tỷ người. Vùng Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết nên có một nhà máy khử nước biển mặn để biến vùng khô hạn ở đây thành những vườn cây ăn trái, vườn nho, vườn sản xuất hoa có lợi hơn làm thiết lập lò nguyên tử.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Thơ Nguyễn Quốc Nam : KIẾP NGƯỜI VÀ THIÊN THU,CÓ GÌ MÀ LƯU DẤU




KIẾP NGƯỜI VÀ THIÊN THU
Thõng tay bước giữa chợ đời.
Thoáng nhìn đã thấy kiếp người nhiêu khê.
Khoanh tay quây lộn trở về.
Nhìn xem...! trần thế bộn bề gió mưa.
Che tay đi giữa nắng trưa. Trời gay gắt nóng cho vừa trần ai Phủi tay hết đoạn đường dài Bóng chiều ngã xuống bóng người xa xăm. Xuôi tay đánh giấc trăm năm Ai người sẽ dọn chỗ nằm thiên thu...


CÓ GÌ MÀ LƯU DẤU...
Đã từ hư không đến
Thì trở về hư không
Giữa đất trời mênh mông...
Chim bay đâu để dấu...  
NGUYỄN QUỐC NAM

Hàn Quốc: chết thử để cảm nhận cuộc sống!

Trong những năm gần đây, trải nghiệm tang lễ của chính mình đang dần trở thành xu hướng tại Hàn Quốc, giúp người tham gia sống lạc quan, yêu đời hơn.


Ngày càng nhiều người Hàn Quốc tìm đến trải nghiệm “chết thử” để làm mới bản thân, thay đổi suy nghĩ và thêm trân trọng cuộc sống.
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 1
Trung tâm Trị liệu Hyowon (Seoul) đem đến cho người tham gia trải nghiệm “chết thử trong quan tài”, dưới sự bảo trợ tài chính từ một công ty dịch vụ tang lễ. Ảnh: CNN
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 2
Sau khi khoác trên mình áo tang, họ được dẫn vào căn phòng lờ mờ ánh nến và tràn ngập hoa cúc. Những người tham gia ngồi vào bàn và bắt đầu viết lời trăng trối dành cho người thân. Ảnh:CNN
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 3
Sau đó, “những người giả chết” đặt tấm vải liệm và bước vào chiếc quan tài gỗ. Ảnh: New York Times
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 4
Một người đàn ông mặc áo choàng đen với chiếc mũ cao truyền thống của Hàn Quốc sẽ đi đóng nắp các quan tài. Ông chính là biểu tượng của Tử thần. Ảnh: The Atlantic
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 5
Với 10 phút nhốt mình trong bóng tối, người tham gia sẽ có cơ hội suy nghĩ, chiêm nghiệm về cõi đời. “Không một tia sáng phát ra, tôi cảm thấy ngột ngạt và đã khóc trong quan tài”, một nhân vật trải nghiệm chia sẻ. Ảnh: The Atlantic
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 6
Jeong Yong-mun, giám đốc trung tâm Hyowon, cho biết 15.000 người đã tham gia đám tang của chính mình và chương trình này hoàn toàn miễn phí. Nhiều lãnh đạo các công ty khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động nhằm thay đổi tâm trí để có những quan điểm, ý tưởng mới mẻ. Ảnh: New York Times
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 7
Trải nghiệm này giúp những người bị bệnh nan y hoặc có ý định tự tử biết trân trọng những giây phút quý báu bên cạnh người thân và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Ảnh: CNN
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 8
Sau khi quan tài được mở nắp, cảm xúc của người tham gia rất trái ngược, một vài người khóc nức nở vì lo sợ giây phút ranh giới giữa “sự sống” và “cái chết”. Ảnh: New York Times
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 9
Bên cạnh đó, không ít người tham gia lại thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, họ tán gẫu và chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Thậm chí, nhiều người ngủ quên luôn trong quan tài. “Các bạn sẽ ‘lột xác’ để sẵn sàng cho một khởi đầu mới”, ông Jeong cho hay. Ảnh: New York Times
Nguoi Han Quoc chet thu de cam nhan cuoc song hinh anh 10
Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao trên thế giới. Hiệp hội thần kinh Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy một phần tư số người được khảo sát nói rằng họ chịu áp lực lớn từ công việc. Trài nghiệm chết thử trong quan tài đem lại ý nghĩa thiết thực giúp người tham gia thay đổi quan điểm, cảm thấy yêu đời và vững tin vào cuộc sống. Ảnh: The Atlantic
Theo news.zing

VÕNG ĐÊM ( Từ TTO)

21g, bên trong quán cà phê sát chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chừng 20 chiếc võng giăng dọc hai bên lối đi. Trên vách quán, mấy chiếc quạt nặng nề xua bớt muỗi và không khí ngột ngạt.
Bà Lê Thị Yến (60 tuổi, quê An Giang) lật lên lật xuống mấy lần chiếc võng xanh thẫm ở hàng cột phía ngoài. Sau khi an tâm là võng khô ráo, quạt máy có thể lia qua chỗ mình, bà mượn cái ghế nhựa nhỏ bỏ vào trong giữ chỗ.
Bà nói: “Bữa nay lựa được chỗ này mừng ghê, gần quạt cho đỡ muỗi. Đặt cái ghế, ai tới sau thấy là biết có người lựa chỗ này rồi”. Giữ chỗ xong, bà rút 15.000 đồng đưa cho chủ quán, rồi bước ra đường đi bán tiếp.
Hỏi sao lại chọn ngủ nơi này, bà Yến đáp: “Tôi có đứa cháu thuê trọ ở bến xe Miền Tây, nhưng bên này vé số bán được hơn. Chiều nào tôi cũng tắm rửa ở bển xong rồi bắt xe buýt qua đây, bán một vòng, thuê trước cái võng đặng 12g quay lại ngủ”.
Đã bươn chải gần 20 năm ở Sài Gòn, bà trải kiếp ngủ thuê này cũng 4-5 năm nay.
Giọng bà rầu rầu: “Tôi còn nhớ đêm đầu thuê võng ngủ, không tài nào chợp mắt được vì nó cứ đung đưa, muỗi cắn, lạ chỗ, lại sợ bị mất cái túi vé số là coi như trắng tay. Dần dần rồi quen thôi, giờ đặt mình xuống là ngủ liền”.
Gần võng bà Yến là bà Phạm Thị Hoa (65 tuổi). Bà Hoa thuê võng ngủ từ lúc 7g tối, chừng 9g thức dậy bưng thúng bánh ngọt đi bán lòng vòng. 2g khuya bà lại về đây ngủ tới sáng, chủ quán cũng chỉ tính 15.000 đồng.
Như trút được nỗi lòng, bà kể: “Tôi có đứa con trai 46 tuổi nhưng nghiện rượu nên phải đi bán bánh lấy tiền nuôi nó. Chồng thì bỏ từ mấy chục năm nay rồi. Tôi có căn nhà ở Q.1 nhưng mấy năm nay toàn ngủ võng dưới này, tiện lấy mối và bán bánh”.
Nói chưa dứt câu, bà soạn lại thúng bánh, lấy dây thun cột hai ống quần ngang mắt cá chân cho khỏi sình lầy, rồi tiếp tục đi bán.
Chừng một tiếng sau, mưa đổ ầm ầm. Mấy phu khuân vác ngoài chợ lật đật vào quán trú mưa. Quán đã chật giờ lại nồng thêm mùi mồ hôi, ẩm ướt. Tất cả tạo nên cái mùi nghèo khó thường trực.
Mặc cho bên ngoài xe hàng vẫn chạy liên tục, trong các quán nước, những chiếc võng đã kín người nằm, cơn buồn ngủ trĩu nặng trên những gương mặt nhàu nhĩ.
Sài Gòn võng đêm 15.000 đồng
Bà Phạm Thị Hoa sắp xếp thúng bánh bán cho người buôn bán trong chợ đầu mối Thủ Đức trước khi rời quán võng đêm - Ảnh: VŨ THỦY
Khi quán là nhà
“Võng không, võng không, 20.000 đồng/đêm”, mấy thanh niên phụ bán cho mấy quán nước ở quốc lộ 1 (Q.Bình Tân) chào mời khi thấy có xe máy rề tới. Một dọc những bảng hiệu thắp đèn làm nổi dòng chữ “cà phê, võng đêm”. Cạnh đó là những tiệm sửa xe, vá vỏ 24/24.
Anh Lê Duy (27 tuổi, chủ quán cà phê đầu dãy) kể rằng khu này về đêm không hề tĩnh lặng bởi những quán nước mở suốt đêm để phục vụ cánh tài xế, xe ôm, những người lỡ đường.
Anh nói do rảnh rỗi nên mấy thanh niên mới bắc ghế ra ngồi trước quán để “hóng” khách, chứ đêm nào quán cũng phải giăng thêm võng cho khách vì quá đông. Phía bên kia đường, có những quán “lộ thiên” đến mức giăng võng dưới cây trứng cá để khách nếm mùi... sương gió.
Đã nhiều năm ngủ võng thuê, ông Trương Bằng Phương (51 tuổi, chạy xe ôm ở khu vực vòng xoay An Lạc, Q.Bình Tân) ngáp ngắn ngáp dài cho biết: “Có tiền thì thuê nhà trọ ngủ cho sướng rồi chứ thuê võng làm gì. Chạy xe ôm dạo này hẻo lắm, như ngày nay tối thui mới kiếm được một cuốc, tiền thuê võng với tiền mua chai nước suối là sạch bách”.
Theo lời ông Phương, nếu không có mấy quán như vầy thì ông cũng không biết ngủ ở đâu giữa đêm lạnh. Trên chiếc xe cà tàng, ông còn bọc theo ít đồ đạc vật dụng. Ông nói ngày nào vô ngủ sớm thì ông xin tắm nhờ, đánh răng rửa mặt.
“Chỗ này coi như là nhà mình rồi. Mấy cái quán ở đây hầu như tôi đã ngủ qua hết rồi” - ông cho biết.
Giống như ông Phương, nhiều người cũng mang theo mình tất cả tư trang đồ đạc để đêm xuống ghé vào những quán cà phê võng tắm rửa ngủ nghỉ.
Anh Nguyễn Tuấn (36 tuổi, quê Quảng Nam) vừa dừng xe bánh bò của mình bên hông quán, vừa soạn áo để thay.
Tự nhận có gương mặt thư sinh nhưng chỉ học hết cấp II và số thì khổ “vô đối”, anh nửa đùa nửa thật: “Đi bán chục năm rồi nên tôi cũng dành được ít tiền, lẽ ra thuê được nhà trọ nhưng muốn để tiền đó... cưới vợ. Kiếm được vợ rồi tôi nghỉ không bán bánh nữa, về quê sống, thôi luôn kiếp ngủ võng”.
Đậm tính cách cần kiệm của người miền Trung, anh tính như vầy: “Một tháng tôi tốn 600.000 đồng tiền ngủ võng, tính ra rẻ hơn nhiều so với tiền thuê trọ cả triệu một tháng, rồi còn điện nước, sắm sửa đồ đạc. Ngủ di động như vầy cũng dễ buôn bán, mỗi ngày cũng lời hơn 200.000 đồng”.
Hầu như các quán cà phê võng này đều xây thêm nhà tắm để khách có chỗ rửa ráy sạch sẽ trước khi ngủ và cả nước cho khách giặt đồ. Nhiều quán còn sắm tivi màn hình phẳng mở suốt đêm để khách coi đỡ buồn.
Anh Duy cho biết: “Dù đêm nào cũng nhiều khách tắm nhưng tụi tôi không thu thêm tiền, toàn bà con nghèo khổ cả mà”. Vào mùa bóng đá, quán đông không còn chỗ mắc võng vì ngoài dân lao động, còn có dân ghiền bóng đá đi coi mấy trận bóng khuya rồi ngủ luôn ngoài quán.
Những người đã quen với việc ngủ võng thuê bộc bạch rằng việc ngủ như vậy cũng có cái thú của nó. Sau khi kết thúc một ngày làm bảo vệ ở Q.Gò Vấp, anh Lê Văn Thành (30 tuổi, quê Sóc Trăng) lại chạy xe về khu vực này thuê võng ngủ.
“Ngủ ở đây hơn năm rồi, tôi cũng quen với mấy anh em hay ngủ khu này. Tối nào cũng nói chuyện hỏi han nhau cho vơi nỗi nhớ quê” - anh nói. Nhờ vậy, anh tiết kiệm được mỗi tháng ít tiền để gửi về cho cha mẹ.
Giấc ngủ không trọn
Đêm khuya, khi những người thuê võng đã say ngủ, chủ quán vẫn thức để canh chừng xe cộ và đồ đạc cho họ. Anh Duy cho biết dù hầu như không xảy ra mất mát gì nhưng anh rất đề phòng. Khu vực giữ xe phía sau quán được rào chắn, có người thức canh xe. Phía trước quán cũng vậy.
“Họ chỉ có tài sản là chiếc xe với ít tiền, giấy tờ tùy thân. Mất một phát là tiêu luôn nên mình phải canh chừng chớ” - anh Duy nói.
Còn ông Phương thì luôn luôn bọc kỹ chiếc điện thoại di động trong túi quần, bởi nó là phương tiện “hành nghề” quan trọng chẳng kém gì chiếc xe cà tàng của ông.
Mấy phụ nữ buôn gánh bán bưng thì hay lo hay nghĩ nên chuyện giữ đồ đạc cá nhân còn cẩn thận hơn cánh đàn ông. Nằm ngủ nhưng họ ôm khư khư cái túi, và một đêm giật mình mấy lần vì nỗi lo mất của.
Tuy cái giá 15.000-20.000 đồng/chỗ ngủ đêm chỉ bằng một ổ bánh mì, một chai nước ngọt, nhưng có người cả ngày không kiếm được. Thành ra có võng để ngủ trở thành một giấc mơ nho nhỏ.
Ở chợ đầu mối Thủ Đức, bà Hai (60 tuổi) được giới bốc vác quen mặt vì dữ tợn và chuyên... ngủ ngồi. Vừa giật mình thức dậy bởi cơn mưa đột ngột, bà vừa càu nhàu. Kêu chai nước ngọt từ lúc 8g tối, bà ngủ dật ngủ dựa tới 2-3g sáng đợi tới lượt bốc hàng thuê.
“Tối nào cũng chỉ 80.000 đồng thôi mà chực chờ từ chiều tới giờ. Không làm thì không biết lấy gì ăn vì bốc vác ở đây 40 năm rồi, còn nuôi thằng con đang đi tù vì chơi ma túy nữa” - bà nói, đôi mắt sâu hóm.
Ở những nơi thế này, nhu cầu của con người chỉ gói gọn quanh việc thuê một cái võng để ngả lưng. Trên những chiếc võng lắc lư, giữa cơn ngủ cơn mê chập chờn, có những giấc mơ một mái ấm êm đềm, như giấc mơ mái ấm ở quê nhà mà anh chàng tên Tuấn bán bánh bò ấp ủ.
Ân tình của chủ quán
Theo lời dân lao động nghèo chuyên thuê chỗ ngủ, chuyện thuê võng ngủ đã có từ cách đây hơn chục năm. Trước đây còn có khu cho thuê chỗ ngủ gần cầu Ông Lãnh (Q.1), gần các bến xe... với giá từ 5.000-10.000 đồng/đêm.
Lang thang ở những chỗ cho thuê võng, chúng tôi còn chứng kiến những nghĩa cử ấm áp của chủ quán.
Từ khi mở quán ở chân cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12) 4 tháng nay, anh Vũ Kim Thanh (47 tuổi, quê Thái Bình) đã cho nhiều người ngủ nhờ và cho thêm một chai nước suối.
Anh chia sẻ: “Chỗ này gần bến xe An Sương nên hay có người bị lỡ đường, bị mất giỏ xách... Mình không giúp thì họ biết ngủ ở đâu”.
Những người xe ôm, người bán vé số chỉ ghé uống nước rồi ngủ 2-3 tiếng anh cũng không lấy tiền thuê võng.
Theo lời anh, quán chỉ có hơn chục cái võng, lẽ ra tối anh đóng cửa ngủ luôn thì khỏe hơn, không phải thức canh cả đêm, nhưng nhiều lần chứng kiến người lỡ đường khổ sở nên anh lại tiếp tục bán tới sáng

Chuyện Cuối Tuần : ANH TỘ NGƯỜI HUNG

Ngô Quý Dũng

Gần ba chục năm trước, với số điểm thi đại học sáng giá, với lý lịch chính trị đáng tin cậy, Tộ được nhà nước cử sang Hungary học đại học. Mặc dù là học sinh chuyên Lý, anh vẫn vui vẻ đi học kỹ sư trồng vườn, phần vì tinh thần “chấp nhận sự phân công của tổ chức” rất cao, phần nữa là vì trong những năm 80 gian khổ của đất nước, lúc mà cơm độn bo bo rồi mà ăn vẫn chưa đủ lượng, “đi Tây” là một cuộc hành trình để đổi đời, không chỉ cho riêng anh mà còn cho cả gia đình nữa.
Ngày đi, dồn hết gia tài cả nhà, bố mẹ Tộ mua cho anh một đồng hồ Orient “thủy quân lục chiến” mang theo để có cái làm vốn sau này. Chiếc đồng hồ mà cái mặt to hơn cái cổ tay của thanh niên 18 tuổi gày gò miền quê. Bộ đại học cấp cho mỗi sinh viên một chiếc va-li quần áo, gọi là “va-li chú Tứ” để ít ra cũng có bộ quần áo “diện” khi ra nước ngoài. Tộ nhận được bộ com-lê áo mầu nâu số XL với cái quần mầu xám số S, chắc mấy cái quần áo màu đẹp, số tốt các cô chú trên bộ đã sơ kiểm, sơ chọn trước hết rồi.
Sang tới Hung, những ngày đầu, trường cấp cho một số séc để đi mua quần áo, bạn cũng biết mấy anh sinh viên nghèo Việt Nam không có quần áo, giầy dép ấm, tiền thì lại càng không. Khổ nỗi, mấy cái séc này chỉ được mua trong một cửa hàng thôi, mà cái thời XHCN đó hàng hóa cũng không được dồi dào, thành ra Tộ và những người bạn cùng khóa mình ăn diện chả khác gì nhau: không ít lần đội ta đi chơi phố mà 5 sinh viên Việt diện 5 đôi giày Tisza màu trắng vạch xanh một mẫu, quần bò xanh đậm và áo khoác màu lông chuột đồng kiểu, dàn hàng ngang dạo trên vỉa vè mà chả khác như đi duyệt binh.
Rồi những buổi các thầy cô giáo Hung nhiệt tình chỉ cho cách ăn uống bằng dao, thìa, mà anh cầm xuôi, chị cầm ngược, thức ăn bắn rơi tung tóe cả, mình thì cười nhưng họ thì thương, rất thông cảm với các học trò từ Châu Á xa xôi tới đây, phải học nhiều để thích nghi với cuộc sống Châu Âu xa lạ này.
Rồi những năm trên trường đại học, các bạn Hung cùng khóa luôn cởi mở giúp thằng học trò Việt, từ việc cho mượn vở chép bài giảng đến sửa chính tả từng câu trong luận văn tốt nghiệp,vì ai cũng biết, nếu sinh viên Việt Nam bị đúp thì phải về nước ngay, đồng nghĩa đối mặt với một cuộc sống gian khổ, kiếm từng miếng cơm, manh áo.
Thằng bạn Hung cùng phòng ở một làng nhỏ gần biên giới Nga, cứ mỗi lần về nhà lại đem lên cho Tộ một gói ny-lông nho nhỏ :”Mẹ tao gói cho mày ít xúc xích, tóp mỡ, mỡ muối (szalonna) đây, biết mày tiết kiệm ăn để còn gửi thuốc về Việt Nam”. Thằng khác gốc Tiệp thì sau hè về mang cho cái áo khoác, nó nói: “Bố tao mặc có một lần, còn gần như mới. Giờ bố tao mất rồi, tặng lại mày. Áo này tốt, đắt tiền lắm, học bổng của mày không mua nổi đâu”.
Thời gian dần trôi đi, với đầu óc thông minh nhanh nhẹn của một học sinh đã từng giải nhì Lý toàn miền Bắc, tận dụng được những điều kiện thuận lợi trong quá trình thay đổi chính trị và kinh tế của nước bạn, lại thêm tính cần cù chịu khó của người Việt, Tộ đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Chả nhìn đâu xa, chứ các bạn Hung cùng lứa, cùng học thì kinh tế kém hơn nhiều. Cuộc sống thanh thản và an bình, nếu có chút bực mình nho nhỏ thì cũng lâu lâu mới gặp, ví dụ như khi anh đỗ chiếc xe sang của mình chắn lối đi bộ, mấy bà già lầm bầm muốn cút anh về quê anh đi.

Ảnh minh họa từ Internet
Và những ngày cuối xuân năm 2015. Một số lượng người di cư rất lớn từ Trung Đông, Afghanistan, Pakistan… đi bộ qua Serbia tràn vào Hungary. Họ ở nhà ga, ở ngoài đường, ở ven rừng, ở công viên, ăn chực nằm chờ với mục đích đi tiếp sang Tây Âu, Anh, Pháp, Đức. Hàng ngày, trên chiếc xe BMW X5 cầu cao đến cửa hàng, nhìn xuống vỉa hè, Tố thở dài ngao ngán với cái cảnh ở đó. Những người tỵ nạn nằm, ngồi nghiêng ngả trên những tấm ni-lon hay bìa các tông nhặt được, ăn uống ngay ngoài đường, đồ ăn thừa, nước uống dở vung vãi và vứt bừa khắp nơi, quần áo phơi tạm bợ trên những cột điện, cọc sắt.
Gió thổi bay tứ tung những rác rưởi họ thải ra, làm gì có thùng rác, ai dọn dẹp đâu. Mà họ ở ngay gần chỗ cửa hàng của Tộ mới chán chứ, thế này còn buôn bán cái gì, khách người ta tránh xa cả, không biết đến bao giờ mới hết đây. Thế mà mụ vợ mình lại tý tởn đóng góp cho đội từ thiện, mua nước, làm bánh mỳ kẹp mang ra ga Keleti phát cho phụ nữ và trẻ con đang nằm vạ vật tại đấy. Tộ lầm bầm chửi nhỏ, cảnh này mà kéo dài đến cuối năm thì cửa hàng lỗ vốn là cái chắc, ma nào đến đây mua.
Rồi đến cuối hè, mọi sự trở nên yên đẹp. Thủ tướng Hung huy động tàu, xe “tống” hết mọi người tỵ nạn sang Áo, rồi sang Đức tiếp, đồng thời cho xây hàng rào dây thép gai cao vót ở biên giới Serbia, điều một đội biên phòng hùng hậu án ngữ, chặn hoàn toàn dòng người tỵ nạn lại. Thủ đô Budapest trở lại yên bình, không bóng người lạ, cửa hàng của anh Tộ lại tấp nập như ngày nào,sáng sáng đi làm anh lại thong thả nghe Lệ Quyên hát trên chiếc xe êm nhẹ và ngắm nhìn cái vỉa hè sạch sẽ với những chậu đá trồng hoa tươi đủ sắc màu.
Đầu thu, anh lại nhận tin vui nữa, anh được trao quốc tịch Hung. Trước hôm đi tuyên thệ, anh phóng ra phố đi bộ, tậu ngay bộ com-lê đời mới nhất của Armani. Gì thì gì, đây cũng là ngày trọng đại. Tối đó, anh chiêu đãi gia đình và bạn bè thân quen một bữa cơm tây thịnh soạn ở quán Pháp nổi tiếng, nơi vừa ngồi ăn vừa có thể xem tàu thuyền qua lại trên dòng sông Đa-nuýp êm đềm, long lanh ánh đèn đêm. Ảnh chụp anh đứng trước cờ Hung tuyên thệ, bắt tay ông quận trưởng, cười giữa hội trường… được Tộ “bốt” lên tràn ngập trang Facebook của anh, “lai” (like) nhiều không biết bao nhiêu mà đếm.
Rồi anh làm chuyến du lịch “no visa” sang Mỹ, đến các cửa khẩu anh còn cố tình “khệnh khạng” đưa hộ chiếu Hung ra, cho bõ tức cái ngày bọn nó cứ lật đi lật lại cái hộ chiếu màu lá cây của mình.
Ngày 2-10 vừa rồi, Hungary tổ chức buổi trưng cầu dân ý do chính phủ đề xướng, mục đích là nói “không” với kế hoạch của Châu Âu cho một số người tỵ nạn vào định cư tại Hung. Tấm ảnh Tộ tươi cười, tự hào đi làm nhiệm vụ công dân Hung trong phòng bầu cử được đưa lên FB với lời bình rất mạnh mẽ: “Không ai có thể ép buộc chúng ta phải chung sống với đám người ô hợp, quá khác xa văn hóa, tín ngưỡng và sẵn sàng làm những cuộc khủng bố tàn ác”. Lần này anh bận quá, không có thời gian đếm “lai”.
Sáng nay, anh đưa thằng con đi học bên Anh. Kế hoạch đã có từ lâu, điều kiện kinh tế có thừa, anh cho nó đi học một trường tư nhân tên tuổi ở London. Luẩn quẩn với công việc buôn bán, anh lỡ chuyển khoản tiền thuê nhà hơi muộn, anh con sang tới nơi họ đã cho thuê mất cái nhà đã chấm.
Thằng con mới xa nhà, gặp trường hợp bất ngờ quá, khóc dở mếu dở, cứ nửa tiếng lại gọi về cho bố sụt sùi. Biết làm sao bây giờ, xa thế này, xử lý kiểu gì đây. Chiều đến, anh nói nó: “Con cứ vào khách sạn ở tạm mấy ngày vậy, bố sẽ bắn tiền vào tài khoàn của con, đừng lo”.
Ấy thế nào mà hơn một tiếng sau, anh con gọi điện, giọng vui như Tết: “Bố ơi, thằng bạn cùng khóa người Anh nó thấy con sốc quá, nó kéo về nhà nó ở tạm. Bố nó nói rất thông cảm với hoàn cảnh của con, vì cũng đã trải cảnh bơ vơ đất khách, quê người. Mẹ nó mới rán thịt gà kiểu Pakistan cho con ăn, ngon lắm. Họ định cư ở đây cũng lâu rồi”.
Tộ nhẹ cả người. Phòng bên, mụ vợ vô tư vẫn thản nhiên gác chân lên cái xa-lông bằng da trắng muốt, chằm chằm xem phim truyện nhiều tập trên cái Ipad, cái tay với những móng tay sơn đỏ chót, bóng nhoáng lâu lâu lại thò vào hộp sô-cô-la Thụy Sĩ mới mua tuần trước nhón một miếng. Tiếng nhạc phim nho nhỏ vẳng sang phòng anh, hình như giọng Tùng Dương hát: “… nhưng giờ đây, có giây phút bình yên, sao tôi quên, tôi quên…”.
Ngô Quý Dũng, từ Budapest - Ngày 18-10-2016

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Bài Xướng Họa :PHỐ CHIỀU : Mai Lộc,Mai Xuân Thanh


Cứ chiều xuống sầu về không dứt ,
Khiến tơ lòng bức rức từng giây.
Buồn dâng theo gió cùng mây ,
Lang thang phố vắng , lòng đầy nhớ thương !.
 
Chiều thứ bảy phố phường im ắng
Lá chết nằm hóng nắng trên mui .
Đêm qua mưa gió sụt sùi ,
Một màu ảm đạm ai xuôi lạnh về .
 
Mây chiều xám lê thê xuống thấp ,
Suơng trong ngần phủ khắp đồi thông .
Những con đường nhỏ song song ,
Bóng chiều lãng đãng , xa trông mơ hồ .
 
Chiều hoang lạnh bơ phờ hoa lá ,
Mấy nóc nhà lạnh giá mờ sương .
Chút gì nhớ nhớ thương thương ,
Cánh chim bạt gió dặm trường quan san .
 
Hoàng hôn xuống một làn sương mỏng
Từng bước thầm lạc lỏng hồn ai
Thì thầm tiếng gió bên tai,
Bóng chiều như giục , u hoài không vơi .
 
Trông chiếc lá vàng rơi trên cỏ ,
Lòng bùi ngùi biết tỏ cùng ai .
Có gì xanh mãi không phai ?
Vô thường , vô ngã mệt nhoài trần gian .
                                       MAILOC.
 

CHIỀU THU CALI

Âm u xám ngắt mưa vừa tạnh,
Gió nhẹ lay cành, nhánh vướng dây.
Trông vời non nước chân mây,
Dòng xe xuôi ngược chốn này mến thương.

Đọc báo đài xe đường chạy suốt,
Lá rơi vàng rớt tuột xe mui.
Thức đêm nấu nước sôi sùi,
Pha trà quạnh quẽ trời xuôi rét về.

Chiều xế bóng đồng quê ẩm ướt,
Chạnh hơi thu rét mướt rừng thông.
Tha hương gặp bạn đồng song,
Thân nhau đất khách mộng mong hải hồ.

Anh em rãnh đánh cờ khuây khỏa,
Kẽo bơ vơ vàng đá lạnh sương.
Định cư cảnh ngộ phi thường,
Quê hương cách trở đoạn trường quan san.

Chiều xuống chậm bàng hoàng tuổi hạc,
Quãng ngày xanh năm, tháng đợi ai.
Chuông chùa nghe vẳng bên tai,
Hoàng hôn thoáng chốc đêm dài đầy vơi.

Lá rơi lả tả vàng bờ cỏ,
Lòng bâng khuâng ôn cố thương ai.
Tuổi xuân rồi cũng mờ phai,
Vô thường,  buông bỏ, cảm hoài thế gian.

Mai Xuân Thanh
( xin phép kính họa thơ "Phố Chiều" của thầy Mailoc )
Ngày 25 tháng 10 năm 2016

GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy. Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến Lời truyền ...