Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Heo Trong Đời Sống Quê Tôi Ngày Xưa - Hoang Đằng (vhp.havu.Blog )

 Tạp bút của Hoàng Đằng

Năm tới (2019) là năm Kỷ Hợi theo Âm Lịch. Biểu tượng của năm Hợi là con heo. Nhiều người nói rằng ai sinh năm Hợi thì có số sướng; chắc ý họ muốn nói là khỏi làm gì hết, chỉ nằm mà được nuôi ăn như con heo. Thật ra, họ quên điều là con heo được nuôi ăn để giết lấy thịt; nghĩ thế thì những người tuổi Hợi cũng có phần lo!!!.
Nhưng hãy xem lại… Trước khi nuôi trong chuồng để thành một gia súc, heo vốn là thú hoang trong rừng. Để tồn tại, heo phải chống chọi, cạnh tranh sinh tồn với các loài thú hoang khác, phải ngày đêm săn lùng, đào bới tìm thức ăn.
Thành thử, người tuổi Heo cũng như người tuổi Trâu, tuổi Cọp… phải “tay làm để hàm nhai”. Người nào đó giàu có, chức phận hơn người, cứ tin theo Phật Giáo, ấy là nhờ kiếp trước khéo tu.

Hôm nay, nhân chào đón năm Hợi – Kỷ Hợi, tôi muốn nói miên man về chuyện heo nuôi và nuôi heo ở quê tôi.
Vì sao con người thuần hoá và nhốt nuôi heo trong chuồng?
Khi con người bước vào thời kỳ sống định cư và mưu sinh bằng trồng trọt, do nhu cầu thịt để dinh dưỡng cơ thể và nhu cầu phân bón dùng cho trồng trọt, con người đã thuần hoá và nuôi dưỡng nhiều con vật hoang dã, trong đó có con heo.
Nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xem như một sinh kế phụ bên cạnh canh tác ruộng vườn là sinh kế chính. Sinh kế phụ hỗ trợ cho sinh kế chính. Nuôi trâu, nuôi bò để vừa có sức kéo vừa có phân bón; nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt… vừa để có thịt ăn cũng vừà để lấy phân bón; khi cần, những gia súc, gia cầm ấy có thể bán đi lấy tiền chi tiêu cho nhu cầu đời sống.
Phân do gia súc, gia cầm cung cấp rất cần thiết vì chưa có phân hoá học để bón cây trồng.
Cây trồng không phân thì cằn cỗi cho năng suất thấp mà năng suất thấp thì làm sao nuôi được số dân cứ đông dần. Mấy câu thơ của Tố Hữu đã nói lên tầm quan trọng của phân: “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá... Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ.”(!) 


Trong mỗi gia đình nông dân, việc nuôi heo được phân công cho phụ nữ: “Heo, ca (gà) đàn bà; cửa nhà đàn ông”. Ở một xã hội trọng nam khinh nữ, việc phân công này chắc do nam giới bày ra. Tội nghiệp là nữ giới chỉ biết chấp hành, không so bì thiệt hơn, dù sự chia việc này không công bằng chút nào!
Suốt một đời người, cửa nhà tạo dựng vài ba lần đã là nhiều lắm, còn sửa chữa, nâng cấp lâu lâu mới có một lần; vậy nên, đàn ông được phân công lo việc cửa, việc nhà, ắt được tương đối nhàn hạ, rảnh rỗi, có nhiều thời giờ giải trí: cầm, kỳ, thi, tửu; trong khi đó, chỉ cần lo cho một hay hai con heo nuôi trong chuồng, đàn bà phải tốn rất nhiều thời gian: xắt chuối, hái rau, xay giã lúa gạo để có cám, tấm…
Đàn bà khổ thế mà nhiều lúc còn bị đàn ông, nhờ rảnh rỗi, “sướng quá hoá cuồng” quấy rối! Những lúc heo đói đòi ăn kêu eng éc, con dại khát bú khóc oa oa, nồi cơm trên bếp đột ngột tắt lửa, người chồng thiếu thông cảm đến bên cạnh vợ “đòi” … Ôi chao là cực!!! “Đang khi lửa tắt cơm sôi; heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem…” Giá như có bếp điện, bếp ga, heo không nuôi, con dại gởi nhà trẻ thì người vợ chắc chắn sẵn sàng: “Bọ mi ơi có muốn tòm tem thì lại tòm!!!”. Viết thêm mấy câu để người đọc cười, vui; mong độc giả nghiêm túc đừng chê trách “hoang, tục” nhé! 
Nuôi heo là tận dụng những phế phẩm, biến những phế phẩm thành thứ hữu dụng – thịt heo. Mỗi gia đình chỉ nuôi từ một đến vài ba con heo; thức ăn cho heo không cần phải mua mà lấy từ vườn (chuối, rau…), từ phế phẩm do xay giã gạo ngô (cám), từ “nước mã” (nước vo gạo, nước rửa chén bát…).
Heo ăn cực như thế, nên chậm lớn, heo nuôi một năm cùng lắm được khoảng 50 kg hơi. Nói vậy cho người đời nay dễ hiểu, chứ thời ấy, người ta không tính heo lớn bao nhiêu bằng cân để biết trọng lượng, mà bằng đo chu vi vòng ngực, ví dụ: một con heo to 2 thước nghĩa là chu vi vòng ngực con heo đó dài 2 thước mộc (một thước mộc = 04 tấc tây - đề-ci-mét) tức là 08 đề-ci-mét (khoảng 4 gang tay). Heo đã chậm lớn, lại thêm, heo bệnh không có thú y, dễ chết lắm. 
Ngoài nuôi để lấy phân, nuôi để bán, heo nuôi còn để giết thịt mỗi khi nhà “có việc”.
Có việc gì cần mổ heo (kỵ giỗ, cưới gả, chịu việc phái, việc họ, việc làng), người ta phải lên kế hoạch nuôi trước cả năm - năm sau có việc cần hạ một con heo, năm nay phải thả chuồng hai, ba con heo con, phòng heo “cặng” (không lớn) hoặc chết bệnh giữa chừng.
Bây giờ, dân đông thì mức tiêu thụ thịt nhiều, đời sống kinh tế lên cho phép bữa cơm hàng ngày của mọi nhà có thịt. Heo nuôi ở quy mô gia đình ít đi mà ở quy mô trang trại nhiều lên, số lượng mỗi trang trại có thể lên đến hàng ngàn, hàng vạn con. Thức ăn cho heo được chế biến sẵn, đầy đủ chất dinh dưỡng, rồi nào thuốc tăng trọng, nào thuốc tạo nạc, nên heo chóng lớn - heo nuôi trong vòng 3 tháng có thể xuất chuồng, nặng đến 70, 80 kg. Việc nuôi heo không còn là việc riêng dành cho phụ nữ mà cần sự góp tay của cả gia đình; nuôi heo đã trở thành một nghề chuyên môn, không còn là sinh kế phụ mà đã trở thành sinh kế chính.
Sự can thiệp nhiều của khoa học vào việc nuôi heo có cái ưu là cung ứng nhu cầu thịt đủ, thậm chí dư, cho xã hội! Tuy nhiên, việc can thiệp của khoa học làm cho quá trình sinh trưởng của con heo không còn “tự nhiên”, thịt heo tồn dư nhiều chất độc hại, không tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nói theo ngôn ngữ thời thượng, thịt heo ngày nay là thịt heo “bẩn”, còn thịt heo ngày xưa là thịt heo “sạch”. Vậy nên người hoài cổ hay nhớ miếng thịt heo ngày xưa, dù thuở ấy người ta rất ít cơ hội ăn được miếng thịt heo!!! 


Thịt heo chỉ được thưởng thức trong những dịp gia đình hay bà con, làng xóm có kỵ lớn, có tế phái, tế họ, tế làng.
Kỵ có làm heo là kỵ lớn, khách mời dự kỵ có thể hơn 100 người. Thịt cả con heo cùng bộ lòng luộc chín, tất cả đặt lên bàn thờ giữa xôi, chiên, xào, ram, cháo… rồi thỉnh mời gia tiên dự hưởng.
Nghi thức cúng hoàn mãn, người ta hạ lễ vật xuống, tể tác, phân chia… dọn ra mâm mời khách; mỗi mâm 6 người chứ không phải mười người như hiện nay. Làm như thế, tất cả thực khách đều hưởng được “lộc”, “huệ” của tổ tiên, tựa như hình thức “Eucharistie” của Thiên Chúa Giáo. Bây giờ thì khác, khi cúng, trên bàn thờ chỉ có lễ vật sơ sài còn tất cả mâm bàn đãi khách đặt nhà hàng dọn sẵn chờ mời ăn; ý nghĩa “thừa thần chi huệ” không còn; ăn kỵ ngày nay cũng là một hình thức như đãi ăn ở nhà hàng, không còn tính thiêng liêng.
Heo còn dùng làm lễ vật dâng tế tổ phái, tổ họ, thần làng. Con heo dâng tế do “chủ điền” lo.
Mỗi phái, mỗi họ, mỗi làng đều có một phần điền thổ gọi là ruộng hương hoả. Mỗi năm, việc cúng tế luân phiên giữa các thành viên trong phái, trong họ, trong làng. Thành viên đến phiên chịu gọi là chủ điền nghĩa là người được canh tác phần điền thổ hương hoả dành cho việc cúng tế liên quan - có thể một sào, hai sào hay nhiều hơn tuỳ số lượng quỹ đất hương hoả - lấy hoa lợi để sắm lễ: heo, xôi, trầu, rượu, hương, hoa, vàng bạc …
Phái, họ, làng có định lệ cho mỗi loại lễ vật: heo mấy thước, nếp mấy thăng (dụng cụ đo lường bằng gỗ)… Về heo, nếu lệ định 1 thước tư mà chủ điền nuôi đến 1 thước 8 thì khi tế xong, chủ điền được trả lại 4 tấc; thịt trả lại được cắt một dãi, bề dài theo chu vi vòng hông con heo, bề ngang theo số lượng thước tấc trội ra.
Heo “chịu” việc tế, chiều hôm trước lễ chánh tế tức là lúc sắp cử hành lễ cáo yết, được gánh ra nơi tế.  Trước mặt đông đủ người tham dự, hai người xỏ đùi vào dây buộc chặt hai chân trước, gánh lên, một người nhận nhiệm vụ cầm dây mây, vòng qua nách con heo, kéo sít da, hỏi: “Thưa…, được chưa?”, hai người gánh xoay con heo sang phía khác, hỏi: “Thưa…, được chưa?” Nếu mọi người hô: “Được rồi!” thì gánh heo về địa điểm chờ mổ, còn nếu có ý kiến: “Chưa được!” thì người nịt phải kéo sợi mây cho chặt hơn chút nữa.




Kể chuyện đời xưa để các thế hệ sau hình dung nếp sống của người đi trước.
Mọi chuyện đều thay đổi theo thời gian.
Bây giờ, mục đích nuôi heo đã khác ngày xưa.
Xưa nuôi nhiều giống heo đen, nay nuôi nhiều giống heo bạc.
Xưa nuôi heo để lấy phân, để hạ làm lễ vật cúng, tế và để bán kiếm thêm thu nhập; nay nuôi heo chỉ để bán lấy tiền xem như nguồn thu nhập chính hay phụ tuỳ gia đình.
Xưa nuôi heo để lấy phân; muốn có nhiều phân, chuồng nuôi heo lót rơm, lót bổi, phân và nước tiểu thấm vào đó, không rò rỉ ra môi trường; nay nuôi heo, chuồng đúc bê-tông, phân và nước tiểu của heo giội chảy ra gây ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi bốc lên ô nhiễm không khí.
Xưa dùng phân chuồng bón ruộng nương, sản phẩm nông nghiệp: lúa, khoai, bắp… “sạch”; đất được bồi bổ chất hữu cơ hoai mục đều, tơi xốp; nay chỉ bón bằng phân hoá học, nông sản không còn “sạch”, đất chai cứng  dần vì thiếu chất mùn.
Theo biện luận như trên, người ta cứ tưởng xưa hơn nay; thật ra, không phải vậy! Thời gian càng trôi, tiến hoá càng lên. Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật đem lại sự tiến hoá – tiến hoá theo chiều hướng tích cực cũng có mà theo chiều hướng tiêu cực cũng có.
Thịt heo là loại thịt “chủ đạo” trong dịp Tết. Bọn người bất nhân, nhân lúc nhu cầu thịt heo tăng, đã dùng hoá chất độc hại tẩy rửa, chế biến thịt heo chết, thịt heo bệnh đưa ra thị trường. Người tiêu thụ chắc chắn sẽ bị tổn thương về sức khoẻ.
Trước đây, ai làm bậy sẽ được người bên cạnh khuyên: “Đừng làm vậy mà tội”. Bây giờ, tiền bạc lên ngôi, lợi nhuận xếp hàng đầu, đẩy đạo đức kinh doanh xuống hố. Người giết người gián tiếp. Sống trong một xã hội như vậy, ai có hiểu biết, có suy nghĩ thấy mà ớn!

           Hoàng Đằng
26/01/2019 (21/Chạp/Mậu Tuất)

1 nhận xét:

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...