Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU - Đỗ Chiêu Đức


          Tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018, nhân tiết Nguyên Tiêu, gia đình có tổ chức một tour du lịch ngắn hạn đi một vòng từ Thành phố Cần Thơ xuống Sóc Trăng, Bạc liêu, rồi đến thành phố của vùng đất mũi : TP Cà Mau.
         Trên đường trở về, khi ghé qua TP Bạc liêu để ăn trưa, chúng tôi đã ghé thăm một Di tích lịch sử đã từng vang bóng một thời : Nhà của Công Tử Bạc Liêu ở số 13 đường Điện Biên Phủ.


                                  Inline image 


     Không phải kể lôi thôi về thân thế và những giai thoại và bất giai thoại ( chuyện đẹp và chuyện không đẹp ) về vị Công Tử nầy nữa, chỉ biết là vào mùa Xuân năm 2014 thì nơi nầy bắt đầu mở cửa để đón du khách đến để tham quan như là một điểm du lịch nóng của TP Bạc Liêu. Gia đình chúng tôi cũng theo đoàn người hiếu kỳ mua vé vào xem cho biết nơi đã từng vang bóng một thời nầy ...

     Bước vào cửa là du khách sẽ thấy ngay một chiếc xe hơi, đó là chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922 để Công Tử Bạc Liêu đi chơi. Phía sau chiếc xe là phòng khách, không kể đến những đồ đạc cổ xưa qúy giá được trưng bày ở đây. Phía bên trái có cầu thang để lên lầu ...

                      Inline image  Inline image 
       Trên lầu là một phòng khách thật rộng, phía bên phải để vào phòng khách có chưng một cái cái dĩa cổ thật lớn ( như hình trên ) với bức tranh sơn thủy, với đường đi lên núi, phiá bên phải là thác nước, ở giữa bức tranh là hình một cây tùng thật lớn xòe nhánh về phía trước, bên trên có 4 chữ THANH TÙNG NGHINH TÂN 青松迎賓. Có nghĩa : Cây thông xanh đón khách. Làm cho ta nhớ đến Hoa Sơn Kiếm Pháp của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung, trong đó có một chiêu là Thương Tùng Nghinh Khách 蒼松迎客, cũng có nghĩa là Thông Xanh Đón Khách.
       Khi Nhạc Bất Quần muốn chiêu dụ Lệnh Hồ Xung trở lại phái Hoa Sơn, đã ra chiêu Lãng Tử Hồi Đầu 浪子回頭, rồi Thương Tùng Nghinh Khách 蒼松迎客, rồi 3 chiêu Xung Linh Kiếm Pháp 沖靈劍法 và kế đến là Lộng Ngọc Xuy Tiêu 弄玉吹蕭, Tiêu Sử Thừa Long 蕭史乘龍 ... Với ý là :
     " Lãng tử Lệnh Hồ Xung nếu biết hồi đầu, thì cây thông trên Hoa Sơn sẽ sẵn sàng đón tiếp, và ta sẽ gả Nhạc Linh San cho ngươi để Xung Linh Kiếm Pháp được đoàn viên, như nàng Lộng Ngọc tập thổi tiêu và được Tần Mục Công gả cho chàng Tiêu Sử để cùng cởi rồng phượng bay về trời vậy !"...

     Trở lại với phòng khách trên lầu của Công Tử Bạc Liêu ...

          Inline image Inline image
                       Vợ chồng Đỗ Chiêu Đức cùng ông bà thông gia Huỳnh Thanh Sơn
   
       Cạnh bên cái dĩa lớn là lối vào phòng khách trên lầu, với đôi câu đối cẩn xà cừ như sau :

              富   壽    康      寧,    總   是   仁    慈   成    事     業,
            Phú Thọ Khang Ninh, tổng thị nhân từ thành sự nghiệp,
             貴   財  利  樂, 皆   由   忠    孝     永   基  圖。
            Quý tài lợi lạc, giai do trung hiếu vĩnh cơ đồ.

Chú Thích :
      - PHÚ THỌ KHANG NINH : là Giàu có, sống dai, khoẻ mạnh và bình yên.
      - TỔNG THỊ NHÂN TỪ : là Đều là do ăn ở nhân hậu từ ái.
      - THÀNH SỰ NGHIỆP : là Làm nên sự nghiệp.
      - QUÝ TÀI LỢI LẠC : là Quý hiển, tài lộc, lợi nhuận và Niềm vui.
      - GIAI DO TRUNG HIẾU : là Đều do nơi trung tín và hiếu nghĩa.
      - VĨNH CƠ ĐỒ : là Cơ Đồ được Vĩnh Cửu dài lâu.
Nghĩa của Câu Đối :
      * Giàu có sống thọ khỏe mạnh bình yên đều do nơi ăn ở nhân hậu từ ái mà làm nên sự nghiệp.
      * Quý hiển giàu sang vui vẻ đều do làm người có trung có hiếu mà giữ vững được cơ đồ ( của cha ông để lại ) được vĩnh cửu lâu dài.

      Câu đối không biết do danh sĩ nào làm ra lúc bấy giờ, nhưng đã có ý vừa ca ngợi vừa khuyên răn : Giàu có bình yên là do có lòng nhân từ mà thành sự nghiệp, nên phải biết ăn ở cho có trung có hiếu thì mới giữ vững cơ đồ của ông cha được bền vững lâu dài.
      Rất tiếc là Công Tử Bạc Liêu lại theo Tây Học, sang Pháp chỉ biết ăn chơi trác táng, khi về nước lại cũng chỉ biết trác táng ăn chơi, mà không hiểu thấu đôi câu đối của tiền nhân nhc nhở hằng ngày đập vào mắt khi đi lên xuống lầu.
      
                               Inline image
                                     Bài Thiếu Niên Hành của Lý Bạch
         Mặt hông phải của câu đối bên phải, cũng là một bức tranh cẩn xà cừ với bài thơ " Thiếu Niên Hành " của Thi Tiên Lý Bạch :

                         少年行                THIẾU NIÊN HÀNH
                   五陵年少金市東。  Ngũ Lăng niên thiếu Kim thị đông,
                   銀鞍白馬度春風。  Ngân yên bạch mã độ xuân phong. 
                   落花踏盡游何處。  Lạc hoa đạp tận du hà xứ ? 
                   笑入胡姬酒肆中。  Tiếu nhập Hồ Cơ tửu tứ trung !
Có nghĩa :
        Chàng thiếu niên công tử của đất Ngũ Lăng giàu có dạo chơi ở phía đông của Kim Thị. Chàng cởi con ngựa trắng được thắng yên bạc sang trọng chạy trong gió xuân, và đạp lên hết các hoa rụng để dạo khắp hết cảnh đẹp của kinh thành, Cuối cùng chàng mĩm cười mà đi vào quán rượu của những nàng Hồ Cơ xinh đẹp :
                         Chàng tuổi trẻ Ngũ Lăng đi dạo,
                         Thắng yên cương bạch mã một màu.
                         Hoa rơi đạp hết về đâu ?
                         Hồ Cơ tửu quán đi vào cười vui !
                                                         ĐCĐ diễn Nôm 
      Qủa là cảnh ăn chơi trác táng của con nhà giàu, cởi ngựa trắng thắng yên bạc, đạp hết hoa rụng trên đường của bao cảnh đẹp một cách khinh bạc không thương tiếc, chán rồi thì đi vào quán rượu để cười cợt đùa vui với các nàng hầu rượu !
      Không biết ai đã chọn bài thơ nầy để cẩn xà cừ treo ở phòng khách ? Muốn ca ngợi sự ăn chơi phóng khoáng của các công tử con nhà giàu, hay là muốn mĩa mai cuộc sống chỉ biết có hưởng thụ theo bản năng thấp hèn, tàn nhẫn, dửng dưng ( đạp bừa lên hoa rụng ) của các cậu ấm con nhà giàu vô tích sự ! ( Dạo chơi, uống rượu, kiếm gái !).

                                  Inline image
                             Bài Tống Lương Lục tự Động Đình Sơn của Trương Duyệt
           Mặt hông phải của câu đối bên trái, cũng có một bài thơ cẩn xà cừ của thi nhân Trương Duyệt đời Đường :


              送梁六自洞庭山作 TỐNG LƯƠNG LỤC TỰ ĐỘNG ĐÌNH SƠN TÁC

              巴陵一望洞庭秋,   Ba Lăng nhất vọng Động Đình Thu,
              日見孤峰水上浮。   Nhựt kiến cô phong thủy thượng phù.
              聞道神仙不可接,   Văn đạo thần tiên bất khả tiếp,
              心隨湖水共悠悠.    Tâm tùy hồ thủy cộng du du !
Có nghĩa :
                          Làm Khi Đưa LƯƠNG LỤC từ núi Động Đình.
      Từ đất Ba Lăng ta nhìn theo bạn đến mút con mắt trên hồ Động Đình khi trời đã vào thu; dưới ánh nắng lắp lánh ta thấy ngọn núi Quân Sơn cô độc như trôi nổi trên hồ Động Đình (tựa như núi Bồng lai ); Nghe nói thần tiên rất khó mà gặp được để tiếp xúc, nên lòng ta cũng như nước hồ trôi nổi tận xa xăm !
                         Ba Lăng thu ngắm Động Đình,
                         Núi côi như nổi xinh xinh giữa hồ.
                         Thần tiên há dễ gặp cơ ?!
                         Lòng ta theo nước dật dờ xa xa !
                                                   ĐCĐ diễn Nôm
     Trái với bài Thiếu Niên Hành của Lý Bạch ở trên, bài thơ nầy tả tâm lý tự nhiên hơn của con người trước cảnh chia tay, trước thiên nhiên trời nước bao la của hồ Động Đình, trước sự nhỏ bé của núi Quân Sơn như đang trôi nổi trên mặt hồ như tiên đão Bồng lai; làm cho lòng người cũng lắng đọng xuống muốn đi tu tiên để sống cảnh sống của thần tiên, không xô bồ xô bộn như cuộc đời thực tế đang diễn ra trước mắt. Nếu chịu lắng lòng với bài thơ nầy, thì chắc Công Tử Bạc Liêu cũng sẽ bớt ăn chơi hơn !

     Trong nhà, trong phòng, trong khách sảnh, còn có rất nhiều câu đối và những bài thơ khác; trên đây chỉ là phần tiêu biểu mà gia đình chúng tôi đã ghi nhận được ... Còn có một căn phòng nhỏ rất đặc biệt ở phía dưới lầu, nằm bên cánh phải của căn nhà. Đó là phòng của con trai thứ 3 của Công Tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy : Ông Trần Trinh Đức đã 67 tuổi. căn phòng trang trí đơn sơ với một bàn bureau, trên bàn có một bình bông, một cái gạt tàn thuốc và một gói thuốc COTAB màu vàng, một gói MELIA màu trắng, chắc chỉ để làm kiểu. Phía sau bàn, ông Trần Trinh Đức ngồi đó với nét mặt trầm tư, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn đám du khách đang nhìn mình thật nhanh rồi cuối mặt như săm soi vật gì đó trên bàn. Nghe nói trước đây ông sống rất chật vật, phải chạy xe ôm để kiếm sống ở đất Sài Gòn. Từ ngày khu du lịch " Nhà Công Tử Bạc Liêu " mở cửa đón khách tham quan. Công Ty Du Lịch TP Bạc Liêu mới mời ông về đây để làm nhân chứng sống ...

                  Inline image  Inline image
                          Ông Trần Trinh Đức, con trai thứ 3 của Công Tử Bạc Liêu

     Rời khỏi khu di tích " NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU " chúng tôi đều lặng thinh, không ai nói với ai lời nào, nhưng hầu như tất cả đều cảm thông và cảm khái trước sự tang thương biến đổi, thời đại hoàng kim nào rồi cũng sẽ đi qua, còn lại chỉ là cái tiếc nuối cho thuở đã từng vang bóng một thời mà thôi !

                                                                                                 Đỗ Chiêu Đức
                

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...