Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Tòa nhà lớn nhất thế giới và tiểu đô thị bên trong

bbc.com
Stephen Dowling BBC Future


Getty ImagesBản quyền hình ảnh Getty Images
Để sản xuất ra những chiếc máy bay lớn nhất thế giới, bạn cần một xưởng có kích cỡ ngoại hạng tương xứng.
Khi hãng máy bay Boeing quyết định sản xuất dòng 747 - mẫu máy bay to đến nỗi nó được thế giới gọi là 'máy bay khổng lồ' - họ phải xây một phân xưởng đủ lớn để có chỗ chế tạo vài chiếc máy bay cùng một lúc.

Nếu đã từng thấy một chiếc 747 ở khoảng cách gần, bạn sẽ biết nó to đến mức nào. Do đó không có gì ngạc nhiên nhà máy được dùng để làm nơi chế tạo cũng phải thật to lớn.

Không gian cực lớn

Boeing bắt đầu cho xây dựng nhà máy Everett vào năm 1967, khi mà dự án Boeing 747 bắt đầu vào giai đoạn nước rút.
Ông Bill Allen, nhà lãnh đạo có sức cuốn hút của Boeing, nhận thấy rằng công ty cần không gian cực lớn nếu họ muốn đóng một chiếc máy bay đủ sức chở 400 hành khách.
Họ đã chọn một khu rừng nằm cách Seattle 35km về phía bắc, gần một sân bay vốn là một căn cứ chiến đấu trong thời Đệ nhị Thế chiến.
Một bài báo trên tờ báo địa phương của Everett là Daily Herald nhớ lại sân bay này nằm ở một nơi khuất xa như thế nào.
Theo lời ông Joe Sutter, vị kỹ sư là bộ óc của dự án 747, địa điểm đó chỉ có một con đường nhỏ để đi đến xa lộ gần nhất và không có tuyến đường sắt nào đi qua. Trong rừng là lãnh địa của gấu hoang.

Getty ImagesBản quyền hình ảnh Getty Images
Đồng thời với việc chế tạo ra nguyên mẫu của chiếc máy bay lớn nhất thế giới, hãng Boeing cũng phải xây phân xưởng làm nơi sản xuất.
Ngày nay, xưởng Everett dễ dàng vượt trội bất cứ tòa nhà nào khác trên thế giới về kích thước với Quyển Kỷ lục Guiness cho biết nó chiếm thể tích 13,3 triệu mét khối.

"Chúng tôi có thể lấy kích thước của tòa nhà phủ kín được những công trình nổi tiếng nhất thế giới," ông David Reese, người điều hành tour tham quan nhà máy Everett, nói. "Những địa danh nổi tiếng như lâu đài Versailles, Vatican và Disneyland, và anh sẽ thấy bảng so sánh này khi anh bắt đầu tour tham quan nhà máy."
"Tôi nhớ lại một cuộc phỏng vấn với BBC một vài năm trước đây, và tôi nghĩ 'tôi tự hỏi kích thước của Sân vận động Wembley là bao nhiêu?' À, thì ra không gian của nhà máy có thể đặt vừa 13 sân Wembley vào trong đó."

Thành phố thu nhỏ

Nhà máy Everett vẫn tiếp tục sản xuất tuy với số lượng ngày một giảm các máy bay chở hàng 747. Ngày nay hãng chủ yếu tập trung vào có mẫu 767, 777 và 787 nhỏ hơn.
Để sản xuất ra những chiếc máy bay như thế đòi hỏi rất nhiều không gian.
Công trình chính của nhà máy Everett nằm trên diện tích 39 hectare, rộng gấp 30 lần Quảng trường Trafalgar ở London.
Mỗi ca làm việc có đến 10.000 công nhân, và mỗi ngày có ba ca hoạt động. Trong khoảng thời gian 24 giờ, số người đến nhà máy làm việc chỉ ít hơn thành phố Alice Springs của Úc một chút.
Reese đã làm việc cho Boeing được 38 năm - 11 năm trong số đó là điều hành tour tham quan nhà máy - nhưng ông nói rằng ông vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên của ông về nhà máy: "Lần đầu tiên thấy nó thật sự rất choáng ngợp - và tôi phải nói rằng kể từ đó ngày nào cũng choáng ngợp. Nó thay đổi liên tục. Mỗi ngày đều có những điều gì đó mới mẻ."
Phân xưởng Everett lớn đến nỗi có một dàn xe đạp gồm 1.300 chiếc tại chỗ để giúp rút ngắn thời gian đi lại. Nó có trạm cứu hỏa riêng và các cơ sở y tế tại chỗ cùng rất nhiều những tiệm đồ ăn và nhà hàng để phục vụ hàng ngàn công nhân. Ở phía trên là rất nhiều cần cẩu được dùng để vận chuyển một số bộ phận nặng nề của máy bay khi nó đang thành hình. Những người điều hành, Reese cho biết, là những người có trình độ cao nhất và được trả lương cao nhất ở nhà máy.
Làm việc trong nhà máy, thậm chí là đến thăm, đều phải tuân thủ một vài quy định. "Chúng tôi yêu cầu phải mang giày đàng hoàng, không có chuyện mang dép hở ngón hay giày cao gót đối với quý bà - bất cứ điều gì có thể khiến bạn ngã hay làm hại chân bạn - và bạn lúc nào cũng phải mang kính an toàn trong nhà máy. Phải mang suốt. Đó có thể là vấn đề đối với một số du khách. Họ nói là: 'À, tôi có đeo kính đọc sách rồi, vậy là được nhé.' Nhưng thật sự là không được."

Nhiều điều bất ngờ

Nhà máy có một số đặc điểm đáng ngạc nhiên. Tuy ở đây có quạt thông gió nhưng lại không có máy điều hòa. Vào mùa hè, nếu trời quá nóng, Reese nói, họ chỉ mở cánh cửa khổng lồ để cho gió thổi vào. Vào mùa đông, tác dụng của trên một triệu bóng đèn, số lượng khổng lồ các thiết bị điện tử và thân nhiệt của gần 10.000 con người cũng giúp làm ấm lên nhiệt độ. "Tôi chỉ cần mặc một chiếc áo ấm hay một chiếc áo khoác mỏng là đủ."
Có một điều ly kỳ mà người ta đồn đại lâu nay là tòa nhà này lớn và cao đến nỗi ở trên cùng có đùn mây.
Reese nói rằng không thật sự như vậy. "Công trình vẫn đang được thi công khi chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo và một bức tường còn chưa đóng lại. Chúng tôi nghĩ đó là sương mù từ bên ngoài bay vào và tích tụ lại ở bên trong giống như là khói mù trong không khí vậy."
"Nó cũng giống như là khi có chúng rừng ở gần đó thì bên trong nhà máy cũng có khói mù."
Reese nói rằng một ngày làm việc của nhà máy cũng có lúc vầy lúc khác. Công việc thay đổi theo thời gian trong ngày. "Ca làm việc thứ hai, các cần cẩu hoạt động nhiều hơn khi không có quá nhiều công nhân làm việc."
"Khi chúng tôi di chuyển một chiếc máy bay đã hoàn thành ra khỏi nhà máy nó được đưa đi trên xa lộ đến một sân bay gần đó, và để không làm cho cánh tài xế bị giật mình, chúng tôi thường làm việc đó vào ban đêm."
Không chỉ là công trình lớn nhất thế giới mà nó còn là công trình đầy những bất ngờ.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...