Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

TRONG BÓNG NGÔI NHÀ XƯA - tùy bút của Nguyễn Quang Thiều

Mỗi lần về quê, tôi thường đến thăm ngôi nhà của ông bà ngoại tôi. Và lúc nào cũng vậy, tràn ngập trong tôi là sự nuối tiếc và những tiếng vọng mơ hồ da diết khi tôi đứng trong khuôn viên ngôi nhà ấy. 
.





Gia đình ông bà ngoại tôi được liệt vào gia đình địa chủ. Nhưng những chuyện đau lòng đã không xảy ra với một gia đình địa chủ như gia đình ông bà ngoại tôi. Có lẽ vì là địa chủ nhưng ông bà ngoại tôi đã che giấu cán bộ Việt Minh trong những năm làng tôi nằm trong vùng tạm chiếm và hai bác tôi đi theo cách mạng hoạt động bí mật từ năm 18 tuổi.

Bây giờ ông bà ngoại tôi, các bác tôi và cả mẹ tôi cũng đã thành người thiên cổ. Các anh con các bác tôi hầu hết công tác ở thành phố đã nghỉ hưu nhưng cũng chẳng ai về sống ở quê. Chỉ còn lại một người anh dạy học ở quê và trông coi ngôi nhà ấy luôn. Khi tôi khoảng 10 tuổi thì hầu như ngày nào tôi cũng đến nhà ông bà ngoại vì cùng làng. Một trong những điều đặc biệt lôi cuốn tôi đến đó là nhà ông bà ngoại tôi có một tủ sách với gần 2000 đầu sách.

Trong những năm tháng xa xưa ấy mà một gia đình nông thôn có tủ sách như vậy quả là một điều kỳ lạ. Có được tủ sách ấy là vì một người bác tôi làm cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng và một người con trai bác tôi có ước mơ trở thành nhà văn. Sau ày khi tôi viết văn, anh con bác tôi thường bảo tôi viết văn là do dòng máu bên ngoại. Anh tôi dạy học. Có bao nhiêu tiền chỉ để giành mua sách. Mỗi năm nghỉ hè, anh tôi lại kéo một chiếc xe ba gác chở sách đi gần 20 cây số từ trường về nhà.

Những buổi trưa mùa hạ, tôi thường chọn bất cứ một cuốn sách nào trên giá sách và ra vườn. Tôi trải chiếu dưới gốc cây khế bên cạnh chiếc hồ bán nguyệt trước nhà ông bà ngoại nằm đọc sách. Hồi ấy, chiếc hồ bán nguyệt thả bèo tai chuột để làm trong nước. Thành giếng phủ kín rêu. Ngày đó, tất cả những chiếc giếng trong làng đều thả bèo tai chuột hoặc bèo ong.

Trước cửa nhà ông bà ngoại tôi là một chiếc bể khổng lồ đựng nước mưa có mái vòm. Mỗi khi thau bể, các anh tôi phải buộc nối hai chiếc thang tre mới bắc được đến đáy bể. Tôi đã một lần được các anh cho leo thang xuống bể. Không khí trong bể mát lạnh. Tôi thích kêu lên " oa oa" cho tiếng kêu của tôi vọng mãi trong vòm bể rộng. Chiếc bể đựng nước mưa bây giờ vẫn còn sử dụng, nhưng chiếc giếng bán nguyệt thì bị bỏ hoang. Đã nhiều lần tôi nói với anh tôi tu sửa lại chiếc giếng để thả lại bèo tai chuột hoặc trồng sen nhưng vì lý do gì đó mà anh tôi không làm.
 

Trong tháng Mười vừa qua, tôi về quê sửa lại ngôi nhà của bố mẹ tôi. Tôi sửa lại ngôi nhà ấy theo những gì tôi biết khi còn nhỏ. Sau chiến tranh, ngôi nhà của tôi ở quê bị thay thế bằng những vật liệu thời hiện đại. Và nó mất đi vẻ đẹp và sự gần gũi lạ lùng thuở trước. Tôi bóc hết lớp gạch men Trung Quốc loáng bóng lát nền nhà và thay vào đó là gạch bát đỏ. Hàng cột xi măng dọc hiên nhà được trả lại bằng những cái cột gỗ lõi mít. Chân kê cột là những phiến đá xanh được đục bằng tay. Những phiến đá xanh kê cột này tôi tìm thấy vứt lăn lóc trong góc vườn của ông bà ngoại tôi bị cỏ dại mọc trùm lên. Các anh tôi đã sửa ngôi nhà của ông bà ngoại tôi bằng những vật liệu hiện đại bóng bẩy. Vì thế các anh tôi vứt hết những phiến đá kê cột có hàng trăm năm ra góc vườn. Khi ngôi nhà sửa xong, tôi run lên vì vẻ đẹp giản dị và ấm áp của nó. Tôi đã ngồi trên hiên nhà suốt buổi chiều trong tĩnh lặng để cho ký ức và hình ảnh xưa của ngôi nhà trở về.  

Trong bóng ngôi nhà xưa trùm phủ, tôi như được trở về những năm tháng xưa mà tôi tưởng chẳng còn cơ hội nào trở về nữa. Và ở nơi ký ức tôi trở về ấy, tôi gặp lại ông bà nội tôi, gặp lại bố mẹ tôi. Chính những hình ảnh của ngôi nhà, không gian của ngôi nhà và màu sắc xa xôi của ngôi nhà như những tấm gương phản chiếu quá khứ. Trong những tấm gương ấy, tôi được nhìn thấy những gì đã biến mất. Nó làm cho tâm hồn tôi ngập tràn những điều kỳ diệu và thân yêu mà tôi đã có nhưng cứ chập chờn đâu đấy như ở tận chân mây cuối trời.
 
Trong bộ phim Bố Già, tôi xúc động khôn nguôi về một hình ảnh cho dù xem bộ phim đó cả chục lần. Đó là hình ảnh trùm mafia Michael trở về ngôi nhà cổ của ông bà ông ta ở vùng đảo Sicily khi ông ta đã già và từ giã công việc của một trùm mafia. Michael không ở lại New York trong những biệt thự sang trọng mà trở về và chết trong ngôi nhà đó. Tôi nghĩ đó là quà tặng của cuộc đời này cho ông ta. Nhì ngôi nhà của ông bà, cha mẹ ông trùm Michael, tôi thấy vô cùng thân thương cho dù ngôi nhà đó không có một sợi dây liên hệ nào với tôi. Nhưng vẻ đẹp giản dị, thẳm sâu và bình yên của nó làm tôi vô cùng xúc động.

Những buổi chiều trong ngôi nhà của ông bà ngoại tôi là những buổi chiều thẳm sâu ký ức. Bên ô cửa gỗ nhỏ mở ra vườn là bộ tràng kỷ cổ. Tôi trở về và thường thích ngồi vào đó. Ngôi nhà buổi chiều loang lổ bóng tối. Thứ ánh sáng như thế trong ngôi nhà thường gợi mở và đưa tôi trở về quá khứ. Một quá khứ của bà ngoại tôi ngồi nhai trầu và kể cho lũ cháu nghe những câu chuyện xa xưa. Một ký ức của đời sống thôn quê giản dị và thanh tao. Một ký ức của đời sống thanh bình và chầm chậm như sự mở cánh của những bông hoa nhài bên cạnh chiếc bể nước có mái vòm cổ kính mọc đầy rêu và có cả  một hai khóm dương xỉ. Những lúc như thế, tôi thấy toàn bộ những người thân yêu trong gia đình ông bà ngoại tôi đã mất hiện về.
 


Tôi không làm sao có được cảm giác ấy trong những ngôi nhà bê tông, mái bằng  quét màu xanh đỏ đang ngày càng mọc lên ở các làng quê và giết dần giết mòn những gì làm lên văn hóa ngàn đời của những làng quê đó. Nửa năm trước, chiếc cổng ngõ vào nhà ông bà ngoại tôi cũng bị các anh tôi phá đi để xây một cái cổng mới có cửa sắt. Khi nhìn chiếc cổng đó, tôi như kẻ bị cướp đi mất một nửa ký ức.

Tôi không có quyền trách móc các anh tôi. Nhưng tôi thấy lòng hoang mang và ngập tràn một nỗi buồn. Chiếc cổng xưa với một dòng chữ nho mà tôi cũng chưa một lần có nhu cầu biết nội dung dòng chữ ấy luôn luôn làm tôi xúc động khi bước qua đó. Sau cái cổng ngõ đã sứt mẻ đôi chỗ và có cả một cây si mọc trên mái cổng do một con chim ăn quả si thả hạt lên đó là một thế giới tinh thần của tôi. Nhưng giờ đây đã đổi thay. Cái cổng đó là cái cổng để tôi có thể đi từ hiện tại về quá khứ để gặp lại những người thân yêu đã khuất giờ như bị lấp, bị bịt đi một nửa.

Mộng Đêm Xuân - Thơ Khôi Nguyên

 
                    Đố ai nằm ngủ không mơ
             Đố ai đã biết làm thơ không sầu
                    Đố ai mới có tình đầu
              Mà không mơ mộng xây " lầu yêu đương" ?

          Trong Bệnh Viện Đô Thành đêm gác,
          Gió Xuân ơi, gió lạc về đâu ?
                Để hồn nóng bức canh thâu
           Để lòng mong mỏi từ lâu, gió về ...
                                
            Nằm tơ tưởng ,ta đê mê thiu thỉu,
            Bỗng cửa ngoài có dấu hiệu gọi vào.
            A, gió về , gió đến lúc ước ao,
             Ta mở cửa hương ngạt ngào trong gió.

              Theo cùng gió bóng Tiên Nga lấp ló,
              Mặt sáng  ngời trông rõ tựa trăng thu,
              Tóc mây huyền phủ xuống như làm lu
               Vầng trán đẹp, ôi nghìn thu vẫn nhớ !

                Mắt bồ câu thật mơ màng, bỡ ngỡ,
                Mũi dọc dừa, càng rực rỡ nét tươi,
                Môi như hoa chúm chím mỉm miệng cười,
                Xin kính cẩn cúi chào người phiên gác.

                 Ta đứng lặng sóng tình dâng dào dạt,
                  Cứ tưởng mình đi lạc chốn Nghê Thường,
                  Hay đang bơi trong bể ái, tình thương,
                  Để nối bước theo Lưu Thần, Nguyễn Triệu.

                   Tim rộn rã như cung đàn muôn điệu,
                   Lòng bồi hồi vì đã trĩu lạc hoan,
                    Trí lâng lâng bay bổng tận Thiên Đàng,
                    Khắp da thịt đượm muôn vàn ân ái.

                     Người của ta bỗng như ngây, như dại,
                     Hít thiên hương, ta bước lại gần dần.
                     Hồn bâng khuâng nơi đỉnh Giáp, non Thần,
                     Người Nguyệt Điện vẻ muôn phần e thẹn.

                     Duyên hội ngộ, xin ai đừng bẽn lẽn,
                      Kiếp ba sinh sao cho vẹn lửa hương.
                      Tay bắt tay, thông cảm mạch yêu đương,
                       Mặt tận mặt,cho tỏ tường hiện thực.

                       Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực (1),
                       Hãy trộn chung đôi mái tóc ngắn dài,
                        Những cánh tay hãy quấn siết đôi vai,
                        Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt.

                         Những làn môi hãy cùng nhau gắn chặt
                         Để ta nghe đôi hàm ngọc của răng,
                         Trong say sưa, ta khẽ nhủ em rằng,
                          Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm .

                          Xin hãy yêu tôi, những lòng hoa thắm,
                          Tôi sẽ làm thơ "chung thủy" từ nay ,
                           Giọng người yêu như bừng tỉnh cơn say,
                           Xin cao thượng hẹn sau ngày được phép.

                            Kìa phương đông, vầng ô lên khép nép,
                            Giấc mơ còn tươi đẹp vẫn lên cao,
                             Mở mắt ra mới biết giấc chiêm bao,
                             Mà Xuân Mộng đã ghé vào đêm gác.
                                              
 Khôi Nguyên
                             (1) 8 câu thơ của XD

Tòa nhà lớn nhất thế giới và tiểu đô thị bên trong

bbc.com
Stephen Dowling BBC Future


Getty ImagesBản quyền hình ảnh Getty Images
Để sản xuất ra những chiếc máy bay lớn nhất thế giới, bạn cần một xưởng có kích cỡ ngoại hạng tương xứng.
Khi hãng máy bay Boeing quyết định sản xuất dòng 747 - mẫu máy bay to đến nỗi nó được thế giới gọi là 'máy bay khổng lồ' - họ phải xây một phân xưởng đủ lớn để có chỗ chế tạo vài chiếc máy bay cùng một lúc.

Nếu đã từng thấy một chiếc 747 ở khoảng cách gần, bạn sẽ biết nó to đến mức nào. Do đó không có gì ngạc nhiên nhà máy được dùng để làm nơi chế tạo cũng phải thật to lớn.

Không gian cực lớn

Boeing bắt đầu cho xây dựng nhà máy Everett vào năm 1967, khi mà dự án Boeing 747 bắt đầu vào giai đoạn nước rút.
Ông Bill Allen, nhà lãnh đạo có sức cuốn hút của Boeing, nhận thấy rằng công ty cần không gian cực lớn nếu họ muốn đóng một chiếc máy bay đủ sức chở 400 hành khách.
Họ đã chọn một khu rừng nằm cách Seattle 35km về phía bắc, gần một sân bay vốn là một căn cứ chiến đấu trong thời Đệ nhị Thế chiến.
Một bài báo trên tờ báo địa phương của Everett là Daily Herald nhớ lại sân bay này nằm ở một nơi khuất xa như thế nào.
Theo lời ông Joe Sutter, vị kỹ sư là bộ óc của dự án 747, địa điểm đó chỉ có một con đường nhỏ để đi đến xa lộ gần nhất và không có tuyến đường sắt nào đi qua. Trong rừng là lãnh địa của gấu hoang.

Getty ImagesBản quyền hình ảnh Getty Images
Đồng thời với việc chế tạo ra nguyên mẫu của chiếc máy bay lớn nhất thế giới, hãng Boeing cũng phải xây phân xưởng làm nơi sản xuất.
Ngày nay, xưởng Everett dễ dàng vượt trội bất cứ tòa nhà nào khác trên thế giới về kích thước với Quyển Kỷ lục Guiness cho biết nó chiếm thể tích 13,3 triệu mét khối.

"Chúng tôi có thể lấy kích thước của tòa nhà phủ kín được những công trình nổi tiếng nhất thế giới," ông David Reese, người điều hành tour tham quan nhà máy Everett, nói. "Những địa danh nổi tiếng như lâu đài Versailles, Vatican và Disneyland, và anh sẽ thấy bảng so sánh này khi anh bắt đầu tour tham quan nhà máy."
"Tôi nhớ lại một cuộc phỏng vấn với BBC một vài năm trước đây, và tôi nghĩ 'tôi tự hỏi kích thước của Sân vận động Wembley là bao nhiêu?' À, thì ra không gian của nhà máy có thể đặt vừa 13 sân Wembley vào trong đó."

Thành phố thu nhỏ

Nhà máy Everett vẫn tiếp tục sản xuất tuy với số lượng ngày một giảm các máy bay chở hàng 747. Ngày nay hãng chủ yếu tập trung vào có mẫu 767, 777 và 787 nhỏ hơn.
Để sản xuất ra những chiếc máy bay như thế đòi hỏi rất nhiều không gian.
Công trình chính của nhà máy Everett nằm trên diện tích 39 hectare, rộng gấp 30 lần Quảng trường Trafalgar ở London.
Mỗi ca làm việc có đến 10.000 công nhân, và mỗi ngày có ba ca hoạt động. Trong khoảng thời gian 24 giờ, số người đến nhà máy làm việc chỉ ít hơn thành phố Alice Springs của Úc một chút.
Reese đã làm việc cho Boeing được 38 năm - 11 năm trong số đó là điều hành tour tham quan nhà máy - nhưng ông nói rằng ông vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên của ông về nhà máy: "Lần đầu tiên thấy nó thật sự rất choáng ngợp - và tôi phải nói rằng kể từ đó ngày nào cũng choáng ngợp. Nó thay đổi liên tục. Mỗi ngày đều có những điều gì đó mới mẻ."
Phân xưởng Everett lớn đến nỗi có một dàn xe đạp gồm 1.300 chiếc tại chỗ để giúp rút ngắn thời gian đi lại. Nó có trạm cứu hỏa riêng và các cơ sở y tế tại chỗ cùng rất nhiều những tiệm đồ ăn và nhà hàng để phục vụ hàng ngàn công nhân. Ở phía trên là rất nhiều cần cẩu được dùng để vận chuyển một số bộ phận nặng nề của máy bay khi nó đang thành hình. Những người điều hành, Reese cho biết, là những người có trình độ cao nhất và được trả lương cao nhất ở nhà máy.
Làm việc trong nhà máy, thậm chí là đến thăm, đều phải tuân thủ một vài quy định. "Chúng tôi yêu cầu phải mang giày đàng hoàng, không có chuyện mang dép hở ngón hay giày cao gót đối với quý bà - bất cứ điều gì có thể khiến bạn ngã hay làm hại chân bạn - và bạn lúc nào cũng phải mang kính an toàn trong nhà máy. Phải mang suốt. Đó có thể là vấn đề đối với một số du khách. Họ nói là: 'À, tôi có đeo kính đọc sách rồi, vậy là được nhé.' Nhưng thật sự là không được."

Nhiều điều bất ngờ

Nhà máy có một số đặc điểm đáng ngạc nhiên. Tuy ở đây có quạt thông gió nhưng lại không có máy điều hòa. Vào mùa hè, nếu trời quá nóng, Reese nói, họ chỉ mở cánh cửa khổng lồ để cho gió thổi vào. Vào mùa đông, tác dụng của trên một triệu bóng đèn, số lượng khổng lồ các thiết bị điện tử và thân nhiệt của gần 10.000 con người cũng giúp làm ấm lên nhiệt độ. "Tôi chỉ cần mặc một chiếc áo ấm hay một chiếc áo khoác mỏng là đủ."
Có một điều ly kỳ mà người ta đồn đại lâu nay là tòa nhà này lớn và cao đến nỗi ở trên cùng có đùn mây.
Reese nói rằng không thật sự như vậy. "Công trình vẫn đang được thi công khi chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo và một bức tường còn chưa đóng lại. Chúng tôi nghĩ đó là sương mù từ bên ngoài bay vào và tích tụ lại ở bên trong giống như là khói mù trong không khí vậy."
"Nó cũng giống như là khi có chúng rừng ở gần đó thì bên trong nhà máy cũng có khói mù."
Reese nói rằng một ngày làm việc của nhà máy cũng có lúc vầy lúc khác. Công việc thay đổi theo thời gian trong ngày. "Ca làm việc thứ hai, các cần cẩu hoạt động nhiều hơn khi không có quá nhiều công nhân làm việc."
"Khi chúng tôi di chuyển một chiếc máy bay đã hoàn thành ra khỏi nhà máy nó được đưa đi trên xa lộ đến một sân bay gần đó, và để không làm cho cánh tài xế bị giật mình, chúng tôi thường làm việc đó vào ban đêm."
Không chỉ là công trình lớn nhất thế giới mà nó còn là công trình đầy những bất ngờ.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Heo Trong Đời Sống Quê Tôi Ngày Xưa - Hoang Đằng (vhp.havu.Blog )

 Tạp bút của Hoàng Đằng

Năm tới (2019) là năm Kỷ Hợi theo Âm Lịch. Biểu tượng của năm Hợi là con heo. Nhiều người nói rằng ai sinh năm Hợi thì có số sướng; chắc ý họ muốn nói là khỏi làm gì hết, chỉ nằm mà được nuôi ăn như con heo. Thật ra, họ quên điều là con heo được nuôi ăn để giết lấy thịt; nghĩ thế thì những người tuổi Hợi cũng có phần lo!!!.
Nhưng hãy xem lại… Trước khi nuôi trong chuồng để thành một gia súc, heo vốn là thú hoang trong rừng. Để tồn tại, heo phải chống chọi, cạnh tranh sinh tồn với các loài thú hoang khác, phải ngày đêm săn lùng, đào bới tìm thức ăn.
Thành thử, người tuổi Heo cũng như người tuổi Trâu, tuổi Cọp… phải “tay làm để hàm nhai”. Người nào đó giàu có, chức phận hơn người, cứ tin theo Phật Giáo, ấy là nhờ kiếp trước khéo tu.

Hôm nay, nhân chào đón năm Hợi – Kỷ Hợi, tôi muốn nói miên man về chuyện heo nuôi và nuôi heo ở quê tôi.
Vì sao con người thuần hoá và nhốt nuôi heo trong chuồng?
Khi con người bước vào thời kỳ sống định cư và mưu sinh bằng trồng trọt, do nhu cầu thịt để dinh dưỡng cơ thể và nhu cầu phân bón dùng cho trồng trọt, con người đã thuần hoá và nuôi dưỡng nhiều con vật hoang dã, trong đó có con heo.
Nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xem như một sinh kế phụ bên cạnh canh tác ruộng vườn là sinh kế chính. Sinh kế phụ hỗ trợ cho sinh kế chính. Nuôi trâu, nuôi bò để vừa có sức kéo vừa có phân bón; nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt… vừa để có thịt ăn cũng vừà để lấy phân bón; khi cần, những gia súc, gia cầm ấy có thể bán đi lấy tiền chi tiêu cho nhu cầu đời sống.
Phân do gia súc, gia cầm cung cấp rất cần thiết vì chưa có phân hoá học để bón cây trồng.
Cây trồng không phân thì cằn cỗi cho năng suất thấp mà năng suất thấp thì làm sao nuôi được số dân cứ đông dần. Mấy câu thơ của Tố Hữu đã nói lên tầm quan trọng của phân: “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá... Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ.”(!) 


Trong mỗi gia đình nông dân, việc nuôi heo được phân công cho phụ nữ: “Heo, ca (gà) đàn bà; cửa nhà đàn ông”. Ở một xã hội trọng nam khinh nữ, việc phân công này chắc do nam giới bày ra. Tội nghiệp là nữ giới chỉ biết chấp hành, không so bì thiệt hơn, dù sự chia việc này không công bằng chút nào!
Suốt một đời người, cửa nhà tạo dựng vài ba lần đã là nhiều lắm, còn sửa chữa, nâng cấp lâu lâu mới có một lần; vậy nên, đàn ông được phân công lo việc cửa, việc nhà, ắt được tương đối nhàn hạ, rảnh rỗi, có nhiều thời giờ giải trí: cầm, kỳ, thi, tửu; trong khi đó, chỉ cần lo cho một hay hai con heo nuôi trong chuồng, đàn bà phải tốn rất nhiều thời gian: xắt chuối, hái rau, xay giã lúa gạo để có cám, tấm…
Đàn bà khổ thế mà nhiều lúc còn bị đàn ông, nhờ rảnh rỗi, “sướng quá hoá cuồng” quấy rối! Những lúc heo đói đòi ăn kêu eng éc, con dại khát bú khóc oa oa, nồi cơm trên bếp đột ngột tắt lửa, người chồng thiếu thông cảm đến bên cạnh vợ “đòi” … Ôi chao là cực!!! “Đang khi lửa tắt cơm sôi; heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem…” Giá như có bếp điện, bếp ga, heo không nuôi, con dại gởi nhà trẻ thì người vợ chắc chắn sẵn sàng: “Bọ mi ơi có muốn tòm tem thì lại tòm!!!”. Viết thêm mấy câu để người đọc cười, vui; mong độc giả nghiêm túc đừng chê trách “hoang, tục” nhé! 
Nuôi heo là tận dụng những phế phẩm, biến những phế phẩm thành thứ hữu dụng – thịt heo. Mỗi gia đình chỉ nuôi từ một đến vài ba con heo; thức ăn cho heo không cần phải mua mà lấy từ vườn (chuối, rau…), từ phế phẩm do xay giã gạo ngô (cám), từ “nước mã” (nước vo gạo, nước rửa chén bát…).
Heo ăn cực như thế, nên chậm lớn, heo nuôi một năm cùng lắm được khoảng 50 kg hơi. Nói vậy cho người đời nay dễ hiểu, chứ thời ấy, người ta không tính heo lớn bao nhiêu bằng cân để biết trọng lượng, mà bằng đo chu vi vòng ngực, ví dụ: một con heo to 2 thước nghĩa là chu vi vòng ngực con heo đó dài 2 thước mộc (một thước mộc = 04 tấc tây - đề-ci-mét) tức là 08 đề-ci-mét (khoảng 4 gang tay). Heo đã chậm lớn, lại thêm, heo bệnh không có thú y, dễ chết lắm. 
Ngoài nuôi để lấy phân, nuôi để bán, heo nuôi còn để giết thịt mỗi khi nhà “có việc”.
Có việc gì cần mổ heo (kỵ giỗ, cưới gả, chịu việc phái, việc họ, việc làng), người ta phải lên kế hoạch nuôi trước cả năm - năm sau có việc cần hạ một con heo, năm nay phải thả chuồng hai, ba con heo con, phòng heo “cặng” (không lớn) hoặc chết bệnh giữa chừng.
Bây giờ, dân đông thì mức tiêu thụ thịt nhiều, đời sống kinh tế lên cho phép bữa cơm hàng ngày của mọi nhà có thịt. Heo nuôi ở quy mô gia đình ít đi mà ở quy mô trang trại nhiều lên, số lượng mỗi trang trại có thể lên đến hàng ngàn, hàng vạn con. Thức ăn cho heo được chế biến sẵn, đầy đủ chất dinh dưỡng, rồi nào thuốc tăng trọng, nào thuốc tạo nạc, nên heo chóng lớn - heo nuôi trong vòng 3 tháng có thể xuất chuồng, nặng đến 70, 80 kg. Việc nuôi heo không còn là việc riêng dành cho phụ nữ mà cần sự góp tay của cả gia đình; nuôi heo đã trở thành một nghề chuyên môn, không còn là sinh kế phụ mà đã trở thành sinh kế chính.
Sự can thiệp nhiều của khoa học vào việc nuôi heo có cái ưu là cung ứng nhu cầu thịt đủ, thậm chí dư, cho xã hội! Tuy nhiên, việc can thiệp của khoa học làm cho quá trình sinh trưởng của con heo không còn “tự nhiên”, thịt heo tồn dư nhiều chất độc hại, không tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nói theo ngôn ngữ thời thượng, thịt heo ngày nay là thịt heo “bẩn”, còn thịt heo ngày xưa là thịt heo “sạch”. Vậy nên người hoài cổ hay nhớ miếng thịt heo ngày xưa, dù thuở ấy người ta rất ít cơ hội ăn được miếng thịt heo!!! 


Thịt heo chỉ được thưởng thức trong những dịp gia đình hay bà con, làng xóm có kỵ lớn, có tế phái, tế họ, tế làng.
Kỵ có làm heo là kỵ lớn, khách mời dự kỵ có thể hơn 100 người. Thịt cả con heo cùng bộ lòng luộc chín, tất cả đặt lên bàn thờ giữa xôi, chiên, xào, ram, cháo… rồi thỉnh mời gia tiên dự hưởng.
Nghi thức cúng hoàn mãn, người ta hạ lễ vật xuống, tể tác, phân chia… dọn ra mâm mời khách; mỗi mâm 6 người chứ không phải mười người như hiện nay. Làm như thế, tất cả thực khách đều hưởng được “lộc”, “huệ” của tổ tiên, tựa như hình thức “Eucharistie” của Thiên Chúa Giáo. Bây giờ thì khác, khi cúng, trên bàn thờ chỉ có lễ vật sơ sài còn tất cả mâm bàn đãi khách đặt nhà hàng dọn sẵn chờ mời ăn; ý nghĩa “thừa thần chi huệ” không còn; ăn kỵ ngày nay cũng là một hình thức như đãi ăn ở nhà hàng, không còn tính thiêng liêng.
Heo còn dùng làm lễ vật dâng tế tổ phái, tổ họ, thần làng. Con heo dâng tế do “chủ điền” lo.
Mỗi phái, mỗi họ, mỗi làng đều có một phần điền thổ gọi là ruộng hương hoả. Mỗi năm, việc cúng tế luân phiên giữa các thành viên trong phái, trong họ, trong làng. Thành viên đến phiên chịu gọi là chủ điền nghĩa là người được canh tác phần điền thổ hương hoả dành cho việc cúng tế liên quan - có thể một sào, hai sào hay nhiều hơn tuỳ số lượng quỹ đất hương hoả - lấy hoa lợi để sắm lễ: heo, xôi, trầu, rượu, hương, hoa, vàng bạc …
Phái, họ, làng có định lệ cho mỗi loại lễ vật: heo mấy thước, nếp mấy thăng (dụng cụ đo lường bằng gỗ)… Về heo, nếu lệ định 1 thước tư mà chủ điền nuôi đến 1 thước 8 thì khi tế xong, chủ điền được trả lại 4 tấc; thịt trả lại được cắt một dãi, bề dài theo chu vi vòng hông con heo, bề ngang theo số lượng thước tấc trội ra.
Heo “chịu” việc tế, chiều hôm trước lễ chánh tế tức là lúc sắp cử hành lễ cáo yết, được gánh ra nơi tế.  Trước mặt đông đủ người tham dự, hai người xỏ đùi vào dây buộc chặt hai chân trước, gánh lên, một người nhận nhiệm vụ cầm dây mây, vòng qua nách con heo, kéo sít da, hỏi: “Thưa…, được chưa?”, hai người gánh xoay con heo sang phía khác, hỏi: “Thưa…, được chưa?” Nếu mọi người hô: “Được rồi!” thì gánh heo về địa điểm chờ mổ, còn nếu có ý kiến: “Chưa được!” thì người nịt phải kéo sợi mây cho chặt hơn chút nữa.




Kể chuyện đời xưa để các thế hệ sau hình dung nếp sống của người đi trước.
Mọi chuyện đều thay đổi theo thời gian.
Bây giờ, mục đích nuôi heo đã khác ngày xưa.
Xưa nuôi nhiều giống heo đen, nay nuôi nhiều giống heo bạc.
Xưa nuôi heo để lấy phân, để hạ làm lễ vật cúng, tế và để bán kiếm thêm thu nhập; nay nuôi heo chỉ để bán lấy tiền xem như nguồn thu nhập chính hay phụ tuỳ gia đình.
Xưa nuôi heo để lấy phân; muốn có nhiều phân, chuồng nuôi heo lót rơm, lót bổi, phân và nước tiểu thấm vào đó, không rò rỉ ra môi trường; nay nuôi heo, chuồng đúc bê-tông, phân và nước tiểu của heo giội chảy ra gây ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi bốc lên ô nhiễm không khí.
Xưa dùng phân chuồng bón ruộng nương, sản phẩm nông nghiệp: lúa, khoai, bắp… “sạch”; đất được bồi bổ chất hữu cơ hoai mục đều, tơi xốp; nay chỉ bón bằng phân hoá học, nông sản không còn “sạch”, đất chai cứng  dần vì thiếu chất mùn.
Theo biện luận như trên, người ta cứ tưởng xưa hơn nay; thật ra, không phải vậy! Thời gian càng trôi, tiến hoá càng lên. Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật đem lại sự tiến hoá – tiến hoá theo chiều hướng tích cực cũng có mà theo chiều hướng tiêu cực cũng có.
Thịt heo là loại thịt “chủ đạo” trong dịp Tết. Bọn người bất nhân, nhân lúc nhu cầu thịt heo tăng, đã dùng hoá chất độc hại tẩy rửa, chế biến thịt heo chết, thịt heo bệnh đưa ra thị trường. Người tiêu thụ chắc chắn sẽ bị tổn thương về sức khoẻ.
Trước đây, ai làm bậy sẽ được người bên cạnh khuyên: “Đừng làm vậy mà tội”. Bây giờ, tiền bạc lên ngôi, lợi nhuận xếp hàng đầu, đẩy đạo đức kinh doanh xuống hố. Người giết người gián tiếp. Sống trong một xã hội như vậy, ai có hiểu biết, có suy nghĩ thấy mà ớn!

           Hoàng Đằng
26/01/2019 (21/Chạp/Mậu Tuất)

6 động tác đơn giản giúp thải độc cả ngày trước khi đi ngủ

Cuộc sống hiện đại cũng mang lại cho chúng ta khá nhiều rắc rối và phiền phức, thậm chí cả những nguy hại. Sự nguy hại đó chính là chất độc cứ dần dần tích tồn trong cơ thể mỗi người.
Ngoài những thói quen cần thay đổi, hay lựa chọn những thực phẩm an toàn thì một số động tác nhỏ trước khi đi ngủ sẽ giúp cơ thể dễ chịu, ngủ ngon hơn và dưỡng sinh tốt, vừa giúp thải độc tố lại làm thân thể khỏe mạnh.
1. Chải đầu trước khi ngủ: Điều tiết kinh mạch toàn thân
Việc chải đầu trước khi đi ngủ có thể kích thích các huyệt vị trên đầu, có lợi cho việc cải thiện chức năng đại não, điều tiết kinh mạch toàn thân, đạt tới mục đích phòng bệnh, dưỡng sinh.
Đối với những người bị bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, thần kinh suy nhược, thì nên kiên trì chải đầu, dùng lược kích thích các huyệt vị ở đầu, tốt cho Can, đả thông các huyệt vị, có tác dụng phụ trợ trị liệu đối với bệnh tật.
Cách chải đầu: Có thể dùng lược hoặc trực tiếp dùng ngón tay thay thế lược. Ngón tay di chuyển như sau: hai tay mười ngón bắt đầu từ mép tóc trên trán chải từ trước hướng về phía sau đến mép tóc phía sau cổ, vừa chải vừa xoa nắn da đầu, động tác chậm rãi nhu hòa, mỗi lần khoảng 10 phút.
2. Duỗi người trước khi ngủ: “Gân giãn một tấc, tuổi thọ kéo dài mười năm”

Ảnh: Sam.vn

Đây là một trong những cách dưỡng sinh vừa đơn giản lại có công dụng rất tốt. Dân gian có câu ngạn ngữ nói “duỗi người chính là lời giáo huấn xưa, có thể tiêu tan mỏi mệt nuôi dưỡng máu lại dưỡng tâm.”
Từ góc độ y đạo mà nói, điều gọi là “gân giãn một tấc, tuổi thọ kéo dài mười năm”, là nói về kéo duỗi thân thể. Chỉ một động tác duỗi người, có tác dụng trợ giúp khơi thông kinh mạch, thúc đẩy khí huyết lưu thông, điều chỉnh sự hòa hợp âm dương của tạng phủ, là một loại phương pháp rất tốt bảo vệ sức khoẻ.
Cách làm: Đưa 2 tay thẳng phía trên đỉnh đầu, dùng dức kéo toàn bộ cơ thể theo 5 hướng tay, chân và đầu, tứ chi duỗi thẳng, cơ bắp toàn thân đều cần dùng lực. Lúc duỗi ra thì cố gắng hết sức hít vào; lúc buông lỏng cơ bắp thì toàn thân cần lỏng xuống, thở ra hết sức, rèn luyện như vậy hiệu quả sẽ tốt hơn.
Động tác duỗi này có thể thực hiện vào buổi sáng sớm sẽ rất tốt cho việc đả thông kinh mạch giúp khởi động ngày mới tràn đầy năng lượng.
3. Đẩy bụng trước khi ngủ: Khai vị kiện tỳ, bổ thận dưỡng tâm
Đây là động tác giúp quét sạch những chất phế bỏ trong kinh mạch, từ đó khiến cho lá gan được thư giãn, lưu thông khí huyết, khai vị kiện tỳ, bổ thận dưỡng tâm, cách làm như vậy có hiệu quả rất tốt đối với các bệnh liên quan đến tâm lý và bệnh béo phì. Ngoài ra đẩy bụng trước khi ngủ còn có thể giảm bớt mỡ ở phần bụng và nửa người dưới, bởi vì đẩy bụng có thể đem khí huyết tươi mới đưa đến phần bụng và nửa người dưới, làm thông kinh mạch, còn có thể hạ thấp mỡ giảm cân hiệu quả.
Cách đẩy bụng: Nằm ở trên giường, trước tiên dùng hai nắm tay (dùng gốc bàn tay cũng được, gốc bàn tay là chỗ nối giữa ngón tay và bàn tay) từ chính giữa ngực đẩy hướng xuống phía rốn phía dưới, chỉ đẩy theo một phương hướng, không đẩy ngược lại. Trong lúc đẩy lực đẩy nên vừa phải, đồng thời cảm nhận xem phần bụng có gì khác không. Đẩy như thế khoảng 10~20 lần, chỗ nào có khối cứng thì đẩy tích cực hơn, chỗ đó rất có thể là có mỡ bên trong đè ép.
4. Trước khi ngủ vỗ đảm kinh: Hoạt huyết bài độc, thanh lý các chất phế bỏ

Đường chạy của đảm kinh ở chi dưới là từ mép đùi, chính giữa mặt ngoài của chi dưới, chạy xuống đến chỗ ngón chân, chạy qua chỗ giữa các ngón chân. Có một tiêu chí để tìm được dễ dàng, chính là dọc theo đường tuyến ở chính giữa quần cho đến chỗ cạnh bên ngoài đầu gối, chủ yếu là 4 huyệt vị hoàn khiêu, phong thị, trung độc, tất dương
Mát xa vỗ đảm kinh, có thể giãn mở thông kinh lạc, hoạt huyết bài độc, làm cho máu huyết tuần hoàn nhanh, thân thể sẽ có đầy đủ năng lượng để bài trừ các chất phế bỏ. Nếu trong cơ thể có chỗ bị phù, thì độc tố tự nhiên sẽ được giải trừ.
Nếu đi ngủ quá muộn ngủ (buổi tối sau 11h) thì không nên vỗ. Bởi vì gan và mật là các tạng phủ ở trong và ngoài, buổi tối sau 11h mà vỗ đảm kinh thì dễ sinh ra hiện tượng gan phát hỏa.
5. Xoa bóp giải độc gan

Tuyến mật có vị trí nằm trên đường thẳng dọc xương đùi xuống đến giữa ngón chân út và ngón chân kế tiếp. Nằm tại điểm giao của đường gióng thẳng từ ly quần phải lên và đường ngay từ rốn sang.
Động tác này xoa bóp các bộ vị từ trên xuống dưới, giúp kích hoạt gan tiết mật có thể làm cho kinh mạch giãn nở, lưu thông khí huyết tốt, máu tuần hoàn nhanh hơn, thân thể được hồi phục lại năng lượng, thải độc.
Chú ý: Nếu bạn đi ngủ vào lúc 11h đêm thì không nên xoa bóp kích hoạt gan tiết mật.
Bởi vì sau 11h đêm là giờ hoạt động mạnh nhất của gan, nếu bạn xoa bóp kích thích gan vào giờ đó có thể dẫn tới hiện tượng gan hoạt động và tiết mật quá mạnh làm trong người nóng, bốc hỏa (gan thượng hỏa)
6. Uống ít nước khi ngủ – Chống phù nề
Buổi tối, sau 21 giờ là lúc các cơ quan bộ phận trong cơ thể đã đi vào trạng thái ngủ cho dù bạn chưa ngủ.
Nếu trong thời gian này bạn uống nhiều nước sẽ làm kích hoạt các cơ quan nội tạng hoạt động trở lại, phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể gây gánh nặng cho thận, rất dễ gây phù nề.
Vì vậy bạn cần uống ít nước trước khi ngủ để giữ gìn trạng thái nghỉ ngơi của cơ thể, tránh hiện tượng phù nề sau ngủ.


Theo dõi kênh YouTube ĐKN: https://goo.gl/2GhYTZ
Tải ứng dụng DKN.TV: http://onelink.to/dknapp

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

TÍM XƯA-Thơ dovaden2010/Họa:Lý Đức Quỳnh(Blog langphong )


Tím Xưa

Ơi tím phai nhòa vỡ mộng xưa!
Chữ tình trên nón vẫn đong đưa? *
Đường quen bóng vắng qua xuân hạ *
Trường cũ rêu mờ trải nắng mưa *
Thưở ấy tương tư nhiều… chẳng đủ
Giờ đây khắc khoải mấy… đành thừa
Đồi Thiên, Hồ Thủy còn mơ nhé *
Ơi tím phai nhòa vỡ mộng xưa!

dovaden2010 (DVD)

Chú thích:
* Chữ tình trên nón: Nón bài thơ Huế.
* Đường quen: Đường Lê Lợi.
* Trường cũ: Trường Đồng Khánh.
* Đồi Thiên, Hồ Thủy: Đồi Thiên An, Hồ Thủy Tiên.

Bài Họa:

Lỗi Hẹn Xưa

Núi Ngự thương chờ lối hẹn xưa
Trường Tiền mấy nhịp mộng tình đưa
Em về bỏ mặc chiều phai nắng
Anh đợi mong hoài tối đẫm mưa
Huế đã thân quen,chừ bỗng thiếu
Đời như xa lạ,bởi nay thừa
Bên nhau chỗ trống từ ly biệt
Núi Ngự thương chờ lối hẹn xưa

Lý Đức Quỳnh

Trực giác có lừa con người không?

bbc.com
Valerie van Mulukom Bài đăng trên The Conversation


Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Hãy tưởng tượng một giám đốc công ty lớn công bố quyết định quan trọng và ông nói đã ra quyết định dựa vào trực giác. Hành động này có thể khiến mọi người không tin tưởng - rõ ràng những quyết định quan trọng phải được suy nghĩ cẩn trọng, với sự đắn đo và hợp lý?
Thật vậy, trực giác thường bị mọi người cho là không đáng tin cậy, đặc biệt là ở phương Tây, nơi suy nghĩ phân tích được khuyến khích trong nhiều thập niên vừa qua.

Dần dần, nhiều người tin rằng con người đã tiến bộ từ cách suy nghĩ sơ khai dựa vào tôn giáo và những sự kỳ diệu, để tiến bộ và chuyển thành suy nghĩ theo hướng khoa học và phân tích. Kết quả là, người ta coi cảm xúc và trực giác là cách nghĩ kỳ dị và lầm lạc.
Tuy nhiên, thái độ này thực ra dựa trên một giả thuyết về tiến bộ trong nhận thức. Cảm xúc thực ra không phải là phản ứng khờ khạo mà con người nên bỏ qua hay điều chỉnh bằng các công cụ lý tính.
Cảm xúc là những đánh giá dựa trên những kinh nghiệm bạn trải qua hoặc cách bạn suy nghĩ. Ở góc độ này, cảm xúc là một hình thức trong quá trình xử lý thông tin.
Trực giác hoặc cảm giác bản năng là kết quả của rất nhiều quá trình xử lý xảy ra trong não bộ. Nghiên cứu cho thấy não là một cỗ máy dự đoán khổng lồ, liên tục so sánh thông tin cảm giác được nạp vào, cùng với trải nghiệm hiện tại, so với tri thức và ký ức cũ về những trải nghiệm từng xảy ra, từ đó não bộ sẽ phán đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Quá trình này được các nhà khoa học gọi là "Quy trình xử lý dự đoán" (predictive processing framework).
Điều này đảm bảo bộ não luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống hiện tại theo cách tối ưu nhất có thể. Khi một sự sai lệch xảy ra (như thứ gì đó không lường được), não bộ sẽ cập nhật thêm mô hình nhận thức mới.
Sự phù hợp giữa những mô hình cũ (từ kinh nghiệm quá khứ) đến trải nghiệm hiện tại xảy ra tự động trong vô thức. Trực giác xảy ra khi não bộ tạo ra, hoặc không tạo ra kết nối quan trọng hay sự lệch lạc (giữa mô hình nhận thức và trải nghiệm mới), thế nhưng ý thức của bạn chưa thấy rõ điều này.
Chẳng hạn, bạn có thể đang lái xe trên một con đường ở vùng quê, trời tối và bạn đang nghe nhạc, nhưng thình lình trực giác của bạn nói bạn nên lái sang hẳn một bên làn đường. Khi bạn tiếp tục lái xe, bạn nhận ra mình vừa tránh được một cái hố lớn trên đường có thể làm xe bị hỏng nặng. Bạn vui mừng vì đã tin vào trực giác dù không biết trực giác đó đến từ đâu. Trong thực tế, chiếc xe phía trước bạn một quãng xa có thể đã chuyển làn giống bạn (vì họ là dân địa phương và biết rành tình trạng đường xá), bạn làm theo mà không để ý não bộ đã ghi nhận tình huống đó.

Khi bạn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó, não bộ có nhiều thông tin để so sánh với tình huống hiện tại hơn. Điều đó khiến trực giác đáng tin cậy hơn. Điều đó có nghĩa là cùng với sự sáng tạo, trực giác có thể phát triển cùng với kinh nghiệm.
Trong nghiên cứu tâm lý, trực giác thường được coi là một trong hai mô hình tổng quát của suy nghĩ, cùng với suy nghĩ phân tích lý tính. Suy nghĩ trực giác được mô tả có tính chất tự động, nhanh và trong vô thức. Trái lại, suy nghĩ phân tích lại được coi là chậm, logic, có ý thức và thận trọng.
Nhiều người coi sự khác biệt giữa suy nghĩ lý tính và trực giác có nghĩa là hai cách xử lý thông tin (hay "cách suy nghĩ") là trái ngược nhau, hoàn toàn tách bạch. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp gần đây - nghiên cứu tìm hiểu tác động tới nhóm đối tượng đến từ đâu - cho thấy suy nghĩ phân tích và lý tính thường không có quan hệ tương quan và có thể xảy ra cùng lúc.
Vì thế, dù là có vẻ như kiểu suy nghĩ này chiếm ưu thế hơn kiểu kia trong tình huống nào đó - nhất là trong vấn đề suy nghĩ phân tích - thì sự vô thức của trực giác khiến người ta khó xác định được nó xảy ra khi nào, vì có quá nhiều thứ cùng xảy ra dưới vỏ bọc nhận thức của con người.
Thật vậy, trong thực tế hai kiểu suy nghĩ có thể bổ túc cho nhau và hòa hợp cùng nhau - con người thường sử dụng cả hai cùng lúc với nhau. Thậm chí những nghiên cứu khoa học đột phá có thể bắt đầu với tri thức trực giác giúp các nhà khoa học hình thành phát kiến và giả thuyết mới, mà sau này họ sẽ xác minh lại nhờ vào phân tích và thí nghiệm nghiêm túc.
Hơn nữa, dù trực giác bị coi là lộn xộn và không chính xác, suy nghĩ lý tính cũng có thể có hại. Nghiên cứu cho thấy sự suy nghĩ quá mức có thể cản trở nghiêm trọng quá trình ra quyết định của ta.
Trong những trường hợp khác, suy nghĩ phân tích có thể đơn giản giải thích lại sau khi sự kiện xảy ra, hoặc lý giải các quyết định dựa trên trực giác trước đó.
Điều này xảy ra khi ta có thể giải thích quyết định của mình khi gặp tình huống khó xử về đạo đức. Hiệu ứng này cho phép mọi người coi suy nghĩ lý tính như "thư ký báo chí", hay "luật sư lương tâm" của trực giác. Nhiều khi ta không biết vì sao mình lại quyết định như vậy, nhưng ta vẫn có lý do giải thích cho quyết định đó.
Vậy ta có nên dựa vào trực giác, nếu như nó bổ trợ cho quá trình ra quyết định?
Điều này rất phức tạp.
Vì trực giác dựa trên quá trình xử lý thông tin tự động, nhanh và dựa trên tri thức cũ trong quá trình tiến hóa, nó cũng dễ sa vào lỗi lầm lạc, như bị định kiến về nhận thức. Đó là các lỗi hệ thống trong suy nghĩ và có thể xảy ra tự động.
Dù vậy, học cách làm quen với một số định kiến nhận thức cơ bản, bạn sẽ nhận ra những lỗi này trong tương lai, có một số mẹo nhỏ để thực hành tránh lỗi này Tai Đây và  TẠI ĐÂY
Tương tự, vì quá trình xử lý thông tin nhanh đã quá cổ xưa, đôi khi nó có thể lỗi thời. Hãy xem qua ví dụ một đĩa bánh donut. Dù bạn có thể thèm ăn hết tất cả, nhưng cơ thể bạn có lẽ không cần một lượng đường và chất béo nhiều đến vậy. Tuy nhiên, trong thời săn bắn - hái lượm xa xưa, tích trữ năng lượng lại là bản năng khôn ngoan của con người.
Như vậy, với mỗi tình huống cần phải ra quyết định dựa trên đánh giá, hãy xem xét liệu trực giác của bạn đã đánh giá đúng tình huống chưa. Đó là tình huống mới hay cũ từ thời tiến hóa? Nó có mắc vào lỗi định kiến nhận thức không? Bạn đã từng trải qua hay có hiểu biết về tình huống này không?
Nếu đó là trực giác cũ từ thời con người tiến hóa, hay dính phải lỗi định kiến, và bạn không có chuyên môn gì trong vấn đề này, vậy hãy dựa vào suy nghĩ lý tính.
Nếu không mắc phải các lỗi trên, hãy yên tâm dựa vào trực giác.
Đã đến lúc ta phải ngưng bài xích suy nghĩ trực giác, và phải nhìn thẳng vào tính chất của nó: đó là quá trình xử lý thông tin nhanh, tự động và vô thức.
Nó có thể cung cấp cho con người rất nhiều thông tin hữu ích mà những phân tích cẩn trọng không hề có được.
Ta phải thừa nhận rằng trực giác và suy nghĩ lý tính cùng xảy ra với nhau, và có thể dựa vào nhau trong những tình huống phải ra quyết định khó khăn.

Bài báo được đăng từ tạp chí The Conversation và được BBC xuất bản lại theo giấy phép Creative Commons.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy. Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến Lời truyền ...