Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

LỜI TỎ TÌNH MỘC MẠC CỦA DÂN QUÊ MIỀN NAM




                  
                                
            
                                         Sông dài cá lội biệt tăm,
                                   Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ.
                                        Sông sâu cá lội vào bờ,
                                   Phải duyên thì lấy, đợi chờ nhau chi!
        Lãng vãng đâu đây lời ca dao miền Nam nước Việt còn nghe vang như giấc mộng của tình yêu thuở nào:
               Tui đi lục tỉnh giáp vòng,
                 Đến đây thấy bậu đem lòng thương yêu" .
Hay:        “Nhớ em anh nhớ thấy bà,
                 Làm bộ tới cổng hỏi gà bán không?

Xin thưa cùng các bạn,
        Rỗi rảnh, xin hãy cùng nhau đọc những câu tỏ tình mộc mạc của dân quê miền Nam, thấy vui vui, nhẹ nhàng mà ngọt ngào làm sao!....
        Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là chất hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu Nam bộ. Đó cũng là biểu hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây. Trước hết là chất hóm hỉnh không cố tình, không dụng công, toát ra một cách tự nhiên qua những từ ngữ mộc mạc; không hề trau chuốt; chân thật đến độ người nghe phải bật cười.
         Một anh chàng quá đỗi si tình đã trở thành “liều mạng”:
         Dao phay kề cổ, máu đổ không màng,
          Chết thì chịu chết, buông nàng… không buông
”.
          Một cô nàng thật thà cả tin đã giật mình “hú vía” vì kịp thời nhận ra “chân tướng” đối tượng:
         May không chút nữa em lầm,
           Khoai lang xắt lát tưởng sâm bên Tàu
”.
           Có những nỗi niềm tương tư ấp ủ trong lòng, nhưng cũng có khi người ta không ngại ngần thổ lộ trực tiếp với bạn tình:
          Tôi xa mình hổng chết cũng đau,
            Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền
”.
            Họ là những người lao động chân chất, nên cũng bày tỏ tình cảm với nhau bằng thứ khẩu ngữ thường ngày không chưng diện, màu mè. Tuy vậy, cái tình trong đó cũng mãnh liệt và sâu sắc. Đây là lời tâm sự của một anh chàng đêm hôm khuya khoắt lặn lội đi thăm người yêu:
            Thương em nên mới đi đêm,
              Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau”.
              May đất mềm nên mới hổng đau,
              Phải mà đất cứng chắc xa nhau phen này
”.
          Chàng thật thà chất phác, nhưng mà cũng có chút ranh ma đấy chứ? Chất hóm hỉnh đã toát ra từ cái “thật thà tội nghiệp”.
         Nhưng phần lớn vẫn là sự hóm hỉnh mang tính chất đùa nghịch. Một chàng trai đã phóng đại nỗi nhớ người yêu của mình bằng cách so sánh ví von trào lộng:
             Vắng cơm ba bữa còn no,
               Vắng em một bữa giở giò không lên!

          Nỗi vấn vương tơ tưởng đi vào tận giấc ngủ khiến chàng trở nên lú lẫn một cách buồn cười:
              Phòng loan trải chiếu rộng thình,
                Lăn qua đụng gối, tưởng mình…..em ơi!”

           Nhưng cái độc đáo là ở đây nỗi niềm đó lại được bộc lộ một cách hài hước:
             Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa,
               Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều
”.
          Có một chút phóng đại làm cho lời nói nghe hơi khó tin! Nhưng chẳng hề gì đâu. Chàng nói không phải cốt để đối tượng tin những điều đó là sự thật mà chỉ cốt cho nàng thấu hiểu tấm tình si của mình. Nàng bật cười cũng được, phê rằng ‘xạo’ cũng được, miễn sao nàng hiểu rằng mình đã phải ngoa ngôn lên đến thế để mong người ta rõ được lòng mình đấy thôi.
         Lại có một chàng trai đang thời kỳ o bế đối tượng, muốn khen cô nàng xinh đẹp, dễ thương mà khó mở lời trực tiếp. Để tránh đột ngột, sỗ sàng, chàng đã nghĩ ra một con đường vòng hiếm có:
               Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh,
                 Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương!
”.
         Mục đích cuối cùng chỉ đơn giản là khen ‘mình dễ thương’ mà chàng đã vòng qua năm non bảy núi. Có thể nói, không một ngôn từ nào nói lên hết tấm lòng của đôi trái gái yêu nhau hay tình chồng vợ thắm thiết bằng ngôn từ “mình ơi!”. Ngọt ngài, bình dị, tự nhiên, gợi cảm, mượt mà, nóng ấm từ trái tim.
         Bắt đầu từ thế giới tự nhiên – trong thế giới tự nhiên lại bắt đầu từ ông trời – tạo hóa sinh ra những loại cây, hoa đẹp đẽ – rồi mới bước qua thế giới của loài người – trong thế giới loài người lại từ hiện tại ngược dòng lịch sử để bắt đầu từ tổ tiên ông bà, tới thế hệ cha mẹ, rồi tới nhân vật chính – “mình”. Thật là “nhiêu khê”, vòng vo tam quốc làm cho đối tượng hoàn toàn bất ngờ. Những lời ngộ nghĩnh kia dẫn dắt tới sự hiếu kỳ háo hức muốn biết “chuyện gì đây?”, cho đến khi cái kết cục thình lình xuất hiện làm cho cô nàng không kịp chống đỡ… Nhưng mà nó thật êm ái, thật có duyên biết bao, nên dù phải đỏ mặt, cô hẳn cũng vui lòng và không thể buông lời trách móc anh chàng khéo nịnh! Ngược lại, cũng có những lời tỏ tình khá táo bạo, sỗ sàng, nhưng hình ảnh thì lại hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm:
                 Con ếch ngồi dựa gốc bưng,
                   Nó kêu cái ‘quệt’, biểu ưng cho rồi
”.
         Những người nghe câu “xúi bẩy” này không thể không bật cười, còn đối tượng xúi bẩy cùng lắm cũng có thể tặng cho người xúi có phần trơ tráo kia một cái nguýt dài.
         Những câu ca dao hóm hỉnh không chỉ bật lên từ tâm trạng đang vui, tràn đầy hy vọng, có khi ‘rầu thúi ruột’ mà họ vẫn đùa. Những trắc trở trong tình yêu nhiều lúc được trào lộng hóa để ẩn giấu nỗi niềm của người trong cuộc:
                 Thác ba năm thịt đã thành bùn,
                   Đầu thai con chim nhạn đậu nhánh tùng chờ em
”.
        Quả là “khối tình thác xuống tuyền đài chưa tan”, nên chàng lại quyết tâm chờ tiếp ở kiếp sau cho đến khi nào nên duyên nên nợ. Kiên nhẫn đến thế là cùng!
        Khi chàng trai cố gắng đến hết cách vẫn không cưới được người mình yêu, không biết trút giận vào đâu, bèn đổ lỗi cho một nhân vật tưởng tượng:
                  Quất ông tơ cái trot,
                    Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần,
                    Biểu ông se mối chỉ năm bảy lần, ổng hổng se!

        Thái độ quyết liệt trong tình yêu lắm lúc được thể hiện đầy mãnh liệt. Anh chàng hay cô nàng trong câu ca dao dưới đây đã xem cái chết nhẹ như lông hồng. Thà chết còn hơn là lẻ bạn!
                  Chẳng thà lăn xuống giếng cái ‘chũm’
                    Chết ngủm rồi đời,
                    Sống chi đây chịu chữ mồ côi,
                    Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai?

        Có chàng trai thì quyết tâm đem tuổi thanh xuân gửi vào cửa Phật:
                   “Nếu mà không lấy đặng em,
                    Anh về đóng cửa cài rèm đi tu
”.
        Chàng vừa muốn tỏ lòng mình vừa muốn thử lòng người yêu. Và cô nàng cũng tỏ ra quyết tâm không kém. Chàng đi đến đâu nàng theo đến đó để thách thức cùng số phận:
                Tu đâu cho em tu cùng,
                  May ra thành Phật thờ chung một chùa
”.
         Bằng câu đùa dí dỏm của mình, cô nàng đã làm nhẹ hẳn tầm nghiêm trọng của vấn đề trong tư tưởng anh chàng và cũng hóa giải tâm tư lo âu, phiền muộn của chàng – ‘Có gì đáng bi quan đến thế? Cái chính là em vẫn giữ vững lập trường’ – đồng thời cũng hàm thêm chút chế giễu – ‘Mà có chắc là tu được không đấy?’. Khi yêu, nhiều cô gái cũng mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình không kém các chàng trai.
                Phải chi cắt ruột đừng đau,
                  Để em cắt ruột trao nhau mang về
”.
         Không tiếc cả thân thể, sinh mạng của mình, nhưng cô gái chỉ… sợ đau, thật là một cái sợ đầy nữ tính rất đáng yêu. Hay khi chàng trai muốn liều mình chứng tỏ tình yêu, nhưng cũng lại ‘nhát gan’ đến bật cười:
                 Gá duyên chẳng đặng hội này,
                  Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô
”.
         Tinh nghịch, hóm hỉnh những lúc đùa vui và cả những khi thất vọng, đó là tinh thần của người lao động để chống chọi những khắc nghiệt của hoàn cảnh. Những chàng trai, cô gái đất phương Nam đã lưu lại trong lời ca câu hát cả tâm hồn yêu đời, ham sống, hồn nhiên của họ trên con đường khai mở vùng đất mới của quê hương tiếp nối qua bao thế hệ   Đó là tinh thần phóng khoáng, linh hoạt, dày dạn ứng biến của những con người:
                Ra đi gặp vịt cũng lùa,
                 Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu
…”
Tài liệu sưu tầm chuyển từ John Huỳnh & Mỹ Hoàn.
Hồ Xưa trình bày lại____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...