Trong bài điều tra mang tựa đề « Con đập đắt giá làm Ecuador chìm sâu trong nợ nần với Trung Quốc », New York Times tuần này thuật lại chi tiết về một công trình thủy điện tệ hại đã làm Ecuador bị ràng buộc với Bắc Kinh qua khối nợ lớn, cộng với tai tiếng tham nhũng.
Xây đập thủy điện ngay dưới núi lửa đang hoạt động
Đập thủy điện này được xây ngay dưới chân một ngọn núi lửa đang hoạt
động, với những cột tro xám phun lên bầu trời. Các viên chức từ nhiều
thập niên qua đã cảnh báo việc xây đập tại đây, và các nhà địa chất nói
rằng một trận động đất có thể phá hủy tất cả.
Nay chỉ mới hai năm sau khi khánh thành, hàng ngàn vết nứt đã xuất
hiện. Hồ trữ nước bị cát và cây cối phủ lấp, và trong lần duy nhất mà
các kỹ sư cố gắng khai thông toàn bộ, con đập bị rung chuyển mạnh, làm
mạng lưới điện quốc gia bị cúp.
Đập thủy điện khổng lồ trong rừng rậm do Trung Quốc cho vay tiền và
xây dựng lên, được cho là nhằm giải quyết nạn thiếu điện tại Ecuador,
với tham vọng đưa đất nước Nam Mỹ này ra khỏi nạn nghèo khó. Thế nhưng
nay con đập này lại nằm trong số các xì-căng-đan tầm quốc gia, khiến
Ecuador phải đối mặt với khối lượng nợ nguy hiểm, tạo ra nguy cơ bị lệ
thuộc lâu dài vào Trung Quốc.
Hầu như tất cả các quan chức cao cấp Ecuador có liên quan đến việc
xây dựng đập thủy điện này đều bị vào tù hoặc lãnh án tham nhũng, trong
đó có một cựu phó tổng thống, một cựu bộ trưởng Điện Lực, và cựu quan
chức chống tham nhũng phụ trách dự án trên.
Tổ máy made in China gặp nhiều trục trặc, nhưng nợ vẫn phải trả đủ. |
Ra sức bơm dầu, cắt phúc lợi xã hội để trả nợ Trung Quốc
Ecuador đang nợ Trung Quốc đến 19 tỉ đô la, không chỉ vì đập thủy
điện mang tên Coca Codo Sinclair trên đây, mà còn do xây cầu đường, hệ
thống tưới tiêu, trường học, bệnh viện và nhiều con đập khác. Mặc kệ cho
Ecuador xoay sở để trả nợ, Bắc Kinh xoa tay hài lòng. Trung Quốc nắm
trong tay đến 80% món hàng xuất khẩu giá trị nhất của Ecuador, đó là dầu
lửa, vì đa số các hợp đồng xây dựng được trả bằng dầu với giá rất rẻ.
Làm thế nào bơm lên đủ dầu để trả cho Trung Quốc là mối đau đầu của
chính quyền Ecuador hiện nay. Họ phải khoan dầu sâu trong vùng Amazon,
gây thêm mối nguy phá rừng. Nợ ngập đầu, tổng thống Lenin Moreno đành
cắt giảm thẳng tay nhiều món trợ cấp xã hội, nhiều cơ quan chính phủ, sa
thải trên 1.000 công chức. Đa số nhà kinh tế dự báo Ecuador đang rơi
dần vào suy thoái.
Bộ trưởng Năng lượng Ecuador, ông Carlos Pérez tuyên bố : « Trung Quốc thủ lợi từ Ecuador. Chiến lược của họ rất rõ : họ muốn nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của các nước ».
Bắc Kinh vừa thành chủ nợ lớn, vừa cô lập được Đài Loan
Trung Quốc đã nung nấu ý đồ từ hàng chục năm trước, khi nhảy vào châu
Mỹ la-tinh trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, đưa ra củ cà rốt tín
dụng với lời khuyến dụ là sẽ quan hệ bình đẳng với các đối tác – hàm ý
bán cầu này sẽ không còn bị Mỹ « thống trị ». Và Bắc Kinh đã thành công.
Nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước
Nam Mỹ - sân sau của Hoa Kỳ - xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đồng thời với
việc rải đầy các món nợ trong khu vực. Bên cạnh đó còn là lợi ích chính
trị : một số nước châu Mỹ la-tinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài
Loan để trở thành đối tác của Bắc Kinh.
Tuy nhiên đập thủy điện Coca Codo Sinclair đã chứng tỏ quan hệ đôi
bên không hề bình đẳng. Là người đi vay nợ, Ecuador đành chấp nhận con
đập có nhiều khiếm khuyết trong thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật lỗi thời
đến mấy chục năm.
Núi lửa Reventador vẫn đang trong tình trạng hoạt động. |
Bất chấp nguy cơ núi lửa phun, hạn hán...
Khi Fernando Santos, cựu bộ trưởng Năng lượng trong thập niên 80 biết
được đập thủy điện khổng lồ này đang được xây dựng, ông không thể tin
nổi. Trong thời kỳ ông còn tại chức, chính phủ đã bác bỏ phiên bản quy
mô nhỏ hơn của dự án này, vì lý do núi lửa. Một trận động đất đã vùi lấp
cơ sở hạ tầng dầu khí trong khu vực vào năm 1987.
Ngoài ra còn có những cảnh báo khác. Một báo cáo độc lập năm 2010
báo động rằng lượng nước có thể cung cấp cho con đập đã không được
nghiên cứu từ 30 năm qua, và Ecuador đã phải chịu đựng nhiều trận hạn
hán.
Luciano Cepeda, cựu tổng công trình sư kể lại, các quan chức vẫn thúc đẩy dự án vì « một nghiên cứu mới sẽ làm mất thêm nhiều năm ».
Một yếu tố quan trọng hơn về địa chính trị : tổng thống thời đó là
Rafael Correa, thiên tả và dân túy, muốn nhanh chóng hiện đại hóa đất
nước và ra khỏi quỹ đạo của Mỹ.
Ông Correa tố cáo các định chế tài chính phương Tây, chỉ trích Quỹ
Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạn chế chi tiêu của mình. Năm 2008, ông không
chịu trả 3,2 tỉ nợ vay, quay sang nhờ Trung Quốc giúp. Tổng thống có
được tiền, nhưng đất nước lại bị một cuộc khủng hoảng mới : hạn hán làm
nhiều đập thủy điện không hoạt động được. Thay vì tìm kiếm các nguồn
năng lượng khác, ông Correa lại tăng gấp đôi thủy điện.
Tập Cận Bình đến Ecuador để dự lễ khai trương đập Coca Codo Sinclair tháng 11/2016. Ảnh Estuardo Vera. |
È cổ trả nợ cho đập thủy điện dỏm khi chạy, khi không
Coca Codo Sinclair được cho là sẽ cung cấp một phần ba lượng điện cho
toàn quốc, được xây dựng ngay dưới chân núi lửa Reventador, với quy mô
lớn gấp đôi so với các dự án đã bị bác nhiều thập niên trước.
Khi đập này được đưa vào hoạt động cuối năm 2016, Tập Cận Bình đã bay
đến Ecuador để dự lễ khánh thành. Chỉ hai ngày trước chuyến viếng thăm
của chủ tịch Trung Quốc, tình hình con đập rơi vào hỗn loạn. Các kỹ sư
rất cố gắng, nhưng công trình có công suất thiết kế 1.500 megawatt không
thể vận hành với mạng lưới điện quốc gia. Con đập rung chuyển một cách
nguy hiểm, gây ra nạn mất điện tại nhiều vùng trên toàn quốc.
Ngày nay, đập Coca Codo Sinclair chỉ chạy được một nửa công suất.
Theo các chuyên gia, với thiết kế cổ lỗ sỉ như thế cũng như theo chu kỳ
mùa mưa và mùa khô, đập này chỉ phát điện được vài giờ mỗi ngày, và sáu
tháng trong một năm – với điều kiện mọi sự đều tốt đẹp.
Tuy vậy Ecuador vẫn phải è cổ trả nợ. Món vay xây đập 1,7 tỉ đô la
rất béo bở cho Trung Quốc : lãi suất đến 7% trong vòng 15 năm, tính ra
mỗi năm Ecuador phải trả 125 triệu đô la tiền lãi. Ngày nay nhiều người
dân Ecuador phàn nàn gánh nặng đang đè lên vai họ : một gia đình cho
biết hàng tháng phải trả 60 đô la tiền điện tuy chính phủ hứa giảm giá
năng lượng.
Cựu phó tổng thống Jorte Glas Espinel bị áp giải về nhà tù Latacunga, cách Quito 70 km. Ảnh ICS |
« Nghiện » vay nợ cho những dự án không cần thiết
Ở ngay lối vào con đập vẫn còn tấm bảng ghi « Jorge Glas Espinel, phó tổng thống, đã thúc đẩy công trình đại quy mô này ».
Ông Glas đang ngồi tù, với bản án sáu năm tù giam do tham nhũng. Tư
pháp Ecuador xác nhận có băng ghi âm trong đó phó tổng thống cùng với
Carlos Pólit, phụ trách cơ quan chống tham nhũng đang bàn bạc về món
tiền hối lộ của Trung Quốc. Một cuộc điều tra khác cho thấy một người
thân cận của ông Glas đã chuyển 17,4 triệu đô la vào một tài khoản HSBC ở
Hồng Kông.
Món nợ khổng lồ khiến các nhà lãnh đạo mới ở Ecuador tỏ ra bất mãn
đối với Trung Quốc. Tân bộ trưởng Năng Lượng đe dọa không trả nợ xây đập
thủy điện, và Bắc Kinh đã có một ít nhượng bộ, chẳng hạn trả thêm 92 xu
cho mỗi thùng dầu, và chỉ thu nợ bằng 80% lượng dầu xuất khẩu của
Ecuador thay vì 90% như trước. Nhưng chính phủ vẫn còn đến 11,7 tỉ đô la
phải trả.
Tháng trước, tổng thống Moreno phải bay sang Trung Quốc để thương
lượng lại một số món nợ và vay thêm 900 triệu đô la nữa. Tân chính phủ
cũng quay sang các định chế từng bị cựu tổng thống Correa chê bai là
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Santos, cựu bộ trưởng Năng lượng than thở : « Chúng tôi đã nghiện vay nợ ». Một người khác nói thêm : « Giờ thì chúng tôi đã nhận ra rằng có nhiều thứ thật ra không cần đến, như con đập này chẳng hạn ! ».
Làm ăn với Trung Quốc phải cẩn trọng
Trả lờiXóa