Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019
KHÔNG THỂ NÀO QUÊN - Phan Minh Đẩu (CGS.NLS.TN )
Năm 1965 Nha Học vụ Nông Lâm Súc thí điểm mở lớp 6 Nông Lâm Súc tại hai trường . Một tại Trường Cộng đồng Búng (tiền thân của Trường Trung học Nông Lâm Súc Bình Dương) và một tại Trường Cộng đồng Long Hoa (tiền thân của Trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh.
Tôi và anh Nguyễn Tấn Tài được Bộ Giáo dục bổ nhiệm làm giáo viên giảng dạy chuyên môn của lớp 6 Nông Lâm Súc Long Hoa (Tây Ninh). Cầm Sự Vụ Lệnh trên tay bạn bè người thân khuyên tôi không nên đi vì Tây Ninh quá xa so với Huế.
Mở tấm bản đồ Viêt Nam ra tôi thấy Tây Ninh cũng gần Saigon chưa tới một trăm cây số. Tôi lại mê nghề dạy học từ thuở bé mà mình lại không vào được Sư phạm. Thế là tôi quyết định mua vé máy bay vào Saigon và đến Long Hoa Tây Ninh.
Mười giờ sáng 19-11-1965 tôi đến Long Hoa ngồi xe lôi đạp đến Trường Cộng Đồng Long Hoa.
Long Hoa trong những năm 60 chỉ là một thị trấn nhỏ trầm lặng với những con đường bằng đất đỏ bụi bay mù trời. Nhà cửa đơn sơ không có nhà cao tầng như bây giờ chỉ có chợ Long Hoa là đông đúc hơn cả. Con đường chính là con đường từ Giang Tân đi Long Hoa rồi đi Mít Một để ra thị xã Tây Ninh. Hồi đó con đường đi qua Ao Hồ là một con đường đất nhỏ con đường đi qua Trường Trung cấp nghề chỉ là con đường đất đỏ có những chiếc xe bò kéo cây kêu lọc cọc...
Tôi được nhà trường bố trí dạy lớp 6 Nông Lâm Súc. Học trò của tôi đa số là ở Long Hoa cũng có nhiều em từ Gò Dầu lên. Tuổi tác chênh lệch nhau có em đã 16 ,17 tuổi nhưng cũng có em chỉ 11, 12. Đây là những học sinh đầu tiên của tôi nên không bao giờ tôi quên được. Khi đi dạy tôi chỉ 21 tuổi đến nay đã 66 tuổi nhưng tôi còn nhớ như in những khuôn mặt ngây thơ và tính tình của từng em. Những em lớn tuổi như Danh (U-rê đỏ) Hạnh, Gấm ,Cúc (gọi là Cúc gà vì trên áo có thêu con gà) Đặng Bạch Huệ, Dung (Gò Dầu) Huyên, Khuyến ,Mỹ Khanh, Trần Hai, Thủy...... Những em nhỏ tuổi hơn như Ngọc ,Săng, Mum, Quản, Thắt Hạnh ,Lộc, Tạo ,Mai Hương, Trầm Thị Vân (nghỉ học giữa chừng) Nam (Mạc Hàn Vi Linh) Điệp A, B ,C... Và những em khác như: Sáng ,Tuyết, Ngọc Điệp ,Diệu, Huệ, Diệp.....Em Đặng Bạch Huệ thông minh nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghỉ học giữa chừng Kim Huyên ,Kim Dung vui vẻ - hoạt bát Quốc Nam ,Văn Điệp hay làm thơ viêt văn Ngọc ,Thắt học giỏi ..... Trong số những học sinh cũ nhiều em tôi còn gặp lại trong lần họp mặt Nông Lâm Súc cách đây mấy năm nhưng vẫn còn nhiều em khác đã gần 40 năm chưa hề gặp lại nhưng tôi luôn luôn nhơ về các em những người học trò đầu tiên trong cuộc đời đi dạy học của tôi.
Ngoài những học sinh thân yêu trong những ngày đầu ở Trường Cộng đồng Long Hoa tôi lại có những đồng nghiệp chân tình. Những thầy giáo đầu tiên giảng dạy lớp 6 Nông Lâm Súc có thầy Trần Văn Gòn dạy Việt văn (đã mất) thầy Trần Minh Thấu dạy Toán, thầy Nguyễn Văn Đôi dạy Lý Hóa, cô Phạm Thị Hòa dạy Anh văn...và người mà với tôi như cặp bài trùng đó là thầy Nguyễn Tấn Tài. Ngoài các giáo viên chính thức trường còn có những giáo viên thỉnh giảng đó là thầy Hảo Trưởng ty Nông nghiệp, thầy Nguyễn Văn Tài- Trưởng ty Mục Súc và một thầy Trưởng ty Thủy Lâm mà tôi không còn nhớ tên. Sau hai ba năm sau nhiều thầy cô giáo mới đã được tăng cường như thầy Quân (bị động viên khi mới về trường chừng 3 tháng) cô Hoàng thầy Vân ( Hiệu trưởng) thầy Sanh, thầy Tho, thầy Bành Văn Sinh.... và nhiều thầy cô khác đã giảng dạy lâu dài với nhà trường.
Học trò thời đó ngoan ngoãn và lễ phép hơn học trò bây giờ rất nhiều. Tôi làm nghề dạy hoc nay đã 44 năm (1965-2009) và hiện nay cũng đang đứng trên bục giảng các Trường Đại học Cao đẳng Trung cấp chuyên nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhưng những học trò mà tôi dành nhiều cảm tình nhất vẫn là các em Nông Lâm Súc Tây Ninh. Làm sao tôi quên được những ngày thầy trò đạp xe đạp về nông trại ở Bến Kéo để thực hành thực tập những ngày cắm trại ở Rừng Cao su ( gần Trường Nữ Trung học trước đây) và những ngày thầy trò đi dã ngoại tại Gò Chùa cạnh sông Vàm Cỏ Đông...Tôi ở trọ gần trường buồn nhất là những ngày Tết khi mọi người sum họp với gia đình thì tôi chỉ đơn độc một mình thầy Tài đã mời tôi về nhà ăn Tết nhờ đó cũng vơi đi nỗi nhớ nhà. Có những hôm bị bệnh những học trò thân yêu của tôi đã đến nhà chăm sóc thầy nhiều em đã đem cháo cho tôi ... Các em ơi! Thầy không bao giờ quên được những tình cảm mà các em đã dành cho thầy trong những ngày ở Long Hoa Tây Ninh....
Khi vào Tây Ninh tôi dự kiến ở chừng một hai năm rồi về Huế nhưng tôi đã ở đến 7 năm thật đúng như câu:
Tây Ninh đi dễ khó về
Trai đi có vợ...khi về 3 con !
Năm 1972 do hoàn cảnh gia đình tôi về giảng dạy tại Trường Trung học Nông Lâm Súc Huế và năm 1981 lại vào Nam một lần nữa và lần này về tận Cần Thơ vì:
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về.
Đúng như thế tôi không muốn về Huế nữa vì Huế là cố đô còn Cần Thơ là Tây Đô thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long.Khi tôi viết dòng này thì sáng mai 04-01-2009 sân bay quốc tế Cần Thơ sẽ khánh thành và sang năm cầu Cần Thơ cũng sẽ nối hai bờ sông Hậu.
Viết vội mấy dòng này theo yêu cầu của "Nông Lâm Súc Tây Ninh" như là một lời tâm sự chân tình nhất.
Cần Thơ 03-01-2009
Phan Minh Đẩu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh
ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Kỷ niệm đẹp này làm sao quên được
Trả lờiXóa