Hôm thứ Tư vừa qua, trên The Lancet, tạp chí y học nổi tiếng Anh Quốc, 37 nhà khoa học (từ 16 quốc gia) công bố « Thực đơn lý tưởng » có tên gọi « Sức khỏe Hành Tinh / Planetary Health ». Nếu nhân loại thực hiện được thực đơn này, ít nhất sẽ có 11 triệu người thoát chết hàng năm, và đồng thời lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm mạnh và đa dạng sinh học được bảo vệ.
Bí quyết của thực đơn này là gì ? Theo nghiên cứu được công bố trên The Lancet, Thực đơn lý tưởng hàng ngày gồm trung bình 300 gram rau, 200 gram quả, 200 gram hạt toàn phần các loại (gạo, ngô…), 250 gram sữa hoặc thực phẩm tương đương, nhưng chỉ có 14 gram thịt đỏ. Để bù vào lượng protein thiếu hụt, có thể thay thịt đỏ bằng thịt gia cầm (29 g), cá (28 g), trứng (13 g) hay các loại hạt có chứa nhiều protein, như hồ đào, óc chó… (50 g).
"Thực đơn lý tưởng" theo nhóm nghiên cứu của Gs Tim Lang.Capture d'ecran
Tiêu thụ thịt ở quy mô lớn tại các nước giàu, các nhóm xã hội khá giả ở những nước đang phát triển không những gây tổn hại cho sức khỏe của chính người sử dụng mà cho cả môi trường, và là một nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính quan trọng. Thay đổi lớn cần có trong chế độ ăn với cư dân các nước phát triển là tăng gấp bội lượng rau quả và các loại hạt, đồng thời giảm ít nhất là một nửa lượng thịt và đường, trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cụ thể là với người Mỹ, trung bình cần giảm 20 lần so với hiện nay (đang ở mức 280 gram/ngày), với người Pháp, khoảng 3 lần (46 gram/ngày).
« Thay đổi triệt để chế độ ăn » là có thể
Giáo sư Tim Lang, Đại học Luân Đôn, người lãnh đạo cuộc nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh là trong vấn đề ăn uống, nhân loại đang phạm phải « những sai lầm nghiêm trọng ».
Tại các nước phát triển hay đang tăng trưởng mạnh, hàng loạt căn bệnh mãn tính, như béo phì, tiểu đường, huyết áp, hoặc một số loại bệnh ung thư là do chế độ ăn uống không đúng cách. Theo nghiên cứu nói trên, ăn uống thừa chất và không đúng cách là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Người chết do nguyên nhân này còn cao hơn cả tổng số người thiệt mạng do tiêu thụ rượu, thuốc lá, ma túy, quan hệ tình dục không được bảo vệ. Ước tính khoảng 2,4 tỉ dân cư thế giới đang sử dụng quá nhiều thực phẩm so với mức cần thiết.
Ngược lại với tình trạng ở các nước phát triển, tại phần còn lại của thế giới, hơn 800 triệu người hoặc thiếu ăn, hoặc phải sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Đây là nguồn gốc của nhiều bệnh tật và tử vong sớm.
Theo giáo sư Tim Lang, việc « thay đổi triệt để chế độ ăn » trong thế kỷ 21 là điều tuy khó, nhưng không phải là không thể được, bởi kinh nghiệm cho thấy chế độ ăn uống của con người đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ 20. Những ai có dịp sống qua nhiều thời kỳ, nhiều xã hội, nhiều điều kiện khác nhau, thì ngay trong thời gian một đời người cũng có thể ghi nhận điều này.
Các nhà nghiên cứu không hy vọng toàn nhân loại áp dụng nhất loạt « Thực đơn lý tưởng » này. Chỉ cần áp dụng một phần tình trạng sức khỏe cá nhân và sức khỏe của hành tinh cũng có đã có những cải thiện trông thấy.
Ăn uống cũng phải đúng cách mới có sức khỏe tốt
Trả lờiXóa