Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 14 : HOA ĐÀO NĂM NGOÁI

        HOA ĐÀO NĂM NGOÁI là Khứ Niên Đào Hoa 去年桃花, xuất phát từ thành ngữ Nhân Diện Đào Hoa 人面桃花, chỉ hoa đào và mặt của người đẹp. Người đẹp có gương mặt ửng hồng đẹp như hoa đào theo Truyện "Thôi Hộ" trong "Bổn Sự Thi" của Mạnh Khải  có ghi lại tích sau đây :

         THÔI HỘ (772-846), tự là Ân Công, người đất Bác Lăng đời Đường ( thuộc Định Châu tỉnh Hà Bắc hiện nay ). Một năm vào tiết Thanh minh, khi mà "cỏ non xanh rợn chân trời", chàng thư sinh lạc đệ Thôi Hộ cũng đạp thanh ngắm cảnh. Mãi tìm nguồn thơ với cảnh đẹp của mùa xuân, chàng lạc bước vào một thôn trang phía nam của Trường An với non xanh nước biếc, kịp đến khi quay gót trở về, thì mới thấy cổ khô khát nước. Nhìn xa xa phía trước mặt trong một rừng đào rực rỡ thấp thoáng có bóng một mái nhà. Thôi Hộ bèn đến gỏ cửa xin chén nước uống.
                
  

        Ra mở cửa là một cô gái trẻ đẹp. Thấy là một chàng trai lạ, bèn quay mặt đi vào. Thôi Hộ vội vàng thi lễ và tỏ ý muốn xin một chén nước để giải khát. Một lát sau, cô gái e thẹn bưng ra cho chàng một tách trà thơm, hương bay ngào ngạt. Choáng váng trước vẻ thẹn thùng kiều diễm, mặt ửng hồng như đóa hoa đào của nàng, chàng ngơ ngẩn thần hồn, nhấp chén trả mà như nhấp chén quỳnh tương.

           Còn nàng thì cũng e thẹn liếc nhìn chàng, hai bên " tình trong như đã mặt ngoài còn e". Sau khi cám ơn và cáo từ ra về, Thôi Hộ nghĩ thầm rằng, nếu sau này đại đăng khoa xong, tiểu đăng khoa mà được một nương tử  như thế nầy thì cũng mãn nguyện lắm rồi. Tuổi trẻ chóng quên, lại phải chăm lo đèn sách, cho nên mãi đến ...

        Mùa xuân năm sau, khi lại đi ra ngoại thành đạp thanh, Thôi Hộ mới nhớ đến giai nhân của vườn đào năm ngoái mà cố ý ghé thăm để gặp lại người đẹp với chén trà thơm ngát của năm qua. Nhưng ...
        Khi đến nơi thì cửa đóng then cài, cảnh cũ còn đây, hoa đào còn đó, mà người xưa thì đà vắng bóng. Xúc cảnh sinh tình, chàng bèn đề một bài thơ lên cửa như sau :

           去年今日此門中,  Khứ niên kim nhật thử môn trung,
          
                人面桃花相映红。  Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
          
                人面不知何處去,  Nhân diện bất tri hà xứ khứ ?
         
                桃花依舊笑東風。  Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Có nghĩa :
                 Năm ngoái hôm nay cũng cửa này,
                 Mặt người hoa đẹp má hây hây,
                 Mặt người nay biết về đâu nhỉ ?
                 Như trước hoa đào vẫn nở đây !

                        Chàng ngẩn ngơ giây lát, rồi thơ thẩn ra về mà lòng nghe như hụt hẫng trống vắng, nuối tiếc một cái gì đó như bị mất đi; cho nên,
mấy hôm sau, chàng lại lần mò đến vườn đào năm trước. Nhưng, sao lạ thay, có tiếng ai đó đang thổn thức bi thương. Bước đến gỏ cửa. Một ông lão đầu râu tóc bạc đầy vẻ bi thương ra mở cửa. Trông thấy chàng bèn hỏi :" Anh có phải là Thôi Hộ không ? ". Thôi Hộ giật mình hỏi lại :" Sao cụ lại biết ?". Ông lão bèn kể :" Con gái của lão là Giáng Nương từ Tiết Thanh Minh năm ngoái tới nay, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mất hồn, mỗi ngày cứ ngóng ngóng mong mong như chờ đợi ai đó. Mấy hôm trước đây, lão muốn cho nó khuây khỏa mới dắt nó về ngoại gia mấy hôm. Khi trở về, nó thấy bài thơ đề trên cửa bèn khóc òa, biết là sẽ khó còn có cơ hội để gặp lại anh, nên buồn bã bỏ ăn mấy hôm nay, và mới đây đã trút hơi thở cuối cùng, Anh đã hại chết con gái lão rồi !"


       Thôi Hộ nghe xong, vô cùng thương cảm và xúc động. Chàng xin phép ông lão để được nhìn Giáng Nương lần cuối. Khi vào bên trong phòng, thấy Giáng Hương như đang nằm ngủ, Thôi Hộ kêu to lên rằng : "Nàng ơi, Thôi Hộ đã tới đây, ta đã đến với nàng đây rồi !" Nước mắt của chàng rơi trên mặt nàng, thì lạ thay, nàng khẻ rên lên một tiếng, rồi từ từ mở mắt ra, nhết mép mĩm cười. Nàng đã hồi sinh trong tình yêu kỳ diệu !
       Sau đám cưới, vợ chồng tình đầu ý hợp. Trong thâm tâm Thôi Hộ rất thỏa mãn với cô vợ vừa hiền thục vừa đẹp đẽ. Giáng Nương lại hết lòng săn sóc giúp đở và khuyến khích chồng sôi kinh nấu sử, nên Thôi Hộ đã đậu Tiến Sĩ vào năm Trinh Nguyên thứ 12 đời vua Đường Đức Tông và hoạn lộ hanh thong, làm quan đến chức Lãnh Nam Tiết Độ Sứ, để lại một giai thoại đẹp trong làng thi ca lúc bấy giờ. 
       Bài thơ " Khứ niên kim nhật thử môn trung..." của Thôi Hộ, trước đây, trong lớp thầy dạy văn thường đề tựa của bài thơ là " ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ 題昔所見處. Có nghĩa : Cảm đề cái nơi mà mình đã thấy năm xưa. Nhưng gần đây, tất cả các tài liệu trên mạng đều ghi là : ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG 題都城南莊. Có nghĩa : Cảm đề thôn trang phía nam của đô thành ( Tràng An ). It khi thấy có bài thơ cổ nào lại thay đổi hẵn tựa của bài thơ như thế !

         Trong Truyện Kiều, sau khi hộ tang chú ở Liêu Dương, Kim Trọng trở lại vườn thúy tìm Kiều, thì " Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa ". Chỉ thấy :
                     Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
               Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời.
                     Trước sau nào thấy mặt người,
               Hoa Đào Năm Ngoái còn cười gió đông.

       Khi Vương Viên Ngoại gặp Kim Trọng cũng kể lể : " Chàng ôi biết nỗi nước nầy cho chưa ? Kiều nhi phận mỏng như tờ, một lời đã lỗi tóc tơ với chàng !" chớ không như cha của Giáng Nương, khi nàng tỉnh lại thì gả nàng cho Thôi Hộ để hai người được đoàn tụ bên nhau.
      Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Lê Dinh và Nguyễn Hiền đã phổ nhạc chuyện tình đầy thi vị của Thôi Hộ thành bản nhạc " Hoa Đào Năm Trước " đã thịnh hành một thời và mãi cho đến hiện nay, ở hải ngoại nầy, các ca sĩ vẫn còn hát bài hát trữ tình và nên thơ nầy. Mời bấm vào link dưới đây để nghe giọng hát truyền cảm của Mai Thiên Vân với HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC.

                                                         Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO - Thái Thanh

Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn Qui Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả ...