Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Câu chuyện thực phẩm bẩn về thôn quê



Một điều tra xã hội ở VN vào đầu năm nay cho thấy an toàn thực phẩm được xem là mối quan tâm số 1 (66%) của người dân. Và, 67% người được hỏi kì vọng được dùng thực phẩm sạch trong năm 2016. Ít ai nghĩ rằng vùng thôn quê Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi cung cấp lương thực cho cả nước và thế giới, mà cũng bị vấn nạn thực phẩm bẩn. Thực phẩm bẩn này xuất phát từ Tàu, qua đường tiểu thương len lỏi vào tận chợ quê.


Ở dưới quê miền Tây, có thời người ta rất chuộng xe gắn máy của Tàu. Lí do đơn giản là vì nó rẻ tiền, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng là mua được một chiếc xe. Nhưng chỉ sau vài năm, người ta phát hiện một thực tế là mấy chiếc xe Tàu này không an toàn, gây ra tai nạn thường xuyên, và rất mau hư hỏng. Mấy thợ sửa xe thường kêu trời mỗi khi sửa mấy chiếc xe này, do chúng được lắp ráp rất sơ sài, chất lượng rất kém. Có khi một con vít cũng lỏng lẻo, và rất nguy hiểm khi đi đường xa. Thành ra, sau một thời gian trải nghiệm, người dân lại quay về với mấy chiếc xe ráp ở VN, Thái Lan, Đài Loan, Nhật, v.v. tuy mắc hơn như mà an toàn hơn và bền hơn.

Mấy năm gần đây thì đến trái cây của Tàu. Rất nhiều loại trái cây bắt mắt từ Tàu đã được vận chuyển (chẳng biết từ đâu) về miền Tây và bày bán, cạnh tranh với trái cây của miền Tây. Trái cây thường là những loại mà miền Tây hiếm hay không có như táo, hồng, lê. Nhưng cũng có những trái cây như xoài, mận, quít, cam, v.v. vốn là thế mạnh của miền Tây. Trái cây của Tàu thường đẹp hơn, bự hơn, nhưng giá lại rẻ hơn trái cây miền Tây. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, bà con cũng nhận ra là mấy loại trái cây coi "đẹp mả" này toàn là do hoá chất, và cũng chẳng ngon hơn trái cây vườn. Thế là bà con dưới quê tôi đang dần dần tránh xa trái cây của Tàu. Có người "cực đoan" đến nỗi không mua trái cây ngoài chợ nữa, mà chỉ dùng trái cây trong vườn hoặc của người quen. Không ai dám ăn khô mực, trứng gà, sữa, v.v. có xuất xứ từ Tàu.

Mới đây, họ (người Tàu) còn có một chiêu trò mới. Họ thông qua người Việt tìm mướn những mảnh đất xa thị tứ, xây cơ sở chế biến thực phẩm hay trái cây từ địa phương và tung ra thị trường. Dưới quê tôi đã có khá nhiều người mắc mưu này. Họ xây cơ sở chế biến kín mít, thường chỉ làm việc ban đêm, và người chủ đất không được vào xem họ làm gì. Có những lúc những cơ sở này gây thối um cả làng, vì dưới quê thì mùi thối theo gió đi rất nhanh. Hôi thối đến nỗi người dân địa phương chịu không thấu và phải phàn nàn lên chính quyền địa phương. Nói chung là người Tàu đem đến cho người Việt toàn những phiền toái và nguy hiểm.

Nhưng công bằng mà nói, vấn nạn thực phẩm bẩn không chỉ ở nước ta, mà còn là một vấn đề lớn ở bên Tàu. Tạp chí The Atlantic trích dẫn một nghiên cứu công bố trên một tập san khoa học bên Tàu cho thấy mỗi năm có 94 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm, 3.4 triệu người nhập viện, và hơn 8500 tử vong (1). Xem ra, qui mô bên đó còn lớn hơn cả bên mình.

Tôi nghĩ vấn đề thực phẩm độc hại ở nước ta và bên Tàu nói chung là vấn đề đạo đức kinh doanh. Ở một môi trường mà tôn giáo đã bị vùi dập quá lâu (đến nỗi thờ phượng thượng đế có khi bị xem là một cái tội), nên thiếu những chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Đến khi kinh tế được mở cửa, người ta ai ai cũng đua nhau làm giàu bằng mọi giá và mọi cách, không cần quan tâm đến an sinh xã hội và chuẩn mực đạo đức. Tờ Atlantic còn trích một kết quả điều tra xã hội bên Tàu cho thấy hơn phân nửa những người được hỏi cho rằng tuân thủ theo các qui chuẩn đạo đức không phải là điều kiện cần thiết cho sự thành công của xã hội (1)! Nếu làm một nghiên cứu như thế ở Việt Nam, rất có thể kết quả cũng "same same".

Thoạt đầu tôi nghĩ cần phải có một chương trình cung cấp thông tin về những thực phẩm độc hại từ Tàu cho người dân, nhưng mấy lần về quê tôi bắt đầu đổi ý. Tôi thấy rõ ràng là qua những trải nghiệm vừa kể trên, người dân miệt quê đã biết rất rõ những tác hại của thực phẩm và trái cây Tàu. Họ không còn bị "chiêu dụ" bằng giá rẻ nữa; họ bắt đầu quan tâm đến phẩm chất và an toàn thực phẩm.

Câu hỏi lớn nhất vẫn là làm gì để cải thiện tình trạng thực phẩm thiếu an toàn. Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc kiểm soát tốt hơn, và điều này cũng hợp lí. Nhưng kiểm soát bằng những qui định và luật lệ có lẽ chỉ kiểm soát được bề mặt của vấn đề. Và, trong môi trường hiện nay, các con buôn có thể dùng hối lộ để chuồn hàng hoá độc hại của Tàu vào Việt Nam. Cái yếu tố thâm sâu hơn nó nằm trong mỗi con người, và đó là toà án lương tâm của mỗi cá nhân, là đạo đức kinh doanh, và cái này thì luật lệ khó mà với tới được. Chỉ cần theo tôn chỉ "Không hại người" là đủ. Do đó, khôi phục vai trò của tôn giáo và đạo đức (chứ không phải thêm qui định và luật lệ) là điều rất cần thiết để giảm tình trạng thực phẩm độc hại đang hoành hành nước ta.


(1) http://www.theatlantic.com/international/archive/2012/08/chinas-worsening-food-safety-crisis/261656/
Nhóm phóng viên tường trình từ VN - RFA
(ảnh chỉ có tính chất minh họa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...