Sử dụng địa nhiệt trong nhà tắm, làm
cầu dẫn nước bằng trọng lực hay điều hòa không khí bằng tháp gió là một
số sáng kiến năng lượng đi trước thời đại hàng nghìn năm của người xưa.
Cối xay gió
Theo Web Ecoist, thiết kế cối xay gió cổ xưa nhất ra đời cách
đây 3.000 năm ở Ba Tư cổ đại để phục vụ nghiền ngũ cốc và bơm nước.
Người Ba Tư bện những cây sậy với nhau để tạo ra guồng nước xoay quanh
trục ở chính giữa. Các bức tường bao ngoài được sắp đặt cẩn thận để điều
chỉnh hướng gió, giúp hệ thống quay đúng hướng. Đây là ví dụ đầu tiên
về sử dụng sức gió để tự động hóa những công việc thường nhật. Ảnh: Ullesthorpe.
Tháp gió
Ba Tư cũng là nơi phát kiến một trong những hệ thống làm mát và thông
gió phức tạp nhất từ trước tới nay. Thiết kế 2.000 năm tuổi này có vẻ
khá đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả so với những sản phẩm công
nghệ cao thời hiện đại. Kết hợp giữa chênh lệch áp suất không khí và
dòng nước, những tháp gió giúp điều hòa không khí trong môi trường sa
mạc khắc nghiệt với ngày nóng và đêm lạnh. Ảnh: Seier.
Cầu dẫn nước bằng trọng lực
Người La Mã cổ đại nổi tiếng với những công trình kiến trúc đồ sộ và
khéo léo, trong đó có cầu dẫn nước bằng trọng lực. Một số cây cầu vẫn
còn được sử dụng đến ngày nay. Chúng là ví dụ hoàn hảo cho việc sử dụng
thủy năng, một dạng năng lượng tái tạo, nhằm phục vụ các hầm mỏ, lò rèn,
cối xay và nhà tắm. Nguồn nước chảy ra từ đường ống được dùng để làm
sạch quặng, vận hành búa nghiền quặng và bánh xe nước. Ảnh: ATPM.
Tái sử dụng nước thải
Nằm ở độ cao lớn, cách xa nơi có nguồn nước dồi dào, thành phố cổ đại
Jerusalem tồn tại dựa vào những con sông ngầm và nước cận mặt đất trong
gần 15.000 năm. Những đường hầm dẫn nước ở đây có niên đại từ thế kỷ 12
trước Công nguyên. Cùng với sự phát triển của thành phố, cư dân
Jerusalem sử dụng nước và hệ thống tái chế ngày càng hiệu quả. Nước dùng
rồi được trữ trong chậu để dội trôi rác thải tương tự ống cống hiện
đại, tưới vườn hoặc để hòa phân bón cho những cánh đồng xung quanh. Ảnh:
Rhedesium.
Bồn tắm địa nhiệt
Người La Mã cổ đại gián tiếp sử dụng năng lượng địa nhiệt thông qua
nguồn nước nóng để tắm rửa và sưởi ấm nhà cửa. Việc sử dụng địa nhiệt bị
giới hạn ở những vùng xung quanh núi lửa Vesuvius, nơi magma nóng chảy
nằm gần mặt đất. Người La Mã cũng tận dụng sự chênh lệch địa nhiệt để
tạo ra đá lạnh bằng cách đào hố, đổ nước, đậy miệng hố vào ban ngày và
chờ nước đóng băng khi đêm xuống. Ảnh: Yasan.
Tận dụng hướng Mặt Trời để sưởi ấm
Khi rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu, người Hy Lạp cổ đại tìm cách
thiết kế nhà ở để tận dụng và duy trì tối đa nhiệt lượng trong những
tháng mùa đông. Họ bắt đầu chọn hướng xây nhà và quy hoạch thành phố để
những ngôi nhà có thể thu được ánh nắng khi Mặt Trời hạ thấp trong thời
gian lạnh nhất năm. Người La Mã còn tiến xa hơn bằng cách lắp kính vào
cửa sổ để giữ lại nhiệt lượng từ ánh nắng Mặt Trời. Ảnh: ESN Athens.
Làm mát bằng bóng Mặt Trời
Lâu đài trên vách đá ở công viên Mesa Verde, Colorado, Mỹ là nơi cư ngụ
trên vách đá lớn nhất Bắc Mỹ. Kiến trúc nhà kỳ lạ trên vách núi cheo
leo cho thấy để giữ nhiệt trong các mùa, người Mỹ bản địa xây dựng kết
cấu nhà ở những vị trí trọng tâm, tương ứng với vị trí Mặt Trời theo
từng thời điểm như các điểm chí thiên văn. Ảnh: Britannica.
Phương Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét