Theo báo cáo của Viện Khoa học
Thủy lợi miền Nam cập nhật cuối tháng 2/2016, dòng chảy từ thượng lưu về
ĐBSCL đang xuống ở mức cực thấp (mức lịch sử) và ở mức rất thấp so với
liệt tài liệu trung bình nhiều năm từ 1980 đến nay.
Người dân vùng Bảy Núi, An Giang vét từng chút nước ở các giếng khoan để
cứu cây trồng đang chết khô trên đồng ruộng, tháng 2/2016. (Nguồn:
giaoducthoidai.vn)
Hai yếu tố thượng lưu ảnh hưởng quan trọng đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (điểm bắt đầu của vùng đồng bằng châu thổ Mê Kông thuộc Campuchia và Việt Nam). Diễn biến mực nước ở cả hai nguồn trên đều ở mức thấp.
Cụ thể, tính đến ngày 29/2, tại trạm
Prek Kdam, mực nước Biển Hồ đang ở trạng thái cực thấp (trung bình
khoảng 1,78m) so với chuỗi số liệu trung bình nhiều năm thời kỳ
1980-2013. So với kỳ năm 2014-2015, mực nước hiện tại đang thấp hơn
khoảng 0,95m.
Theo cơ quan nghiên cứu, có thể dự đoán dòng chảy từ Biển Hồ về đồng bằng trong thời gian tới là rất hạn chế.
Tại dòng chảy trên dòng chính sông Mê
Kông, đến cuối tháng 2, dòng chảy giảm nhanh (thấp nhất khoảng 6,5 m) dù
từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, lưu lượng từ thượng lưu về đồng bằng
có sự gia tăng đột biến (cao nhất khoảng 8 m).
Tại trạm Kratie, trừ thời điểm từ cuối
tháng 1 đến đầu tháng 2 nói trên, mực nước mùa khô năm 2015-2016 kể từ
đầu tháng 11/2015 đến nay đều thấp hơn so với mực nước mùa khô hai năm
trước.
Tại trạm Chiang Saen, diễn biến mực
nước cuối tháng 2 dù cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp
hơn khoảng 1 m so với cùng kỳ mùa khô 2013-2014.
“Như vậy, dòng chảy từ thượng lưu về
đồng bằng nước ta trong năm thủy văn nói chung và mùa khô 2015-2016 nói
riêng dự kiến ở mức thấp lịch sử.
Tuy dòng chảy thượng lưu về đồng
bằng trong đầu tháng 2 có gia tăng đột biến nhưng không duy trì và đến
những ngày cuối tháng 2 dòng chảy thượng lưu có xu thế tăng nhưng không
đáng kể;
Do vậy, xâm nhập mặn trên Đồng bằng
từ tháng 3 đến hết mùa khô có khả năng duy trì ở mức cao và hết sức
nghiêm trọng như đã dự báo trước đây”, báo cáo viết.
Ngoài ra, báo cáo cho hay, trong mùa khô
năm 2015 – 2016, thủy triều chưa có yếu tố gì đặc biệt, chỉ ở mức bình
thường như mọi năm, đỉnh triều rơi vào đầu tháng. Mùa gió chướng (ở Biển
Đông) bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô, là yếu tố làm gia tăng xâm
nhập mặn vào hệ thống sông kênh, rạch ĐBSCL.
Về nguồn cung nước ngọt tự nhiên tại
vùng, do ảnh hưởng hiện tượng EL Nino dự kiến kéo dài đến tháng
6/2016, nền nhiệt độ dự báo trong các tháng mùa khô 2016 trên đồng bằng
có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C, nhiệt độ cao
nhất ở mức 33-37 độ C. Điều này khiến nguồn nước ngọt trên đồng bằng sẽ
rất khan hiếm; bốc hơi gia tăng, dẫn đến tăng xâm nhập mặn và làm tăng
nhu cầu nước cho cây trồng.
Ngày 7/3, tại cuộc họp khẩn với các địa
phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về phòng chống hạn hán, xâm
nhập mặn tổ chức tại Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao sớm chuẩn
bị nội dung công hàm gửi Chính phủ Trung Quốc về việc điều tiết, xả bớt lượng nước tích trữ tại các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông thuộc tỉnh Vân Nam để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn cho ĐBSCL.
Trong cuộc phỏng vấn trên báo Dân Việt ngày 9/3, TS Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho biết: “Việc
gặp gỡ một lúc 4 nước thượng nguồn sông Mekong (Trung Quốc, Thái Lan,
Lào và Myanmar) là rất khó khăn, nhất là Trung Quốc lại càng khó. Dự
kiến, từ ngày 15 đến 17/3 tới, sẽ có phiên họp lần thứ 43 Ủy ban Liên
hợp Ủy hội Sông Mekong quốc tế. Tại phiên họp này, chúng tôi sẽ làm việc
với các nước trong lưu vực, đặc biệt là các nước thượng nguồn để có
giải pháp điều tiết nước cho vùng ĐBSCL”.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết: “Việc
họ xả nước ra để phục vụ riêng cho chúng ta là điều rất khó khăn. Trước
mắt, tôi cho rằng với nguồn nước hiện có, chúng ta phải có kế hoạch sử
dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Còn về phía Ủy ban Sông Mekong Việt Nam,
chúng tôi sẽ trao đổi với họ để chia sẻ thông tin về nguồn nước và điều
tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho vùng ĐBSCL”.
|
Phan A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét