Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

KỶ NIỆM MỘT THỜI ĐI HỌC- Hồ Nguyễn




Ngày xưa- tôi nhớ vào khoãng niên học 1955-1956- khi tôi vừa thi đậu Tiểu học và xin vào học ở Trường Trung học Lê văn Trung. Vào thời điểm đó, Trường Lê văn Trung là một trường danh tiếng nhứt của tỉnh Tây ninh. Được học ngôi trường trên là một hảnh diện không nhỏ đối với các học sinh. Các giáo sư của trường đa số là những giáo sư giỏi và danh tiếng như thầy Chu Văn Bình (Nhà văn Chu Tử), Tạ Chí Đông Hải (tốt nghiệp Đại Học tại Pháp), Phạm Tài Đoan, Nguyễn Văn Thoại, Hồ Việt Điểu, Thầy Hai Nho, Hạ Chí Khiêm, Ông Bà Luật Sư Trần Văn Tuyên..v.v. Nhiều vị đang dạy ở các trường Sài gòn lên tham gia dạy nơi đây. Vì thế, nhiều học sinh ở các tỉnh khác kể cả Sài gòn cũng về sinh sống với nhà bà con gần bên trường để có điều kiện theo học.
      Các bạn cùng thời, học chung lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay) lúc đó có anh Nguyễn tấn Khải, quê ở Trãng Bàng, Nguyễn quang Sanh, Đinh công Khanh, Dương quốc Dân, nhà ở Trường Hòa, Long Hoa..v..v..Nhưng người bạn làm cho anh em nhớ mãi kỷ niệm là Nguyễn hữu Đức, vốn quê ở tận Mỹ Tho. Đức đã đánh dấu trong ký ức chúng tôi một biến cố đặc biệt, sự việc đặc biệt lý thú đến lạ kỳ.
      Thời gian đó, học sinh chúng tôi hầu hết đều là những con cái trong các gia đình nghèo, cùng chung số phận bần hàn, khốn khó của dân chúng Việt nam. Học sinh đi học chưa được mặc đồng phuc tươm tất, dễ thương, không có xe cha mẹ đưa đón thật hạnh phúc như học sinh ngày nay. Đa số chúng tôi ai cũng mặc quần áo phờ phạc, rách rưới, te tua, có bạn còn mặc cả áo bà ba trắng như các cô bác tín đồ Cao Đài, đi chân không hoặc mang guốc gỗ đi bộ hay chạy xe đạp cộc cạch nhưng bạn bè cũng rán đèo nhau đến trường. Đứa nào cũng vui vẻ, thâm tình với nhau, và giữ vững mối giao lưu bạn bè thân thiết từ đó cho đến ngày nay. Thời gian ghi dấu ấn cũng thoắm thoát đã trên 60 năm rồi. Đúng là một ngôi trường Đạo.
       Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm:
       Có một hôm, bạn Đức đi học bằng xe đạp khi quẹo vào cổng trường, vì sợ trể giờ, chẳng may vô ý đụng phải một nữ sinh đang học cùng lớp cũng đi xe đạp. Cả hai bị té nhào lăn, rách sứt áo quần, trầy tay, đau cả tay chân. Hai bạn đổ lỗi cho nhau rồi sanh ra cãi cọ lớn tiếng tại cổng. Chẳng may chú Hai Cư, Giám thị nhà trường đang đi kiểm tra lớp học gần đó nghe được nên đưa cả hai vào văn phòng để phân xử và phạt phải ngồi im lặng trước bàn thờ Đức Khổng Tử mà suy ngẫm lỗi lầm để ăn năn tự hối, tránh không để xảy ra việc tương tự trong tương lai. Cả hai được dạy phải giữ đức hạnh khiêm cung, cư xử ôn hòa của nếp sống Nho phong đạo cả, giữ tình đồng môn cho tốt đẹp.
       Khi ngồi im lặng chờ vị Giám thị lên giải quyết, nhìn bức ảnh uy nghi của Khổng Tử, Đức bình tâm suy ngẫm một hồi lâu bỗng thấy hối hận việc mình đã làm, đã lớn tiếng với người bạn nữ cùng học chung lớp. Sau một lúc suy nghĩ, do dự, ngại ngùng,..Đức bắt đầu tỏ lời xin lỗi Huệ, là tên của người bạn ấy. Nhưng Huệ làm thinh không nói, chỉ quay mặt ngó đi nơi khác. Hơi buồn, nhưng Đức vẫn kiên nhẩn chịu đựng:
-         Tôi xin chị Huệ thông cảm bỏ qua cho, đừng giận. Anh em chung lớp với nhau mà! Tôi thấy mình cũng hơi nóng giận. Tiếc quá!
Huệ nghe Đức nói một cách chân thành thân thiện, không nhìn thẳng Đức và cuối cùng cũng trả lời:
-         Đáng lý anh từ phía trái vào, anh phải nhường cho tôi mới đúng. Hơn nữa, tôi là nữ sinh, anh cũng nên có chút lịch sự chứ! Anh làm tôi mất mặt trước bạn bè, trước mọi người. Giờ anh xin lỗi, anh thấy có còn kịp không?
Huệ nói nhỏ nhẹ nhưng nguẩy mặt quay đi chỗ khác trong lúc Đức vẫn giữ bình tĩnh và ngồi yên.
Một lúc sau, có lẽ Huệ cũng thấy tội nghiệp cho Đức nên nói:
-     Mà thôi, lỡ rồi! Cả hai tôi và anh cũng đều có lỗi. Anh nói vậy thì tôi bỏ qua cho đó! Nhưng anh có sao không?
-         Cám ơn chị Huệ, không sao. Còn chị thế nào?
-         Cũng không có gì trầm trọng đâu. Chi đau cánh tay trái thôi.
Đức và Huệ từ từ giọng nói trở nên thân thiện, rồi thân thiện hơn, làm cho chú Hai Cư vốn đã theo dõi từ xa cũng thấy ngạc nhiên nên hỏi:
-         Hai đứa hết giận chưa? Còn muốn cãi nhau nữa không?
Chú vừa nói, vừa cười và bảo: - Thôi, hai đứa về lớp học đi. Nhớ xin lỗi thầy Khiêm việc hai đứa đã vào lớp trể nghe!
      Đức và Huệ cùng “Dạ” rồi cúi đầu chào chú Hai từ từ đi về lớp học.
Cũng từ ngày đó, ngày xảy ra “biến cố” ấy, Đức và Huệ trở nên thân thiện gần gủi hơn, làm cho ai trong lớp cũng để ý và ngạc nhiên. Chúng tôi cùng nhau chung lọc với Huệ Đức đến lớp Đệ Tứ (Lớp 9). Hai bạn Huệ Đức đã trở thành bạn chí thân, thường thăm viếng và có lúc cũng hẹn hò đi ăn uống chung, bị bạn bè thấy được xì xào, bàn tán.
      Thắm thoát thời gian trôi qua.
      Học xong lớp Đệ Tứ, mỗi người chúng tôi tiếp bước đi một nẽo khác nhau. Người đi lính, kẻ đi vào ngành Sư phạm, người thì tiếp tục học lên Cấp 3 (gọi là Đệ nhị cấp) ở các trường khác nhau. Tôi và bạn Dân cùng một số bạn khác thi vào Đệ Tam trường Công lập Tây Ninh, lớp Đệ Tam đầu tiên của tỉnh…..
     Nhưng nào có ai ngờ rằng sau nầy, hai bạn đụng xe, Đức và Huệ, lại trở thành vợ chồng với nhau, về sống tại Mỹ Tho rất hạnh phúc!
     Rõ là duyên phận kết se! Nào ai biết được.
Hồ Xưa___________________________
Ảnh trên : Trung Tiểu Học Lê văn Trung
Ảnh dưới : Trung Hoc công lập Tây Ninh 1956

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...