Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

MA MỚI - Phong Ngạn




Chúng tôi đến gần Trãng Bôm thì trời đã xế chiều. Mưa lâm râm. Hơi rừng lên nghi ngút.
–  Không Thể về tới chợ Trãng Bôm kịp đêm nay. Anh Bằng than.
–  Cần cóc gì !
– Không cần à ? Vậy đêm nay ngủ ở đâu ?
–  Ngủ dưới gốc cây.
Bằng bĩu môi:
– Thỏ đế mà nói chuyện anh hùng.
Tôi là thỏ đế thật. Tôi lo lắm. Nhưng may thay, trước mặt chúng tôi, xa xa, một nếp lều tranh ẩn hiện trong sương chiều.
Chúng tôi làm thinh, mau bước đến đó.
Cửa nhà mờ toang ra. Trong chiếc nhà tranh hai căn ấy, vỏn vẹn chỉ có cái chõng tre. Trên vách long mốt giắt vài cái rìu, một ống tên và một cây ná.
„Có lẽ đây là nhà của một thợ rừng nào“. Chúng tôi nghĩ thầm như thế và bước vào nhà.
–  Có ai ở nhà không ? Bằng gọi lớn.
Không thấy trả lời, anh ta tằng hắng lên mấy tiếng.
–  Lạ – anh day lại nói với tôi – chiều tối rồi sao hắn chưa về. Ở rừng mà có đi chơi đêm được như ở chợ đâu.
Hắn đây là người thợ rừng mà chúng tôi đoán là chủ nhơn cái nhà tranh nầy.
Không đáp lời Bằng, tôi đi lại cửa buồng. Phải, nhà có buồng trong, cách biệt với buồng ngoài bằng một tấm vách lá buông.
Cửa buồng nầy cũng không đóng.
Tôi thò đầu vào dòm, rồi vội thụt ra ngay.
–  Chủ nhà ngủ, anh à.
–  Ngủ gì mà ngủ như gà vậy. Hắn nằm ở đâu ?
–  Trên chõng tre, sát vách ngăn nầy.
Bằng chạy lại vỗ vào lá buông kêu rột roạt:
–  Ông ơi, có khách ! có khách !
Thật là vô lễ. Nhưng tâm trí tôi cũng tùng đảng với đầu óc Bằng lúc đó, hơi coi thường người ở rừng, nên tôi không khó chịu bao nhiêu.
Đập muốn rách lá mà không nghe động tịnh gì cả. Tức giận, Bằng chạy sấn vào buồng.
Tôi đứng ngoài mà cười. Bỗng nghe Bằng la hoảng lên:
–  Ngô ơi, vô đây mà coi: Mau lên ! Ghê lắm !
Không hiểu gì mà “ghê lắm”, tôi chạy vào theo.
Bằng ngồi trên chõng, dưới chân chủ nhà. Có gì lạ đâu.
Buồng trong cũng trống rổng như buồng ngoài. Dưới đất có vài viên đá dùng làm ông Táo. Vài cây củi cháy dở trên tro và bếp nghe chừng như đã tắt từ lâu.
–  Hắn đã chết rồi. Bằng nói.
–  Chết ? Ngủ mà.
–  Ngủ gì, anh lại xem.
Quả thật thế Da thịt hắn lạnh ngắt. Tôi kéo thử tay thì nó cứng đơ.
Bằng đánh diêm lên xem cho rõ, vì trời đã tối mờ mờ rồi. Đó là một người đàn ông độ bốn lăm, râu ngạnh trê, đầu để búi tóc. Mắt hắn vẫn bình thản như đang ngủ. Hắn mặc đến ba chiếc áo bà ba. Có lẽ hắn bịnh và nghe lạnh nên mới bận nhiều áo thế.
–  Làm sao ? Tôi hỏi Bằng.
– Có làm sao đâu. Hãy để yên người chết. Ta cứ việc đóng cửa lại ngủ với hắn, rồi mai, ta xuống Trảng Bôm báo tin cho nhà chức trách.
Bằng ác lắm. Anh ta nói mấy tiếng “ngủ với hắn” bằng một giọng bình thản lạ, mà đầy vẻ mỉa mai như có ý chế nhạo tôi: “Ừ, ta ngủ với thây ma đấy, anh ghê không ?”
Tôi ghê thật ! Nhưng không có cách nào trốn tránh cái ghê gớm ấy hết. Vả lại tôi còn sợ anh Bằng cười cho, nên đành phải chịu vậy.
Anh Bằng quả là một người tàn nhẫn. Suốt đêm, anh cứ kể mãi những chuyện quỉ nhập tràng, những tích con linh miêu nhảy qua đầu người chết khiến tôi khiếp đảm.
Trong nhà, trời tối như mực. Nhưng thỉnh thoảng, tôi ngước lên nhìn cửa buồng để xem có gì trong ấy nhảy ra hay không.
– Khổ quá. Bằng than, mai nầy còn phải đi trình báo, mất hết ngày giờ.
Lời nầy làm tôi nghĩ đến một ý ghê rợn, và tôi hoảng hốt lên.
–  À, ngộ lỡ anh ta bị ai giết thì sao ?
–  Thì ta sẽ bị giữ lại để điều tra. Tình ngay mà lý gian. Có thể bị tù mọt gông.
Nói xong Bằng cười ngất. Anh đánh diêm lên xem lại mặt coi có sợ chăng. Thấy tôi vẫn bình tĩnh anh làm bộ rộng lượng, an ủi rằng:
– Nói chơi vậy chớ anh đừng lo. Tôi xem ra biết ngay hắn chết vì bịnh.
Thế rồi chúng tôi sang qua chuyện trinh thám, những khoa dùng để biết xem người chết vì tự tử, bị ám sát, hay bị bịnh hoạn.
Nhờ vậy, tôi quên mất chuyện ma và ngủ quên đi.
Khi tôi giựt mình thức dậy thì trời đã sáng bét. Ngoài kia, chim rừng hòa tấu những khúc nhạc man rợ rất vui tai.
Tôi lay Bầng dậy, nhưng anh nhựa nhựa cự tôi.
–  Để cho người ta ngủ nào !
Anh ấy lười có tiếng. Để mặc anh ta, tôi ngồi dậy toan mở cửa.
Tôi bước xuống chõng xỏ chân vào giày và khi ngước lên thì trời ơi… Tôi té ngã ngửa lên mình Bằng.
Giựt mình, anh ta ngồi dậy, và bị tôi ôm chầm lấy, anh ta hoảng hốt vùng vẫy gần muốn gãy chõng.
–  Hụm…
Tiếng tằng hắng của thây ma mà tôi vừa thấy đứng nơi cửa buồng nhìn tôi khiến cho Bằng hoảng thêm lên.
Ngày nay kể chuyện nầy, tôi rất sung sướng mà nhớ rằng Bằng cũng không dạn cho lắm.
–  Hai thầy làm gì vậy ? Tiếng thây ma hỏi thế.
Nghe cái tiếng ấm của loài người, Bầng tỉnh ngay. Anh ta ngồi lên ngay ngắn rồi nhìn vào cửa buồng.
Phải, chính đó là người chết đêm rồi, chúng tôi không lầm một tí nào cả. Cũng bộ râu ngạnh trê đó, cái nước da tái lợt đó, cái áo bà ba đen đó, và cái búi tóc đó. Thây ma tiến gần chúng tôi. Chúng tôi thật hoang mang, không biết phải nên đứng đắn kẻo lỡ đó là người thì hắn khinh hay phải thủ thế.
Nhưng thây ma đi tuốt ra mở cửa.
Ánh sáng buổi mai tràn ùa vào.
“À, chúng tôi nghĩ, thầy thì không phải ma. Ma gì lại tìm ánh sáng”.
–  Hai thầy vào đây hồi đầu hôm hả ? Hắn hỏi.
Té ra hắn ta không chết. Nhưng sao lại lạnh ngắt thế ? Hắn tiếp :
– Tôi về hồi khuya và…
Trời ơi, sao lại về khuya ? còn ai nằm trong ấy ?
–  … Và thấy mấy thầy nằm đó, tôi biết mấy thầy lỡ đường nên tôi để mấy thầy ngủ yên.
Rồi hắn kể lể, trước bốn mắt ngơ ngác và hai miệng há hốc của chúng tôi.
–  Thằng em tôi nó bịnh nhiều lắm. Hôm kia, tôi về chợ kiếm thuốc, rủi té xuống hầm chông của chính anh em tôi đào ra để bẩy heo rừng. Tôi ở dưới ấy hai ngày một đêm mới lên được, và vội vàng trở về thì thấy em tôi đã chết rồi.
Chúng tôi nhìn nhau thở nhẹ hẳn người đi.

 1- Bút danh của Bình Nguyên Lộc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...