Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Trực giác có lừa con người không?

bbc.com
Valerie van Mulukom Bài đăng trên The Conversation


Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Hãy tưởng tượng một giám đốc công ty lớn công bố quyết định quan trọng và ông nói đã ra quyết định dựa vào trực giác. Hành động này có thể khiến mọi người không tin tưởng - rõ ràng những quyết định quan trọng phải được suy nghĩ cẩn trọng, với sự đắn đo và hợp lý?
Thật vậy, trực giác thường bị mọi người cho là không đáng tin cậy, đặc biệt là ở phương Tây, nơi suy nghĩ phân tích được khuyến khích trong nhiều thập niên vừa qua.

Dần dần, nhiều người tin rằng con người đã tiến bộ từ cách suy nghĩ sơ khai dựa vào tôn giáo và những sự kỳ diệu, để tiến bộ và chuyển thành suy nghĩ theo hướng khoa học và phân tích. Kết quả là, người ta coi cảm xúc và trực giác là cách nghĩ kỳ dị và lầm lạc.
Tuy nhiên, thái độ này thực ra dựa trên một giả thuyết về tiến bộ trong nhận thức. Cảm xúc thực ra không phải là phản ứng khờ khạo mà con người nên bỏ qua hay điều chỉnh bằng các công cụ lý tính.
Cảm xúc là những đánh giá dựa trên những kinh nghiệm bạn trải qua hoặc cách bạn suy nghĩ. Ở góc độ này, cảm xúc là một hình thức trong quá trình xử lý thông tin.
Trực giác hoặc cảm giác bản năng là kết quả của rất nhiều quá trình xử lý xảy ra trong não bộ. Nghiên cứu cho thấy não là một cỗ máy dự đoán khổng lồ, liên tục so sánh thông tin cảm giác được nạp vào, cùng với trải nghiệm hiện tại, so với tri thức và ký ức cũ về những trải nghiệm từng xảy ra, từ đó não bộ sẽ phán đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Quá trình này được các nhà khoa học gọi là "Quy trình xử lý dự đoán" (predictive processing framework).
Điều này đảm bảo bộ não luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống hiện tại theo cách tối ưu nhất có thể. Khi một sự sai lệch xảy ra (như thứ gì đó không lường được), não bộ sẽ cập nhật thêm mô hình nhận thức mới.
Sự phù hợp giữa những mô hình cũ (từ kinh nghiệm quá khứ) đến trải nghiệm hiện tại xảy ra tự động trong vô thức. Trực giác xảy ra khi não bộ tạo ra, hoặc không tạo ra kết nối quan trọng hay sự lệch lạc (giữa mô hình nhận thức và trải nghiệm mới), thế nhưng ý thức của bạn chưa thấy rõ điều này.
Chẳng hạn, bạn có thể đang lái xe trên một con đường ở vùng quê, trời tối và bạn đang nghe nhạc, nhưng thình lình trực giác của bạn nói bạn nên lái sang hẳn một bên làn đường. Khi bạn tiếp tục lái xe, bạn nhận ra mình vừa tránh được một cái hố lớn trên đường có thể làm xe bị hỏng nặng. Bạn vui mừng vì đã tin vào trực giác dù không biết trực giác đó đến từ đâu. Trong thực tế, chiếc xe phía trước bạn một quãng xa có thể đã chuyển làn giống bạn (vì họ là dân địa phương và biết rành tình trạng đường xá), bạn làm theo mà không để ý não bộ đã ghi nhận tình huống đó.

Khi bạn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó, não bộ có nhiều thông tin để so sánh với tình huống hiện tại hơn. Điều đó khiến trực giác đáng tin cậy hơn. Điều đó có nghĩa là cùng với sự sáng tạo, trực giác có thể phát triển cùng với kinh nghiệm.
Trong nghiên cứu tâm lý, trực giác thường được coi là một trong hai mô hình tổng quát của suy nghĩ, cùng với suy nghĩ phân tích lý tính. Suy nghĩ trực giác được mô tả có tính chất tự động, nhanh và trong vô thức. Trái lại, suy nghĩ phân tích lại được coi là chậm, logic, có ý thức và thận trọng.
Nhiều người coi sự khác biệt giữa suy nghĩ lý tính và trực giác có nghĩa là hai cách xử lý thông tin (hay "cách suy nghĩ") là trái ngược nhau, hoàn toàn tách bạch. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp gần đây - nghiên cứu tìm hiểu tác động tới nhóm đối tượng đến từ đâu - cho thấy suy nghĩ phân tích và lý tính thường không có quan hệ tương quan và có thể xảy ra cùng lúc.
Vì thế, dù là có vẻ như kiểu suy nghĩ này chiếm ưu thế hơn kiểu kia trong tình huống nào đó - nhất là trong vấn đề suy nghĩ phân tích - thì sự vô thức của trực giác khiến người ta khó xác định được nó xảy ra khi nào, vì có quá nhiều thứ cùng xảy ra dưới vỏ bọc nhận thức của con người.
Thật vậy, trong thực tế hai kiểu suy nghĩ có thể bổ túc cho nhau và hòa hợp cùng nhau - con người thường sử dụng cả hai cùng lúc với nhau. Thậm chí những nghiên cứu khoa học đột phá có thể bắt đầu với tri thức trực giác giúp các nhà khoa học hình thành phát kiến và giả thuyết mới, mà sau này họ sẽ xác minh lại nhờ vào phân tích và thí nghiệm nghiêm túc.
Hơn nữa, dù trực giác bị coi là lộn xộn và không chính xác, suy nghĩ lý tính cũng có thể có hại. Nghiên cứu cho thấy sự suy nghĩ quá mức có thể cản trở nghiêm trọng quá trình ra quyết định của ta.
Trong những trường hợp khác, suy nghĩ phân tích có thể đơn giản giải thích lại sau khi sự kiện xảy ra, hoặc lý giải các quyết định dựa trên trực giác trước đó.
Điều này xảy ra khi ta có thể giải thích quyết định của mình khi gặp tình huống khó xử về đạo đức. Hiệu ứng này cho phép mọi người coi suy nghĩ lý tính như "thư ký báo chí", hay "luật sư lương tâm" của trực giác. Nhiều khi ta không biết vì sao mình lại quyết định như vậy, nhưng ta vẫn có lý do giải thích cho quyết định đó.
Vậy ta có nên dựa vào trực giác, nếu như nó bổ trợ cho quá trình ra quyết định?
Điều này rất phức tạp.
Vì trực giác dựa trên quá trình xử lý thông tin tự động, nhanh và dựa trên tri thức cũ trong quá trình tiến hóa, nó cũng dễ sa vào lỗi lầm lạc, như bị định kiến về nhận thức. Đó là các lỗi hệ thống trong suy nghĩ và có thể xảy ra tự động.
Dù vậy, học cách làm quen với một số định kiến nhận thức cơ bản, bạn sẽ nhận ra những lỗi này trong tương lai, có một số mẹo nhỏ để thực hành tránh lỗi này Tai Đây và  TẠI ĐÂY
Tương tự, vì quá trình xử lý thông tin nhanh đã quá cổ xưa, đôi khi nó có thể lỗi thời. Hãy xem qua ví dụ một đĩa bánh donut. Dù bạn có thể thèm ăn hết tất cả, nhưng cơ thể bạn có lẽ không cần một lượng đường và chất béo nhiều đến vậy. Tuy nhiên, trong thời săn bắn - hái lượm xa xưa, tích trữ năng lượng lại là bản năng khôn ngoan của con người.
Như vậy, với mỗi tình huống cần phải ra quyết định dựa trên đánh giá, hãy xem xét liệu trực giác của bạn đã đánh giá đúng tình huống chưa. Đó là tình huống mới hay cũ từ thời tiến hóa? Nó có mắc vào lỗi định kiến nhận thức không? Bạn đã từng trải qua hay có hiểu biết về tình huống này không?
Nếu đó là trực giác cũ từ thời con người tiến hóa, hay dính phải lỗi định kiến, và bạn không có chuyên môn gì trong vấn đề này, vậy hãy dựa vào suy nghĩ lý tính.
Nếu không mắc phải các lỗi trên, hãy yên tâm dựa vào trực giác.
Đã đến lúc ta phải ngưng bài xích suy nghĩ trực giác, và phải nhìn thẳng vào tính chất của nó: đó là quá trình xử lý thông tin nhanh, tự động và vô thức.
Nó có thể cung cấp cho con người rất nhiều thông tin hữu ích mà những phân tích cẩn trọng không hề có được.
Ta phải thừa nhận rằng trực giác và suy nghĩ lý tính cùng xảy ra với nhau, và có thể dựa vào nhau trong những tình huống phải ra quyết định khó khăn.

Bài báo được đăng từ tạp chí The Conversation và được BBC xuất bản lại theo giấy phép Creative Commons.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...