Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Mai Nở Rồi Ngoại Ơi - Chuyện Ngắn Của Thuyên Huy

Chuyện viết bằng tưởng tượng để nhớ một thời trẻ thơ ở Long Thuận và chiếc tàu đò lớn Bến Cầu Cẫm Giang

Buổi sáng, quanh sân nhà đã có chút nắng sớm, gài nút lại cái áo bà ba đen còn tốt, cái áo mà từ bao nhiêu năm qua, mỗi năm bà tư Hạnh chỉ mặc một lần trong ngày đi bán mấy chậu bông Vạn Thọ ở chợ xã ngày ba mươi tết. Đẩy cái cửa bằng miếng tôn loại lợp mái nhà, bước ra sân, đám bông hực một màu vàng lóng lánh sương đêm thấy mà thương, bà bưng cái thúng rách năm sáu lổ nhỏ, đặt bên cạnh rồi ngồi xuống gốc cây khô để sát cái lu đựng nước mưa, gốc mai già cằn cỗi ở góc hiên, bông không thấy trổ từ mấy năm qua, nay lại chen nhau mà nở đầy cành, vàng tươi phơi phới, dù hôm nay mới ba mươi, nghỉ chút xíu, chờ anh ba Tựu, đẩy cái xe cút kít cây lớn chở nhang đèn lên chợ bán, đi ngang qua trên đường cái, cho bà quá giang chất theo chừng chục cái lon sửa bò làm chậu bông Vạn Thọ như thường lệ mỗi năm, bà tư lự nhìn ra ngoài xa, con vàm giáp ngã ba sông Vàm Cỏ giờ này nước lớn, sương mù còn giăng kín mít, âm u mờ mịt, dù phía bên ấp Bờ Vàm đã thấy mặt trời hé lên, bất giác bà tư thở dài, cũng ở đây, cũng ngoài đầu vàm, cũng sương mù tăm tối, nhưng hôm đó mưa to gió lớn, chuyện của hơn mấy năm trước hiện rõ trước mắt mình, bà bật khóc.
                               *
Huệ, đứa con gái duy nhất của bà tư Hạnh , mười một mười hai tuổi mới đi học nên học lên lớp ba lớp bốn rồi thôi, nhà nghèo, mẹ già, nay ốm mai đau, Huệ bỏ học, đi làm người ở cho ông bà chủ tiệm hàng xén trên chợ xã, cách ấp Bờ Vàm, đi bộ theo đường đất tắt ngang đám ruộng còi của ai đó chừng hai ba cây số, ông bà chủ cũng tốt bụng, thấy Huệ nhỏ nhẹ siêng năng, tháo vát và cảnh nghèo một mẹ một con tội nghiệp nên cho làm ban ngày thôi, chiều dọn dẹp xong được về nhà. Mùa gặt năm đó, sau ngày Huệ làm ở tiệm hàng xén được ba bốn năm, Huệ quen rồi phải lòng Đáng, người từ đâu dó trên Long Hoa, Trường Thọ xuống làm mướn phụ gặt trong làng, khi Đáng thay đám người đi chung tới mua mắm muối nước tương ở tiệm, Đáng cũng mồ côi cha mẹ, còn người chị lớn, không có chồng, tu tại gia, ăn chay trường , làm công quả trong tòa thánh, Đáng theo Huệ về nhà chào hỏi bà tư, bà thấy Đáng cũng dễ thương, tuy đen đúa nhưng ăn nói dạ thưa, từ tốn nên chẳng la rầy gì Huệ, không lâu sau ngày về trên nhà, Đáng đi cùng người chị xuống Long Giang xin hỏi cưới Huệ.

Cưới xong, nói cưới cho ra cưới chứ có mấy ai là khách, có mâm cổ gì đâu, hai ba người lớn tuổi của nhà mấy miếng đất bên cạnh, vợ chồng chú năm Thân, trưởng ấp và ông bà chủ tiệm hàng xén chợ xã, ai cũng nghèo, người mang con cá con tôm, người mấy xấp bánh tráng, trái thơm trái dừa cũng đủ thương cháu thương con rồi, riêng ông bà chủ tiệm hàng xén, có chút giàu có nên cho hai vợ chồng cái mền bông, hai ba chục chén đủa cùng mấy cái nồi cái chảo và chút đỉnh tiền. Cưới xong, Huệ theo chồng về trên Trường Thọ, bà tư buồn lắm vì từ đây bà thui thủi một mình nhưng đành chịu, trước sau gì Huệ cũng lấy chồng, đi xa đi gần thì cũng đi, hai vợ chồng ở chung với bà chị, nhà cũng chỉ là mái tranh vách đất nhưng được cái là có cửa nẻo đàng hoàng, nằm cuối rìa ấp, bên con đường đất rộng cho xe hơi xe lôi máy chạy qua chạy lại, từ Núi Bà xuống từ LongHoa lên.

Đáng thôi không còn đi gặt lúa mướn ở xa nữa mà theo hai ba anh trạc tuổi trong xóm, theo xe be, làm nghề đốn gỗ, chặt cây trên Ka Tum, Thiện Ngôn gần miệt biên giới Miên, mỗi chuyến đi theo xe, hai ba ngày mới về nghỉ hai ba hôm rồi theo chuyến khác. Chừng năm sau, Huệ sinh thằng bé trai, Hảo, giống hệt ba nó, cả nhà tuy nghèo nhưng hạnh phúc không ít. Cuối năm thằng Hảo vừa hơn một tuổi, sau chuyến đi theo xe be, mấy ngày sau Đáng và mấy anh đi chung không thấy về như thường lệ, lo quá nhưng không biết làm sao, sáng tới chiều cứ ẳm con ra đường trông trông ngóng ngóng, chờ thêm bốn năm ngày nữa, thì những anh đi làm chuyến sau, ở ấp trong cho biết, lần đó, chiều đang sắp xếp về thì có một toán năm sáu người, mặc đồ thường, mang súng, bắt hết đám họ, luôn ông tài xế dẫn băng rừng về hướng biên giới, không biết họ là ai, chắc không phải là cướp, vì toán người này không lấy gì cả, chiếc xe be với ba thân cây lớn, cở hai người ôm còn nguyên, từ hôm đó tới hơn nửa năm sau, Đáng vẫn biệt vô âm tín, coi như không về nữa, khóc rồi nước mắt cũng cạn, Huệ xin phép bà chị đem con về lại Long Giang, thằng Hảo tròn hai tuổi.

Nhà thấp trước hụt sau, mái nghiêng cửa hở, thằng Hảo chạy tới chạy lui, bập bẹ hai tiếng ngoại ngoại thấy vui làm sao, bà Tư quên cả công việc tát đìa, bắt cua bắt còng, cái việc mà bà đã lũi thũi làm để sống từ ngày Huệ theo chồng cho tới hôm nay, đi một chút ra đồng ra rạch thì nhớ thằng nhỏ, cứ muốn xách giỏ xách đục về, rồi thì bà ở nhà coi chừng cháu, trồng dưa trồng cải quanh nhà, Huệ thay mẹ chuyện ngoài đồng, sáng đi thật sớm để chiều về sớm với con, bà con chòm xóm đã thương đã mến từ ngày trước nên buổi chợ nào cũng bán hết, ai nấy ấp trên, xóm dưới đi ngang, ngoài đường cái cũng hỏi lớn vọng vô “thằng Hảo thằng Hảo”, vợ chồng ông chủ tiệm hàng xén chợ xã, cũng như ngày cưới của Huệ, thỉnh thoảng chở nhau bằng xe gắn máy xuống cho cái này cái nọ, hộp chao hộp tương, nước muối nước mắm.

Đầu mùa mưa năm sau, năm thằng Hảo lên ba, biết nói tên mình và kêu rõ “ngoại ngoại má má”, một sáng trời âm u có vẻ muốn mưa như nhiều cơn mưa lớn từ mấy ngày qua, ngoài vàm, nước lên cao hơn thường ngày, loáng thoáng vài ba cái ghe câu đêm lờ mờ khi ẩn khi hiện, phía trong xa, miệt trời biên giới, mây đen từng mảng một, lắc lư đong đưa, không đi cũng không đến. Còn sớm, dân trong ấp chưa có mấy ai ra đồng hay lên chợ, nói sớm là trời sớm chứ hai mẹ con Huệ thức dậy trễ, bà tư đã lùi mấy củ khoai lang chín từ lâu chờ, thằng Hảo chạy ùa ra “ngoại ngoại”, bà kéo nó vào ngồi sát bên mình trên góc cái giường tre, bẻ khoai lang đút, thằng nhỏ cười ngặt nghẽo, Huệ lui cui sắp cái đục, cái giõ tre, chuẩn bị đi tát đìa như mọi ngày, ngoài đường cái đầu ấp đã có tiếng người gọi nhau.

Bất chợt, thình lình, mây xám xịch kéo về xuống thấp, phủ cả một vùng mấy ấp bìa bờ vàm tối đen như mực, mưa cũng theo đó trút xuống như thác, gió nổi lên, giông kéo tới rít từng tiếng rợn người, bão tới, cơn bão từ hướng biên giới Miên đổ ập xuống, quét ngang làng, cùng một lúc nước sông Vàm Cỏ dâng cao, cuồn cuộn tràn lên, ngập lai láng cả vùng, sức nước sức gió thổi sập nhà cửa, cuốn trôi đi những gì mà nó chảy ngang qua, theo chiều ra sông cái, gió cứ rít, tiếng người cứ la cứ hét, một hai tiếng đồng hồ sau bão đi qua rồi, đất trời cứ gầm gừ như vậy cho gần tới trưa, vẫn còn mưa xối xả, lúc này dân trong làng trong ấp phía trên cao mới đổ xô gọi nhau đi tìm người tìm vật, tìm trâu tìm bò, kẻ chèo ghe người chèo xuồng, từng nhóm hò hét trên cả một vùng biển nước nước mênh mông, không biết bờ biết bến, cứ chèo cứ bơi, gần như cả một ấp Bờ Vàm, chỗ bà tư Hạnh ở, không còn một căn nhà nào sót lại.

Mưa dứt, nước tạm rút đi , mấy cây xoài hoang cao ngất dọc theo bờ vàm giờ mới thấy chút ngọn, chút lá, chiều xuống, trời ửng sáng lên chút đỉnh, ghe xuồng đi tìm người lục đục kéo về, mang theo một số người may mắn sống sót trong đó có bà tư Hạnh cùng với mười mấy xác chết trôi, họ tụ tập trên khoảng đất gò cao, trước nhà trụ sở ấp, ông trưởng ấp và mấy người lớn tuổi phụ kiểm lại dân trong ấp ai còn ai mất, tính ra thì đã nhận diện đủ, chỉ trừ hai mẹ con Huệ, bà tư Hạnh lạnh cóng, xanh xao như tàu lá nằm thoi thóp, quấn trong cái mền cũ, không nghe được người ta nói gì. Sau đó, tại nghĩa địa xã, ngoài những nấm mộ có người, dân ấp Bờ Vàm cũng đào sơ hai cái huyệt trống, một lớn một nhỏ, dựng bia đề tên Huệ, Hảo, hai ba ngày sau, người đi câu bên Long Chữ tìm được xác Huệ nằm kẹt ở một xẻo đầu con rạch cùn khô cạn nước, dân ấp Bờ Vàm nhờ chiếc xe lam quen trên chợ xã, đem Huệ về, chôn dưới cái mộ mà họ đã để trống không chờ, ông trưởng ấp cùng bà con quen phụ nhau cất lại cho bà tư Hạnh căn nhà tranh nhỏ trên miếng đất cũ, bà tư khóc cả mấy ngày, nhưng rồi cũng nguôi ngoai, bà lặng lẽ ra vào, cái bàn thờ người ta đóng giùm bằng cây tạp, cũng có cái ly bể cắm nhang nhưng hình hai mẹ con là hai tấm giấy học trò, được một cậu học trường trung học tỉnh, con nhà ai đó ở ấp trên, về nghỉ hè vẽ giùm, vì trong nhà bà tư có tiền đâu mà chụp hình, tuổi già theo ngày tháng đi qua, rồi một mình bà lầm lũi, tìm quên qua việc trồng bông Vạn Thọ bán mỗi năm khi tết đến.

Cũng lúc giữa cơn bảo, mưa cuồng gió nổi, chiếc ghe tam bản của một cặp vợ chồng còn trẻ, chở mướn dừa khô từ Bến Cầu ra, trên đường về Cai Lậy, vừa ngang qua cũng bị sóng đánh trôi, gió cuốn theo giòng nước lũ, ghe lắc lư muốn chìm nhưng còn may, bị luồng nước xoáy ngang đẩy chiếc ghe kẹt vào giữa khúc rạch cùn đầy rể dừa nước dưới tàng ngọn đám cây cao, không ra không vô, cứ ở đó chòng chành, nhấp nhô xuống lên theo mặt nước mênh mông. Tối tăm mặt mũi, hai vợ chồng hì hục tát nước ra khỏi ghe, chưa kịp định thần, quay ra, chị vợ hớt hơ hớt hãi, gọi chồng, trố mắt chết trân nhìn, trên mảng lục bình lớn cở hơn nửa chiều dài chiếc ghe, rậm đặc đầy bông tím, cao khoảng tới nửa người, trôi tấp đụng vào ghe, có thằng bé chừng hai ba tuổi, nằm bất động, co quắp trên cái liếp tranh sũng nước, chị vụt bật đứng dậy, vội vã bước qua, kéo thằng nhỏ qua, lẹ ẳm nó lên, trở lại ghe đem vào trong khoang, mặt thằng bé trắng bệch, anh chồng chun vào, quơ cái mền cái áo treo lủng lẳng, chờ chị lấy hộp dầu cù là hiệu con cọp, xoa ngực, xoa bụng, chỗ nào không cần biết, anh quấn trùm nó, để nó nằm nghiêng người một bên, chị lấy tay vỗ nhè nhẹ vào lưng, hai vợ chồng nhìn nhau rồi nhìn ra biển nước mênh mông, lắc đầu ngơ ngẫn.

Mưa ngưng rồi nhỏ dần, gió thôi thổi mạnh, nước không còn cuồn cuồn chảy xiết như trước, thằng bé tỉnh dậy cũng khá lâu, nó bập bẹ “má má”, chị lấy mớ cơm nguội trong nồi đất, nhay nhuyển từng miếng nhỏ, đói quá, nó ăn hết miếng này miếng kia, chị không kịp đút, nhìn nó ăn, chị thở dài. Anh chồng trèo lên mấy tàng cây cao, gở chỗ mắc kẹt đầu ghe ra, lấy sào chống ghe xoay đầu ra sông cái, lần xô mảng lục bình xa ra, chạy lại sau bẻ bánh lái, ghe theo chiều nước chầm chậm xuôi dòng, ra khỏi đó cũng khá xa, anh chồng cho nổ máy chạy. Ghe chạy cũng khá lâu, sông khúc dưới này đứng im, xế chiều, trời miệt Thạnh Đức còn chút nắng, hai vợ chồng quyết định tấp vào bờ, neo ghe ngay cái cầu cây, trên là cái chùa Bến Đình cũ kỹ, mái ngói rêu phong, nằm lẻ loi, xa khu chợ xã. Tội nghiệp thằng nhỏ, hai vợ chồng, cũng kiếp nghèo, chở mướn, không nhà, sống trên ghe từ ngày lấy nhau, khi thì Hậu Giang, Kiến Phong Cao Lãnh, khi thì Bến Đáy Trà Vinh, Bến Tranh Cai Lậy, cuộc sống cũng bấp bênh, biết làm sao mà lo cho thằng nhỏ, cho nên hai vợ chồng quyết định, đem nó trao lại cho chùa, nhờ ở đây người ta liệu có cách giúp tốt hơn.

Ông sư già, cùng bà bảy Diện, người từ giữ chùa cũng khá lớn tuổi, nhà trên chợ xã, ngồi nghe chuyện xong, ai nấy cũng sụt sùi nhìn thằng nhỏ, tội nghiệp nó ngó qua ngó lại, hết người này tới người kia, bà từ bỏ lên chánh điện, thấp nhang rồi trở lại chờ ông sư dặn gì đó. Hai vợ chồng từ giã, ông sư và bà từ ẳm thằng nhỏ theo tiễn tới dưới cầu, chiếc ghe tam bản tách bờ ra giữa dòng, chị vợ nhìn lên chùa, mắt đỏ hoe, ghe chạy một khoảng xa, tiếng chuông chùa lễ chiều vẫn còn ngân dài văng vẳng. Đêm đó, bà từ đem thằng nhỏ về nhà mình, tắm rửa, cho ăn cho uống xong, thằng nhỏ giờ miệng nói thêm hai tiếng “ngoại ngoại”, vỗ nó ngủ, dưới ánh đèn leo lét đêm bà gục gặc đầu “Hảo ơi thôi con ở với bà luôn”.
                                         *

Trời quá giữa trưa lâu rồi, chiếc tàu lớn chở khách từ Bến Cầu qua Cẫm Giang vẫn chưa qua tới, trời có nắng nhưng gió mát, đi tới đi lui chờ người quen từ bên đó qua cũng hơi sốt ruột, và cũng cảm thấy mỏi, ông sư già bước vào cái quán ngay trên đầu dốc, đường xuống bờ sông, ngồi nghỉ chân, bên cạnh, cùng cái bàn, một người đàn ông trạc trên dưới năm mươi đứng lên, chấp tay xá chào, ông sư già mĩm cười, hỏi qua hỏi lại vài câu, ông là người ở Long Giang, cũng đang chờ tàu về Bến Cầu, nghe Long Giang, ông sư già bất chợt nhớ chuyện lần bão lụt năm đó, năm mà hai vợ chồng có chiếc ghe tam bản chở dừa mướn, ẳm thằng bé ba tuổi lên chùa, giờ tính ra nó chắc cũng hơn sáu tuổi, ông kể cho người đàn ông nghe chuyện, vừa hết thì tàu lớn Bến Cầu qua tới, cả hai cùng đi xuống cầu, ông sư già đón người quen, người đàn ông trước khi xuống tàu ngược về Long Giang, quay hỏi lại lần nữa “thưa thầy, hồi nãy thầy nói thằng bé tên Hảo hả thầy?”.
                                            *
Chợ xã trưa ba mươi, người trong làng cũng mua mua bán bán như tết mọi năm, bà tư Hạnh kéo cái khăn quấn đầu xuống, lau chút mồ hôi rịn trên trán, nhìn mấy chậu bông Vạn Thọ còn lại, bà gật đầu cười thầm “vậy bán cũng được gần hết rồi”, rồi sửa lại thế ngồi bệt trên tấm ni –lông, đếm số tiền vừa có được, chăm chú ngó qua phía xa bên kia, gần cửa nhà lồng chợ, chỗ bán nhang đèn của anh ba Tựu, con nít người lớn chen lấn chung quanh đông nghẹt, bà cứ như vậy khá lâu tới chừng quay lại, phía sau lưng, chú năm Thân, trưởng ấp, bà bảy Diện, bà từ giữ chùa Bến Đình và thằng Hảo trong bộ quần áo thơm mùi vải mới, với cái túi xách vải lớn, nằng nặng đứng chờ nhưng không ai nói gì từ nãy giờ. Thấy thằng nhỏ, bà tư bỗng dưng bật khóc, thằng Hảo cháu bà, nếu còn sống chắc cũng cở này, bà bảy Diện chắc hiểu nổi lòng người nên bật khóc theo, bà bảy kéo tay thằng Hảo ngồi xuống sát bên cạnh bà ngoại nó, cứ khóc mà không nói được lời nào, chú năm Thân, mắt cay xé, rưng rưng ngồi bệt trước mặt ba người, người đi chợ lại qua, thấy ông trưởng ấp tiếng hỏi tiếng chào rồi thôi, chú năm Thân chậm rãi kể lại, chuyện từ hôm gặp người đàn ông trên ấp trên, người đã gặp ông sư già ở bến tàu Cẫm Giang đến lần chú âm thầm đi Thạnh Đức gặp ông sư, bà bảy Diện và thằng nhỏ Hảo.

Bà tư Hạnh, nâng niu đôi bàn tay thằng nhỏ, nghe mà tan nát cỏi lòng, thằng Hảo chắc đã hiểu được chuyện, nó quay qua ôm chầm lấy bà, gọi “ngoại ơi ngoại ơi”, rồi khóc theo. Chợ thưa dần, bà bảy Diện bùi ngùi chào từ giã, bà tư Hạnh chấp tay xá lạy mấy cái “cám ơn bà cám ơn bà”, chú năm Thân đứng chờ, đưa bà bảy ra bờ sông, quá giang chiếc ghe lớn chở lu khạp xuống Hậu Nghĩa về Thạnh Đức, bà ôm thằng Hảo, thật lâu mà không nói được tiếng nào, bà và chú năm Thân bỏ đi một khoảng xa, thằng Hảo ngó theo, khóc gọi “ngoại ơi ngoại ơi”, bà bảy Diện nghe, buồn lắm, nát lòng nhưng không lòng nào nhìn lại, cứ đi mà rấm rứt. Chợ tan, chậu bông Vạn Thọ còn bà tư đưa cho anh ba Tựu làm quà, hai bà cháu nắm tay nhau đi bộ theo đường lộ đất về, trời lưa thưa vài ba vạt nắng muộn, có tiếng trống tập múa lân trên đình sớm hơn mấy bữa trước.
                                               *
Bà tư mồi miếng lửa trong cái lò làm bằng mấy cục gạch bể, đốt ba cây nhang, đưa tay run run rờ qua rờ lại tấm hình Huệ, lâm râm khấn gì đó, gở tờ giấy học trò hình thằng Hảo xuống, nhấc tấm hình Huệ nhích ra giữa bàn thờ rồi bước ra trước sân, ngoài đó thằng Hảo đang ngắm nghía gốc mai già đầy bông vàng hực, nó biết là bông mai vì đã thường quanh quẩn theo bà bảy Diện cắt tỉa lá cành cụm mai lớn dưới cổng chùa Bến Đình những ngày trước tết, nó quay lại phía gốc mai, tay thì chỉ miệng thì nói lớn “mai nở rồi ngoại ơi”, bà tư cười thật ra cười, cái cười mà từ hôm mưa bảo đó bà chưa hề có, bà kéo thằng Hảo lại, hai bà cháu ngồi xuống gốc cây khô để sát cái lu hứng nước mưa, xoa đầu nó “ừ năm nay mai nhà mình nở rồi con” rưng rưng muốn khóc.

Thuyên Huy


Tết Kỹ Hợi 2019

Thêm  ý:
Đây là câu chuyện buồn về  ly tán gia đình luôn xảy ra trong thời chiến nhưng khi đọc đến cuối bài,người đọc thấy âm thầm lóe lên 1 tia hy vọng :Cháu bé côi cút trong chuyện sẽ có 1 ngày được : 
CON NẮM TAY CHA
Đầu năm Kỷ Hợi,mình luôn cầu nguyện cho những cái kết có hậu đến cho mọi người -PH








































1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...